Vốn tín dụng Agribank - Xanh rừng núi, xanh biên cương

20:50 15/03/2023

Những cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Agribank, như đàn kiến cần mẫn mang những đồng vốn vượt nắng gió đại ngàn Tây Nguyên, gieo mầm xanh cuộc sống nơi vùng đất đỏ bazan.

Những đồng vốn đó, không chỉ “đưa núi rừng tiến kịp miền xuôi” với hàng trăm ngàn héc-ta cao su, hồ tiêu, điều hay những rẫy ăn trồng cây ăn quả giúp kinh tế vùng “thay da đổi thịt”, mà còn giúp đảm bảo kinh tế nông nghiệp vùng biên, góp phần ổn định chính trị địa phương, an ninh trật tự xã hội.

1. Chúng tôi đến Tây Nguyên vào những ngày tháng 3 nắng như đổ lửa. Tháng 3, hoa café trắng bạt ngàn rừng núi, mùa những con ong đi lấy mật, cũng là mùa chung vui của những người nông dân và cán bộ Agribank khi mô hình cho vay vốn phát triển kinh tế sắp đơm quả ngọt. Là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái của đất nước, đây cũng là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số (Xêđăng, Bana, Giarai, Êđê, Coho, Mạ, Mơnông….) với truyền thống văn hóa độc đáo, song kinh tế Tây Nguyên đang rất khó khăn.

Nông dân Bùi Văn Quyển đang “khoe” 40 héc-ta trồng cao su và sầu riêng với cán bộ Agribank.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngay từ khi thành lập ngân hàng cách đây 35 năm, những cán bộ tín dụng của Agribank đã mang vốn lên để xây dựng vùng kinh tế mới, vì thế, Agribank đã đồng hành gần nửa đời người, chứng kiến bao thăng trầm của nền kinh tế nơi đây.

“Tây Nguyên là địa bàn thiếu vốn, nên Agribank phải mang vốn từ miền xuôi ngược lên đây cho vay, vì kinh tế phát triển, thì an ninh xã hội mới vững chắc. Do là đồng bào dân tộc thiểu số nên bà con hạn chế về kỹ năng, về trình độ, bà con cứ vật lộn từ cây cà phê, sang cây hồ tiêu, sang cây sắn... Hiện giờ, đang có những rừng cao su bị phá để chuyển sang cây sầu riêng. Nhìn chung, bà con vẫn đang tự mình tìm đường đi, nên khó khăn vẫn đang còn nhiều phía trước”, bà Phượng chia sẻ.

Dù khó khăn là thế, nhưng Tây Nguyên đang ngày càng phát triển. Đến thăm hộ nông dân Bùi Văn Quyển ở xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, chúng tôi khâm phục sự kiên cường của người nông dân nơi đây. Xin được dăm héc-ta đất để khai hoang trồng cao su ban đầu, vượt qua câu chuyện được mùa rớt giá được giá mất mùa, rồi nhiều lần chuyển đổi chặt bỏ cao su để trồng cây ăn quả, đến nay, anh Bùi Văn Quyển đã có khoảng 40 héc-ta trồng cây ăn quả, cây công nghiệp; mỗi năm cho giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Để có vốn làm ăn, hiện nay hộ nông dân này đang có dư nợ vay đến gần 7 tỷ đồng với lãi suất tùy thời điểm từ 6,5% đến 8,5% tại Agribank.

Cũng từ 20 triệu vốn vay của Agribank chi nhánh Ngọc Hồi (Kon Tum) từ năm 1998 đến nay, hộ dân Nguyễn Văn Thành đã có một cơ ngơi khang trang và một trang trại cho năng suất cao chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình trang trại hữu cơ. Có những đợt heo rớt giá suốt 3 năm từ 2017 đến 2019, tưởng chừng không gượng dậy được; nhưng nhờ Agribank chi nhánh Ngọc Hồi tạo điều kiện, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất; lại được sự động viên của chính quyền địa phương mà ông quyết tâm vượt qua nghịch cảnh.

Từ khoản vay lên đến 12 tỷ đồng, hiện người nông dân này đã trả được phần lớn, chỉ còn dư nợ vay 3,2 tỷ đồng. Không chỉ ổn định kinh tế, gia đình nông dân Bùi Văn Quyển và Nguyễn Văn Thành và nhiều hộ gia làm kinh tế khác đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong thôn, trong xã; bên cạnh đó, họ còn tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào an sinh của địa phương.

2. Là một trong những người có thâm niên lâu đời gắn bó với Agribank miền Tây Nguyên, anh Quang (Agribank Gia Lai) không bao giờ quên được tình huống dở khóc dở cười mà anh gặp phải khi làm tín dụng nơi đây. “Những ngày đầu, khi Agribank mới thành lập và bắt đầu hoạt động ở Tây Nguyên, khi đó, khái niệm tín dụng đối với bà con thực sự rất mơ hồ, chưa kể, bất đồng ngôn ngữ khiến cho việc giao dịch rất khó khăn. Nhiều bà con dân tộc, lần đầu tiên được vay vốn, còn ngỡ ngàng không biết phải làm gì. Song, vì là “tiền nhà nước” nên họ không dám tiêu, mà mang về gói kín rồi… gác lên góc bếp.

Đến hạn, khi cán bộ tín dụng vào nhà tất toán hợp đồng, bà con mang nguyên gói tiền ra trả, không thừa, không thiếu một xu. Lúc đó, chúng tôi phải giải thích cho bà con hiểu và hướng dẫn họ cách sử dụng đồng vốn, cùng bà con bàn bạc tìm hướng đi để bắt đồng vốn phục vụ cuộc sống, sinh sôi nảy nở”, anh Quang kể.

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chư Prông.

Anh Nguyễn Bá Nhàn- Giám đốc Agribank huyện Chư Prông cũng là người đã gắn bó với núi rừng Tây Nguyên hơn 20 năm nay. Đôi chân anh đã vượt hàng nghìn km đường rừng núi mang vốn đến với buôn làng.

“Người dân ở đây thật thà, chân chất mà thương lắm. Cán bộ tín dụng, mang vốn đến cho dân làm ăn, chi tiêu lúc khó khăn, được dân coi như người nhà, mọi vui buồn trong cuộc sống đều chia sẻ. Nhà có đám hiếu, đám hỷ hay hội hè, lễ Tết gì, cũng nhất định phải mời bằng được cán bộ tín dụng đến để chung vui, uống chén rượu mới tình cảm. Mỗi cán bộ tín dụng phụ trách khoảng 400-500 hộ khách hàng là chuyện bình thường, có những huyện, mỗi cán bộ tín dụng còn phải phụ trách tới 700-800 khách hàng. Nhiều thế, nên chuyện cán bộ tín dụng suốt ngày được mời đến bà con là chuyện… cơm bữa. Khó khăn nhất vẫn là cán bộ tín dụng nữ, đường sá xa xôi, có nhà dân cách chi nhánh tới gần 100km. Đường rừng núi đất đỏ bazan, mùa nắng bụi ném từng vốc vào mặt, mù mịt không thấy đường, mùa mưa thì ôi thôi, nhão nhoét, phải quấn xích vào bánh xe chống trơn trượt mới đi nổi. Chưa kể, những chuyến vào buôn làng xa mà gặp mưa rừng thì xác định là được cách ly luôn trong đó 1-2 ngày”, anh Nhàn chia sẻ.

Vượt qua tất cả, những cán bộ tín dụng của Agribank vẫn ngày ngày cần mẫn đưa từng đồng vốn lên với bà con. “Những khách hàng lớn vay vốn trồng cao su, trồng tiêu, điều hay cây ăn quả như bơ, sầu riêng… với dư nợ tiền tỷ chỉ là bề nổi, còn đằng sau là những hộ dân người bản địa, dân tộc sống trong buôn làng xa xôi, vay vốn chỉ dăm ba chục triệu để canh tác, tiêu dùng.

Cho vay những hộ này, tiền ít, lãi ít, thủ tục lại phức tạp, mất thời gian công sức, nhưng lại là một công việc mang lại nhiều cảm xúc nhất. Bởi vì, những đồng vốn ít ỏi đó, nó là bát cơm, tấm áo làm ấm bụng, là viên thuốc lúc ốm đau, là cơ hội được canh tác ổn định trên mảnh đất quê hương của người dân, không phải du canh du cư nay đây mai đó. Vì thế, việc cho vay vốn các hộ dân tộc người bản địa không chỉ là niềm vui, mà là một trong những mục tiêu của chúng tôi”, ông Nguyễn Dự- Giám đốc Agribank Gia Lai tâm sự.

Tất nhiên, cho vay vốn cũng có những lúc rủi ro. Với những bà con dân tộc, khi đến hạn, chưa trả được nợ, họ lo lắng và day dứt lắm.

“Có những lần, chúng tôi đến hộ dân tất toán khoản vay, chủ hộ không có tiền trả nên trốn ra đằng sau nhà, xúi con nhỏ lên bảo bố mẹ đi rẫy vắng. Biết họ cũng khó khăn, nên chúng tôi đã vào động viên, chia sẻ, tìm hiểu nguyên nhân chậm trả nợ, từ đó cùng giúp họ nghĩ ra phương án làm ăn, để không phải nợ nần và có thể phát triển kinh tế hộ. Chính những người đã từng “trốn nợ”, sau lại là khách hàng trung thành và thường xuyên của Agribank. Vì thế, nợ xấu của chúng tôi luôn chỉ ở mức 0,3%”, anh Đồng Ngọc Danh (Agribank Chư Prông) chia sẻ.

Một tín hiệu đáng mừng, đó là những đồng vốn của Agribank đã góp phần hạ nhiệt hiểm họa tín dụng đen vùng Tây Nguyên. Với chủ trương xử lý hồ sơ nhanh chóng, giải ngân trong vòng 24 giờ sau khi được duyệt vay, nhiều xã ở Tây Nguyên không còn tình trạng “tín đụng đen” hoành hành. Kinh tế ổn định, chính trị địa phương ổn định, an ninh trật tự cũng ổn định, Tây Nguyên đang ngày một phát triển nhờ những đồng vốn đến từ tấm lòng của những cán bộ tín dụng Agribank…

“Cái chúng tôi mong muốn là quy hoạch vùng, có chiến lược phát triển kinh tế cho Tây Nguyên, vì chiến lược phát triển địa bàn kinh tế Tây Nguyên là gắn nông nghiệp với vành đai biên giới, nông nghiệp gắn với ổn định chính trị địa phương, để bà con không du canh du cư, không nghe theo những lời tuyên truyền xấu phản động nơi biên giới”, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank.

PV

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文