Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới
Chiều 18/2 tại Hà Nội đã diễn ra phiên kỹ thuật Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) với chủ đề phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới. VBF được Hội đồng Quản trị Liên minh VBF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức.
Diễn đàn là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Tại diễn đàn, các nhóm công tác đã đề cập tới nhiều nội dung cụ thể như: khôi phục chuỗi cung ứng đảm bảo lưu thông hàng hóa và sản xuất an toàn thông suốt; thu hút dòng vốn đầu tư vào các dự án quy mô lớn; Cải cách khung pháp lý theo tiêu chuẩn quốc tế; Phát triển nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh và nền kinh tế bền vững…
Đại diện các nhóm công tác của WB ở từng ngành và lĩnh vực kinh tế có chung nhận định, trải qua giai đoạn khó khăn nhất với những tác động “vô tiền khoáng hậu” của đại dịch COVID-19 thì không chỉ Việt Nam mà tất cả các nền kinh tế khác trên toàn cầu đều lâm vào tình trạng khủng hoảng. Việc phải cẩn trọng, xem xét, đánh giá và định hướng các mục tiêu tăng trưởng là điều cần thiết. Nhất là trong bối cảnh phải thích nghi với tình hình mới khi các quốc gia đã phủ rộng việc tiêm phòng vaccine tới đa số người dân, nhưng nguy cơ của dịch bệnh vẫn là mối lo đeo đẳng với những biến chủng mới nguy hiểm và khó lường.
Để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nhưng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu nói riêng, nông nghiệp Việt Nam phải nâng cao sức cạnh tranh và thích ứng với điều kiện mới bằng cách ứng dụng công nghệ thông minh vào hoạt động sản xuất. Để sẵn sàng phát triển kinh tế bứt phá sau đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng cần tăng cường năng lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng không chỉ để ngành nông nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn thúc đẩy lưu thông hiệu quả hàng hóa và nguyên vật liệu trong nước, giữa các tỉnh với đầu mối và trung tâm phân phối.
Về phát triển kinh tế số, ông Bruno Sivanandan, Thành viên Ban Quản trị Nhóm Công tác Kinh tế số cho rằng, Chính phủ với vai trò tiên phong chuyển đổi số Chiến lược quan trọng nhất mà Chính phủ có thể áp dụng để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội là tiên phong chuyển đổi số và khuyến khích quá trình thay đổi.
“Chúng tôi đánh giá cao việc Thủ tướng Phạm Minh Chính coi chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh đối mặt với “thách thức kép” - vừa phòng chống đại dịch COVID-19, vừa chủ động thích ứng với các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả,” ông Bruno Sivanandan nhấn mạnh.
Theo đó, trước tiên là số hóa và giảm phát thải cacbon. Các công nghệ mới cho phép chúng ta sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và chính sách của Chính phủ nên hướng tới khuyến khích phát triển công cụ và dịch vụ để giúp các tổ chức thiết kế và đổi mới bền vững. Đầu tư vào năng lượng tái tạo để góp phần thúc đẩy những nỗ lực sử dụng năng lượng hiệu quả trong các hoạt động cũng sẽ là chìa khóa giúp chúng ta đạt được những kết quả bền vững hơn cho Việt Nam.
Đặc biệt, tăng cường đầu tư vào các startup Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là nền tảng của các giải pháp sáng tạo, đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Ngoài ra, Nhóm Công tác đề xuất Chính phủ Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế mở văn phòng chi nhánh tại Việt Nam, cũng như khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm trong nước tham gia nhiều hơn vào các dự án đầu tư ở giai đoạn đầu bằng cách áp dụng cơ chế ưu đãi thuế và nới lỏng các hạn chế cấp vốn như hiện nay.
Với các quy định hỗ trợ phát triển công nghệ và chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng các công nghệ toàn cầu để khả năng thích ứng, mở rộng quy mô, độ tin cậy, bảo mật và tốc độ sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển các dịch vụ công và tăng trưởng kinh tế.