Phấn đấu đạt mục tiêu 95% kế hoạch vốn giải ngân đầu tư công
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, đến thời điểm này, vốn đầu tư công ước đạt 625,3 nghìn tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước.
Đặc biệt trong các tháng cuối năm 2023, các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa, nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cho cả năm 2023 và năm 2024.
Hiện, chỉ còn gần 1 tháng nữa là kết thúc niên hạn ngân sách năm 2023, do đó, để đạt được mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch niên hạn ngân sách năm 2023, Chính phủ cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp. Đặc biệt, cần tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng,
Chính phủ bố trí giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Các cơ chế và mức bồi thường giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh.