Bảo hiểm nghề diễn: Chuyện chưa có hồi kết

07:30 03/10/2007
Phía sau những pha rượt đuổi ngoạn mục, những cảnh chiến tranh với bom rơi, đạn nổ khốc liệt hay đơn giản là những cảnh lãng mạn nơi sông nước... mà khán giả thấy trên màn ảnh là cả một câu chuyện dài về sự vất vả, gian nan và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị thương, thậm chí đe dọa về tính mạng.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sự an toàn cho nghề diễn vẫn chưa được coi trọng. Và, hiểm họa vẫn đang treo trên đầu bất cứ ai đang theo nghề này...

Tai nạn như cơm bữa

Gần đây nhất, sự việc anh Nguyễn Mạnh Cường, nhân viên đạo cụ của đoàn làm phim "Nhật ký Vàng Anh" đã bị chết đuối khi đang thực hiện những cảnh quay tại hồ Đại Lải (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), thêm một lần nữa báo động về tình trạng mất an toàn trong nghề diễn. Việc diễn viên hay nhân viên trường quay tử nạn khi đang làm việc là rất hy hữu.

Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều rằng, bất kỳ diễn viên hay một đoàn làm phim nào đều đã từng gặp phải không ít tai nạn khi đóng phim. Chuyện bị gãy chân, tay, khâu vết thương, phải nằm viện điều trị… đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

Đơn giản như ca sĩ Phi Hùng, khi đóng phim "Thập tự hoa", do quay suốt từ đêm đến gần sáng nên mắt bị đỏ hoe. Đạo diễn yêu cầu nhỏ thuốc để quay tiếp thì không hiểu sao, trợ lý trường quay nhỏ cho anh loại thuốc mắt đã quá hạn sử dụng… Và kết cục là Phi Hùng đã tưởng rằng mắt mình vĩnh viễn không còn nhìn thấy mặt trời nữa. Rất may sau một tuần điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ đã trả lại ánh sáng cho anh.

Gần đây, khi vào vai Tư Đèo trong bộ phim "Cải ơi", diễn viên, nhà văn Mạc Can cũng đã gặp một tai nạn khá bất ngờ. Đó là khi quay cảnh Tư Đèo đi ăn trộm trâu trong đêm, sau đó cho trâu tắm trên sông tại Bến Lức, Long An. Đang quay, nhà văn Mạc Can bỗng thấy buốt nhói ở chân, rồi thấy một đường xước dài, chân cứ dần dần sưng múp lên. Hỏi những người có kinh nghiệm mới biết ông đã bị… trâu đá, nhưng rất may là lại bị đá dưới nước chứ không thì ông đã "thịt nát xương tan".

Cách đây không lâu, Hoa hậu Hà Kiều Anh khi đóng phim "Đẻ mướn" cũng đã bị rách chân, khâu nhiều mũi khi diễn cảnh chạy giữa đống lu vỡ. Diễn viên Quốc Tuấn khi đóng phim "Đường thư" lội suối gặp phải đá bám rêu nên trượt chân thâm tím cả mặt mũi…

Nếu kể những tai nạn gặp phải trên phim trường, có thể nói đó là truyện dài kỳ không có hồi kết. Người bị ngã, người bị máy quay đè vào người... Hầu hết mọi người đều cho rằng đó là chuyện không may, thậm chí, một "kỷ niệm" khi đóng phim.

Vấn đề chỉ thực sự căng thẳng và nóng lên khi diễn viên Lê Quang định nhấm nhứ kiện Hãng phim Chánh Phương vì đã có thái độ không thỏa đáng trong việc anh bị thương.

Chuyện là, vào tháng 5/2006, trong khi diễn viên Lê Quang tham gia những cảnh quay trong bộ phim "Dòng máu anh hùng" tại Lạng Sơn thì anh bị khẩu súng phụt lửa ngược vào mắt phải. Không biết có phải do tai nạn này hay không nhưng đến khi điều trị xong, mắt anh chỉ còn 2/10.

Sự việc căng thẳng tới mức diễn viên Lê Quang và hãng phim suýt nữa phải lôi nhau ra chốn công đường. Cuối cùng thì vụ việc cũng được giải quyết bằng con đường thương thuyết và tất nhiên, lỗi không của riêng bên nào nhưng cũng khiến không ít diễn viên và đạo diễn giật mình vì lâu nay, chuyện bảo hiểm cho diễn viên hay các nhân viên trong đoàn dường như bị quên lãng.

Thường thì khi sự việc xảy ra, mới hỗ trợ, bồi thường phần nào gọi là chuyện ngoài hợp đồng.

Ai cũng hiểu, chỉ không thực hiện

Trong điều kiện làm phim thô sơ và thiếu thốn tứ bề như hiện nay ở Việt Nam thì nguy cơ tai nạn luôn tiềm ẩn. Trong đó, phim có đề tài chiến tranh, phim hành động là những phim có bối cảnh quay dễ gây tai nạn nhất.

Gặp đạo diễn Vương Đức khi anh vừa trở về sau gần 2 tháng "ăn núi ngủ rừng" để thực hiện những cảnh quay cho bộ phim "Người vớt củi" (còn có tên khác là "Rừng đen") tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Anh thở phào: "May mà quay xong trước đó một ngày nếu không gặp phải hai trận mưa rừng thì nguy hiểm cả đoàn gặp".

Bối cảnh của phim thực hiện ở trong rừng nên việc đối mặt với... rắn độc, thác nước nguy hiểm là có thật. Đó là chưa kể đến việc trực tiếp quay cảnh lũ quét tàn phá huyện Hương Sơn vừa qua đe dọa đến tính mạng của các thành viên trong đoàn. Chỉ cần một chút sơ suất có thể dẫn đến bị điện giật, lũ cuốn…

Đạo diễn Vương Đức thú thật: Vì phim quay ở địa phận hết sức hiểm trở nên trước khi đi anh đã thuyết phục hãng mua bảo hiểm cho các thành viên trong đoàn và máy quay phim. Có lẽ, đoàn làm phim "Rừng đen" là phim đầu tiên của đạo diễn Vương Đức và của các hãng phim nhà nước quyết định mua bảo hiểm cho nhân viên.--PageBreak--

Làm phim là một công việc nguy hiểm nên ở nước ngoài, việc bảo hiểm cho diễn viên, cho bộ phim là vấn đề được đặt ra hàng đầu khi thực hiện những hợp đồng phim. Thậm chí, có những người còn mua bảo hiểm từng bộ phận như đôi chân, khuôn mặt…

Còn ở Việt Nam, nếu hỏi, ai cũng biết vấn đề bảo hiểm là quan trọng nhưng để thực hiện lại vô cùng khó khăn. Lâu nay, khi được mời tham gia một bộ phim nào đó, các diễn viên quan tâm nhiều tới việc được mời đóng vai chính hay vai phụ, cátxê bao nhiêu… chứ chưa chú ý đến vấn đề bảo hiểm.

Còn với các đạo diễn, phần vì vấn đề kinh phí, phần vì lo nhiều việc nên mua bảo hiểm được xem như việc xa xỉ. Việc mua bảo hiểm gần như mới chỉ được thực hiện với các Cascadeur (người đóng thế) hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp Cascadeur cũng chẳng có bảo hiểm vì nhiều người cho rằng, cát xê cao cũng là một thứ bảo hiểm.

Được biết, đến nay mới chỉ có hãng phim Thiên Ngân và hãng Phước Sang mua bảo hiểm cho diễn viên vì đây là các hãng phim tư nhân, bộ máy gọn nhẹ. Còn với các hãng phim Nhà nước với một bộ máy cồng kềnh thì việc mua bảo hiểm là rất khó khăn.

Điều đáng nói là từ trước đến nay cũng chưa có một văn bản pháp luật nào quy định hãng phim hay đoàn làm phim phải mua bảo hiểm cho diễn viên nên điều này không được ai quan tâm. Thường là đạo diễn, diễn viên cảm thấy an toàn mới thực hiện cảnh quay đó. Khi hỏi về lý do, các đạo diễn thường đổ lỗi cho kinh phí.

Nhưng đạo diễn Vương Đức, Phó giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam thì cho rằng: không nên đổ lỗi cho khách quan, đó là trách nhiệm của đạo diễn. Và, sự thực là số tiền bỏ ra mua bảo hiểm cho anh em trong đoàn cũng không quá lớn.

Để nền điện ảnh thực sự đi vào chuyên nghiệp thì việc mua bảo hiểm cho các thành viên trong đoàn là việc làm cần thiết. Ngoài sự công bằng, thì bảo hộ về an toàn tính mạng còn thể hiện tính nhân đạo trong chính sách về văn hóa.

Để thực hiện được điều này, thiết nghĩ ý kiến của ông Trần Luân Kim, Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam là một ý kiến khá xác đáng: Trách nhiệm đóng bảo hiểm cho các nghệ sĩ, diễn viên phải được quy định rõ cho các hãng phim, đoàn làm phim.

Trước khi ký hợp đồng làm việc, cả hai bên diễn viên và hãng phim cùng phải thống nhất và quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bên trong việc giải quyết hậu quả xảy ra đối với những pha nguy hiểm

Thảo Duyên

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) đã cận kề. Góp phần vào thành công của lễ kỷ niệm là 11 khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND (9 khối đi và 2 khối đứng). Để thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo Bộ Công an giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tổ chức tuyển chọn hơn 1.300 CBCS tham gia luyện tập, trong đó đoàn viên, thanh niên các học viện, trường CAND là nòng cốt, phối hợp Công an một số đơn vị, địa phương, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị quan trọng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文