Bộ phim “Sống gượng”: Khi nghệ thuật lên tiếng với vấn nạn bạo hành

08:19 27/09/2019
Bạo hành gia đình không còn là câu chuyện mới mẻ trong xã hội chúng ta. Bạo hành gia đình không chỉ tàn phá hạnh phúc gia đình, mà còn tạo ra những bi kịch gia đình nhức nhối lương tri. Bạo hành gia đình cũng làm phát sinh nhiều hệ lụy khác, gây tổn thương cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng.


Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh bắt đầu công chiếu bộ phim "Sống gượng" dài 30 tập, trên kênh HTV9 từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Đề cập trực diện vấn nạn bạo hành gia đình, bộ phim "Sống gượng" không chỉ góp tiếng nói bênh vực những thân phận yếu đuối mà còn gợi mở nhiều giải pháp xây dựng thói quen ứng xử văn minh giữa các thành viên chung một mái nhà!

Bạo hành gia đình không còn là câu chuyện mới mẻ trong xã hội chúng ta. Bạo hành gia đình không chỉ tàn phá hạnh phúc gia đình, mà còn tạo ra những bi kịch gia đình nhức nhối lương tri. Bạo hành gia đình cũng làm phát sinh nhiều hệ lụy khác, gây tổn thương cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Luật Phòng chống bạo hành gia đình ở Việt Nam đã có hiệu lực hơn 11 năm, nhưng những hành vi bạo hành gia đình vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Thậm chí, ở những vùng sâu vùng xa thì vẫn tồn tại cái tâm lý xem bạo hành gia đình là điều không có gì đáng bận tâm. Để nâng cao ý thức ngăn ngừa và chống lại bạo hành gia đình, rất cần những tác phẩm văn học nghệ thuật để khơi dậy tinh thần cho từng ý niệm, từng mảnh đời.

Một cảnh trong phim "Sống gượng".

Dựa theo truyện dài "Sống gượng" của nhà văn nữ Lê Tuyết, bộ phim cùng tên được dàn dựng như sự phô diễn sức mạnh phái đẹp. Từ người viết kịch bản cho đến người biên tập cho bộ phim đều là phụ nữ, còn người chỉ đạo ở phim trường cũng là gương mặt phụ nữ nổi danh trong giới điện ảnh: đạo điễn Phạm Nhuệ Giang. Nạn nhân chủ yếu của bạo hành gia đình là phụ nữ, thì để phụ nữ tự thiết kế bộ phim "Sống gượng" không có gì đáng băn khoăn.    

Bộ phim "Sống gượng" vốn có nguyên mẫu ngoài đời, nên hình thành cảm hứng cho những diễn viên tham gia rất tốt. Có mặt tại buổi ra mắt bộ phim "Sống gượng", người đàn bà gầy gò 70 tuổi là nhân vật ngoài đời bước vào trang sách rồi được tái hiện trên màn ảnh, tâm sự: "Nhiều lần tôi bị chồng đánh bầm tím hết cả mặt, phải chữa trị trong bệnh viện mấy ngày liền. Đầu tôi giờ vẫn còn lõm một bên, dấu vết của những lần bị đánh vào đầu. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết lấy tay bảo vệ đôi mắt của mình bởi tôi cần đôi mắt để nhìn và vẽ, kiếm tiền nuôi hai con!".

Từ thân phận đáng thương kia, bộ phim "Sống gượng" kể lại bằng năm tháng gieo neo và đau đớn của nhân vật Ngọc. Đó là cô bé mồ côi cha từ sớm, mẹ đi thêm một lần đò. Cô bé hàng ngày thấy mẹ mình sống nhẫn nhịn, vì chồng mà hy sinh cả tình cảm của mình với con. Cô bé Ngọc đã vô tình trở thành hình mẫu của mẹ mình sau này, nhẫn nhịn hơn, cam chịu hơn trong hôn nhân khi bị bạo hành từ tinh thần đến thể xác.

Từ năm 6 tuổi, Ngọc đã không có được sự vô tư như những đứa trẻ khác. Một "bác Hưng" lúc chưa lấy được mẹ Vân (mẹ của Ngọc) thì ngọt ngào, đầm ấm như cha đối với Ngọc. Thế nhưng, khi cưới được mẹ rồi thì "bác Hưng" gia trưởng và cực kì ích kỷ. Ngọc lớn lên trong bối cảnh được mặc định "chồng chúa vợ tôi, còn con cái là người phục dịch".

Khi trưởng thành, theo học vẽ tại trường dạy nghề, Ngọc vướng vào lưới tình với một người được cho là trí thức. Huy - một văn công đàn giỏi hát hay, biết lấy lòng Ngọc và dùng mưu trí để có Ngọc. Mối tình Huy - Ngọc đã bị phản đối kịch liệt, nhưng Huy vẫn háo thắng và săn đuổi Ngọc như một con mồi. Huy quyết tâm cưới Ngọc dưới sự chứng kiến của bạn bè, mà không có hai bên gia đình.

Ngay trong đám cưới đơn sơ đó, "bác Hưng" và bà Vân đã đến để phá tan đám cưới, Huy bị "bác Hưng" lăng nhục, còn Ngọc bị nhốt vào một phòng học. Huy càng bẽ mặt và ghét gia đình Ngọc, sau này được bạn bè giúp đỡ, Ngọc và Hưng sống chung trong dãy nhà tập thể.

Sau đêm tân hôn, Ngọc nhận ra Huy là một con người khác, rất khác so với con người lãng mạn và hiểu biết mà Ngọc từng yêu. Huy lấy cớ từng bị tai nạn ở đầu nên không kiểm soát được cơn giận và khi say, liên tục đánh đập và hành hạ Ngọc khi ghen tuông bóng gió.

Đời sống bế tắc, Ngọc không muốn mẹ và cha dượng đau lòng vì lựa chọn sai lầm của mình, nên bỏ vào phương Nam. Tuy nhiên, Huy vẫn theo cô, và hai người quyết tâm làm lại ở nơi xa lạ. Chốn mưu sinh mới, Ngọc luôn cáng đáng chuyện gia đình, từ chi tiêu đến chăm sóc nhà cửa và người chồng tạm thời thất nghiệp. Huy luôn tỏ ra mình có trình độ cao, không thể đi làm những việc như thợ hồ hay bảo vệ, mà dù có đi làm những công việc ấy, anh cũng không làm được vì không đặt tâm trí mình vào công việc. Huy mặc cảm ăn không ngồi rồi để vợ lo, nên thường xuyên đay nghiến chì chiết Ngọc.

Không thể thượng cẳng chân hạ cẳng tay như xưa, Huy bạo hành với Ngọc bằng ngôn từ ghê rợn và thái độ lạnh lùng. Khi Ngọc dự định bỏ Huy thì cô lại phát hiện mình có thai. Huy quay sang năn nỉ "anh sẽ thay đổi vì con" khiến Ngọc xiêu lòng.

Diễn viên Lê Chi Na đóng vai chính Ngọc trong phim “Sống gượng”.

Sau khi sinh con, Ngọc dành thời gian cho gia đình nhiều nên công việc cũng bê trễ. Hàng xóm xung quanh cũng bênh vực Ngọc vì thấy cô tội nghiệp. Huy từng gây chuyện ầm ĩ nên vào ra thấy ngại ngùng, bèn lấy lý do có điều kiện nên đổi chỗ ở để Ngọc hoàn toàn cô lập như trước đây, thỏa sức cho Huy giở trò vũ phu ích kỷ.

Bản lĩnh và khéo léo trong công việc, Ngọc luôn tìm cách thoát sự đọa đày của hôn nhân, nhưng bi kịch không buông tha Ngọc. Vẫn cả tin và vẫn còn tình yêu dành cho chồng, Ngọc cứ lần lữa trong bất hạnh triền miên. Chồng Ngọc lại là người rất mâu thuẫn với bản thân, anh vừa ngọt ngào dụ dỗ khi cần thiết vừa lắm mưu nhiều chước để thể hiện mình có quyền sở hữu vợ như một món hàng. Huy dùng hết chiêu này đến chiêu khác, Ngọc vẫn không thể dứt được anh ta sau những trận đòn tưởng chừng phải mất mạng. Đến bước đường cùng, Ngọc nhờ đến hội phụ nữ và chính quyền can thiệp. Ngọc có chứng nhận của bệnh viện cho những "chứng tích" mà Huy hành hạ, và với sự giúp đỡ của nhiều người, Ngọc nhận được quyền nuôi con chính thức. Ngọc làm lại cuộc đời sau rất nhiều nước mắt.

Bộ phim "Sống gượng" đầy những chi tiết buồn. Sự éo le của Ngọc làm khán giả chua chát, và sự nhịn nhục của Ngọc làm khán giả phẫn nộ. Bộ phim "Sống gượng" muốn nhắn nhủ điều gì? Ngoài lòng thương yêu, sự kiềm chế cảm xúc bản thân để gia đình được êm ấm, thì hơn hết là giá trị bình đẳng trong gia đình và quyền được sống đúng với phẩm giá của người phụ nữ. Nếu là nạn nhân của bạo hành gia đình, người phụ nữ cần dũng cảm đối mặt để thay đổi những uất ức và trớ trêu.

Bên cạnh vai Vân khá thuyết phục do diễn viên Thúy Hà của Nhà hát kịch Hà Nội đảm nhiệm, thì vai Ngọc do diễn viên Lê Chi Na đóng cũng chinh phục được người xem. Diễn viên Lê Chi Na là em gái của diễn viên Lê Bê La. Cả hai chị em đều đang đắt show đóng phim, nên cái tên thật được lấy làm nghệ danh của họ cũng là sự tò mò cho công chúng.

Diễn viên Lê Chi Na cho biết: "Ngày trước lúc sinh chị hai, ba mẹ tôi thích một cô công chúa trong phim Ấn Độ tên là Arabela nên lấy 2 chữ Bê La làm tên cho chị, mà thành Lê Bê La. Đến khi mang thai tôi, ba mẹ cũng rất thích xem phim Trung Quốc nên đặt tôi là Lê Chi Na. Thú vị là tên của chị em đầu đều xuất phát từ niềm đam mê phim của ba mẹ, nên hai đứa theo nghề diễn viên!".

Vai Ngọc trong bộ phim "Sống gượng" có thể nói là một trải nghiệm đối với diễn viên Lê Chi Na. Tuy không phải nếm trải bạo hành gia đình như Ngọc, nhưng diễn viên Lê Chi Na cũng dành nhiều đồng cảm cho nhân vật mình thể hiện, vì "tôi cũng là rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương".

Gia Quan

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文