Bài học đầu đời

08:22 27/11/2014
Ngót nghét nửa thế kỷ đã trôi qua, quá nửa đời người đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ "Lời nhận xét" của cô về tôi trong sổ "liên lạc giữa nhà trường và gia đình": "Em học khá nhưng chưa thật chăm. Sách vở còn bẩn. Trong lớp còn mất trật tự. Sang học kỳ hai, em cố gắng phấn đấu để trở thành đội viên Thiếu niên tiền phong".

Năm tám tuổi, tôi là học sinh lớp 1E của trường cấp 1 Tân Trào. Trường có trụ sở chính ở phố Quán Sứ. Còn nơi tôi học là một căn phòng mượn tạm nhà dân ở phố Phan Bội Châu. Ngày ấy, Hà Nội còn vắng vẻ và yên tĩnh lắm. Không nhiều người và nhiều xe cộ như bây giờ. Người Hà Nội ngày ấy tuy còn nghèo nhưng vẫn rất lịch sự, văn minh và còn quan tâm đến nhau lắm. Thường ngày khi đi học, chúng tôi toàn đi bộ. Đơn giản vì nhà đứa nào cũng nghèo. Gia tài lớn nhất của mỗi gia đình thuộc diện cán bộ, công nhân viên, có khi chỉ một chiếc xe đạp cà tàng. Thêm lý do nữa là trẻ con cùng tuổi ở chung hoặc  quanh một số nhà lại đông và thường học chung một trường theo địa bàn dân cư. Mỗi khi đến lớp, chúng tôi thường í ới gọi nhau, vui lắm.

Lớp 1E của tôi là lớp có nhiều "biến động" nhất. Trong có 8 - 9  tháng đi học (hai học kỳ) mà có đến 3 thầy cô thay nhau làm chủ nhiệm. Đầu tiên là cô Hanh, nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều. Tiếp sau là cô Thủy, nhà ở phố Phan Bội Châu. Sau cùng là thầy Khôi, nhà ở phố Lý Thường Kiệt. Sau này, khi lớn lên, tôi mới biết: Cô Hanh dạy 3 tháng thì về hưu. Cô Thủy dạy 3 tháng thì nghỉ đẻ. Trong ba thầy cô này, trừ cô Thủy còn trẻ, còn cô Hanh và thầy Khôi đều đã có tuổi.

Đấy là những gì tôi còn nhớ được hồi là học sinh lớp 1, niên học 1963 - 1964.

Lên lớp 2, niên học 1964 - 1965, tôi trở thành học sinh của trường cấp 1 Ba Đình nằm trên phố Hai Bà Trưng. Chủ nhiệm lớp 2H là một cô giáo người miền Nam tập kết tên là Thái Thị Quảng. Nhà cô ở ngõ Hà Hồi.

Bài hát đầu tiên cô dạy chúng tôi là bài hát "Diệt phát xít". Truyện đầu tiên cô kể cho chúng tôi nghe là "Một chuyện chép ở bệnh viện" (sau đấy được chuyển thành phim "Chị Tư Hậu"). Có lần, bạn Hoa hỏi: Thưa cô, em (ngày ấy học sinh xưng hô với giáo viên như vậy, không xưng con như bây giờ) xin hỏi cô hai điều. Một, phát xít là gì mà phải diệt? Hai, sao không gọi chị Hậu mà lại phải gọi chị Tư Hậu?

Lập tức cô khen bạn Hoa: Những người hay hỏi, hay thắc mắc khi còn ít tuổi như em,  thường là những người thông minh. Cô chỉ trả lời giản dị thế này thôi: Phát xít là lũ người ác, cần phải diệt chúng đi; còn ở trong Nam, người ta hay gọi nhau bằng thứ kèm tên. Nếu thân mật hơn, có thể chỉ gọi bằng thứ không thôi. Chẳng hạn như anh Hai, chị Ba, chú Năm, bác Bảy…

Ngừng một lát, cô hỏi Hoa: Thế em là con thứ mất trong nhà? Bé nhất nhà à? Vậy từ nay, cô gọi em là Út Hoa.

Nghe cô liên hệ vậy và gọi bạn Hoa như vậy, cả lớp cùng nhất loạt "ồ" lên.

Cô trả lời tiếp: Ở trỏng… Xin lỗi các em, ở trong ấy, người con đầu (tức con cả, con lớn nhất) được gọi là thứ hai. Cho nên, chị Tư Hậu là người con thứ ba trong gia đình.

Nhớ có lần trong tiết tập đọc, cô buột miệng đọc hai câu ca dao (mà cho đến bây giờ, dù bước sang tuổi lục thập, tôi vẫn không tìm được xuất xứ của nó trong bất kỳ một cuốn sách nào): "Cuộc đời là cuộc đời đi/ Nếu mà dừng lại là đi cuộc đời". Rồi không đợi học sinh hỏi, cô giải thích luôn: Từ "đi" thứ nhất có nghĩa là vận động. Từ "đi" thứ hai có nghĩa là chết. Cuộc đời phải luôn luôn vận động, dừng vận động, là chết. Bây giờ, các em chưa hiểu được đâu. Sau này lớn lên, cô tin rằng các em sẽ hiểu.

Khi chúng tôi học lớp 2 cũng là lúc cuộc chiến tranh của Đế quốc Mỹ tại Việt Nam đã "leo thang" ra miền Bắc. Sau "Sự kiện vịnh Bắc Bộ", ngày 5 - 8 - 1964, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Đã có nhiều người già và trẻ em rục rịch đi sơ tán ở những nơi xa Hà Nội.

Có một hôm, ngay khi sắp bắt đầu tiết học đầu tiên, cô Quảng nói nghẹn ngào trong nước mắt: "Lớp ta hôm nay vắng bạn Hoài vì đã theo ông bà đi sơ tán. Nay mai, lớp ta sẽ vắng nhiều bạn nữa. Lớp học của chúng ta sẽ trống vắng hơn. Sẽ có một ngày rất gần, nhiều em sẽ xa cô và cô sẽ xa nhiều em. Từ nơi sơ tán, bạn Hoài đã viết thư hỏi thăm cô và hỏi thăm các em. Bạn ấy nói rất nhớ cô, nhớ các em và mong có ngày gặp lại. Trong đời cô, chưa bao giờ cô được đọc một lá thư cảm động đến như vậy".

Chúng tôi cũng nghẹn  ngào theo cô.

Rồi tôi chia tay cô Thái Thị Quảng vào tháng 3 năm 1965, sau khi học kỳ 1 kết thúc, tính đến nay đã ngót nghét nửa thế kỷ rồi.

Ngót nghét nửa thế kỷ đã trôi qua, quá nửa đời người đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ "Lời nhận xét" của cô về tôi trong sổ "liên lạc giữa nhà trường và gia đình": "Em học khá nhưng chưa thật chăm. Sách vở còn bẩn. Trong lớp còn mất trật tự. Sang học kỳ hai, em cố gắng phấn đấu để trở thành đội viên Thiếu niên tiền phong".

Nhưng tôi nhớ hơn cả vẫn là: "Cuộc đời là cuộc đời đi/ Nếu mà dừng lại là đi cuộc đời". Chắc chắn bài học và ý nghĩa sâu sắc của hai câu ca dao này mãi còn ám ảnh và theo tôi đến hết cuộc đời.

Bây giờ thì trường cấp 1 Tân Trào không còn nữa. Thế chỗ nó là một trung tâm hướng nghiệp hay học nghề gì đó. Trường cấp 1 Ba Đình cũng thế. Sau khi chúng tôi hết thời gian sơ tán, trở về Hà Nội, nó đã biến thành một bệnh viện.

Cô Thái Thị Quảng ơi! Cô giáo của tôi ơi! Bây giờ cô ở đâu? Và dù có thế nào thì em vẫn nhớ cô, ấn tượng về cô, chịu ơn cô một đời ngay từ những bài học đầu đời ấy
Ngọc Trân

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh phân công 3 tổ công tác đồng loạt thi hành lệnh khám xét tại 3 điểm sản xuất, mua bán phân bón liên quan đến Công ty TNHH Hasa Mặt Trời tại huyện Hàm Tân.

Chiều 3/5, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh đã tạm giữ hình sự Trần Lập Duy (SN 1994, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Nạn nhân là con gái ruột của đối tượng và mới được 9 tháng tuổi.

Tối 2/5, trận mưa đá kéo dài chừng 30 phút tại một số địa bàn như Mai Sơn, TP Sơn La đã gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của người dân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文