Ngân hàng phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, việc giảm cả lãi suất huy động và cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hỗ trợ nền kinh tế là yêu cầu của lãnh đạo NHNN đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), chứ không phải chỉ là kêu gọi đồng thuận. Ngân hàng nào khó khăn thì báo cáo để NHNN có giải pháp hỗ trợ.
Dù đã có nhiều cố gắng điều hành từ NHNN, song mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường vẫn rất cao, phổ biến từ 9 - 10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5%/năm. Việc một số NHTM điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay. Cụ thể, tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)… Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.
Theo các ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa có xu hướng giảm, trong đó có việc một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng, chứ không hẳn gặp vấn đề thanh khoản. Bên cạnh đó, áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn dẫn đến các NHTM đẩy lãi suất huy động vốn trung dài hạn lên cao hơn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định...
Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Dự đoán, trong những tháng cuối năm, nhu cầu vốn của các DN tăng cao, trong khi nguồn tiền của DN rất hạn hẹp vì khó có thể huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn. Do đó, các DN sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhu cầu tín dụng ở mức cao trong khi hạn mức tín dụng vẫn bị kiểm soát sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất cho vay. Để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ngày 6/12/2022, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên 1,5 đến 2%, theo đó ngân hàng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn; các ngân hàng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Để hỗ trợ nền kinh tế, sau khi NHNN nới room tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm. Tuy nhiên, theo DN phản ánh, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn còn ở mức tương đối cao: Lãi suất cho vay trung bình tại các ngân hàng thường dao động từ 10 - 16%/năm (cho vay tín chấp), còn đối với vay thế chấp thì lãi suất dao động từ 10 - 14%/năm.
Trước thực tế này, ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng đã phối hợp với NHNN tổ chức hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ DN và nền kinh tế. ''Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ DN là chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ'', Phó Thống đốc nhấn mạnh. Các biện pháp hỗ trợ ở đây là hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện đã có 100% hội viên của Hiệp hội Ngân hàng đồng thuận ở cả hai nội dung. Thứ nhất, đồng thuận huy động lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ ở mức 9,5% trên tất cả các kỳ hạn, trong đó không được thưởng liên quan đến lãi suất. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng. Thứ hai, các tổ chức tín dụng cũng rất đồng thuận ngoài việc đảm bảo giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5-2% tùy theo khả năng tài chính của mỗi đơn vị. Tại cuộc họp, một số tổ chức tín dụng đã khẳng định không để thiếu vốn cho DN sản xuất kinh doanh đủ điều kiện, kể cả cá nhân.
Liên quan đến thanh khoản hiện nay, ông Hùng khẳng định, thanh khoản tổng thể toàn hệ thống không thiếu. “Có lúc, có nơi, tình trạng thiếu thanh khoản nhất thời đã xảy ra. Tuy nhiên, NHNN đã nhận thấy và kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp như cho vay qua thị trường mở, thị trường liên ngân hàng. Hoạt động bơm vốn kịp thời, hài hòa của NHNN đã đảm bảo thanh khoản hệ thống ổn định. Dù vậy, chúng tôi cũng cảnh báo các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm phải tập trung củng cố thanh khoản và mong muốn NHNN tiếp tục hỗ trợ thêm về thanh khoản cho hệ thống thông qua các công cụ khác nhau, khi đó ngân hàng mới có nhiều nguồn lực để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế”, ông Hùng nói.