Ngân hàng luôn sẵn sàng tiền cho vay gói 140 nghìn tỷ
Thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tham gia vào, nên gói 120 nghìn tỷ cho vay nhà ở xã hội đã tăng quy mô lên thành 140 nghìn tỷ. Các ngân hàng cho biết sẵn sàng tiền cho vay, người dân và doanh nghiệp.
Đây là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 17/10.
Theo đó, thông tin về gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ, ông Tú cho biết trước đây, chỉ có 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) tham gia cho vay. Tuy nhiên, hiện nay, gói tín dụng này đã nâng giá trị lên 140 nghìn tỷ khi có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tham gia vào (gồm: TPBank, VPBank, MBBank, Techcombank), mỗi ngân hàng thêm đăng ký cho vay thêm 5 nghìn tỷ, nên đã nâng quy mô gói tín dụng lên 140 nghìn tỷ.
Về lãi suất, theo thông tin trước đó, NHNN cho biết các ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cụ thể, đã 4 lần công bố lãi suất áp dụng đối với Chương trình (theo hướng giảm dần qua các kỳ công bố).
Hiện, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại áp dụng đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án ở mức 7%/năm và đối với khách hàng là người mua nhà tại dự án ở mức 6,5%/năm (áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024). Như vậy, lãi suất áp dụng đối với Chương trình 140 nghìn tỷ đồng đã giảm 1%/năm so với kỳ 1/1/2024-30/6/2024 và giảm gần 2%/năm so với thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/8/2024, Thống đốc NHNN đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý đề xuất điều chỉnh nội dung Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo hướng nâng mức giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà từ 2% lên 3% trong 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo thấp hơn 1% đến 2%, so với lãi suất cho vay bình quân trung dài hạn VND của 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Đồng thời, đổi tên chương trình thành Chương trình cho vay nhà ở xã hội từ nguồn lực của ngân hàng thương mại
Được biết, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội đã giải ngân 1.344 tỷ đồng, tăng 646,67% so với cuối năm 2023. Bộ Xây dựng lý giải, việc giải ngân gói tín dụng này còn chậm bởi còn ít ngân hàng tham gia.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại như: Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai như quy hoạch bố trí quỹ đất, việc công khai dự án thu hút đầu tư. Một số dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư, nhưng việc triển khai xây dựng còn chậm. Một số doanh nghiệp còn khó khăn về nguồn vốn…
Phía NHNN thì cho rằng việc chậm giải ngân có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế.
Đến nay, cả nước mới có 34/63 tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 78 dự án; một số dự án gặp vướng mắc về mặt pháp lý (về thủ tục về đầu tư, đất đai...). Ngoài ra, theo báo cáo của một số địa phương, đa số người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp hoặc đối với công nhân trong các khu công nghiệp không có nhu cầu ở dài hạn nên không có nhu cầu mua nhà ở xã hội, chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội...
“Tiến độ giải ngân gói tín dụng 140 nghìn tỷ phụ thuộc vào pháp lý của dự án, của các chủ đầu tư, còn tiền từ phía ngân hàng thì luôn sẵn sàng, với trách nhiệm cao từ phía các ngân hàng đã đăng ký tham gia”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.