Tập đoàn FPT xây tổ hợp giáo dục 500 tỷ tại Hà Tĩnh
Sáng 28/5, Hội nghị “Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh” diễn ra tại TP Hà Tĩnh, với sự tham gia của hơn 700 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Sự kiện nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về định hướng quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục dự án đầu tư của Hà Tĩnh đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với tầm quan trọng đặc biệt, sự kiện đã đón tiếp ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Bùi Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Tổng thư ký Quốc Hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội; ông Vũ Hồng Thanh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc Hội…
Về phía Tập đoàn FPT, tham dự có ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT; Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc; Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS); Bà Phạm Ngọc Anh, Chánh Văn phòng Tập đoàn FPT…
Khát vọng chuyển mình của Hà Tĩnh
Mục tiêu của Hà Tĩnh là trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước. Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, ông Võ Trọng Hải – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong những năm qua, Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu phấn khởi trên nhiều lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, nay đã đứng trong nhóm các tỉnh khá của khu vực, được Thủ tướng Chính phủ chọn thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới. Môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục tăng hạng qua từng năm; hiện là một trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước.
“Đặc biệt, Hà Tĩnh luôn xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, là công cụ quan trọng để hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực”, ông Võ Trọng Hải nói.
Trong vai trò doanh nghiệp dẫn dắt chuyển đổi số tại Việt Nam, Tập đoàn FPT đã mang đến Hội nghị những đề xuất, đóng góp thiết thực cho công tác quy hoạch, xây dựng tỉnh, đồng thời chia sẻ khát vọng và ước mơ đưa Hà Tĩnh trở thành cực tăng trưởng mới cho khu vực Bắc Trung Bộ.
Mở đầu phiên tham luận “Định hướng, giải pháp về chuyển đổi số để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã dùng câu thơ của thi hào Nguyễn Công Trứ - người con của Hà Tĩnh: Đã mang tiếng ở trong trời đất - Phải có danh gì với núi sông.
Theo ông Bình, lời thơ trăm năm tuổi này cũng là câu hỏi chính quyền và người dân Hà Tĩnh phải trả lời: “Làm sao để người Hà Tĩnh có ‘danh’ với núi sông?”. Và ông nhấn mạnh: Đó là phải chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số sẽ tạo nên những thay đổi đáng kể cho tỉnh, trở thành chìa khóa để Hà Tĩnh lập nên những kỳ tích mới.
Thứ nhất, chuyển đổi số là vì hạnh phúc của người dân, để dân thoát khó nghèo, khổ cực. Người dân muốn có cuộc sống tốt hơn, môi trường sống trong lành, sức khỏe được đảm bảo, dịch vụ tốt hơn, con cái họ được học tốt ở môi trường giáo dục chất lượng cao, ra trường được tham gia vào những công việc tốt hơn. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Tĩnh, kiến tạo xã hội số và tạo nên chính quyền hoạt động minh bạch, hiệu quả. Đó chính là ba trụ cột: chính quyền số - kinh tế số và xã hội số.
Thứ hai, chuyển đổi số để hiện thực hóa được quy hoạch đã đề ra. Việt Nam đang có cơ hội thâm nhập vào những công nghiệp nền tảng. Hà Tĩnh cũng phải đi vào những ngành công nghiệp đó. Ngày nay là công nghiệp xanh, tương lai là tri thức số. Nông nghiệp cũng phải là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cũng là công nghiệp công nghệ cao. Kể cả du lịch cũng là du lịch công nghệ cao. Nền tảng phát triển trong giai đoạn tới phải là công nghệ cao. Không có chuyển đổi số, không làm được như vậy. Máy móc có thể làm rất nhanh những việc mà con người mất hàng ngày, hàng giờ để làm.
“Tôi đến Estonia, tôi rất ấn tượng khi người dân không cần mang theo giấy tờ. Chính quyền cấp giấy tờ cho người dân, thì hiển nhiên họ cũng có giấy tờ đó. Tôi ước mơ Hà Tĩnh cũng làm được như vậy”, ông Bình nhấn mạnh.
Cuối phần hiến kế cho Hà Tĩnh trong giai đoạn mới, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng doanh nghiệp có thể đồng hành, trở thành người bạn đáng tin cậy và nghĩa tình với Hà Tĩnh, từ con người, từ công nghệ, từ kiến thức… Với ưu thế của Hà Tĩnh, năng lực của Tập đoàn FPT sẽ là mảnh ghép góp phần giúp tỉnh đi nhanh hơn, xa hơn, mang tinh thần hiếu học, đam mê khoa học công nghệ ra thế giới.
Đưa mô hình giáo dục số đến Hà Tĩnh
Trong không khí hân hoan của Hội nghị, Hà Tĩnh cũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 9.631 tỷ đồng. Ở lĩnh vực giáo dục, Tập đoàn FPT nhận biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp giáo dục tại tỉnh Hà Tĩnh, với tổng vốn đăng ký 500 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, từ 5-10 năm tới, với sự phát triển của hoa học công nghệ và kỹ thuật, Hà Tĩnh có thể tạo ra nền tảng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu tỉnh không có nguồn lực lao động đủ chất lượng, trình độ để vận hành nền tảng công nghệ mới, các nhà đầu tư sẽ rời đi rất nhanh. Ngoài ra, nguồn lực phải còn cần phải có chi phí cạnh tranh, nếu không nhà đầu tư sẽ mang nhân lực từ nước ngoài vào.
“Chính vì vậy FPT đặt vấn đề đầu tư giáo dục tại đây. Con đường đi rất dài bắt đầu bằng việc FPT sẽ đầu tư hệ thống giáo dục phổ thông liên cấp, trường đào tạo nghề tại Hà Tĩnh. Song song hướng tới xây dựng Cao đẳng”, Tổng giám đốc FPT cho biết.
FPT dự kiến thiết kế chương trình đào tạo dựa trên nguồn lực kinh tế xã hội địa phương, dựa trên những mũi nhọn của tỉnh. Mục đích nhằm không chảy máu chất xám của tỉnh, học sinh - sinh viên được đào tạo sẽ ở lại đóng góp cho sự phát triển địa phương. Bên cạnh giáo dục đội ngũ nhân lực chất lượng cao, FPT đồng thời đồng hành cùng Hà Tĩnh ở các lĩnh vực như cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số… Tập đoàn cam kết đồng hành cùng tỉnh có kế hoạch, đặt mục tiêu, có kết quả theo giai đoạn.
Trước đó, vào tháng 3/2023, Tập đoàn FPT đã có buổi làm việc cùng tỉnh Hà Tĩnh. Tập đoàn đưa ra đề xuất chính quyền tỉnh có nhiều ưu tiên cho giáo dục, khoa học công nghệ và chuyển đổi số nhằm tận dụng lợi thế về nguồn lực tri thức, lao động trẻ. FPT mong muốn tỉnh tạo điều kiện để hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm gốc. Trong buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh cũng bày tỏ mong muốn đồng hành, tạo điều kiện tối đa cho FPT trong quá trình tìm hiểu và triển khai đầu tư tại địa phương.
Được sự ủng hộ của Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh thành trong cả nước, tính đến nay FPT đã xúc tiến ký kết thỏa thuận hợp tác với 27 địa phương trong các lĩnh vực chủ đạo như chuyển đổi số, giáo dục, viễn thông… Dựa trên đặc thù kinh tế - xã hội, lợi thế cạnh tranh của từng tỉnh và thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm chuyển đổi số, FPT kiến tạo các nền tảng, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chuyển đổi số quốc gia.