Sinh viên Đại học Đà Nẵng khởi nghiệp nông nghiệp “xanh”
Bắt nhịp “chuyển động” với Cách mạng 4.0, thời gian qua, sinh viên (SV) Đại học Đà Nẵng có nhiều dự án, sản phẩm khởi nghiệp “xanh” (startup) vừa phát huy tiềm năng, lợi thế của quê hương, vừa đem lại giá trị hữu ích, phục vụ cộng đồng.
App chẩn đoán bệnh trên lúa
Nhóm SV kết hợp từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng nghiên cứu, phát triển Ứng dụng (App) Hỗ trợ nông dân sớm phát hiện, chẩn đoán sâu bệnh hại cây lúa. Công cụ này có thể sử dụng ngoại tuyến trên thiết bị hoặc trực tuyến đồng bộ trên nhiều thiết bị bằng tài khoản, được đăng tải (miễn phí) trên Google Play Store (Android) cung cấp hệ thống hình ảnh, thông tin, giải pháp xử lý tập trung cho 3 loại bệnh phổ biến trên lúa là đốm nâu, sâu gai và đạo ôn, SV Trần Văn Phúc cho biết.
Nhờ sản phẩm thân thiện, tiện dùng, nông dân có thể sớm nhận diện các bệnh phổ biến và theo dõi, áp dụng các biện pháp phòng trừ để bảo vệ cây lúa, từ đó góp phần giảm thiểu ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất vụ mùa.
Sản phẩm đã được ứng dụng thực tế, thử nghiệm tại một số vùng nông thôn thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) bước đầu cho thấy độ tin cậy cao, hiệu quả giúp phát hiện bệnh đạt gần 90%. Nhóm tiếp tục hoàn thiện giao diện, nâng cấp thêm chức năng và phạm vi cơ sở dữ liệu phù hợp với thực tế, nhu cầu của nông dân ở các địa phương.
Mực viết, vẽ “Botanical Inks” tận dụng phế phẩm nông sản
Dự án Mực thực vật Botanical Inks (BINKS) của Nhóm SV Viện VNUK, ĐH Đà Nẵng vừa được tuyển chọn từ hàng trăm dự án startup trên toàn quốc vào “Top 50 Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI” (SV-STARTUP) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
BINKS là sản phẩm sáng tạo, tâm huyết của nhóm 5 SV kết nối liên ngành: Trần Nhân Kiệt (Khoa học Y sinh), Nguyễn Hoàng Thanh Trâm (Khoa học máy tính), Lê Văn Minh Tuấn, Lê Ngọc Anh Phương và Phạm Như Uyên Nhi (Quản trị Kinh doanh quốc tế).
Tận dụng rau, củ, quả thừa từ các chợ, nông trại, nhóm sinh viên VNUK đã tạo ra các sản phẩm mực viết và màu vẽ, được đánh giá cao bởi cộng đồng mỹ thuật và giới chuyên môn. Mỗi năm có hàng trăm tấn phụ phẩm rau, củ, quả bị vứt bỏ, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nhiều phụ huynh quan tâm đến tính an toàn của các loại mực viết, màu vẽ mà con em họ sử dụng. Nhu cầu có những sản phẩm thân thiện, an toàn là rất lớn, Trưởng nhóm SV Trần Nhân Kiệt chia sẻ.
Từ thực tế trên, nhóm SV đã dày công nghiên cứu quá trình biến đổi màu sắc của hợp chất Anthocyanin thu được từ rau, củ, quả, từ đó sáng chế ra mực viết và màu vẽ mỹ thuật mà không sử dụng thêm bất kỳ hóa chất có thể gây hại nào.
Qua thử nghiệm, mực viết và màu vẽ BINKS không chứa hóa phẩm độc hại tạo màu có giá thành thấp hơn, có độ khô màu nhanh hơn so với màu nước vẽ thông dụng trên thị trường (chỉ 3-4 phút so với 25-30 phút).
Tại Đà Nẵng, trong giai đoạn từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, đã có hơn 100 sản phẩm được thử nghiệm bán ra. Đây là tiền đề để tiếp tục thương mại hóa các dòng sản phẩm khác như mực in hay màu nhuộm vải. Sản phẩm cũng đã được kết nối với doanh nghiệp và thử nghiệm trong Dự án EcoLife và Trường Mầm non Sao Mai-Long Sơn (Vũng Tàu) cho thấy có tiềm năng mở rộng thị trường.
“Thạch chuối kỷ tử”, “nước thân chuối hạt chia” từ thân cây chuối hột
Nhóm Onimis quy tụ các SV và cả cựu SV Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng sáng tạo 02 sản phẩm startup là Thạch chuối kỷ tử và Nước thân chuối hạt chia (đóng chai). Đặc tính nước trong thân cây chuối hột có thể đem lại sức khỏe cho cộng đồng nhờ có những hoạt tính dược học (tương tự như các bài thuốc trong Đông y).
Theo nhận xét của chuyên gia, cả 2 sản phẩm này tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, an toàn và phù hợp thị hiếu, có thể làm phong phú thêm so với một số dạng thực phẩm chức năng tương đồng khác phổ biến trên thị trường (dạng viên nang, viên nén).
Dự án đã xuất sắc đạt giải Nhất “Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng” năm 2022; được tuyển chọn vào Chung kết “Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Thành viên Hà Thị Diệu Hiền cho biết, nhóm đang xúc tiến hoàn thiện sản phẩm (cải thiện hương vị, cải tiến hộp đựng từ lá, tận dụng thân cây làm thức ăn và phân bón hữu cơ…); tiếp cận thị trường, tìm kiếm nhà đầu tư để hỗ trợ nông dân trồng chuối hột làm nguyên liệu (theo Chuẩn GAP); phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chuyển giao công nghệ ép và chế biến tại chỗ góp phần tăng sinh kế cho người dân.
Theo TS.Vũ Thị Bích Hậu-đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, tiềm năng khởi nghiệp và sáng tạo của SV ĐH Đà Nẵng là rất lớn. Những ý tưởng khởi nghiệp của SV tiếp cận nhanh, bắt kịp xu thế ứng dụng công nghệ 4.0 như “làn gió mới” thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hướng tới nông nghiệp “xanh”.
Các trường đại học (ĐH) thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc của ĐH Đà Nẵng thường xuyên tạo điều kiện, môi trường truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động bổ ích, các câu lạc bộ và tổ chức nhiều “sân chơi” startup cho SV. Điển hình như các cuộc thi “Khởi nghiệp Công nghệ trong sinh viên” (InTE_UD) của Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng; “Thử thách đổi mới sáng tạo” (VNUK Innovation Challenge) của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (VNUK), ĐH Đà Nẵng. Đặc biệt là Cuộc thi “Startup Runway” do Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng khởi xướng, tổ chức từ năm 2016, đến nay qua mùa thứ 7 đã mở rộng phạm vi, tầm vóc uy tín khu vực và toàn quốc.