Sửa đổi Luật Dầu khí để phát triển ngành công nghiệp dầu khí toàn diện, đồng bộ

09:51 07/08/2022

Sau gần 30 năm ra đời, Luật Dầu khí hiện hành đang tồn tại những bất cập làm ảnh hưởng tới hoạt động dầu khí. Việc sớm sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp ngành công nghiệp đặc thù này phát triển bền vững, tiếp tục đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, gắn với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển.

Chiều 5/8, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức tọa đàm “Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp Dầu khí”.

Ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu khai mạc toạ đàm.

Tham dự tọa đàm có ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn, ông Trịnh Xuân Cường, Trưởng ban Tìm kiếm thăm dò dầu khí Tập đoàn; ông Nguyễn Mạnh Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Cùng dự toạ đàm còn có hơn 20 nhà báo và đại diện nhiều ban, ngành trong Tập đoàn PVN.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc PVN cho biết, Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam trao đổi các ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới đã có những thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu thô và khí đốt. Ở trong nước, môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí kém hấp dẫn. Số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới. Sản lượng khai thác dầu thô ở các mỏ truyền thống, qua nhiều năm suy giảm tự nhiên. Các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp… Thực tế này đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động dầu khí trong giai đoạn tới. Vì vậy, Quốc hội đã nhất trí đưa Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022.

Việc tổ chức tọa đàm nhằm làm rõ, cung cấp những thông tin chính thống, chuẩn xác, góp phần truyền thông về việc thể chế hóa pháp luật về ngành Dầu khí; đồng thời đóng góp ý kiến giúp Tập đoàn nói riêng cũng như ngành Dầu khí Việt Nam nói chung trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) phát biểu tham luận tại buổi toạ đàm.

Tại tọa đàm, đại diện PVN đã trình bày một số đề xuất của PVN với Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Trong đó có 7 đề xuất chính liên quan đến các nội dung: Hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí; ngôn ngữ của hợp đồng dầu khí; mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động dầu khí; thực hiện quyền tham gia và quyền ưu tiên mua lại quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí; quy định về báo cáo ODP, EDP, FDP; quy định về ưu đãi trong hoạt động dầu khí; quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán.

Góp ý cho Dự thảo luật, ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đã trao đổi làm rõ hơn về tính cấp thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí; đồng thời đề xuất một số nội dung cần tiếp tục hoàn chỉnh, sửa đổi để Luật Dầu khí khi ban hành đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra.

“Từ năm 2015 đến nay, sản lượng khai thác dầu khí sụt giảm, số lượng hợp đồng dầu khí “đếm trên đầu ngón tay” nhưng PVN lại không thể đưa các mỏ nhỏ, xa bờ, cận biên vào khai thác do không có cơ chế ưu đãi đúng mức. Một số dự án như dự án Lô khí B, Cá Voi Xanh cũng không thể đẩy nhanh tiến độ do “vướng” cơ chế cũ”, ông Thập cho biết.

Ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn PVN phát biểu kết luận kết thúc toạ đàm.

Ông Thập đề xuất, Luật Dầu khí lần này cần sửa đổi toàn diện , không nên để là Luật Dầu khí sửa đổi nữa mà xây dựng thành Luật Dầu khí mới năm 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.

Đại diện Hội Dầu khí Việt Nam cũng cho rằng, cần phải bổ sung quy định ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí là tiếng Việt và một thứ tiếng nước ngoài thông dụng, do việc quy định ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng là tiếng Việt không còn phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực hoạt động dầu khí mang tính quốc tế cao.

Chia sẻ ý kiến tại toạ đàm, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cho biết, trong khoảng 10 năm gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý vốn đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước như PVN các công ty thuộc sở hữu toàn phần của doanh nghiệp Nhà nước như PVEP. Vì thế, việc triển khai đầu tư dự án dầu khí của PVN/PVEP chịu sự điều chỉnh của rất nhiều nguồn luật khác nhau nhưng giữa các văn bản này lại tồn tại các khoảng trống pháp lý và không ít sự chồng chéo, mâu thuẫn. Điều này gây ra nhiều khó khăn và là rào càn lớn đối với PVEP trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí, không tạo đà cho tối ưu hóa việc phát triển, khai thác tài nguyên dầu khí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách quốc gia.

Nút thắt lớn cần được tháo gỡ ngay đối với các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí như PVN và PVEP là vấn đề thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư. Vướng mắc này nảy sinh từ các quy định hiện hành của Luật Dầu khí, Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp Luật Dầu khí hiện hành chưa đủ linh hoạt và không kịp thích ứng với hiện trạng về điều kiện địa chất và tiềm năng dầu khí ngày càng suy giảm, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi và tác động bất lợi đến môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực dầu khí nói riêng. Mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam được đánh giá là kém cạnh tranh đáng kể khi so sánh với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam á, điển hình là Malaysia và Indonesia.

Do đó, việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về chính sách pháp luật dầu khí cần được ưu tiên, chú trọng để tạo hàng lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện cho cả cơ quan quản lý có thẩm quyền và các nhà đầu tư, trong đó PVN và PVEP là những nhà đầu tư chủ lực, trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí, cải thiện hiệu quả đầu tư cho các dự án dầu khí đang triển khai và thu hút nhiều hơn các hoạt động đầu tư mới nhằm hỗ trợ cho công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID- 19, ngăn chặn và đẩy lùi các dấu hiệu của suy thoái kinh tế.

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị tại toạ đàm, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã lần nữa giải thích rõ việc sửa đổi Luật Dầu khí và kỳ vọng khi được thông qua, Luật sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Dầu khí.

Ông Hiếu cho biết, từ năm 2008 đến nay, thực tiễn hoạt động dầu khí đã có sự thay đổi rất lớn. Trong khi đó, Luật Dầu khí năm 1993 qua nhiều lần sửa đổi vẫn chưa thể đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh mới và đang tạo ra khoảng trống pháp lý với ngành Dầu khí. Chưa kể từ đó đến nay, hàng loạt Luật mới ra đời đã tạo ra những chồng chéo pháp lý trong việc triển khai các dự án dầu khí. Ngoài ra, hoạt động dầu khí còn chịu sự chi phối rất nhiều các thông lệ quốc tế về dầu khí cũng như có nhiều rủi ro khó lường. Vì vậy, Luật Dầu khí lần này cần tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động dầu khí và tăng tính hấp dẫn cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo đó, Luật Dầu khí mới cần cần bổ sung khung thể chế suốt từ giai đoạn điều tra thăm dò cơ bản, khoan thăm dò phát hiện đến khai thác. Bên cạnh đó, Luật Dầu khí mới cần tương thích với các luật hiện hành khác, xây dựng hệ thống các thủ tục pháp lý theo chuỗi để tiết kiệm chi phí thời gian và tiền bạc, tránh xung đột với các luật khác….

“Trải qua rất nhiều hội thảo, ý kiến, đã có tiếp thu, chỉnh sửa… về cơ bản đây là sản phẩm rất khoa học, công phu phần nào đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số băn khoăn nghi ngại và cần có tính kỹ thuật để có được một Luật sát với thực tiễn. Mục tiêu là dẫn dắt để thu hút đầu tư”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự toạ đàm.

Kết luận tọa đàm, ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn đã khái quát lại những nội dung tọa đàm; đồng thời khẳng định, hoạt động của ngành Dầu khí không chỉ đóng góp lớn cho nền kinh tế mà còn góp phần rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh quốc phòng. Yêu cầu sửa đổi Luật Dầu khí là cấp thiết để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước, phát huy vai trò của ngành Dầu khí trong sự phát triển kinh tế và các nhiệm vụ an ninh quốc gia trên biển, càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi sớm khai thác, tận dụng được nguồn tài nguyên này.

Theo dự kiến, Dự thảo Luật Dầu khí mới sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào tháng 8 này và dự kiến Quốc hội sẽ thông qua vào tháng 10 tới.

An An

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文