Nhiều kỳ vọng về Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Tại Lễ khai mạc Festival Gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long vào tối 16/11 vừa qua, Ban tổ chức đã công bố 3 giải cao nhất về ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Cuộc thi không có giải Nhất. Hai giải Nhì được trao cho Liên danh NDV and Partners + PES Architects Ltd và Công ty TNHH Tư vấn & Thiết kế TAD; giải ba cho Công ty CP tư vấn thiết kế DESO Asia.
Điểm nhấn về kiến trúc
Đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nhấn mạnh, các ý tưởng đạt giải trong cuộc thi thiết kế ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL là những phương án tối ưu, đáp ứng tốt nhất yêu cầu thiết kế theo xu hướng của các bảo tàng hiện đại trên thế giới và chứa đựng những nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước ĐBSCL. Bảo tàng là nơi tập hợp nhiều hiện vật và tư liệu nguyên bản, kèm theo những câu chuyện sống động, hấp dẫn về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn về kiến trúc, địa điểm sinh hoạt, trải nghiệm công cộng hấp dẫn và điểm đến của du lịch, giải trí, học tập, nghiên cứu, các hoạt động văn hoá, sáng tạo.
Sau khi trao giải cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL, người dân mong muốn công trình sớm thành hình trên quê hương cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Phương án được nhiều người chú ý là thiết kế ý tưởng của Liên danh NDV and Partners + PES Architects Ltd. Theo nhận xét của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, ưu điểm của phương án Liên danh NDV and Partners + PES Architects Ltd là khu đất xây dựng khu bảo tàng giai đoạn 1 nằm gọn trong khu đất có sẵn trong quy hoạch. Phương án rất khả thi về tính chủ động, thời gian và kinh phí triển khai. Tổ hợp cấu trúc chung mặt bằng tổng thể bảo tàng hài hòa trong kết nối với Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.
Về tổ chức mặt bằng, công năng được thiết kế sinh động, gắn kết tốt với yêu cầu, tính chất bảo tàng nông nghiệp, vừa trưng bày, vừa mang tính mở để trải nghiệm tương tác. Dây chuyền hoạt động được bố trí một cách hợp lý, linh hoạt và mềm dẻo. Việc tổ chức tuyến mặt bằng khai thác yếu tố nông nghiệp theo đặc trưng của miền Tây Nam bộ (thửa chữ nhật liên tục theo tuyến thẳng), cùng với các sân trống đan xen từng khu vực hợp lý trong mặt bằng toàn thể công trình, là một sáng tạo tốt. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản sắc và hiện đại.
Về hình thái, kiến trúc công trình trông như các ngôi nhà mái dốc thường gặp ở làng quê miền Tây Nam bộ được kết thành nhóm, gần với kiểu làng xã vùng đất Tây Nam bộ, vừa đáp ứng được yêu cầu về tính độc đáo, vừa thể hiện chất riêng của vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Long, tạo xúc cảm bản địa rõ rệt, không bị nhầm lẫn với các công trình kiến trúc ở các địa phương khác. Các yếu tố và chất liệu hiện đại được triển khai thành công ở cả cách tổ chức mặt bằng và tổ hợp hình khối kiến trúc. Công trình có khả năng hiện thực hóa và tiềm ẩn sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế, gợi được tính gần gũi, bản sắc nhưng vẫn đủ hiện đại và tinh tế.
Công trình ưu tiên đầu tư
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Dự án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL thuộc danh mục công trình thiết chế văn hóa được ưu tiên đầu tư của tỉnh. Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt từng nói: “Để có được ĐBSCL như ngày hôm nay thì công sức và sự sáng tạo của người nông dân cũng quan trọng như vai trò của khoa học kỹ thuật và sự đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, phải có một nơi xứng đáng để tôn vinh sự đóng góp của họ và cũng để giáo dục cháu con sau này”. Chính vì thế, Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL được xây dựng ở tỉnh Vĩnh Long, quê hương của cố Thủ tướng, hết sức ý nghĩa với việc thực thi di nguyện của ông lúc sinh thời.
“Đó là những tiền đề cơ sở để UBND tỉnh Vĩnh Long lập Đề án Xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL với những mục tiêu: Tạo dựng một thiết chế văn hóa quan trọng, xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Phát huy được những giá trị của di sản văn hóa nông nghiệp ở ĐBSCL; Phục vụ nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hóa của công chúng và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay của vùng; Tôn vinh sự cần cù, sáng tạo của người nông dân Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, đã có vai trò to lớn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; Bảo tồn các di sản văn hóa nông nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân với quê hương, đất nước. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là ngành du lịch”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh.
Ông Đặng Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp (QLDA ĐTXD các công trình DD-CN) tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các đơn vị có liên quan cùng đơn vị tư vấn phương án dự thi đạt giải hoàn thiện phương án theo các ý kiến nhận xét của Hội đồng thi tuyển để triển khai các bước tiếp theo; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy định hiện hành. Hiện tại, Ban QLDA ĐTXD các công trình DD-CN tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện các bước tiếp theo để sớm triển khai xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thị trấn Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm). Bảo tàng sau khi hình thành sẽ là điểm đến không thể bỏ qua của người dân trong nước và quốc tế khi đến thăm quê hương cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.