Lấy nước tối đa từ các hồ thủy điện, phục vụ gieo cấy lúa

22:52 17/01/2024

Ngày 17/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị các địa phương tận dụng lấy nước tối đa từ các hồ thủy điện để phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Căn cứ văn bản số 8128/TB-BNN-TL ngày 10/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông báo lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ; theo đó, thời gian lấy nước gồm 2 đợt với tổng cộng 12 ngày, cụ thể như sau:

Trạm bơm nông nghiệp hoạt động phục vụ gieo cấy lúa.

Đợt 1: từ 0h ngày 23/1 đến 24h ngày 30/1/2024 (8 ngày).

Đợt 2: từ 0h ngày 18/2 đến 24h ngày 21/2/2024 (4 ngày).

Nhằm đảm bảo đủ nước và đảm bảo điện phục vụ bơm nước gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2023-2024, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thực hiện điều tiết nước các hồ thủy điện và vận hành hệ thống hợp lý để đáp ứng nhu cầu nước và đảm bảo kế hoạch cung cấp điện. Đồng thời, điều tiết các hồ chứa duy trì mực nước tại TP Hà Nội ở mức hợp lý để tiết kiệm nguồn nước đảm bảo hiệu quả cao nhất của 2 đợt lấy nước tập trung và đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024 cho hệ thống điện quốc gia.

EVN cũng đã yêu cầu Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội chỉ đạo Giám đốc các Công ty Điện lực liên quan phối hợp chặt chẽ với các Sở NN&PTNT, các Công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn để thống nhất phương án đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho tất cả các trạm bơm, đặc biệt là các trạm bơm đầu mối và các trạm bơm dã chiến trong suốt thời gian từ ngày 20/1 đến ngày 21/2/2024; đồng thời phối hợp, trao đổi với địa phương, trao đổi để thực hiện lấy nước hiệu quả, tiết kiệm.

Để sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là đảm bảo nước các hồ thủy điện để phục vụ cung cấp điện trong các tháng mùa khô năm 2024, EVN kính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND TP Hà Nội sớm triển khai thực hiện các công việc như yêu cầu của Bộ NN&PTNT, bao gồm: Tổ chức xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp với lịch lấy nước, bảo đảm cung cấp đủ nước cho các diện tích gieo cấy có nhu cầu lấy nước từ hệ thống sông Hồng trong 2 đợt lấy nước; tăng cường các giải pháp giữ nước trên ruộng để hạn chế thất thoát nước trong thời gian dài giữa đợt 1 và đợt 2 lấy nước (18 ngày), bảo đảm hạn chế tối đa việc thất thoát, lãng phí nước; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung nêu tại Văn bản số 6096/BNN-TL ngày 31/8/2023 của Bộ NN&PTNT về việc tiếp tục tăng cường thực hiện giải pháp thích ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024.

EVN đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố chỉ đạo các địa phương chủ động bơm sớm, trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp và các kênh dẫn từ các nguồn nước sẵn có ở sông, ngòi. Ngoài ra, cần lấy đủ nước vào ruộng trong thời gian xả nước tập trung từ các hồ thủy điện nhằm tránh lãng phí nước và tiết kiệm sử dụng điện. Các đơn vị Điện lực cũng đề nghị các công ty khai thác công trình thủy lợi theo dõi sát nguồn nước trong thời gian xả nước tập trung, để bơm nước vào hệ thống thủy nông, sử dụng có hiệu quả nguồn nước từ các hồ thủy điện, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước đổ ải và tưới dưỡng cho lúa.

Để việc lấy nước đạt hiệu quả cao, Bộ NN&PTNT trước đó đã có văn bản số 6096/BNN-TL ngày 31/8/2023 về việc tiếp tục tăng cường thực hiện giải pháp thích ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2023-2024. Mới đây, Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cũng đã ban hành Công điện số 01/CĐ-TL-QLVH ngày 15/1/2024 gửi Giám đốc Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố; Giám đốc các đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi liên tỉnh chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện việc tổ chức lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Nhật Hà

Những ngày này, đường phố, giao thông Hà Nội đang bị đảo lộn do một số tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng luôn ứng trực giúp người dân đi lại được thuận tiện, an toàn.

Việc tìm kiếm người mất tích tại 2 điểm sạt lở đất gây thương vong lớn tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông và khu Nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc vẫn đang được gấp rút thực hiện với 350 người trực tiếp tham gia, trong đó có hơn 100 CBCS công an.

Trưa 12/9, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Tại các khoa điều trị, những người dân vô cùng may mắn đã sống sót sau cơn lũ dữ ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai đang được điều trị tích cực. Nỗi bàng hoàng, đau đớn vẫn vương trên những gương mặt thất thần…

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương thống kê thiệt hại đến 12h30 ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão khiến 327 người chết, mất tích (199 người chết, 128 người mất tích), 807 người bị thương.

Để đưa thi thể nạn nhân về huyện Nguyên Bình bàn giao an toàn cho gia đình, CBCS Công an huyện Bảo Lạc phải trực tiếp đi bộ hơn 20km, khiêng thi thể vượt qua nhiều tuyến đường nguy hiểm, do quãng đường di chuyển từ Bảo Lạc sang Nguyên Bình đang bị ách tắc nghiêm trọng vì đất đá sạt lở và mưa lũ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文