Nguyễn Ngọc Hoài Nam:

Có một khoảng trời trong vắt

08:28 09/06/2015
Nói về văn học thiếu nhi hiện nay, còn đó không ít phiền lo khi mà lực lượng viết cho thiếu nhi đang ngày càng mỏng. Các nhà văn gạo cội người mất, người sức khỏe yếu, có người lại không viết nữa. Còn những nhà văn trẻ hầu như không dám theo đuổi lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi. Trong bối cảnh đó, dù chưa thể gọi là "hiện tượng" nhưng sự xuất hiện của Nguyễn Ngọc Hoài Nam tạo nên sự bất ngờ đầy thú vị cùng một niềm lạc quan về một nhà văn của thiếu nhi trong tương lai.  

Vụt sáng từ truyện ngắn đầu tiên

Nguyễn Ngọc Hoài Nam chạm ngõ làng văn bằng truyện ngắn "Con ma da sau vườn". Truyện này được anh gửi dự thi cuộc Vận động sáng tác dành cho thiếu nhi 2012-2013 do Hội Nhà văn Đan Mạch và NXB Kim Đồng tổ chức, với chủ đề Vượt qua nỗi sợ hãi. Cuộc thi năm đó nhận được khoảng 300 tác phẩm của các tác giả trên khắp cả nước gửi về tham dự.

Hoài Nam là một tác giả "tay ngang", cái tên hoàn toàn lạ nhưng đã xuất sắc đoạt giải nhất. Không chỉ người ngoài bất ngờ mà bản thân tác giả cũng bất ngờ không kém. Bởi theo như chia sẻ của Hoài Nam, truyện "Con ma da sau vườn" được anh viết từ lời "dụ dỗ" của một người bạn, viết trong vòng 3 tiếng, từ 8 giờ đến 11 giờ tối, qua ngày hôm sau là hạn cuối cùng gửi bài dự thi thì anh mới bấm nút gửi đi. Sau này, trong một cuộc giao lưu, có một em học sinh đã hỏi: "Khi chú biết tin mình đoạt giải nhất, chú nghĩ gì và chú nghĩ tới ai?" lúc đó, Nam chỉ cười: "Chú chẳng nghĩ được gì cả vì quá bất ngờ!".

Chàng kỹ sư với những trang viết trong trẻo. Ảnh: Tô Chiêm. 

"Con ma da sau vườn" có văn phong trong sáng, giản dị. Tác phẩm viết về nỗi sợ mà hầu như bất cứ đứa trẻ nào cũng gặp - sợ ma. Không muốn các con gặp nguy hiểm vì ngoài vườn chuối có con rắn lục, người bố đã kể về con ma da trong vườn. Không ngờ, câu chuyện đó trở thành nỗi ám ảnh của anh em Xịt. Nhưng rồi, cũng chính người bố khi hiểu ra mức độ nghiêm trọng của sự việc, trước nỗi sợ của con, ông đã hét lên với con ma: "Mày có ngon thì hù dọa tao nè".

Câu nói chất chứa biết bao nhiêu yêu thương của bố giúp Xịt "vững bụng thôi khóc, vơi đi nỗi sợ". Đó cũng chính là câu nói mà Xịt đã hét lên vào đêm bố mẹ đi vắng, chỉ còn hai anh em Xịt ở nhà, khi đó em gái Xịt cũng đang rúm ró với nỗi sợ con ma da sau vườn. Câu chuyện nhỏ nhắn nhưng có sức lay động độc giả về tình cha con, tình anh em ấm áp.

Nhà văn Trần Đức Tiến, Ủy viên Hội đồng Chung khảo cuộc thi đã nhận xét về truyện ngắn đoạt giải nhất khi đó: "Người đọc cảm động nhận ra sự trưởng thành của nhân vật, và những vang âm ngoài câu chữ còn tiếp tục nói được rất nhiều về ý nghĩa của tác phẩm. Nhiều thành viên hội đồng chung khảo đánh giá cao truyện ngắn này còn vì sự giản dị, trong trẻo, hồn nhiên, rất hợp với tâm hồn trẻ thơ".

Lãng du trong miền ký ức

Nam có dáng vẻ thô ráp cùng sự rắn rỏi của một người từng trải. Thoạt nhìn, không ai nghĩ anh là người viết văn, mà lại có thể viết truyện thiếu nhi hay đến ngỡ ngàng. Chưa kể, anh từng đoạt giải nhì (không có giải nhất) kỳ thi Olympic cơ học toàn quốc năm 1997, sinh viên giỏi của trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Vậy nhưng, ẩn sâu trong dáng vẻ của một người đàn ông từng trải đó, lại là một tâm hồn trong trẻo và đôn hậu.

Sau truyện ngắn "Con ma da sau vườn", được sự động viên của biên tập viên NXB Kim Đồng, Hoài Nam đã hoàn thành thêm 9 truyện ngắn nữa để có tập truyện "Giao thừa không đến muộn". Đọc xong tập truyện đầu tay của anh, tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể vui mừng khi văn học thiếu nhi có thêm Nguyễn Ngọc Hoài Nam. Cầm cuốn "Giao thừa không đến muộn" lên, rồi chậm rãi lật giở từng trang; ở đó, bạn sẽ thấy được tài kể chuyện, cùng khả năng tạo dựng nên một thế giới tuổi thơ làm bồi hồi, xao động bao trái tim người đọc.

Ngoài "Con ma da sau vườn", một số truyện như "Thuốc tiên", "Hột vịt lộn và chè đậu xanh", "Chiếc xe đất nung", "Giao thừa không đến muộn" cùng viết về những khó khăn, bộn bề của cuộc sống nhưng tuyệt nhiên nó không gợi nên cảm giác bi lụy, xót xa; mà ở đó vẫn lấp lánh những yêu thương, những hồn nhiên nguyên sơ.

Đọc truyện của Nam, bạn đọc, không cứ là người lớn hay trẻ em, đều cảm thấy tin yêu vào những người xung quanh, vào thế giới mà mình đang sống. Đó cũng là cái tài tình của Nam khi anh kể về những câu chuyện hết sức đời thường nhưng được gia giảm vừa đủ, bố cục gọn gàng, cùng với đó là trái tim nồng ấm của một người từng là thiếu nhi và bây giờ đã trở thành ông bố của hai con nhỏ. Tất cả khiến cho những trang viết trở nên trong trẻo, tinh tế và hết sức nhân ái. Các nhân vật của anh dù còn nhỏ tuổi nhưng sớm bộc lộ tinh thần chọn nghĩa làm trọng, luôn sẵn sàng hy sinh, bao bọc, chở che cho những người yếu hơn mình. Ngoài cậu bé Xịt, bạn đọc còn bắt gặp ở đây những nhân vật như cậu bé Gấu, thằng Ba, Tím, Đông…

Nhìn vào những mốc thời gian được Hoài Nam kí dưới các truyện ngắn, ngoài truyện ngắn "Con ma da sau vườn" được viết vào tháng 6 năm 2013, 9 truyện còn lại được viết rải rác từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2014. Thậm chí, có tháng như tháng 1 anh viết đến bốn truyện, mỗi truyện cách nhau 4, 5 ngày. Từ những mốc thời gian ấy, có cảm giác việc viết truyện cho thiếu nhi với Nam rất dễ dàng.

Anh thừa nhận: "Tập truyện này được tôi viết vào dịp Tết năm 2014. Lúc đó được nghỉ nên tôi viết một mạch như vậy". Nam cũng nói thêm, sở dĩ anh viết dễ như vậy vì những câu chuyện nó đã có sẵn trong đầu. Đó là những câu chuyện về con, về cháu và những ký ức thời bé thơ. Gia đình Nam sống tại Hóc Môn, một huyện ngoại thành của thành phố. Ở đó, tuy là thành phố nhưng vẫn có những cánh đồng lúa bạt ngàn, những củ khoai lang ngọt bùi hay bãi đất sét để có thể nặn thành đồ chơi.

Nam chia sẻ: "Có những ngày nghèo khó với tôi cũng là một may mắn hơn nhiều người. Những tháng ngày tuổi thơ ấy, tất cả đều được gửi gắm trong tập truyện này". 

Với người viết, đặc biệt là viết cho thiếu nhi thì ký ức là tài sản vô giá; ai có nhiều ký ức, tâm hồn, người đó càng giàu có. Và tôi tin Hoài Nam cũng là một người giàu có như vậy. Anh viết về ký ức của mình, có lúc anh là nhân vật chính, hoặc là những câu chuyện mà anh đã quan sát, đã trải qua. Tất cả được gói ghém cẩn thận trong một vách ngăn nào đó, chỉ đợi khi trang giấy được mở ra thì những câu chuyện theo đó mà tuôn trào.

Trước khi những câu chuyện được tái hiện trên giấy, Nam đã kể chúng cho hai con của mình. Hiện anh đang là bố của cô con gái 12 tuổi cùng cậu con trai vừa bước sang tuổi thứ 8. Thỉnh thoảng, ba bố con lại quây quần bên nhau; lúc đó anh lại thủ thỉ kể cho con nghe những câu chuyện của mình. Từ những đêm như vậy, hai con trở thành độc giả trung thành của anh. Anh dạy con lễ nghĩa bằng những câu chuyện như vậy, giản dị mà thấm thía.

Viết cho thiếu nhi, theo Hoài Nam, quan trọng là kể một câu chuyện để các em nghe và thấm. "Tôi muốn viết những câu chuyện mà thông điệp không bao giờ cũ về tình cảm gia đình, về tình cảm anh em thương yêu và bảo vệ nhau. Những câu chuyện đó được viết giản dị, giống như những câu chuyện mà bà và mẹ vẫn thường kể hồi bé. Làm sao để các em đọc truyện của mình cũng say sưa chăm chú như từng nghe bà và mẹ kể chuyện", Hoài Nam giãi bày.

Sau những chuyến đi

Với công việc của một kỹ sư, và là giám đốc của một công ty tư vấn xây dựng, cuộc sống của Nam gắn bó nhiều với những công trình, những chuyến đi xa. Ngồi với Nam trong một quán cà phê vào một chiều cuối tuần, càng phát hiện ra ở chàng kỹ sư này có rất nhiều điều thú vị. Sau những chuyến đi xa thì thú vui của Nam là sưu tầm sách và tạp chí. Hiện tủ sách của anh có hàng ngàn ấn bản quý và hiếm được xuất bản hàng chục năm trước, chưa kể báo và tạp chí xưa. Đặc biệt là cuốn "Vỡ đê", bản in đầu năm 1937 của nhà văn Vũ Trọng Phụng được anh mua về với mức giá cao sau một cuộc đấu giá trên mạng.

Trong tủ sách của Nam còn có những cuốn sách thiếu nhi từng gắn bó với tuổi thơ của nhiều người như "Áng mây", "Người tù vượt ngục và em nhỏ trên đảo", "Nhớ một mùa hoa thạch thảo" của Trần Hoài Dương; "Mắt trẻ thơ", "Chân dung người mẹ" của Hứa Văn Định; "Đàn chim gáy", "Một mình kể chuyện", "Ông trạng chuột" của Tô Hoài… Tình yêu với văn học thiếu nhi của Nam phần nào cũng được nhen nhóm từ đó. Không lâu nữa, bạn đọc sẽ được đón chào cuốn sách thứ hai của anh, là một cuốn truyện dài đang nằm trong kế hoạch xuất bản của NXB Kim Đồng.

Hồ Huy Sơn

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文