Vướng mắc cản trở tiến độ hoàn thành dự án cải tạo kênh Tham Lương

13:25 09/03/2025

Mặc dù ngay từ đầu năm, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP Hồ Chí Minh (Ban Hạ tầng), đã liên tiếp có văn bản đốc thúc các nhà thầu thi công 10 gói thầu của Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên phải khẩn trương tổ chức triển khai thi công ngay sau Tết Nguyên đán, nhưng đến nay nhiều hạng mục của các gói thầu vẫn bất động hoặc thi công cầm chừng…

Theo ông Đậu An Phúc, Giám đốc Ban Hạ tầng, đến cuối tháng 1 vừa qua khối lượng hoàn thành các hạng mục chính của dự án mới chỉ đạt hơn 43,5%. Đến nay, nhiều đoạn bờ kênh vẫn chưa được kè xong, việc nạo vét lòng kênh hầu như chưa được tiến hành, hạng mục lắp đặt cống thoát nước, làm được giao thông… trên nhiều đoạn vẫn còn ngổn ngang.

Báo cáo về tiến độ dự án với UBND thành phố vào ngày 19/2 vừa qua, ông Đậu An Phúc thừa nhận còn một số nhà thầu thi công rất chậm, chưa đảm bảo tiến độ. Do đó, Ban Hạ tầng đã phải xử phạt khối lượng chậm thực hiện theo hợp đồng đối với 2 nhà thầu là Công ty CP Hải Đăng và Công ty CP XD VT Hoàng Ngân.

Do nhiều gói thầu của dự án chậm tiến độ, nên năm 2024, dù dự án chỉ được giao số vốn đầu tư công là 1.260 tỷ đồng, nhưng đến hết năm mới chỉ có 962 tỷ đồng được giải ngân. Năm 2025, dự án được giao vốn 3.567 tỷ đồng, nhưng mục tiêu Ban Hạ tầng đặt ra cũng chỉ là giải ngân được 2.387 tỷ.

Loạt vướng mắc cản trở tiến độ hoàn thành dự án cải tạo kênh Tham Lương  -0
Nhiều đoạn bờ kênh chưa được kè xong để triển khai các hạng mục tiếp theo.

Khi dự án đang triển khai thi công, tháng 11/2024 UBND TP Hồ Chí Minh đã phải trình HĐND thông qua Nghị quyết về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ  8.200 tỷ đồng lên 9.030 tỷ và thời gian thực hiện dự án được kéo dài thêm 1 năm, hoàn thành vào năm 2026.

Theo giải trình của UBND thành phố, lý do phải điều chỉnh quy mô đầu tư dự án là nhằm bổ sung việc di dời, tái lập 7 vị trí trụ điện cao thế 110kV, 220kV nằm trong phạm vi hạ tầng bờ kênh của dự án; cải tạo nâng cao trình 2 vị trí tuyến đường dây 500kV; điều chỉnh tăng quy mô sử dụng đất của dự án thêm 3.592m2; bổ sung tuyến đường tại khu vực các dự án cống kiểm soát triều Vàm Thuật, Nước Lên; xây dựng 4 đoạn đường giao thông với tổng chiều dài 640m, rộng 12m; bổ sung hệ thống 75 vị trí bến lấy nước phục vụ PCCC trên địa bàn 7 quận, huyện; bổ sung 39 vị trí cửa xả để phục vụ kết nối với hệ thống thoát nước của khu vực kèm theo việc lắp mới các cửa van ngăn triều cho các cống phục vụ chống ngập cho khu vực.

Trong khi đó, theo quyết định phê duyệt dự án vào tháng 3/2022 của UBND thành phố, số tiền chi phí cho tư vấn đầu tư xây dựng dự án đã lên đến hơn 121 tỷ đồng; chi phí khác là hơn 113 tỷ đồng và khoản dự phòng phí cũng lên đến 83 tỷ đồng. Như vậy, để dự án chưa làm xong đã phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh tổng mức đầu tư trên cũng có phần trách nhiệm của doanh nghiệp tư vấn và cả bên thuê tư vấn. Nhưng theo ông Đậu An Phúc, ngày 25/11/2024 vừa qua, Công ty TNHH tư vấn Trường Đại học Thủy Lợi - đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập khảo sát xây dựng của dự án đã trả lời không tham gia việc lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án.

Hiện việc thi công dự án bị vướng việc di dời, tái lập 7 vị trí trụ điện cao thế 110kV, 202kV nằm trong phạm vi hạ tầng bờ kênh của dự án và cải tạo nâng cao trình đối với 2 vị trí của tuyến dây 500kV. Nhưng hạng mục này hiện chưa thể thực hiện do chưa có hướng dẫn về di dời, tái lập hệ thống điện cao thế. Đến nay, địa bàn do Công ty điện lực Bình Phú quản lý có 30 trụ điện trung, hạ thế và 2 trạm biến áp; Công ty điện lực Bình Chánh có 2 trụ điện trung thế băng ngang kênh; Công ty điện lực Tân Phú có 1 tuyến với 7 trụ điện trung thế; Công ty điện lực Gò Vấp có 56 trụ điện trung - hạ thế; Công ty điện lực An Phú Đông có 8 trụ thuộc tuyến dây hạ thế cần phải di dời.  Thậm chí, chỉ với số liệu do Trung tâm thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ cung cấp có sự thay đổi về cao độ, Ban Hạ tầng đã phải đề nghị Liên danh tư vấn thiết kế kiểm tra, đánh giá hệ thống mốc cao độ của dự án. Sau khi kiểm tra, đánh giá, tháng 12/2024 vừa qua Liên danh tư vấn thiết kế đã đề xuất nâng cao độ mặt đường thêm 15cm trong phạm vi gói thầu XL-01, XL-02.

Trước đề xuất này, Ban Hạ tầng đã phải báo cáo Sở TNMT, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan xem xét tình trạng lún cao độ này để thực hiện các bước tiếp theo. Nếu đề xuất trên được chấp thuận, chưa tính thời gian để giải quyết thủ tục phát sinh, tổng mức đầu tư cho dự án sẽ tiếp tục đội thêm số vốn không nhỏ để chi phí cho vật liệu, nhân công nâng đường, nâng cao độ của dự án.

Việc kết nối tuyến đường bờ phải kênh vào đường CN1 ở KCN Tân Bình cũng vậy, dù việc này đã được UBND thành phố phê duyệt vào ngày 29/3/2022, nhưng chủ đầu tư KCN Tân Bình đã phản ứng, cho rằng tuyến đường này nằm trong ranh quy hoạch đường nội bộ của KCN nên cần có ý kiến của Ban quản lý các KCX-KCN cũng như UBND thành phố. Đồng thời cho rằng việc đấu nối này sẽ làm tăng lưu lượng xe cộ, gây mất an toàn giao thông, ANTT và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong KCN.

Ngoài ra, một loạt vấn đề phát sinh khác cũng đang gây cản trở đến tiến độ hoàn thành dự án như khó khăn trong công tác phối hợp với các quận huyện để cập nhật, điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2000 đối với các hạng mục, công trình được bổ sung như 75 bến lấy nước phục vụ PCCC, 39 cửa xả.

Dự án đã bước vào giai đoạn nước rút, nhưng đến thời điểm này vẫn còn đến 25 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng phục vụ dự án, trong đó riêng quận Bình Tân chiếm đến 23 trường hợp. Khối lượng bùn, đất rất lớn đào lên để đặt cống thoát nước, làm đường và nạo vét lòng kênh hiện cũng phải chờ hoàn thành thủ tục pháp lý, trình thành phố phê duyệt 12 bãi chứa…           

Bảo Sơn

Sáng 12/7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Đà Nẵng phối hợp với Công an phường Liên Chiêu tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH vận tải Minh Khang (tại địa chỉ lô 168A-A8, KDC Vạn Tường, phường Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Qua đó, đã phát hiện một khối lượng lớn hàng hóa nghi nhập lậu hoặc làm giả, hàng kém chất lượng.

Trong hơn 30 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực di dời khoảng 40 nghìn căn nhà lụp xụp trên và ven nhiều tuyến kênh, rạch chính. Kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường sống cho hàng trăm nghìn người dân sinh sống ven các tuyến kênh, rạch, góp phần chỉnh trang đô thị, tiêu thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn gần 40 nghìn căn nhà nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ kênh, rạch cần di dời để phục vụ chỉnh trang đô thị, tiêu thoát nước, phát triển các tuyến giao thông thủy nội địa, cải thiện ô nhiễm môi trường cho hàng triệu người dân đang sinh sống dọc theo các lưu vực kênh. Do đó, ngày 28/5 vừa qua Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố tờ trình kèm theo dự thảo Đề án chỉnh trang đô thị khu vực nhà trên và ven sông, kênh, rạch giai đoạn 2025-2030…

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc rà soát, duy trì chính sách giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí, đảm bảo quyền lợi cho người dân sau khi địa phương thực hiện hợp nhất đơn vị hành chính.

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện (BV) tại TP Hồ Chí Minh phát đi cảnh báo về tình trạng các đối tượng mạo danh bác sĩ, nhân viên y tế, thậm chí cả Sở Y tế để lừa đảo người dân. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại về tài chính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin xã hội đối với ngành y tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.