Nâng cao bảo mật, an toàn cho giao dịch không tiền mặt
Chiều 14/6, tại TP Hồ Chí Minh, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Sở Công thương TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn cho giao dịch không tiền mặt”. Hoạt động này nằm trong chương trình Ngày không tiền mặt 2024, với chủ đề: “Thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt an toàn” với nhiều hoạt động đa dạng.
Đến dự hội thảo có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND (Bộ Công an); Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM&PCTPSDCNC - Bộ Công an); cùng dự có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Tổng cục Thuế…
Từ năm 2019, được sự đồng ý của Chính phủ, NHNN cùng Báo Tuổi Trẻ liên tục tổ chức Chương trình Ngày không tiền mặt. Chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp hiệu quả vào Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình giao dịch, thanh toán vừa qua chứng kiến một số sự cố bảo mật, mất an toàn.
Do đó, hội thảo được tổ chức thành hai phiên chính nhằm góp phần giải quyết vấn đề trên. Trong đó, phiên 1 có chủ đề “Nâng cao khả năng bảo mật cho các ngân hàng”. Phiên 2 có chủ đề “Nâng cao khả năng bảo mật cho giao dịch cá nhân”. Mỗi phiên bao gồm phần thảo luận về giải pháp để bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an ninh, an toàn, liên tục giải pháp để nâng cao khả năng bảo vệ cho giao dịch cá nhân, bảo vệ người dùng.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua Bộ Tài chính là một trong các đơn vị đi đầu trong việc thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của các dịch vụ TTKDTM, ngành tài chính, ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức không nhỏ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Với tham luận “Thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng - giải pháp ngăn ngừa”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang nêu thực tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp, móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.
Năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP). Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong các vụ lừa đảo, có tới 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính, 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Đáng lưu ý, các đối tượng này hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật. Chúng xây dựng kịch bản và phân công vai trò cụ thể, đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, lợi dụng khoa học, công nghệ để lừa đảo. Chúng cũng thường trú chân tại các quốc gia láng giềng như Campuchia, Myanmar… Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các phương thức, thủ đoạn chính với 3 nhóm: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản, các hình thức kết hợp khác, với 24 thủ đoạn lừa đảo…
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, để ngăn chặn tình trạng lừa đảo này, cơ quan chức năng cần có biện pháp như: Hạn chế SIM “rác”, tài khoản “rác” thông qua định danh, xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Ngăn chặn, hạn chế giao dịch, chuyển nhận dòng tiền vi phạm pháp luật; Làm việc với Google, Facebook… kiểm soát, ngăn chặn, phối hợp cung cấp thông tin tội phạm lừa đảo qua mạng; Phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia xây dựng, cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng (dự kiến ra mắt trong quý 3/2024).
Trong năm 2023, Cục ANM&PCTPSDCNC Bộ công an đã xác minh, truy vết, phát hiện tin tặc, gián điệp mạng đã tấn công, đánh cắp, mã hóa gần 700 GB dữ liệu, hàng chục nghìn tài liệu nội bộ, 62 triệu thông tin, dữ liệu cá nhân. Cục cũng phối hợp với Công an các đơn vị địa phương khởi tố hơn 1.500 vụ án, trong đó chủ yếu là tội phạm lợi dụng thanh toán không tiền mặt để lừa đảo.
Trước tình hình tội phạm đang tìm cách đối phó với yêu cầu xác thực của NHNN, Cục ANM&PCTPSDCNC khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng để có thể tự bảo vệ bản thân: Thận trọng, tìm hiểu, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch. Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc; Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ; Tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; Cài đặt bảo mật 2 lớp; Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè… trên mạng.
Với tham luận “Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết hiện nay số tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân lên tới hơn 182 triệu tài khoản, số lượng người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng chiếm 87,08%...
Theo ông Phạm Anh Tuấn, thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để đảm bảo an ninh, an toàn giao dịch, TTKDTM và phòng chống tội phạm công nghệ cao…
Ngay sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ khai mạc Lễ hội Không tiền mặt tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, với hàng loạt sự kiện xuyên suốt từ ngày 14 đến 16/6.