Xử lý nghiêm khắc doanh nghiệp “quên” quyền lợi của người lao động
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã “quên” đóng bảo hiểm cho người lao động (NLĐ) khiến họ rất thiệt thòi, nhất là mỗi khi đau ốm phải vào viện. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã liên tục xử phạt nhiều DN nhằm răn đe cho các đơn vị sử dụng lao động không đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
Chị Nguyễn Thị P (32 tuổi, trú tại Thừa Thiên-Huế) làm công nhân tại một công ty đóng ở KCN Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) đã hơn 9 năm nay. Mới đây, khi bị bệnh, chị P được người thân đưa vào viện cấp cứu thì mới biết được thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của chị không còn giá trị sử dụng do công ty nơi chị làm việc đã “quên” đóng BHYT cho chị hơn 2 tháng.
“Đồng lương công nhân ít ỏi, làm tháng nào vừa đủ trang trải tháng đó, chứ tôi không có tiền tích cóp. Vì vậy, để có tiền chữa trị, gia đình tôi phải vay mượn 15 triệu đồng để nộp viện phí”. Theo lời kể của chị P, chị là một trong số hàng chục công nhân mà công ty “quên” đóng bảo hiểm.
Tương tự, bà Nguyễn Thị H, làm việc tại Công ty TNHH MTV Takson Huế ở KCN Phú Bài (thị xã Hương Thủy) từ nhiều năm qua. Thế nhưng, đến khi bị bệnh phải nằm viện điều trị dài ngày thì bà H phát hiện thẻ BHYT của mình không còn giá trị sử dụng. Sau khi đến cơ quan BHXH tỉnh để hỏi, bà H mới biết do công ty còn nợ BHXH và BHYT nên theo quy định, đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của NLĐ đang tham gia BHXH, BHYT tại đơn vị bị tạm dừng giá trị sử dụng. Vì vậy, bà H phải tự bỏ tiền túi trả số tiền gần 10 triệu đồng để chi trả cho nằm viện.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, đến đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều DN chậm đóng tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT… của người sử dụng lao động chưa tốt. Thực tế cho thấy, có những trường hợp người sử dụng lao động hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT… cho NLĐ, nhưng vẫn cố tình không đóng các loại bảo hiểm hoặc chỉ đóng bảo hiểm cho một số lao động nhằm giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn.
Trước thực trạng trên, thời gian gần đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã liên tục xử lý mạnh tay đối với nhiều DN “quên” đóng bảo hiểm cho NLĐ. Điển hình, đầu tháng 2/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm đối với 3 DN gồm: Công ty CP Phương Minh (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà), Công ty TNHH Quốc Thắng (phường An Tây, TP Huế) và Công ty TNHH MTV Takson Huế (KCN Phú Bài, thị xã Hương Thủy).
Trước đó, qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện Công ty CP Phương Minh chậm đóng hơn 1,5 tỷ đồng tiền BHXH bắt buộc, BHTN và BHYT cho NLĐ. Với vi phạm này, DN vừa kể bị UBND tỉnh phạt hành chính số tiền 180 triệu đồng. Với Công ty TNHH Quốc Thắng, do đóng BHXH, BHTN cho NLĐ không đúng mức quy định; đóng BHYT không đủ số tiền phải đóng hơn 3,1 tỷ đồng nên đã bị xử phạt hơn 182 triệu đồng. Đối với Công ty TNHH MTV Takson Huế bị xử phạt 200 triệu đồng do chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT cho người lao động với số tiền gần 3,8 tỷ đồng.
Ngoài bị phạt tiền, các DN nêu trên phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT cho cơ quan BHXH tính đến thời điểm lập biên bản. Đối với hành vi đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng, buộc Công ty phải nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng. Đối với hành vi chậm đóng BHYT và đóng BHYT không đủ số tiền phải đóng, buộc hoàn trả số tiền mà đối tượng tham gia BHYT bị thiệt hại (nếu có).
Hay mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty CP May mặc Triệu Phú (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) với số tiền hơn 143 triệu đồng vì chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN và BHYT cho công nhân.
Cụ thể, tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, số tiền BHXH bắt buộc, BHTN mà công ty chậm đóng hơn 363 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty còn có hành vi đóng BHXH bắt buộc, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia lĩnh và chậm đóng BHYT đối với 84 lao động...
Tương tự, cuối tháng 12/2022, Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã ban hành các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm đối với 3 DN (đều đóng trên địa bàn TP Huế) gồm: Công ty TNHH Việt Windows; Công ty TNHH MTV Cơ điện lạnh Nam Hân và Công ty CP Xây dựng STOWN.
Trước tình trạng các DN chậm đóng bảo hiểm cho NLĐ có xu hướng gia tăng trên địa bàn, mới đây, BHXH tỉnh Thừa Thiên-Huế có công văn đề nghị Cục Thuế tỉnh trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về thuế yêu cầu DN chuyển nộp kịp thời cho cơ quan BHXH số tiền còn nợ.
Đồng thời, đưa nội dung yêu cầu DN thực hiện chuyển nộp đầy đủ số tiền phát sinh hàng tháng và số tiền còn nợ cho BHXH tỉnh vào kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế. Ngoài ra, hàng tháng, đề nghị Cục Thuế tỉnh thông báo cho BHXH tỉnh kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đối với các DN về lộ trình chuyển trả số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đối với DN chậm đóng từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm. Đối với DN đã bị xử phạt nhưng chưa thực hiện hoặc cố tình chây ỳ thì ban hành quyết định cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền. Đồng thời, công khai danh sách các DN trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng với số tiền lớn, thời gian chậm kéo dài…