Kia
Mobifone

Chợ Âm phủ xứ cao nguyên lạnh

Thứ Ba, 04/10/2016, 13:13
Khi mặt trời ngả nghiêng xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương mong manh cũng là lúc khởi đầu của chợ Âm phủ Đà Lạt. 


Cơn mưa khuya rả rích, lạnh đến tím người, nhịp sống chợ Âm phủ chùng hẳn xuống. Chợ tối nay không đông như mọi khi. Ngại gió mưa, khách tìm tới chốn khô ráo, ấm áp. Với người buôn bán ở chợ đêm Đà Lạt, điều đó thật tồi tệ, đồng nghĩa với một đêm buôn bán thất bát. Vắng khách, để lại những phận đời trong cơn mưa lạnh trông chợ đêm đến buồn.

Người buôn bán chợ Âm phủ Đà Lạt sống "khỏe" nhất vào mùa du lịch, từ cuối tháng 4 đến hết tháng 8 hằng năm. Thời điểm này, vừa làm vừa chơi tiền vẫn vào rủng rỉnh. Những tháng còn lại, họ buôn bán cầm chừng, nhiều tối hàng ế chỏng chơ. Mùa chợ vắng khách, cánh buôn bán chợ Âm phủ xúm lại tán gẫu, khuya khuya dọn hàng về tranh thủ ngủ, mai còn lo đi kiếm tiền sớm. Lúc bấy giờ còn nhớ mấy bận liền, bạn tôi chẳng bán được đồng nào, thế mà có ngày người lâm bệnh, nghỉ một tối cô ấy lo đến đứt ruột. Cứ sợ khách tìm đến mua hàng mình mà không gặp, chuyển sang mua ở quầy khác thì mất mối như chơi.

Chợ Âm phủ Đà Lạt đêm mưa.

Tôi đi trong cơn mưa tối nay để tìm câu trả lời vì sao chợ đêm phố núi lại có tên gọi khác làm cho người yếu bóng vía phải khiếp hãi: Chợ Âm phủ!... Chợ của những hồn ma? Với tôi, cánh buôn bán chợ Âm phủ không còn xa lạ gì. Dù chẳng phải là gặp nhau ngày một nhưng mấy chiến hữu mỗi lần sát mặt tranh thủ lúc vắng khách lại lai rai vài xị rượu đế cho ấm bụng mà dốc bầu tâm sự. Thành thử, cánh này mặc nhiên "đặc cách" coi tôi là người chợ đêm của họ.

Cạn ly rượu thứ ba, theo chỉ dẫn của Hùng "râu", một tay "đàn anh" buôn bán quần áo cũ lâu năm có tiếng ở chợ này, tôi bước vội sang bên kia góc chợ, nơi đó dày đặc bóng tối với hình ảnh cụ bà lưng còng nặng, co ro trong cái áo mưa ngắn cỡn, trước mặt là mớ dâu tây tươi đựng trên cái nia ướt sũng. Cụ là Hà Thị Nở, năm nay đã ngoài 70 tuổi và có tới hơn 50 năm buôn bán ở chợ này. Cụ được xem là nhân chứng của chợ Đà Lạt, dõi theo sự đổi thay, phát triển của nó trong từng giai đoạn và biến cố lịch sử.

Cụ Nở kể, vào giữa thế kỷ XX, vùng rau Đà Lạt bắt đầu phát triển mạnh. Nông sản của miền đất này không thể chịu mãi cảnh "giấc mơ con đè nát cuộc đời con", nó bắt đầu trở mình thức giấc, vươn tới Đồng Nai, Sài Gòn hay tỏa xuống vùng Phan Rang, Phan Thiết.

Rồi có khi, rau Đà Lạt còn theo những chuyến xe hậu cần quân sự chở tới một vùng chiến thuật nào đó phục vụ nhu cầu của nhà binh. "Chiến tranh nổ ra, nhu cầu về rau càng lớn. Hàng ngày có cả trăm chiếc xe tải tìm lên Đà Lạt mua rau chở về xuôi. Để rau được tươi xanh, tranh thủ thời gian vì ban ngày còn phải làm vườn, người trồng rau khi đó thỏa thuận với người mua giao hàng vào lúc nửa đêm, rạng sáng. Địa điểm thỏa thuận là chợ Đà Lạt" - cụ Nở kể.

Cái tên "chợ Âm phủ Đà Lạt" ra đời trong hoàn cảnh như thế. Bây giờ, chợ Âm phủ không phải là địa điểm tập kết, giao hàng giữa nhà vườn và người thu mua nữa, thay vào đó là người họp chợ đến thâu đêm, suốt sáng. Chợ Âm phủ Đà Lạt hơn nửa thế kỷ qua là nơi quần tụ những mảnh đời lao động vất vả, tranh thủ ngủ ngày, kiếm ăn ban đêm như những thân vạc.

Không kể những hàng quán ăn uống có quy mô dọc lối vào chợ Đà Lạt theo đường Nguyễn Thị Minh Khai, hay hai bên bậc thềm lối lên khu Hòa Bình, người bán hàng chợ đêm Đà Lạt hầu hết là "nghề tay trái". Ban ngày, có người chạy xe thồ, kẻ phu hồ, người cắt rau thuê, kẻ bốc vác...

Sau một ngày làm việc nhọc nhằn, đêm xuống, họ quy tụ ra đây, chở theo mớ rau, gánh bơ, thúng dâu tây, nia móc khóa, mẹt khoai nướng, túm bóng bay... Hay như Vũ Thịnh, bạn tôi, vốn liếng chỉ là đôi bàn tay tài hoa, mớ giấy, bút chì, kiếm sống bằng nghề vẽ chân dung. Người có vốn liếng kha khá thì tậu quần áo len, đồ lạnh cũ về bán cho khách du lịch.

Nếu như ban ngày, chợ Đà Lạt bày bán đủ thứ, nhưng nghiêng về thực phẩm ăn uống, sản phẩm tiêu dùng, vật dụng là nhu cầu thiết yếu hằng ngày, hướng tới phục vụ người dân địa phương thì ban đêm, người ta bán nhiều nhất là quần áo ấm, đồ lưu niệm, đặc sản Đà Lạt hoặc những vật chất nghiêng về giá trị tinh thần. Đối tượng của chợ đêm hướng tới là khách du lịch.

Đã có thời điểm người ta cấm chợ Âm phủ Đà Lạt sau khi để xảy ra tình trạng "mất kiểm soát" về an ninh, trật tự. Chợ hoạt động về đêm, mùa du lịch dập dìu du khách. Các tay anh chị "có máu mặt" tứ xứ dạt về đây, sống bằng "nghề" bảo kê, móc túi, tranh giành lãnh địa, xưng hùng xưng bá. Chẳng mấy chốc chợ Âm phủ trở thành điểm đen chứa chấp mầm mống tội phạm. Những vụ móc túi, đâm chém, nạt nộ, bắt chẹt du khách xảy ra liên miên.

Quản lý không được, chính quyền cấm quách chợ đêm cho rảnh tay. Điều đó cũng chẳng có gì là lạ ở xứ ta. Cái gì không quản lý được là cấm, đã thành lệ. Nhưng cấm riết rồi cũng đâu có xong. Dân chợ phản ứng dữ lắm, vì đó là nơi họ kiếm sống hàng chục năm qua.

Những đứa trẻ kiếm sống bằng bán bóng dạo.

Cấm chợ rồi cả nghìn con người biết bám víu vào đâu để sống, rồi lực lượng ăn theo sức lao động của họ còn đông hơn nhiều số đó nữa. Khách du lịch mất chỗ thăm thú về đêm, lên tiếng chỉ trích cách làm chẳng mấy hay ho của chính quyền. Thế là chợ được mở trở lại. Cánh kiếm sống ở chợ Âm phủ, mừng ra mặt!..

Từ ngày tới đất này ngụ cư, đã có đôi lần, tôi như một lữ khách háo hức thức trắng đêm cùng mấy cô hàng xén ngoài chợ Âm phủ cho thỏa thú phiêu lưu. Tiếng rao bán quần áo "siđa" (đồ cũ) khiến tôi khoái chí đến tận bây giờ. Chưa thấy ở đâu người ta có kiểu bán hàng là lạ như ở chợ xứ này. Khi ấy, mà cũng đâu có xa, cách đây chưa đầy chục năm thôi, người ta không có thói quen treo bảng giá như bây giờ.

Để không tuột mất khách, cứ thấy ai đang tới gần, chủ hàng quần áo rao lớn: "Mười lăm, mười lăm, mười lăm!... rẻ, đẹp, lựa xài!... rẻ, đẹp, lựa xài!...". Ý chủ muốn nói: Hàng của họ tuy cũ nhưng mà đẹp, chắc, bền, giá lại rẻ, cứ việc lựa về mà xài!...

Thành thử, cả chợ đều có lối bán hàng như thế. Nghe xốn xang, thật vui tai. Vậy đấy!... Cái duyên bán hàng ở chợ đêm Đà Lạt chất phác, quê mùa giữa phố thị đến thế là cùng. Và, đến bây giờ… vẫn thế.

Cũng phải thôi, người buôn bán ở chợ Âm phủ Đà Lạt phần lớn là nông dân tứ xứ thứ thiệt. Nhiều nhất đến từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…; xa hơn nữa là Thanh Hóa, Nghệ An, đến vùng Hà Giang, Lạng Sơn… cũng có. Ở họ, điểm chung là vùng đất quê nhà khắc nghiệt, không lo nỗi miếng cơm manh áo, phải đèo bòng, dìu dắt nhau dạt vào đất này kiếm ăn mong có ngày đổi đời, thay vận.

Cuộc sống bây giờ dù vẫn còn cơ cực nhưng "dễ thở" hơn quê nhà, nếu chịu khó "cày" thì sống khỏe re. Có người gia đình đã vào Đà Lạt định cư đến đời thứ 2 như anh Vương Văn Quý, chị Hà Thị Mây… nhưng cũng có người mới vào được ít năm như bạn tôi, Nguyễn Khánh Hoàng, Đặng Văn Hào... hay vừa lên Đà Lạt được 2 tháng qua để bán dạo theo mùa du lịch như nhóm người đến từ Quảng Nam: Út ngố, Minh đen, Bảy gù, Hương sún…

Chợ Âm phủ Đà Lạt thường họp từ 19h hôm nay kéo dài đến 3 - 4h sáng hôm sau thì nhường chỗ cho chợ ngày. Khách đến không phân biệt sang hèn, từ những tay chạy xe thồ thức khuya đón khách, người lao công quét đường vừa xong việc, những nhạc công, ca sĩ vừa rời quán bar, vũ trường, đến những cô cậu sinh viên ít tiền lãng mạn, thích lang thang, hay khách du lịch muốn thưởng thức hương vị Đà Lạt về đêm.

Ở chợ Âm phủ chẳng có giới hạn nào cho sự giàu sang hay nghèo hèn. Người ta đến chợ có khi trong người không một đồng dính túi, như thời sinh viên chúng tôi chẳng hạn. Vậy mà tuần nào cũng phải lượn ra dạo một vòng chợ mới chịu. Đến để ngắm, để lựa, để thử mà không bắt buộc phải mua. Ở đây, đôi khi người ta đối đãi với nhau như những bậc quân tử, lấy nghĩa tình làm trọng.

Thế nhưng, cũng không ít kẻ ham tiền bạc mà coi nhẹ nghĩa khí, danh dự. Đó là những lần xảy ra cảnh mồi chài, níu kéo, bắt chẹt du khách, khiến cho những người làm ăn chân chính bị phen xấu mặt lây.

Xị rượu đế cạn đến giọt cuối cùng, tôi tìm lối trở về gác trọ, bỏ lại phía sau những mảnh đời trong cơn mưa lạnh. Nơi đó chợ Âm phủ!..

Kim Ngân

.
.