Chuyện lạ nhặt bên sông Hoài

08:06 04/07/2017
Hội An cổ mà không bao giờ cũ. Mặc dù đến đây nhiều lần nhưng đô thị cổ độc đáo này với tôi vẫn luôn là điều bí ẩn đầy mới lạ cần khám phá, nhất là dòng sông Hoài với con phố Nhớ từng đi vào văn Nguyễn Tuân. Chuyện xưa đã đẹp đã hay mà chuyện bây giờ với dòng sông nhỏ này cũng rất kỳ lạ...


Nếu như Huế có sông Hương, Đà Nẵng có sông Hàn thì Hội An có sông Hoài, một nhánh nhỏ của hạ lưu sông Thu Bồn về phía Bắc. Sông Hoài và kiến trúc phố cổ chính là hồn cốt của Hội An. Không có sông Hoài, Cửa Đại có lẽ không xuất hiện một đô thị cổ đa văn hoá với một thương cảng từng sầm uất bậc nhất châu Á hàng mấy trăm năm trước và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới ngày 4-12-1999.

Nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng 25km về phía Đông Nam và cách thành phố Tam Kỳ khoảng 50km về phía Đông Bắc, thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam nay không còn là thương cảng lớn nữa mà trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng hàng đầu của miền Trung và cả nước. 

Hội An cũng thường xuyên có mặt trong top đầu những cuộc bình chọn điểm đến lý tưởng trên thế giới do các cơ quan truyền thông, du lịch có uy tín nước ngoài tổ chức. Hội An hợp cùng với Đà Nẵng và thánh địa Mỹ Sơn, cũng là Di sản Văn hoá thế giới, tạo thành tam giác du lịch, nghỉ dưỡng đầy hấp dẫn. Sông Hoài cũng chuyển mình theo và giữ vai trò hết sức quan trọng đối với thành phố Hội An.

Du khách tự nguyện vớt rác sông Hoài.

Có thể nói, bên cạnh quần thể kiến trúc phố cổ thì thế mạnh đặc trưng về biển đảo và nhất là hệ thống sông ngòi của Hội An hiếm nơi nào có được. Đây là vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An luôn thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học và du khách quốc tế.

Đặc biệt, sông Hoài chảy êm đềm qua phố cổ là món quà quý giá mà tạo hoá ban tặng cho Hội An, chẳng những mang lại nguồn nước mát lành mà còn là con đường huyết mạch giao thương, tạo nên cảnh quan thơ mộng trên bến dưới thuyền, phục vụ đắc lực cho du lịch bằng những tour sinh thái trên sông. Nếu như ban ngày sông Hoài hiện lên hình ảnh những mái chèo lướt nhẹ trên làn nước xanh in bóng phố cổ thì ban đêm lung linh ánh đèn lồng đa màu, đa sắc, đặc biệt những đêm trăng phố cổ với lễ hội hoa đăng không gian nơi đây càng lộng lẫy huyền ảo.

Khác với thành phố láng giềng Đà Nẵng khai thác quỹ đất để đổi lấy cơ sở hạ tầng làm bệ phóng cho phát triển kinh tế, Hội An lại quy hoạch, khai thác chính những giá trị văn hoá vốn có của mình để xây dựng và phát triển. Nhờ đó, môi trường thiên nhiên, môi trường văn hoá truyền thống của Hội An chẳng những được giữ gìn, bảo lưu mà ngày càng phát huy giá trị.

Sông Hoài là một trong những giá trị quý báu ấy của Hội An trong chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Từng cái làng, con nước, ngõ phố, ngôi nhà cổ bên sông đều được cố gắng bảo tồn. Không chỉ được giữ gìn tương đối vẹn nguyên mà không gian sông Hoài luôn mới mẻ trên cái nền cổ kính. Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Sự, nhà lãnh đạo có công lớn trong việc phục hưng Hội An rất tâm đắc khi trò chuyện với chúng tôi vào đầu tháng 6-2017 tại phố cổ.

Tuy nhiên, cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt. Dù đạt nhiều thành tựu vượt bậc, nhưng sự phát triển nhanh mạnh của thành phố du lịch Hội An đã gây áp lực không nhỏ lên môi trường thiên nhiên, nhất là sông Hoài, trước vấn nạn rác thải của du khách. Một người xứ Quảng rất yêu Hội An là cô Phương Trinh, sinh viên ngành văn - báo chí Đại học Duy Tân nói với chúng tôi rằng, cô rất đau lòng mỗi khi nhìn thấy có hè phố bị lấn chiếm hoặc ai đó vô tình vứt bừa rác lên phố lên sông. Không ít lần cô và bạn bè cố gắng nhắc nhẹ du khách bỏ rác vào đúng nơi quy định.

Và từ trong khó khăn, giá trị văn hoá của Hội An thêm lần nữa được phát huy. Ấy chính là tình yêu của con người dành cho di sản, nhất là đối với dòng sông ngàn năm in bóng phố cổ, mà kết quả là một câu chuyện đẹp như cổ tích đã ra đời khi xuất hiện một tour du lịch vớt rác tự nguyện trên sông Hoài.

Không chỉ du khách trong nước mà cả du khách nước ngoài và lôi kéo cả chính người dân Hội An cùng tham gia vào tour du lịch độc đáo này. Đặc biệt, đối với du khách nước ngoài, đi vớt rác không được tiền mà mỗi người còn phải bỏ ra 10USD để mua túi đựng rác nhưng họ tham gia rất nhiệt tình. Hải trình từ đoạn gần chùa Cầu danh tiếng đến rừng dừa Cẩm Thanh nơi có di tích lịch sử thời chiến tranh, du khách vừa chèo thuyền vừa vớt rác nên đoạn sông Hoài chỉ dài gần 7km nhưng phải mất tới 4 tiếng đồng hồ. Một câu chuyện lạ có thật và có lẽ cũng là "độc nhất vô nhị" trên hành tinh này!

Được biết, sáng kiến tổ chức thực hiện tour vớt rác tự nguyện trên sông Hoài là từ anh Nguyễn Văn Long, một người làm du lịch yêu say đắm phố cổ Hội An. Một lần du ngoạn xuôi dòng Thu Bồn, nhận thấy dòng nước sông Hoài chảy ra ngày càng bị ô nhiễm vì ngập rác, người đàn ông ở giữa tuổi "tam thập nhi lập" đã nhiều đêm day dứt mất ngủ, nhất là khi chính quyền thành phố triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa ngăn chặn được nạn rác thải lềnh bềnh trên sông. Khi nghe anh trình bày ý tưởng lạ lùng của mình, bạn bè ai cũng bảo rằng đây là suy nghĩ dở hơi, điên rồ. Không ngờ lúc bắt tay vào thực hiện thì lại thành công ngoài mong đợi.

Chùa Cầu - Hội An về đêm.

Khởi đầu từ tháng 2-2017, đến nay tour du lịch vớt rác sông Hoài được tổ chức thường xuyên vào ngày cuối tuần với 40 chiếc thuyền kayak sẵn sàng phục vụ du khách tại bến đò Thuận Tình thuộc xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An. Du khách nước ngoài bao giờ cũng tham gia đông hơn cả, dù họ phải bỏ ra 10USD để được vớt rác, còn du khách trong nước thì miễn phí. Hàng tấn rác đã được vớt. Sông Hoài trở lại xanh, sạch, đẹp hơn. Tour du lịch độc đáo này cũng giúp du khách và người dân Hội An có ý thức hơn trong việc xử lý rác, bảo vệ môi trường.

Có một hình ảnh đẹp mà những nhân viên hướng dẫn tour du lịch vớt rác sông Hoài hay nhắc tới. Đó là chị Céline, 35 tuổi, người Pháp, kể từ khi hình thành tour này chị đều có mặt vào ngày cuối tuần để đăng ký tham gia. Céline cùng một người bạn của mình chèo thuyền chầm chậm dọc bờ sông, moi rác từng bụi cỏ hốc cây, rồi khi đụng một cồn đất nhỏ giữa sông chị neo thuyền mình lại để cùng các thuyền khác cùng gỡ hết túi nilon, vỏ chai, ống hút, ly nhựa… bám lên cồn.

Hội An bây giờ trở thành quê hương mới của chị. Hơn một năm nay, Céline đã định cư ở thành phố này để phụ trách dự án trồng rau sạch ở làng rau Trà Quế. Ý thức bảo vệ môi trường đã trở thành thói quen của chị. Không chỉ sông Hoài mà trước đó Céline cùng nhóm bạn thân cũng đã tự nguyện đi nhặt rác bãi biển ở An Bàng, Cửa Đại...

Tất nhiên, Céline chỉ là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho tình yêu sông Hoài, tình yêu Hội An. Và nếu như có một cuộc bầu chọn người dành tình yêu lớn nhất cho đô thị cổ này thì tôi tin rằng Nguyễn Sự là người có số phiếu cao nhất. Ông là người am hiểu từng bãi biển, con sông, thửa ruộng, ngõ phố, ngôi nhà, sân vườn, đầu hồi, cây xanh,… và hiển nhiên là với từng bụi cỏ, làn nước triều xuống triều lên của con sông Hoài.

Và ông quyết tâm gìn giữ. Không ít lần ông đã tranh cãi gay gắt, thậm chí "đập bàn" với cấp trên để đấu tranh vì lợi ích chung lâu bền của Hội An. Hai mốt năm trên cương vị Chủ tịch UBND rồi Bí thư Thành uỷ Hội An, ông đã đề ra nhiều chương trình quan trọng và cương quyết bảo vệ, thực thi để bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có để có được một Hội An lớn mạnh như hôm nay.

Tình yêu và công sức lớn lao của Nguyễn Sự cũng là một hiện thực sống động kỳ diệu mà các thế hệ sau sẽ còn tìm hiểu, khám phá khi đến với đô thị cổ bên dòng sông Hoài quyến rũ và đa tình. Vâng, được nhiều người yêu quý và bảo vệ thì sông Hoài… đa tình quá chứ còn gì!

Đặng Tường

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文