Liên hoan các tác phẩm sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ:

Càng nhớ người, càng thương nghề

08:00 19/08/2013
"Liên hoan các tác phẩm sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ" sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9 tới đây đang thực sự thu hút sự quan tâm của khán giả cũng như các nghệ sĩ sân khấu. Đây là hoạt động của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm Ngày mất của vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và con trai (29/8/1988). Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng ngày giỗ tổ nghề sân khấu 12/8 âm lịch hằng năm (đã chính thức được chọn làm "Ngày Sân khấu Việt Nam" kể từ năm 2010)...

Một liên hoan các tác phẩm sân khấu của riêng một tác giả là việc làm chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, song nó là điều rất xứng đáng với một tên tuổi như Lưu Quang Vũ. Trong vòng hơn 10 năm, cố soạn giả Lưu Quang Vũ đã viết trên 50 tác phẩm sân khấu và thực sự trở thành hiện tượng vào những năm 80 của thế kỷ trước. Có những đêm, hàng chục đơn vị nghệ thuật trên cả nước cùng diễn kịch của Lưu Quang Vũ với lượng khán giả đông đảo. Sau khi đột ngột qua đời trong một tai nạn thương tâm, các tác phẩm sân khấu của Lưu Quang Vũ vẫn tiếp tục được các nhà hát dàn dựng, biểu diễn trong suốt 25 năm qua.

Chào đón "Liên hoan các tác phẩm sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ" như một sự kiện sân khấu quan trọng nhất trong năm, hiện nay các đoàn đã đăng ký vở tham gia liên hoan đang tích cực tập luyện: Nhà hát Kịch Việt Nam với "Hồn Trương Ba - Da hàng thịt"; Nhà hát Tuổi trẻ với "Mùa hạ cuối cùng" và "Hồn Trương Ba - Da hàng thịt" được chuyển thể sang ngôn ngữ của kịch hình thể; Nhà hát Chèo Hà Nội với "Nàng Si ta"; Nhà hát kịch Hà Nội với "Ông không phải là bố tôi" và "Trái tim trong trắng"; Nhà hát Kịch Quân đội với "Điều không thể mất"; Đoàn Chèo Hải Phòng và Nhà hát Tuồng Đào Tấn cùng dựng "Ông Vua hóa hổ"; Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với "Trái tim trong trắng"; Nhà hát Ca kịch Huế cũng chuyển thể "Điều không thể mất" sang loại hình ca kịch để tham gia liên hoan này. Việc đủ cả các bậc anh tài kịch nói, chèo, tuồng, cải lương, ca kịch tham gia liên hoan lần này đã cho thấy sức hấp dẫn đáng nể các kịch bản gắn với tên tuổi của soạn giả Lưu Quang Vũ. Cùng với liên hoan sẽ có hội thảo khoa học mang tên "Kịch Lưu Quang Vũ với sự phát triển sân khấu Việt Nam", trong đó điểm nhấn là về  câu chuyện khoảng trống trên sân khấu kịch Việt Nam mà tới một phần tư thế kỷ sau sự ra đi của ông, khoảng trống ấy vẫn chưa thể lấp đầy.

Nhà hát kịch Việt Nam đang dựng lại vở : "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" để tham dự liên hoan.

Qua tìm hiểu của phóng viên, trong số kịch mục tham gia liên hoan lần này, chỉ có kịch hình thể "Hồn Trương Ba - Da hàng thịt" của Nhà hát Tuổi trẻ do NSND Lan Hương làm đạo diễn là được dàn dựng bằng một bản mới hoàn toàn, với ngôn ngữ thể hiện mới, còn lại chủ yếu các vở diễn vẫn là các "vở tủ", "vở mẫu" của các Nhà hát nay được phục dựng bằng một ê kíp mới, đạo diễn mới để tham gia liên hoan mà chưa tạo ra sự đột phá nào. "Mùa hạ cuối cùng" từng rực rỡ trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ với bàn tay tài hoa của NSND Phạm Thị Thành nay được NSƯT Chí Trung đạo diễn; "Hồn Trương Ba - Da hàng thịt" từng sáng chói trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam với sự tỏa sáng của cố đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi và sự thể hiện vai ông hàng thịt nhưng hồn của Trương Ba của cố NSND Trọng Khôi nay được dàn dựng lại bởi đạo diễn - NSƯT Tú Mai; NSƯT Anh Dũng nguyên là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam được mời vào vai ông hàng thịt; Vở "Điều không thể mất" của Nhà hát Kịch Quân đội với bản dựng đầu tiên của cố đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi và sự thể hiện xuất sắc của NSƯT Đỗ Minh Hằng vào vai Nhâm đã có bản dựng thứ 2 vào năm 2009 do NSND Lê Hùng làm đạo diễn, nên tham gia liên hoan lần này đoàn chỉ tập lại mà thôi. Cả hai vở diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội là "Ông không phải là bố tôi" và "Trái tim trong trắng" thì theo chia sẻ của NSND Hoàng Dũng: "Đều là vở có sẵn và cũng không có gì mới". Vở "Nàng Si ta" của Nhà hát Chèo Hà Nội cũng là vở diễn đình đám của Nhà hát Chèo Hà Nội gắn với tên tuổi của NSƯT Lâm Bằng và NSƯT Quốc Chiêm đã có bản dựng mới với sự tham gia của NSƯT Thu Huyền và diễn viên trẻ Quang Dương (vào vai Pơ liêm) đã có sẵn từ năm 2009...

Có lẽ, chính vì một liên hoan mới nhưng lại nhiều "rượu cũ" quá, nên xem ra, nhiều ánh mắt đang hướng về sự mới mẻ hoàn toàn mà NSND Lan Hương có thể sẽ mang lại ở "Hồn Trương Ba - Da hàng thịt" với ngôn ngữ hình thể.

"Liên hoan các tác phẩm sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ" đang được một số người kỳ vọng về sự sôi động trở lại của bầu không khí sân khấu Hà Nội từng có thời Lưu Quang Vũ tỏa sáng. Nhưng xem ra, với những gì các nhà hát đang làm hiện nay, chúng ta nên xem đó là một hoạt động để "nhớ người", "thương nghề" và "hâm nóng" thêm một chút bầu không khí sân khấu Hà Nội trong bối cảnh tối lửa tắt đèn hiện nay mà thôi...  

 

NSND Lan Hương - Trưởng đoàn Kịch hình thể - Nhà hát Tuổi trẻ: "Tôi vẫn thích được làm cái gì khó nhất"

Nhiều người hỏi tôi: "Sao lại tự làm khó mình bằng cách chọn kịch bản đã có tiếng vang, được coi là "vở đinh", "vở mẫu" ở sân khấu kịch nói để làm kịch hình thể?". Tôi trả lời: "Tính tôi thế mà. Tôi vẫn thích được làm cái gì khó nhất!". Giờ công việc cũng đã hòm hòm rồi. Chúng tôi vừa làm, vừa vỡ vạc, nhưng phải nói là vẫn còn nhiều khó khăn. Kịch hình thể có được hiệu ứng tốt là còn nhờ trang trí sân khấu, âm thanh, ánh sáng đặc biệt, mà hiện khâu này vẫn chưa xong nên tôi cũng chưa muốn nói gì nhiều. Ngôn ngữ của vở kịch được chuyển thể cho cô đọng hơn, nhiều đoạn tôi cũng có sự thay đổi cho phù hợp với thời cuộc. Ở bản dựng lần này, tôi đặc biệt nhấn mạnh cuộc đối thoại giữa "hồn" - "xác" bởi nó chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc mà tác giả gửi gắm và điều đó không bao giờ cũ.

Nói chung, việc chuyển thể "Hồn Trương Ba - Da hàng thịt" thành kịch hình thể là một việc làm khó khăn, trong đó bao gồm cả việc tuyển chọn diễn viên kịch hình thể là phải vừa nói tốt, diễn tốt, múa tốt. Tôi hy vọng sẽ đem đến một cái gì thật mới mẻ với kịch của anh Lưu Quang Vũ, dù trong vở của tôi vẫn đang thiếu... "ngôi sao".

NSƯT Đỗ Minh Hằng - Giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội: "Kịch Lưu Quang Vũ không mang tính mùa vụ"

Tôi may mắn được tham gia nhiều vở diễn của anh Lưu Quang Vũ và tôi thấy có một điều đặc biệt là kịch của Lưu Quang Vũ không mang tính mùa vụ mà thường đề cập đến những vấn đề muôn thuở. Như vở "Điều không thể mất" tôi đã tham gia bản dựng lần thứ nhất năm 1989 với vai Nhâm, là một vở kịch về chiến tranh, nói về tình cảm của những người lính trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, tôi đã đi diễn không biết bao nhiêu đêm. Đến khi dựng lần thứ 2 năm 2009 với một ê kip mới, tôi cũng đã diễn hàng trăm đêm và được những người lính trẻ rất yêu thích.

Tôi và nhiều bạn nghề xem "Liên hoan các tác phẩm sân khấu được dàn dựng từ kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ" là cơ hội thể hiện tình cảm, sự biết ơn, lòng ngưỡng mộ đối với tài năng, tâm huyết mà tác giả Lưu Quang Vũ đã dành cho sân khấu. Sinh thời, Lưu Quang Vũ đã góp phần đưa sân khấu Việt Nam lên đỉnh cao, anh ấy thật xứng đáng với sự tôn vinh này. Đây là một liên hoan ý nghĩa để tưởng nhớ một con người tài hoa nhưng bạc mệnh và cũng là cơ hội để các nhà hát thể hiện trách nhiệm với việc cần đưa các tác phẩm của cố tác giả Lưu Quang Vũ ra với công chúng nhiều hơn nữa.

Hà Anh

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文