Tiên phong xu hướng ngân hàng mở, OCB hướng đến giải pháp tài chính xanh
Với chiến lược hướng đến mô hình quản trị bền vững, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã và đang tiên phong trong cuộc đua triển khai Open API theo xu hướng ngân hàng mở (Open Banking) cùng gần 200 giải pháp tài chính xanh đa dạng dành cho doanh nghiệp.
Là một trong những ngân hàng sớm ứng dụng số hoá để cải tiến quy trình nội bộ, nâng cấp hạ tầng công nghệ, từ đó phát triển các giải pháp tài chính số cho khách hàng, OCB đã sử dụng công nghệ mã nguồn mở API từ năm 2019 để ứng dụng vào các giải pháp thanh toán “may đo” theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.
Khi kết nối qua API, dữ liệu được chia sẻ với khối lượng lớn và cực kỳ nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, an toàn và chuẩn hoá. Hơn nữa, API còn hỗ trợ tích hợp nhiều hệ thống trên một nền tảng, đồng bộ thông tin giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện các giao dịch tài chính ngân hàng ngay trên nền tảng số của doanh nghiệp mà không cần đến quầy hay truy cập vào hệ thống OCB như: truy vấn tài khoản, mở hợp đồng tiền gửi, tra cứu sao kê, thanh toán hoá đơn, chi lương, chuyển tiền,… Với những tiện ích từ dịch vụ Open API mang lại, doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, tối ưu nguồn nhân lực, rút ngắn quy trình để tập trung phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh chính.
Tận dụng những ưu điểm vượt trội trên, OCB đã tung ra thị trường giải pháp số SME GreenBiz dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vào cuối năm 2023, với 3 gói chính gồm: GreenBiz Base, GreenBiz Plus, GreenBiz Lux, được thiết kế phù hợp với nhu cầu giao dịch, quản lý dòng tiền và thanh toán của từng phân khúc khách hàng.
Không chỉ tối ưu chi phí, SME GreenBiz còn hỗ trợ doanh nghiệp “xanh hóa” vận hành thông qua các giải pháp được triển khai chủ yếu trên kênh số, trực tuyến và hạn chế chứng từ giấy, giảm thiểu việc di chuyển so với giao dịch trực tiếp mà vẫn đảm bảo tính an toàn và bảo mật.
Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 1 lần duy nhất để trải nghiệm trọn gói các giải pháp tài chính: chuyển tiền trong nước và quốc tế, chi lương, thanh toán hóa đơn và nộp ngân sách nhà nước qua kênh ngân hàng số OMNI Corp; đa dạng phương thức thanh toán cho người mua hàng với giải pháp QR Pay, cổng thanh toán OCB PayU, dịch vụ POS/mPOS; quản lý khoản phải thu tự động và dễ dàng hơn với tài khoản định danh; tích hợp dịch vụ ngân hàng số của OCB vào nền tảng quản lý số ERP doanh nghiệp để quản lý các khoản thanh toán thuận tiện và nhanh chóng thông qua Open API….
“Hiện nay, hầu hết các sản phẩm số của OCB đều được phát triển theo xu hướng ngân hàng mở, giúp “xanh hóa” công tác vận hành, quản lý tài chính an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, ngoài việc xây dựng sản phẩm số xanh, ngân hàng cũng sẽ ưu tiên tài trợ vốn đến các dự án thúc đẩy bảo vệ môi trường, bởi chúng tôi chú trọng chiến lược phát triển bền vững và xem đây là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của ngân hàng”, đại diện OCB chia sẻ.
Được biết tại OCB, bên cạnh việc duy trì tăng trưởng chỉ tiêu kinh doanh cốt lõi, công tác quản lý nội bộ cũng được điều chỉnh theo hướng thân thiện hơn với môi trường thông qua việc sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, phát triển các hoạt động trực tuyến, số hóa hầu hết trong các quy trình nội bộ... nhằm giảm thiểu các hoạt động liên quan đến giấy tờ, văn phòng phẩm, tiêu thụ năng lượng... Cũng chính vì vậy, CIR của ngân hàng luôn nằm trong Top thấp nhất hệ thống.