Nhiều kỳ vọng từ Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim

13:05 10/12/2024

Sếu đầu đỏ là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim và tỉnh Đồng Tháp. Đây là loài sinh vật quý hiếm, có tên trong sách Đỏ thế giới và đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ. Tỉnh Đồng Tháp triển khai đề án là tín hiệu tích cực nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. 

Nỗ lực đưa đàn sếu trở về 

Gần 30 năm trước, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) có trên 1.000 cá thể sếu đầu đỏ di cư đến sinh sống. Những năm gần đây, số lượng sếu trở về ngày càng ít. Năm 2015 chỉ có 21 con, năm 2016 là 14 con, năm 2017 là 9 con, năm 2018 là 11 con, năm 2019 là 11 con. Các năm 2020, 2022 và 2023, sếu không về Tràm Chim. Một tín hiệu đáng mừng là trong năm 2024, có 4 sếu đầu đỏ di cư trở về. Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), nhà khoa học nghiên cứu về sếu không khỏi suy tư trước sự sụt giảm nghiêm trọng của loài sếu.

“Phải biến mảnh đất Đồng Tháp nói riêng, Việt Nam nói chung thành mảnh đất lành”, thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo quả quyết. Cha ông ta xưa có câu: “Đất lành chim đậu”, do đó để sếu trở về cần tạo ra một mảnh đất lành, môi trường trong sạch làm nơi cư ngụ của sếu.

Sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh tư liệu.

Đầu tháng 11/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032, nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong vòng 10 năm, nuôi thả 100 cá thể sếu, tối thiểu có 50 cá thể sống sót. Để thực hiện đề án này, nhiệm vụ được đặt ra là nhận nuôi dưỡng sếu chuyển giao từ Thái Lan, nghiên cứu sinh sản và tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Song song là việc cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc đảm bảo sinh kế người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu. 

Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. 

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, công cuộc phục hồi môi trường sống cho sếu là câu chuyện dài hơi, không chỉ một năm, hai năm mà có thể là chục năm, thậm chí cả trăm năm. Ông thẳng thắn nhìn nhận, để phục hồi nguyên bảo môi trường Đồng Tháp Mười như trước kia rất khó, nhưng có thể chung tay để phục hồi được phần nào đó với mục tiêu trong suốt 10 năm. Để sếu trở về, phải bắt tay vào phục hồi môi trường sống xung quanh Vườn Quốc gia Tràm Chim, phục hồi trong vùng lõi, phục hồi hệ sinh thái nông nghiệp và đặc biệt kêu gọi sự ủng hộ của người dân địa phương.

Vườn Quốc gia Tràm Chim rộng gần 7.500 ha, nơi sinh sống của hơn 230 loài chim, trong đó 32 loài quý hiếm, 16 loài nằm trong sách Đỏ.

Điều mừng nhất là đề án nói trên được cộng đồng, đặc biệt là người dân huyện Tam Nông quan tâm, ủng hộ. Theo thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo, để biến mảnh đất Đồng Tháp và Việt Nam thành mảnh đất lành thì phải cho người dân thấy được biểu tượng của loài sếu đầu đỏ là chỉ dấu về một môi trường trong sạch hơn. Đồng thời phải nhận được sự đồng tình ủng hộ, sự tin tưởng của người dân, điều cốt lõi là tạo sinh kế, giúp bà con nhìn thấy được lợi ích của việc chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang mô hình lúa sinh thái, để trên mỗi mảng xanh của lúa, sếu và các loài chim muông có thể sinh sống mà không sợ hóa chất cùng sự ô nhiễm môi trường đe dọa. Bên cạnh đó, không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn kết hợp với phát triển du lịch, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sinh thái để từ chính mảnh đất từng hứng chịu hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, loài sếu đầu đỏ quý hiếm bậc nhất có thể sống và sinh sôi.

“Tham vọng” đưa sếu về sống quanh năm

Hơn 30 năm lặn lội với hoạt động bảo tồn sếu đầu đỏ, từ nỗi niềm đau đáu, trăn trở khi đàn sếu Việt Nam - Campuchia bị đe dọa trước nguy cơ tuyệt chủng, tiến sĩ Trần Triết, Giám đốc Chương trình Bảo tồn sếu Đông Nam Á (Hội Sếu quốc tế), giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên bày tỏ sự vui mừng trước sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là người dân cùng chung tay đưa đàn sếu trở về với Vườn Quốc gia Tràm Chim. Tiến sĩ Trần Triết bày tỏ sự tin tưởng tỉnh Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ đạt được mục tiêu đề án, với điều kiện môi trường vùng lõi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim phải được phục hồi. Đàn sếu đầu đỏ Việt Nam - Campuchia thường di chuyển theo mùa, vào mùa mưa là mùa sinh sản sếu sẽ ở phía Bắc Campuchia, đến mùa khô sếu mới di cư về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Kiên Giang.

Cơ sở vật chất được xây dựng để phục vụ Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. 

Theo tiến sĩ Trần Triết, muốn có đàn sếu định cư ở khu vực này quanh năm, cần phải có nơi sống thích hợp cho sếu, quan trọng nhất là nơi ở trong mùa sinh sản. Trong giai đoạn sinh sản, sếu đầu đỏ sẽ ra ruộng làm tổ, sinh đẻ, nuôi con và tìm thức ăn, đây là giai đoạn quan trọng nhất để bảo vệ sếu. Bởi vậy ruộng lúa phải đảm bảo chất lượng môi trường trong sạch, không có hóa chất độc hại, canh tác lúa thân thiện với môi trường, sinh vật và đảm bảo an toàn. “Cốt lõi là môi trường trong sạch”, tiến sĩ Trần Triết quả quyết. Có giai đoạn rất dài ở Vườn Quốc gia Tràm Chim vì yêu cầu phòng cháy chữa cháy cho rừng tràm vì thế phải quản lý lượng nước cho mục tiêu đó, điều này ảnh hưởng đến việc duy trì toàn vẹn hệ sinh thái dẫn đến môi trường sống không phù hợp với sếu đầu đỏ. 

Nông dân sản xuất lúa sinh thái ở khu vực lân cận Vườn Quốc gia Tràm Chim nhằm tạo môi trường sống thuận lợi cho sếu đầu đỏ. 

Cuối năm 2023, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã tiến hành điều tiết nước theo các kỹ thuật đã được nghiên cứu kỹ lưỡng bằng cách hạ mực nước theo đúng thiết kế nhằm tái tạo lại hệ sinh thái tự nhiên của Tràm Chim - đại diện hệ sinh thái Đồng Tháp Mười. Điều kiện ngập - khô luân phiên là điều kiện sinh thái tự nhiên và nhờ sự điều tiết nó đã phục hồi nhanh chóng, chất lượng nước cũng được cải thiện rõ rệt, các loài thủy sinh vật tốt hơn, thể hiện rõ về số lượng cá thể tăng lên. Quy trình điều tiết nước này cũng góp phần giảm nguy cơ cháy rừng ở mức tối ưu. Chỉ qua một năm điều tiết, các nhà khoa học rất bất ngờ vì Vườn Quốc gia Tràm Chim đã đón rất nhiều loài chim quay về. Đặc biệt năm 2024, 4 con sếu đầu đỏ đã bay về Vườn Quốc gia Tràm Chim “thám thính”, đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự môi trường đang được quản lý đúng đắn, phục hồi được nơi sống và thả sếu, thu hút sếu tự nhiên tìm về. “Điều quan trọng là tái lập môi trường tự nhiên để sếu quay lại Tràm Chim như nó đã từng sống trước đây”, tiến sĩ Trần Triết kỳ vọng.

Ông Bùi Thanh Phong, Phó giám đốc vườn quốc gia Tràm Chim phân tích: Trước đây, sinh cảnh của vườn quốc gia Tràm Chim hay Đồng Tháp Mười rất phù hợp với môi trường sống của sếu nên chúng về nhiều. Sau này do phát triển kinh tế - xã hội, người dân sinh sống đông và sản xuất canh tác nhiều lên, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên ảnh hưởng đến sinh cảnh, môi trường sống của sếu. Có giai đoạn vì trữ nước trong vườn quốc gia cho công tác phòng cháy chữa cháy nên lúa ma, cỏ năng - thức ăn ưa thích của sếu không có điều kiện phát triển nên chúng ít về. Theo thông tin cung cấp của hội sếu quốc tế, sếu về Tràm Chim là sếu sinh sống ở khu vực Đông Nam Á, sinh sản ở khu rừng ở phía Bắc Campuchia. Tuy nhiên, các khu rừng ở khu vực này cũng bị thu hẹp nên sếu không còn nhiều nơi sinh sản. Đây cũng là nguyên nhân sếu ít về Việt Nam.

Nhằm bảo tồn sếu đầu đỏ quý hiếm của nhân loại, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã chủ trương thực hiện đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ giai đoạn 2022 - 2032 tại vườn Quốc gia Tràm Chim. Đây là đề án rất quan trọng, từ lãnh đạo cho tới nhân viên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim đều nỗ lực thực hiện những giải pháp như cải tạo lúa ma - môi trường phát triển rất tốt cho sếu, kiểm soát lại thủy văn theo khuyến cáo của nhà nước, các nhà khoa học để bảo đảm môi trường sinh thái giúp sếu phát triển đồng đều, cân đối, tạo nguồn thức ăn bền vững. “Chúng tôi cũng chủ động thực hiện vấn đề phòng cháy chữa cháy như phòng cháy rừng tràm, đốt cỏ chủ động để nang kim và cỏ mau phát triển, các loại cỏ khác sinh sôi vì cỏ non là nguồn thức ăn cho sếu đầu đỏ. Bên cạnh đó là công tác vận động người dân chuyển sang sản xuất lúa sinh thái để bảo vệ môi trường, phát triển các loài động vật dưới ruộng lúa như ếch, nhái,… là nguồn thức ăn ưa thích của sếu. Mục tiêu là tất cả cùng chung tay để bảo vệ và phát triển nuôi dưỡng sếu lâu dài”, Phó giám đốc vườn quốc gia Tràm Chim nói.

Văn Vĩnh - Hồng Thẩm

Lee Won Jae, HLV thủ môn của ĐT Việt Nam quyết định chọn Nguyễn Đình Triệu làm người gác đền số 1. Đó không phải là niềm tin nhất thời từ phía cựu thủ môn nổi tiếng châu Á.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, hành nghề luật sư, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo quy định tại Điều 331, khoản 2 - Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại tỉnh An Giang, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận, bị can Lê Quang Bình (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68) đã câu kết với nhiều doanh nghiệp để khai thác trái phép và bán cát trái phép với tổng số hơn 5 triệu m3, thu về tổng số tiền gần 300 tỷ đồng. 

Trong vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại tỉnh An Giang, ngoài các bị can đã bị khởi tố và đề nghị truy tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản phải đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và tăng cường thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực khai thác và quản lý khoáng sản.

Từ 15h ngày 12/12, giá xăng tăng giảm không đáng kể, song ở giá dầu đồng loạt giảm từ 127- 551 đồng/lít/kg.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文