Thiếu điện tại miền Bắc dự báo còn tái diễn vào năm 2024

17:46 09/06/2023

Chiều 9/6 tại Hà Nội, Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức tọa đàm “Giải quyết bài toán thiếu điện, cách nào?”. Tại đây, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn dự báo tình trạng thiếu điện tại miền Bắc không chỉ diễn ra trong mùa hè năm nay mà còn có thể tái diễn trong năm 2024.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, dự báo trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nắng nóng sẽ đạt đến cực hạn. Khoảng đầu tháng tháng 7, tần suất lũ về cao, nước về thượng nguồn sông Đà nhiều hơn nên nếu không có gì thay đổi, căng thẳng cấp điện tại miền Bắc mùa hè năm nay sẽ được giải tỏa.

Dù vậy, hiện tượng El Nino tái diễn năm nay, cộng với năm nay là năm nhuận, mùa khô sẽ có thêm 1 tháng vẫn sẽ khiến áp lực cấp điện gia tăng. Đến tháng 8 cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định.

Đến tháng 8 cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, trong giai đoạn 2016-2022, miền Bắc tăng trưởng nhanh điện thương phẩm, cao hơn cả miền Trung và Nam, trung bình đạt 9,9%. Nếu loại trừ 2 năm COVID-19 thì miền Bắc tăng 12-13%.

Vừa qua, tại miền Bắc có một số dự án điện công suất lớn được đưa vào vận hành là nhà máy nhiệt điện Hải Dương, công suất 1.300 MW; Nghi Sơn 2 công suất 1.200 MW và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 1.200 MW. Tuy nhiên, do Nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành nên chỉ vận hành 600 MW. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, miền Bắc chưa có thêm dự án nguồn điện nào khởi công.

Theo ông Võ Quang Lâm, EVN hiện đang chiếm 38,4% tổng công suất hệ thống điện, còn lại của nhà đầu tư khác; Về lưới truyền tải, EVN đang nắm 100% và lưới phân phối bán lẻ, EVN chiếm 92%, còn lại các hợp tác xã, chủ đầu tư khác…

Thời gian qua, một số nhà máy nhiệt điện than đang gặp sự cố. EVN, PVN,TKV đang cố gắng tháng 7-8 tới đưa vào vận hành, hỗ trợ cho hệ thống điện thêm khoảng 1.000 MW. Theo ông Lâm, bình thường các nhà máy nhiệt điện vận hành 6.000 giờ/năm phải nghỉ để bảo dưỡng, sửa chữa nhưng vừa rồi huy động cao nên xác suất sự cố tăng, thời gian bị hỏng kéo dài. "Chúng tôi cũng làm việc để tăng cường nguồn than để tăng cường cho nhà máy nhiệt điện để tăng cường khả năng cung ứng điện", ông Võ Quang Lâm nói.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho rằng, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây 2 năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Các tính toán đều nói rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023-2024. Nguyên nhân vì miền Bắc gần như không có nguồn mới. Ngay cả nhiệt điện Thái Bình 2 cũng xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công, nhưng cũng hay gặp trục trặc. Thủy điện thì 3-4 năm qua đều đã xây dựng hết rồi. Trong khi đó, điện tái tạo tại miền Bắc xây dựng khó khăn hơn miền Trung và miền Nam. Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt tạo điều kiện tối đa cho điện mặt trời mái nhà không nối lưới nhưng đến nay chưa có cơ chế, chính sách thực hiện. Đầu tư điện khí khó khăn, mất nhiều thời gian. Nguy cơ thiếu điện còn cao.

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, tăng trưởng kinh tế miền Bắc mấy năm nay tăng cao hơn phía Nam nhưng không có thêm nguồn điện nào. "Nguyên nhân do hệ thống không phản ứng, không vận hành. Theo tôi, nhìn thấy thiếu hụt là cơ hội đầu tư, kinh doanh, là cơ hội phát triển chứ không phải là nút thắt để kìm hãm sự phát triển. Cần thay đổi cách thức làm chính sách, vận hành chính sách, xử lý vấn đề, còn không vẫn tiếp tục trì trệ. Cùng với đó, nên nhìn vấn đề một cách thực tế là đang thiếu điện và cần giải pháp, thay vì tính cơ cấu nguồn điện như thế nào, giá điện tái tạo ra sao… Kế hoạch hành động cả năm chưa chắc đã có. Cần xử lý vấn đề gặp phải trong tổng thể sau đó mới tính cân bằng về cơ cấu nguồn", ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Theo ông Cung, trước mắt, những nhà máy điện than đang ở trong quy hoạch, đã được phê duyệt cần đẩy nhanh tiến độ hơn, đừng nói đến điện gió, điện gió ngoài khơi vì nếu chờ kế hoạch hành động để triển khai quy hoạch điện 8 thì có thể 1 năm sau chưa chắc đã có. Đồng thời, "cần có một chính sách nhà đầu tư, người tiêu dùng dự tính được. Thời gian vừa rồi tại sao ngừng các dự án đầu tư điện, vì chính sách không ổn định, người ta không dự tính được, hôm nay FIT 1, mai FIT 2, mức như thế nào cũng không biết," ông Cung nói.

 Làm sao đủ điện cho miền Bắc trong thời gian tới? ông Võ Quang Lâm cho biết, EVN đã nỗ lực tối đa để có điện. Hiện, EVN đang đề xuất để được thực hiện nhanh các dự án thuỷ điện mở rộng, những dự án thuỷ điện mở rộng nếu giờ xong các thủ tục mà triển khai thực hiện ngay thì cũng phải 5 năm nữa mới xong. 

Ngày 9/6, trên cả nước, lưu lượng nước về hồ thuỷ điện tăng nhẹ so với ngày hôm qua nhưng vẫn thấp.

Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 9/6, trên cả nước, lưu lượng nước về hồ thuỷ điện tăng nhẹ so với ngày hôm qua nhưng vẫn thấp. Mực nước các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, một số hồ xấp xỉ, dưới mực nước chết; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ ở mực nước tối thiểu theo quy định của Quy trình vận hành.

Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, số nhà máy phải dừng chủ yếu tập trung khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành với lưu lượng và cột nước thấp dưới thiết kế, khó có thể đáp ứng được việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.

Hiện vẫn còn một số hồ ở mực nước chết như: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Thác Mơ, Trị An. Một số thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo gồm: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An.

Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24h tới tăng; mực nước hồ tăng nhẹ, các hồ khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ ở mức thấp.

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, mùa nắng nóng còn kéo dài, dự báo thủy văn về các hồ thủy điện biến đổi chậm, mực nước thấp, tăng chậm, các ngành, địa phương và người dân cần sử dụng nước, điện hiệu quả, tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiến nghị các bộ ban ngành phối hợp cùng với Bộ Công Thương để chỉ đạo, điều hành các công trình thủy điện vận hành an toàn, hiệu quả.

Lưu Hiệp

Bộ Công an khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng trật tự thế giới dựa trên pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.

Ngày 5/1, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thảo (SN 1996, trú tại Lào Cai) và Lin Kai Yuan (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với Dương Thị Như Hồng (SN 2000, trú tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Theo Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm nước tiểu của nữ bệnh nhân 67 tuổi ở Thanh Hoá vào nhập viện trong tình trạng hôn mê phát hiện chất độc strychnin. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột thuốc người bệnh sử dụng.

Tôi về quê vào những ngày cuối năm, trên chuyến xe chật ních những người, lòng dâng lên một cảm xúc xốn xang, bồi hồi khó tả. Bao nhiêu năm trôi qua với niềm nhớ thương da diết, Tết quê nhà trong tim tôi vẫn luôn dung dị, bình yên với khói chiều cuối năm bảng lảng, ngày cuối Chạp bóng nắng hắt lên lũy tre làng xanh biêng biếc, bầy chèo bẻo đậu trên nhánh cây bạch đàn tao tác gọi bạn.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023; chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động giai đoạn 2021-2023 của các cơ sở y tế công lập tỉnh Khánh Hòa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文