Lý do nào khiến doanh nghiệp xin trả lại mỏ khoáng sản sau khi trúng đấu giá ?

05:38 22/10/2024

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ 2020 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các Sở, ban, ngành và các huyện, thị xã đóng trên địa bàn tỉnh tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức 5 đợt đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.

Qua đó, có 51 khu vực mỏ khoáng sản được tổ chức đấu giá thành công, trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường hơn 60 triệu m3. Tuy nhiên, có một điều nghịch lý, đó là sau khi trúng đấu giá mỏ khoáng sản thì một số doanh nghiệp lại có văn bản gửi đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xin trả lại mỏ.

Một số doanh nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế xin trả lại mỏ khoáng sản dù đấu giá thành công.

Như trường hợp Công ty CP Kim Long Motors Huế (địa chỉ ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) đấu trúng mỏ đất tại núi Cảnh Dương, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc với diện tích 28,22ha thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Đến cuối tháng 5/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản đất làm vật liệu san lấp và đá làm vật liệu xây dựng thông thường trong báo cáo kết quả thăm dò trữ lượng khoáng sản tại khu vực núi Cảnh Dương. Tuy nhiên sau đó Công ty CP Kim Long Motors Huế có công văn gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xin được trả kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại núi Cảnh Dương.

Theo doanh nghiệp này, nguyên nhân xin trả kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản là do trong quá trình thăm dò mỏ đất làm vật liệu san lấp tại núi Cảnh Dương đã phát hiện mỏ có trữ lượng đá rất lớn. Trong khi nhu cầu của đơn vị chỉ sử dụng đất làm vật liệu san lấp để thực hiện dự án, không có mục đích kinh doanh và không có nhu cầu về khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường nên xin trả kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực núi Cảnh Dương.

“Sau khi nhận được đề nghị của Công ty, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định hủy kết quả phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Cảnh Dương. Đồng thời số tiền đặt trước của Công ty khi tham gia đấu giá hơn 268 triệu đồng được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định”, đại diện Công ty CP Kim Long Motors Huế cho hay.

Tương tự mới đây, Công ty CP Gạch Tuynen Phong Thu cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xin trả kết quả trúng đấu giá quyền khai thác mỏ đất tại đồi Kiền Kiền (xã Phong Thu, huyện Phong Điền). Nguyên nhân là do sau khi trúng đấu giá mỏ khoáng sản này, doanh nghiệp tiến hành khoan thăm dò thì phát hiện khu mỏ chứa loại khoáng sản không phù hợp với nhu cầu sản xuất của đơn vị nên đã xin trả lại mỏ.

Ngoài ra, sau khi đấu giá thành công, có một số doanh nghiệp xin trả lại mỏ khoáng sản do vướng mắc trong công tác thỏa thuận đền bù với người dân dẫn đến gặp khó trong giải phóng mặt bằng khu mỏ. Như trường hợp Công ty CP Đầu tư Thuận Hóa trúng đấu giá mỏ đất làm vật liệu san lấp tại khu vực thôn Phường Hóp (xã Phong An, huyện Phong Điền). Sau khi lập hồ sơ thăm dò trữ lượng khoáng sản khu mỏ, Công ty CP Đầu tư Thuận Hóa tiến hành thỏa thuận đền bù đất rừng với các hộ dân tại địa phương. Tuy nhiên do người dân đưa ra mức giá đền bù quá cao khi 1ha rừng yêu cầu đền bù hơn 1 tỷ đồng nên các bên không đạt được thỏa thuận. Do không thỏa thuận được với chủ sở hữu đất để thực hiện giải phóng mặt bằng nên sau khi doanh nghiệp này có văn bản, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất trên.

Theo đại diện các doanh nghiệp, tại điểm đ, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 trước đây có quy định, các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khai thác khoáng sản. Vì thế, trong trường hợp chưa thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng vẫn tổ chức đấu giá sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ đất và doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ khoáng sản.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã tháo gỡ các vướng mắc trên. Cụ thể, tại khoản 25, Điều 79 Luật Đất đai 2024 quy định rõ: Nhà nước sẽ thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Trong đó có hoạt động khai thác khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, kể cả hạng mục công trình phục vụ cho việc khai thác, chế biến khoáng sản gắn với khu vực khai thác và hành lang bảo vệ an toàn cho việc khai thác mà phải thu hồi đất.

“Những quy định mới của Luật Đất đai 2024 sẽ tháo gỡ kịp thời những vướng mắc kể trên, giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động đấu giá, khai thác mỏ khoáng sản. Qua đó góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới”, ông Lê Bá Phúc khẳng định.

Anh Khoa

Thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình đã lập chiến công xuất sắc, bắt giữ tên trùm ma túy đặc biệt nguy hiểm Hà Công Thành, sinh năm 1986, trú tại bản Bò Báu, xã Đồng Tân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Theo ông Andrii Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm chống thông tin sai lệch của Ukraine, quân đội Ukraine đã tấn công các lực lượng Nga theo nhiều hướng ở tỉnh Kursk. Chiến dịch của Ukraine nhắm vào làng Berdin, phía Đông Bắc thị trấn Sudzha, TASS hôm 5/1 đưa tin.

Các dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang ngày càng phổ biến, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lợi dụng nhu cầu đổi tiền mới để lì xì trong dịp Tết của người dân, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng đánh vào tâm lý người dân để lừa đảo với thủ đoạn hết sức tinh vi.

Điều này xảy ra sau khi Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol chống lại lệnh bắt giữ liên quan đến việc ông áp đặt lệnh thiết quân luật, chỉ vài ngày trước khi lệnh này hết hiệu lực vào 6/1. Hôm 3/1, hơn 100 cảnh sát mang theo lệnh bắt giữ trong tay nhưng cuối cùng vẫn không làm gì được Tổng thống Yoon Suk-yeol dù đã bao vây tư dinh của ông tới 6 tiếng đồng hồ trong ngày 3/1.

Dù đã liên tục phát đi cảnh báo song càng đến những ngày cuối năm, tình trạng lừa đảo công nghệ cao càng diễn biến phức tạp, cùng với đó số nạn nhân tiếp tục gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Những chiêu lừa không mới như tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp, đầu tư tài chính...

Theo Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn đang có đến 220 dự án tồn đọng, dừng thi công. Trong đó số dự án có vốn đầu tư công lên đến 161; dự án đầu tư bằng vốn tư nhân là 50 và có 9 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Dự án đầu tư công chậm tiến độ kéo dài trên không chỉ khiến các công trình bị đội vốn rất lớn do trượt giá, chi phí bồi thường tăng cao, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công. 

Thế giới đã bước sang năm mới 2025 nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ gây mất an ninh, từ xung đột địa chính trị, khủng bố, đến thảm họa tự nhiên và các cuộc tấn công mạng. Những mối đe dọa này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia mà còn đe dọa hòa bình và ổn định toàn cầu.

Đường dây do các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), cư trú trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều hành; hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng và lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người nước ngoài, rửa tiền thông qua mua bán ngoại tệ, tiền ảo, với số tiền đã chiếm đoạt lên đến 84 triệu USD, tương đương 2.000 tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文