Phục hồi trong điều kiện “bình thường mới”, ngành du lịch lại lo thiếu lao động
Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhiều lao động buộc phải nghỉ việc, chuyển sang ngành nghề khác khiến nhân lực lao động vốn đã thiếu nay càng thiếu, khó đảm bảo yêu cầu thực tế. Làm thế nào để bổ sung lực lượng lao động kịp thời khi phục hồi du lịch trong bối cảnh bình thường mới đang là bài toán khó dành cho cả nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch.
Thực tế, không phải đến tận giai đoạn hiện nay, khi du lịch chịu tiếp “cú bồi” do đại dịch bùng phát lần thứ 4, mà ngay sau đợt dịch lần thứ 3, khi phát động kích cầu du lịch nội địa, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã liên tục cảnh báo về khoảng trống nhân lực cho du lịch sau các đợt dịch.
Theo ông Bình, trong suốt khoảng thời gian du lịch quốc tế hoàn toàn “đóng băng” do đại dịch, nhiều doanh nghiệp du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch buộc phải chuyển hướng khai thác thị trường nội địa. Khách nội địa có những đặc điểm riêng, đòi hỏi có những kỹ năng riêng, chương trình riêng mà người làm du lịch quốc tế buộc phải tìm hiểu để đáp ứng yêu cầu mới.
Mặt khác, xu hướng du lịch trong và sau dịch có nhiều thay đổi, từ việc ứng dụng công nghệ, tăng xu hướng du lịch “không chạm”, tính cá nhân hoá… cũng đòi hỏi nhân lực lao động phải có sự thay đổi, thích ứng một cách linh hoạt…
Đến nay, những vấn đề ông Bình đặt ra đã tiếp tục được nhiều doanh nghiệp, tổ chức hội nghề nghiệp, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia cũng đã chỉ rõ trong nhiều tham luận, kiến nghị lên cơ quan quản lý Nhà nước.
Về vấn đề này, mới đây, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, có đến 60-70% lực lượng lao động bị mất việc làm hoặc chuyển sang các lĩnh vực khác sẽ khiến ngành du lịch thiếu hụt lao động, cần rất nhiều chi phí đào tạo cho lực lượng lao động mới và khó có thể đáp ứng được trong một thời gian ngắn.
Bà Phan Thị Ngàn, cán bộ trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng nhận định, đại dịch khiến nhiều cơ sở giáo dục du lịch đối mặt với nguy cơ đóng cửa, phá sản vì không có người học. Lỗ hổng nguồn nhân lực của các cơ sở giáo dục du lịch biểu hiện ngày càng rõ sau các đợt bùng phát của đại dịch.
Quy định hiện nay, giáo dục đại học du lịch theo cơ chế đặc thù phải đảm bảo thực hành 50% - 70% thời lượng. Không phải trường nào cũng có cơ sở thực hành tương đương doanh nghiệp du lịch nên rất cần và phải liên kết với doanh nghiệp. Nhưng liên kết đó bị gãy, đứt do đại dịch vì doanh nghiệp dừng hoạt động.
Thích ứng với tình hình, nhiều cơ sở đã chuyển sang đào tạo trực tuyến nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc thực hành các nghiệp vụ du lịch không được diễn ra theo cách thông thường, chủ yếu là thực hành ảo. Mạng internet, đường truyền không ổn định hoặc không có mạng internet, tương tác giữa giảng viên và sinh viên hạn chế…
Các khó khăn trên tác động ít nhiều đến tâm lý của sinh viên, giáo viên và giảng viên, đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ cho người học và người dạy trong quá trình học tập trực tuyến.
Làm thế nào để phục hồi lao động ngành du lịch trong bối cảnh mới là một trong nhiều vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu, đào tạo, quản lý du lịch tập trung chuẩn bị để làm rõ hơn trong hội thảo “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển” vào ngày 25/12.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, Việt Nam nằm trong top những nước mà ngành du lịch mất nhiều việc làm nhất do đại dịch. Việc phục hồi du lịch nói chung và phục hồi lao động du lịch nói riêng trong bối cảnh mới là câu hỏi không chỉ ngành du lịch mà cả xã hội cần giải quyết.
Để thu hút lao động mới và lao động trở lại làm việc tại các cơ sở du lịch, các doanh nghiệp du lịch cùng các tổ chức liên quan cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động, liên kết các thông tin của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý liên quan, các phương tiện truyền thông và người lao động để họ có thông tin về doanh nghiệp và có cơ hội tìm việc làm mới hoặc quay trở lại làm việc.
Chính phủ và các doanh nghiệp du lịch có thể thành lập các đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Ngoài ra, cần hỗ trợ người lao động về ăn, ở, đi lại, đào tạo lao động mới và đào tạo bổ sung đối với lao động cũ về kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Chuyên gia đào tạo du lịch Nguyễn Văn Lưu cho rằng, để ứng phó với đại dịch COVID-19, giáo dục du lịch cần phải có những giải pháp phù hợp với bối cảnh thực tế cũng như với xu thế phát triển của thời đại chuyển đổi số. Các cơ sở giáo dục cần tăng cường và phối hợp đa dạng, linh hoạt các hình thức giáo dục. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các tổ chức liên quan xóa bỏ các rào cản công nghệ bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, giảm chi phí kết nối nhằm nâng cao chất lượng giáo dục du lịch, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời cho nguồn nhân lực du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục du lịch tháo gỡ khó khăn trong khắc phục các thiệt hại ngắn hạn và dài hạn cả về kinh tế, tư tưởng và môi trường giáo dục du lịch. Cụ thể là để các trường được tự chủ trong lộ trình xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo. Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin.
Xã hội hóa trong khắc phục khó khăn để huy động và sử dụng hiệu hiệu quả nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ. Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông hướng dẫn hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch và giáo dục đại học du lịch trong việc đảm bảo sức khỏe học đường, nhất là về tư tưởng học viên và đội ngũ nhà giáo, đội ngũ quản lý giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục du lịch.
Các doanh nghiệp du lịch, các hội, hiệp hội du lịch, hiệp hội khách sạn, hiệp hội đào tạo du lịch và các hội, hiệp hội nghề nghiệp hỗ trợ các cơ sở giáo dục du lịch, sinh viên, học viên du lịch trong việc thực tập nghề nghiệp, có những chương trình tư vấn thông qua các trang web; cách tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền.