Nhà mạng tăng cước tin nhắn SMS Banking, “đổ đầu” khách hàng chịu thiệt
Hưởng ứng “phòng trào” tiết giảm thuế phí, cước phí… để hỗ trợ người dân vượt qua những khó khăn vì dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, các ngân hàng triệt để giảm phí cho khách hàng. Tuy nhiên, đi ngược với trào lưu nói trên, phí SMS Banking vẫn tiếp tục giữ nguyên, thậm chí còn tăng so với giá cũ.
Cuối năm 2021, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gửi email cho khách hàng, tuyên bố giảm toàn bộ phí dịch vụ trên ứng dụng ngân hàng số như phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền,… Tuy nhiên, nhà băng này cũng đồng thời tăng phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng lên 11.000 - 77.000 đồng/tháng tùy số lượng tin nhắn.
Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn trong tháng dưới 20 tin, Vietcombank thu phí 11.000 đồng/tháng; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn là 27.500 đồng/tháng; từ 50 đến dưới 100 tin là 55.000 đồng/tháng; từ 100 tin nhắn trở lên là 77.000 đồng/tháng. Như vậy, 1 năm, người dùng có thể phải đóng phí tin nhắn SMS cao nhất lên tới 924.000 đồng - một con số không hề nhỏ với người dùng cá nhân.
Không chỉ Vietcombank, một loạt ngân hàng khác cũng đang thu phí SMS Banking mức cao như tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đối với 0-15 SMS/tháng, ngân hàng thu phí 9.900 đồng, từ 16-50 SMS/tháng thu phí 33.000 đồng, từ 51-100 SMS/tháng có phí 60.500 đồng và từ 100 SMS/tháng thu phí 77.000 đồng. Hay tại Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), phí SMS Banking được chia theo các mốc: 0-15 SMS/tháng phí 13.200 đồng, 16-30 SMS/tháng phí 19.800 đồng, 31-60 SMS/tháng phí 44.000 đồng, trên 61 SMS/tháng 82.500 đồng/tháng.
Lý giải cho việc thu phí cao của mình, các ngân hàng cho biết, hiện nay, khách hàng vẫn sử dụng phổ biến hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP – mật khẩu giao dịch một lần qua tin nhắn SMS. Ngân hàng thường chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP. Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ tin nhắn SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông.
Cụ thể, Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng/tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/tin nhắn. Trong khi cước phí tin nhắn của các nhà mạng này với khách hàng cá nhân chỉ từ 99 - 350 đồng/tin nhắn - tức mức giá cước nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng đang cao gấp ba lần so với tin nhắn thông thường của khách hàng cá nhân hoặc tin nhắn áp dụng cho các lĩnh vực khác. Nếu tính theo số lượng thì các NHTM đang là khách hàng lớn nhất của nhà mạng - họ giống như các nhà phân phối, “mua sỉ” của nhà mạng, thay vì “mua lẻ” như các cá nhân.
Thế nhưng, thay vì được hưởng ưu đãi đối với khách hàng lớn, họ lại bị áp dụng mức phí gửi tin nhắn SMS cao hơn nhiều so với mức phí tin nhắn thông thường. Để cân đối lợi nhuận, dĩ nhiên các ngân hàng cũng phải neo cao, hoặc nâng giá phí dịch vụ tin nhắn SMS Banking, “bổ đầu” vào chính khách hàng sử dụng dịch vụ. Được biết, tính sơ bộ, một ngân hàng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, còn các tổ chức tín dụng tầm trung trở lên trả 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng.
Theo chia sẻ từ một ngân hàng lớn, trong năm 2021, ngân hàng này chi trả gần 1.000 tỷ đồng chi phí gửi SMS, hơn 70% là chi phí cho các tin nhắn thông báo số dư, còn lại là chi phí gửi mã OTP. Chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư, ngân hàng này phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Trước thực tế này, cuối năm 2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết hiệp hội này đã có nhiều công văn gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo quyết liệt nhà mạng thực hiện nghiêm túc việc giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng, nhưng không có phản hồi. Điều đáng nói là dù các nhà mạng thu phí dịch vụ rất cao, song chất lượng không vì thế mà tương xứng.