Vì sao một số doanh nghiệp ngại vay hỗ trợ lãi suất?

07:55 21/08/2022

Đây là một vướng mắc được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ ra tại buổi làm việc với Đoàn Công tác của Quốc hội về tình hình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, giai đoạn 2021-2025 vừa diễn ra.

Báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội, NHNN cho biết, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chương trình trong Quý I/2022.

Sau 3 tháng, gói hỗ trợ lãi suất mới hỗ trợ được 1,02 tỷ đồng.

Theo đó, về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và kịp thời đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định.

Tổ chức hội nghị toàn ngành ngân hàng, hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham gia chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện chính sách. Theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

“Hiện, các ngân hàng đã và đang rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM vẫn còn hạn chế. Do đó, ngày 9/8/2022, NHNN đã có Công văn yêu cầu các NHTM báo cáo nhanh một số thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất, tình hình tiếp cận, tiếp nhận, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, xử lý đề nghị hỗ trợ lãi suất của khách hàng. Qua ghi nhận sơ bộ từ báo cáo của các NHTM, một số nguyên nhân, khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai đến từ cả phía khách hàng và ngân hàng”, lãnh đạo NHNN cho biết.

Cụ thể, về khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất, dù Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có Văn bản giải đáp số 5251/BKHĐT-PTDN ngày 29/7/2022 về đối tượng được hỗ trợ lãi suất, song hiện các NHTM vẫn gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành. Còn từ phía khách hàng vay vốn, một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, nhưng bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất vì họ sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã công bố 4 dự án với tổng nhu cầu 1.751 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa phát sinh dư nợ đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ do số lượng dự án còn ít và mới được công bố.

Về phía các NHTM, vẫn còn có tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai thực hiện trước đây nhưng vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng. Hơn nữa, các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

“Căn cứ thực tế triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục đôn đốc các NHTM triển khai. Đồng thời, rà soát, phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh để tăng tiến độ giải ngân của Chương trình”, NHNN cho biết.

Chia sẻ thêm, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, bối cảnh thế giới và trong nước 6 tháng đầu năm nay có rất nhiều áp lực nhưng kết quả hoạt động của NHNN vẫn được đánh giá cao. Dù vậy, Thống đốc cho rằng trong thời gian tới, những khó khăn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ đã hiện rõ.

Đơn cử như tác động vòng hai của lạm phát đã thấy rõ qua chỉ số giá tiêu dùng tháng 7; tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam cũng khá cao so với các nước trong khu vực; hay với vấn đề lãi suất, nếu giảm lãi suất hoặc giữ mặt bằng lãi suất ổn định trong khi lãi suất thế giới cao thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch về nơi lãi suất cao, khi đó sẽ áp lực đến tỷ giá, đồng VND sẽ mất giá...

“Có thể nói, NHNN đang chịu áp lực “ba bề, bốn bên”, người dân gửi tiền mong lãi suất đầu vào cao, doanh nghiệp mong giảm lãi suất đầu ra, doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn thì mong tháo gỡ tín dụng còn các lĩnh vực sản xuất cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh”, Thống đốc chia sẻ.

Chính vì vậy, Thống đốc NHNN mong muốn khi đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu ở Nghị quyết của Quốc hội, NHNN sẽ được đánh giá ở mục tiêu tổng thể, bởi phải nhìn nhận rằng, bối cảnh xây dựng hai Nghị quyết này khác với hiện tại, vì vậy nếu thực hiện các mục tiêu cụ thể này sẽ mâu thuẫn với mục tiêu chung.

“Với ngành Ngân hàng, không chỉ thực hiện mục tiêu của Nghị quyết năm nay mà phải hướng tới mục tiêu bền vững, ổn định, bởi chính sách tiền tệ nó là tác động độ trễ, các chính sách kinh tế vĩ mô cũng có tác động độ trễ. Có nhiều giải pháp mà nếu can thiệp bây giờ chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt của năm nay và gây ra những hệ lụy của năm sau”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Hà An

Theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Đảng ủy Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để một số lãnh đạo, cán bộ, đảng viên của Ban vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu; các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Được đào tạo bài bản, nghiệp vụ sâu và với kinh nghiệm điều tra án được tích lũy qua nhiều năm nên ngay sau khi được bố trí công tác tại địa bàn cấp xã, những cán bộ, chiến sĩ Công an xã Bình Lương, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã nhanh chóng khẳng định được bản lĩnh và tính hiệu quả, chuyên nghiệp, bài bản trong việc điều tra, khám phá các vụ án hình sự phức tạp. Trong đó, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng mà Công an xã Bình Lương vừa điều tra, làm rõ đầu tháng 8/2024 là một điển hình.

Bất chấp những lời kêu gọi từ quốc tế, các động thái ăn miếng trả miếng giữa Israel và phong trào Hezbollah vẫn không hề hạ nhiệt, đẩy người dân Lebanon đến ngưỡng nguy hiểm, đặt Trung Đông trước nguy cơ xung đột toàn diện. Ai và giải pháp nào có thể khiến cả hai bên cùng “buông súng”, hạn chế leo thang căng thẳng tại khu vực này?

Ngày 25/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra Công ty TNHH điện gió Quang Minh Đắk Nông, địa chỉ: Thôn Rừng Lạnh, Xã Đăk Hoà, Huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông do đối tượng Wei Xinh, quốc tịch Trung Quốc điều hành.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文