Vĩnh Phúc đẩy mạnh giải pháp phát triển liên kết vùng kinh tế - xã hội
Để tạo liên kết vùng có tính chất lan tỏa, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm.
Nỗ lực triển khai các dự án tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng
Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Thái nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ và thành phố Hà Nội. Do đó việc phối hợp, chủ động đề ra các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển vùng và chủ động triển khai liên kết vùng đặc biệt là các tỉnh tiếp giáp luôn được tỉnh quan tâm thực hiện thông qua các hành lang kết nối trong phát triển kinh tế, văn hoá du lịch. Để tạo liên kết vùng có tính chất lan tỏa, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc tỉnh đã tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm như dự án hạ tầng giao thông kết nối Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tuyến phía Bắc; dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ hoàn thành xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ; ký thỏa thuận với tỉnh Tuyên Quang triển khai các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối hai tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang như Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D,…. Hiện tại tỉnh đang triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc nhằm kết nối với tỉnh Thái Nguyên; thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh kết nối Vĩnh Phúc với Thành phố Hà Nội; triển khai các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc, từng bước hoàn thiện tuyến đường Vĩnh Yên - Phú Xuyên theo Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đã chủ động huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn vay viện trợ để triển khai các dự án có tính đột phá tạo ra liên kết vùng trên địa bàn tỉnh. Một số dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh được triển khai như Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB); Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Dự án thành phần tỉnh Vĩnh Phúc, vay vốn ADB; dự án Cầu Đầm Vạc, vay vốn OFID; dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc;…Ngoài ra, tỉnh chủ động thực hiện hợp tác, liên kết với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là Thành phố Hà Nội để thực hiện một số biện pháp kiểm soát, quản lý về giống cây trồng, vật nuôi, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; trao đổi kinh nghiệm và xúc tiến đầu tư về sản xuất, chế biến rau, củ, quả, thực phẩm sạch, an toàn. Phối hợp với tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ và TP Hà Nội trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vùng giáp ranh theo quy chế phối hợp. Hợp tác về quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản, giới thiệu, quảng bá một số sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của một số doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tại 05 Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn tại thành phố Hà Nội. Tổ chức cho một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh đi khảo sát, tìm hiểu mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản an toàn tại tỉnh Ninh Bình và ký kết chương trình phối hợp về an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Ninh Bình.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024. Tỉnh Vĩnh Phúc đã rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, UBND tỉnh đã điều chỉnh 3 đồ án quy hoạch chung đô thị Tam Hồng, đô thị Đức bác và quy hoạch chung phát triển du lịch, dịch vụ khu vực chân núi Tam Đảo; điều chỉnh 6 đồ án quy hoạch phân khu A3, B1, B2, C1, C4, D2; điều chỉnh 05 đồ án quy hoạch chi tiết Khu nhà ở đô thị VCI, Khu đô thị Nam Phúc Yên, Khu đô thị Việt đức Legend City, Khu nhà ở tại xã Bình Dương, Khu đô thị mới tại thị trấn Tứ Trưng và thị trấn Vĩnh Tường… Trong năm 2024, UBND tỉnh đã điều chỉnh cục bộ 3 quy hoạch phân khu A5, C2, A4 làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh cục bộ 23 đồ án quy hoạch đô thị; đang triển khai điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2040 - tỷ lệ 1/10000; quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo đến năm 2030; quy hoạch chung đô thị Liên Châu, huyện Yên Lạc; quy hoạch chung thành phố Phúc Yên….
Điều chỉnh các quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, số tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh gồm 04 tuyến có tổng chiều dài là 159,5Km, trong đó đoạn tuyến Quốc lộ 2 qua địa bàn thành phố Vĩnh Yên và Quốc lộ 2B đã được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao về tỉnh quản lý. Toàn tỉnh hiện có 5 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài theo quy hoạch là 255,1km, đã đầu tư và đang đầu tư xây dựng 191km, còn khoảng 64km đang được nghiên cứu đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023-2025; có 17 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 371,3km, trong đó 205km đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng trở lên, còn lại 166km là đường cấp IV. Ngoài ra còn một số tuyến đường trục chính do cấp tỉnh quản lý và đầu tư như đường Trục Bắc - Nam, đường Trục Đông - Tây, đường Trục Mê Linh...
Cần cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ thúc đẩy liên kết phát triển vùng
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên kết phát triển vùng, Vĩnh Phúc chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thực hiện Kế hoạch quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị". Ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư công nghệ; phát triển các dự án hạ tầng giao thông của vùng và liên vùng; đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, ưu tiên cho giao thông; đẩy mạnh liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistics, dịch vụ chất lượng cao.
Để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thông thoáng trong triển khai các nhiệm vụ giải pháp phát triển liên kết vùng, Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công sửa đổi; Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi,… tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án đầu tư công và bố trí vốn cho các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương; sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế xã hội. Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung thêm danh mục được áp dụng chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ tại Nghị quyết số 106 của Quốc hội cho phép tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2, đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc. Đối với chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch, Vĩnh Phúc đề nghị các bộ, ngành sớm tham mưu Chính phủ ban hành và có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về huy động nguồn lực, nhân lực của xã hội tài trợ, tham gia công tác lập quy hoạch để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Vĩnh Phúc Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình điện trọng điểm
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình điện trọng điểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, nhu cầu sử dụng điện của Vĩnh Phúc thời gian tới tiếp tục tăng do một số khu công nghiệp đi vào hoạt động và số dự án đầu tư vào tỉnh sẽ tăng. Do đó, để bảo đảm cấp điện ổn định không chỉ cho Vĩnh Phúc mà cho cả các tỉnh, thành phía Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tiếp tục phối hợp cùng tỉnh Vĩnh Phúc tháo gỡ các khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án điện, bảo đảm nhu cầu về năng lượng điện của Vĩnh Phúc và an ninh năng lượng quốc gia; bảo đảm điện phục vụ sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân, tuyệt đối không để thiếu điện. Đối với việc triển khai xây dựng đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đây là dự án trọng điểm quốc gia, tỉnh sẽ thành lập tổ công tác riêng để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Các địa phương có dự án đi qua tập trung thực hiện tốt các nội dung được giao, nhất là đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng hành lang đường dây, các dự án tái định cư; rà soát quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất cho xây dựng các công trình điện. Tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân đồng thuận triển khai dự án. Các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng báo cáo cụ thể về các dự án để UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cùng với đó, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về giá đất; hoàn thiện thủ tục hồ sơ liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trình HĐND tỉnh. Chủ động phối hợp với chủ đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; thường xuyên báo cáo tiến độ triển khai các dự án với UBND tỉnh. Các chủ đầu tư chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương trong xác định hướng tuyến, bố trí nhân lực, tài chính cho công tác bồi thường, tái định cư. Các Ban Quản lý dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung nguồn lực triển khai dự án; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh cập nhật quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm tiến độ triển khai dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai 26 dự án điện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có 3 dự án 500kV; 7 dự án 220kV và 16 dự án 110kV. 10 tháng năm 2024, tổng sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn tỉnh đạt 3,705 tỷ kwh, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, điện phục vụ sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm gần 62%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã nâng công suất, lắp đặt máy biến áp 220kV - 250MVA thứ 2 tại huyện Vĩnh Tường nhưng các trạm 220kV không còn công suất dự phòng; Trạm biến áp 220kV Vĩnh Yên đã mang tải 103% trong các thời điểm phụ tải tăng cao. Cùng với đó, các đường dây 110kV tại nhiều khu vực đã vận hành đầy, quá tải. Dự kiến, giai đoạn 2024 - 2025, nhu cầu sử dụng điện của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tăng cao do một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động và tăng công suất. Đến năm 2025, nhu cầu công suất cực đại của tỉnh đạt xấp xỉ 1.050MW; điện thương phẩm đạt xấp xỉ 5,014 tỷ kwh, tăng trưởng bình quân đạt 11.6%/năm; tổng công suất điện đăng ký của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2024 - 2025 là 573MW.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án, nhất là đối với Dự án xây dựng Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên; Dự án Trạm biến áp 220kV Bá Thiện và đường dây 220kV Việt Trì - Tam Dương - Bá Thiện; đường dây 110kV Bá Thiện - Khai Quang; Dự án xây dựng mới và cải tạo đường dây 110kV Vĩnh Yên - Vĩnh Tường - Việt Trì... Riêng đối với Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, để bảo đảm thi công trong 6 tháng và đóng điện từ tháng 6/2026 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVNđề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cho giữ nguyên hướng tuyến đường dây đã thỏa thuận, hạn chế tối đa việc điều chỉnh. Sớm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và bổ sung nhu cầu sử dụng đất của dự án trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của tỉnh; chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua rà soát, bố trí quỹ đất tái định cư và tổ chức thực hiện tái định cư từ quý I/2025.