Nhiều nỗ lực trong gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam
Việc Ủy ban châu Âu (EC) dời lịch đến Việt Nam để kiểm tra về công tác chống khai thác IUU vào cuối quý III đầu quý IV, thay vì tháng 5 như dự kiến hồi đầu năm sẽ giúp chúng ta có thêm thời gian chuẩn bị. Trong bối cảnh hiện nay, gỡ "thẻ vàng" IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì thị trường EU nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc. Và nếu không gỡ được “thẻ vàng” vào dịp này, Việt Nam sẽ phải chờ thêm 3 năm nữa.
Sau khi (EC) dùng “thẻ vàng” cảnh báo đối với nghề cá và xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10/2017, toàn bộ nghề cá Việt Nam đã chịu những tổn thất không nhỏ cả về xuất khẩu lẫn uy tín kinh doanh trên thị trường quốc tế. Việc ngăn chặn, loại trừ, tiến tới xóa bỏ tình trạng IUU là nhiệm vụ bắt buộc để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” mà EC đã áp dụng để phát triển nghề cá có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Đây là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, điều này đã được thể chế hóa thông qua Luật Thủy sản năm 2017.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam, kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU sụt giảm bình quân từ 6-10%/năm (tùy từng năm). Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam là EU (chiếm từ 17-20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản) đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN).
Tại cuộc họp triển khai thực hiện chống khai thác IUU mới đây, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết, EC đã thay đổi lịch đến Việt Nam để kiểm tra về công tác chống khai thác IUU. Một trong những lý do phía bạn lùi thời hạn kiểm tra, gỡ "thẻ vàng" IUU đó là Việt Nam vừa ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Cụ thể, EC dời lịch sang Việt Nam vào khoảng tháng 9, 10 năm nay, thay vì tháng 5 như dự kiến hồi đầu năm. Phía EC muốn xem xét việc triển khai thực thi pháp luật của Việt Nam với 2 Nghị định này thế nào. Trong thời gian EC chưa sang kiểm tra, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện triệt để, quyết liệt các giải pháp để có thể tháo gỡ “thẻ vàng”. Để chuẩn bị đón Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5, phấn đấu gỡ "thẻ vàng" IUU trong năm 2024, các đơn vị chức năng cần bám sát 4 nhóm khuyến nghị của EC đã đưa ra đối với Việt Nam. Ông Tiến yêu cầu, các đơn vị chức năng cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành kế hoạch hành động cụ thể; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các đội tàu khai thác, đảm bảo 100% lắp các thiết bị giám sát hành trình, tàu nào không đủ điều kiện không cho xuất bến, không đi khai thác; ban hành kế hoạch truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, đảm bảo không có việc trộn lẫn hồ sơ, gian lận trong xác nhận chứng nhận nguồn gốc, tăng tỷ lệ xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra của EC vào tháng 10/2023, kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU có sự tiến bộ so với trước, nhưng chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế nên chưa thể gỡ được cảnh báo "thẻ vàng".
Việc gỡ "thẻ vàng" IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì thị trường EU nằm trong Top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc. Với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Chống khai thác IUU, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 32 và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cũng như các chương trình, kế hoạch hành động chống khai thác IUU. Bộ cũng đã xây dựng Nghị quyết ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, Nghị quyết 52 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi một ngành đánh cá, từ mang tính chất đánh bắt tự nhiên trở thành một ngành đánh cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và việc thay đổi ý thức của ngư dân là một thách thức lớn, đòi hỏi quyết tâm cao của tất cả các bên liên quan. Trong khi đó, thời gian qua việc chỉ đạo và tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU tại một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tập trung, quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Nêu thực trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS tiếp tục xảy ra phổ biến, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra hơn 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá khác nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp. Mặt khác, việc xác minh, xử phạt các trường hợp mất kết nối VMS theo quy định còn hạn chế; tính riêng đối với khối tàu từ 24 mét trở lên vi phạm mới đạt khoảng trên 10%; hầu như chưa xử phạt hành vi ngắt kết nối trên 6 tiếng không thông báo vị trí theo quy định. Đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, theo ông Nguyễn Quang Hùng, trên cơ sở khuyến nghị của EC, thời gian qua chúng ta đã xử lý các tàu đánh cá vi phạm mà hồ sơ không bảo đảm. Ví dụ như Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải dừng một số cảng cá, rút Giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp vi phạm. Kiên Giang cũng là địa phương đi đầu, đã đưa ra xét xử một vụ môi giới tàu cá Việt Nam đánh bắt ở nước ngoài với mức 8 năm tù, vừa rồi lại chuẩn bị 2 vụ nữa vi phạm vùng biển ASEAN, 2 vụ chuẩn bị xử (Cà Mau, Quảng Ngãi)...
Về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương bố trí nguồn lực, đảm bảo trực ban 24/24h; theo dõi, giám sát 100% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, lần kiểm tra thứ 5 tới đây của EC là "cơ hội cuối cùng", bởi Nghị viện châu Âu sắp bầu cử. "Nếu không thể xóa "thẻ vàng" IUU dịp này, Việt Nam sẽ phải chờ khoảng 3 năm nữa để đón đoàn kiểm tra tiếp theo", ông Tiến nói.