Lỏng lẻo trong quản lý đối với hoạt động của Grab
Như Báo CAND đã phản ánh về những vẫn đề còn tồn tại trong quản lý đối với hoạt động vận tải công nghệ, trong đó có việc đầu tư “núp bóng” doanh nghiệp nội của “ông lớn” là Công ty TNHH Grab (Grab). Sau loạt bài trên, một số cơ quan quản lý trực tiếp đối với Grab (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) đã có phản hồi về trách nhiệm quản lý đối với doanh nghiệp này.
Về vấn đề quản lý thuế đối với Grab, ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục thuế TP Hồ Chí Minh thông tin: Căn cứ các báo cáo tài chính năm từ 2017-2022 của Grab và dữ liệu nộp thuế đến ngày 30/6/2023 cũng như báo cáo kiểm toán của Grab năm 2022 thì Grab đã nộp tổng cộng 2.500 tỷ đồng tiền thuế. Tuy vậy, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Grab đã lỗ lũy kế số tiền lên đến 4.036 tỷ đồng. Grab chỉ có lãi trong 2 năm: năm 2020 Grab lãi hơn 243 tỷ đồng và năm 2022 lãi hơn 300 tỷ đồng.
Cũng theo ông Thái Minh Giao, Grab đã được cơ quan thuế thanh tra, truy thu số tiền hơn 2,28 tỷ đồng, xử phạt vi phạm thủ tục hành chính và phạt chậm nộp số tiền gần 700 triệu đồng. Từ việc thanh tra, Grab cũng đã giảm lỗ số tiền hơn 56,5 tỷ đồng.
Đối với tờ khai VAT mã số chính, Grab thực hiện kê khai doanh thu và thuế VAT cho phần doanh thu công ty được chia trong hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Grab và đối tác tài xế, thường có giá trị từ 20-25% trên giá trị hóa đơn thực xuất. Như vậy, số tiền Grab đã nộp thuế trên chiếm phần lớn là tiền thuế kê khai, nộp thay cho tài xế và chỉ với phần mềm đã đưa vào khai thác, Grab ngồi không cũng đã được hưởng 1/5 - 1/4 giá trị khoản thu trên mỗi cuốc xe của tài xế.
Doanh thu hàng năm của Grab đã có mức tăng trưởng rất nhanh, nếu như năm 2018 mới chỉ đạt 2.194 tỷ đồng thì đến năm 2022 doanh thu đã tăng lên mức 6.384 tỷ đồng. Trong khi đó nguồn vốn đầu tư kinh doanh lớn nhất dành cho mua sắm phương tiện vận chuyển đã được các đối tác là tài xế “gánh” nên vốn điều lệ của Grab chỉ ở mức khiêm tốn là 20 tỷ đồng. Dù doanh thu liên tục tăng nhưng do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng rất nhanh và chiếm tỷ lệ lớn. Chi phí này trong giai đoạn 2018-2022 đã tăng từ mức 1.816 tỷ đồng lên 3.722 tỷ đồng/năm.
Do vậy nguồn vốn cho hoạt động của Grab đều từ các khoản vay của các công ty ở nước ngoài trong hệ sinh thái là GrabTaxi Holdings Pte Ltd và Grab Inc với lãi suất là 0%. Nếu như cuối năm 2018, khoản vay này là 1.370 tỷ đồng thì sang năm 2019 vốn vay đã tăng lên 5.700 tỷ đồng, năm 2020 là 5.180 tỷ đồng, năm 2021 là 4.270 tỷ đồng và cuối năm 2022 giảm còn hơn 4.000 tỷ đồng. Với khoản vốn vay không lãi suất này, Grab đã thoải mái đưa ra các chương trình thu hút khách hàng bằng cách khuyến mại, giảm giá và kết quả là doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm.
Tuy Grab là doanh nghiệp mang “mác” nội 100% về mặt pháp lý, nhưng bà Thái Thị Hồng Sen, Chánh Văn phòng Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đến nay, Sở Công thương chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh thực hiện dịch vụ thương mại điện tử của Grab”. Rà soát trên hệ thống cơ sở dữ liệu, Sở Công thương thành phố chỉ ghi nhận Grab có nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa và cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, cụ thể là dịch vụ sàn thương mại điện tử và dịch vụ khuyến mại trực tuyến. Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu của Sở Công thương về quản lý hoạt động khuyến mại chỉ ghi nhận Grab có nộp hồ sơ thực hiện chương trình khuyến mại và đã được Sở Công thương tiếp nhận, giải quyết. Hệ thống cơ sở dữ liệu của Sở Công thương không có các thông tin liên quan đến Grab.
Grab là doanh nghiệp có số vốn đăng ký nhỏ nên theo các quy định hiện hành, việc quản lý đối với Grab cũng không thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi đến nay, Việt Nam có đến 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Việc đầu tư “núp bóng” đã giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh mà họ không được thực hiện. Với trường hợp của Grab, trong các lĩnh vực mà công ty này đang kinh doanh có “Dịch vụ logistics” và “Hoạt động thương mại điện tử”, đều thuộc ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ. Nếu không “núp bóng” dưới danh nghĩa doanh nghiệp nội, liệu Grab có đủ điều kiện để hoạt động hay không và việc quản lý đối với doanh nghiệp này trong thời gian tới sẽ như thế nào là vấn đề cần các cơ quan chức năng phải có hành động cụ thể.