Có sức người sỏi đá cũng thành... men

14:30 30/03/2009
Khi mới bước vào nghiệp văn chương, Hoàng Trung Thông đã nổi tiếng với "Bài ca vỡ đất". Trong bài thơ có hai câu cô đúc như câu tục ngữ: "Bàn tay ta làm nên tất cả / Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Nhà văn Bùi Hiển nhại câu thơ đó giữa lúc Hoàng Trung Thông đang say: "Có sức người sỏi đá cũng thành men". Hoàng Trung Thông lắc lư :"Ông cũng thành men. Tôi cũng thành men. Phải thành men thì mới sống thật lòng được"...

1. Lần ấy, anh Phan Xuân Hạt và tôi vào thăm nhà thơ Hoàng Trung Thông ở Bệnh viện Việt - Xô. Nhà thơ tặng chúng tôi mỗi người một tập thơ "Mời trăng" vừa mới in xong. Đây là cuộc đối thoại ngắn giữa nhà thơ với chúng tôi:

- Anh đau yếu thế mà cũng làm được nhiều thơ.

- Càng đau yếu càng làm thơ. Đảng, thơ, rượu là ba điều gắn bó với tôi.

- Vào bệnh viện không được uống rượu, chắc là huyết áp anh hạ.

Anh cười:

- Không uống rượu thì huyết áp tăng. Tôi đã bảo ba điều thường xuyên gắn bó với tôi là Đảng, thơ, rượu.

- Thế anh uống rượu, bác sĩ không phê bình anh à?

- Có người cầm chai đưa cho tôi qua hàng rào, bác sĩ biết thế nào được.

- Bình thường anh uống một ngày hết một lít không?

Anh cười với giọng hơi đùa bỡn:

- Một lít thì quá ít. Một ngày bốn lít!

Hoàng Trung Thông vốn là cán bộ chính trị. Sau Cách mạng Tháng Tám, anh làm chính trị viên Huyện đội Quỳnh Lưu, rồi Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Nghệ An... Sống rất nghiêm túc và nề nếp. Anh mới "nghiện" rượu từ những năm 60. Theo Hoàng Trung Nho (anh em thúc bá với nhà thơ), Hoàng Trung Thông nghiện rượu vì trong tâm thế có lắm nỗi buồn. Trong bài thơ "Gửi trạng Thông họ Hoàng", Chế Lan Viên có viết: "Tôi biết ông có lắm nỗi buồn sâu/ Nên ông uống rượu...".

Chị Hoa, vợ nhà thơ, cũng trò chuyện với tôi:

- Anh Thông buồn phiền nhiều thứ, đâm ra nghiện rượu. Tôi can không được....

Không như nhiều người vợ khác thúc chồng chạy cho được chức này chức kia, chị Hoa vẫn giữ cái nếp "an bần lạc đạo" con một nhà nho, tần tảo nuôi chồng con, vun vén hạnh phúc gia đình. Nhà thơ cảm thấy hạnh phúc được sống với một người vợ như thế. Khi đã có chút chức tước, anh vẫn sinh hoạt giản dị, thanh thản trung thành với Đảng, làm thơ và uống rượu, không ham hố tranh giành quyền lực.

Viện Văn học đề nghị phong anh giáo sư, anh từ chối: "Tôi làm nhà thơ là đủ rồi". Hồi anh làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, cơ quan đi sơ tán, anh nhường ôtô cho gia đình cán bộ, công nhân viên, anh thủng thẳng đạp xe từ Hà Nội lên Bình Đà hơn ba chục cây số...

Vì phải chịu lắm nỗi buồn phiền, anh muốn dùng rượu để giải khuây giải sầu. Âu đó cũng là một cách xử sự của các bậc chân nho. Khi mới bước vào nghiệp văn chương, Hoàng Trung Thông đã nổi tiếng với "Bài ca vỡ đất". Trong bài thơ có hai câu cô đúc như câu tục ngữ: "Bàn tay ta làm nên tất cả / Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Nhà văn Bùi Hiển nhại câu thơ đó giữa lúc Hoàng Trung Thông đang say: "Có sức người sỏi đá cũng thành men". Hoàng Trung Thông lắc lư :"Ông cũng thành men. Tôi cũng thành men. Phải thành men thì mới sống thật lòng được"...

Hôm lễ tang nhà thơ, sau khi đã đắp xong nấm mồ, mấy "đệ tử rượu" không tên tuổi chuẩn bị ba chai rượu đem tưới lên ngôi mộ. Hoàng Phượng Vĩ, con trai nhà thơ, nói với tôi: "Thì ra lúc sống, bố cháu toàn chơi với dân bụi đời".

2. Chiều râm mát. Ở đầu đường Trần Hưng Đạo, có một người bước liêu xiêu. Vừa đi vừa đọc thơ:

Tôi muốn uống rượu trong
Lại phải uống rượu đục
Chao! Sông cũng như người
Có khúc và có lúc.

Ấy là nhà thơ Hoàng Trung Thông. Tôi đến dìu anh.

- Anh là ai?

- Em là Trực đây mà.

- Trực ạ... Võ Văn Trực ạ...

- Vâng.

- Mi dẫn tau về nhà Trần Hữu Thung...

- Anh Thung ở tận Nghệ An... Đây là Hà Nội...

- Mi cứ dẫn tau về nhà Trần Hữu Thung... Mi viết Trần Hữu Thung là "nhà thơ dân dã" thì tau là nhà thơ gì? Tau là "nhà thơ quan dã à?". Tau không làm quan.... Tau làm dân... Trăng đẹp quá... Xuân Diệu viết về trăng rất giỏi... Trăng sáng trăng xa trăng rộng quá...".

- Bài "Mời trăng" của anh cũng hay...

- Bài "Mời trăng" của tau cũng hay... nhưng không hay bằng bài "Trăng" của Xuân Diệu...

Tôi nắm chặt cánh tay anh. Anh vừa bước liêu xiêu vừa đọc thơ, rời rạc từng câu:

Đã đến lung linh một ánh trăng rằm

Thu thực thu, trăng thực trăng, trăng nguyệt cầm còn đó

...Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm
Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta thế đó
Thế rồi ta cất chén cùng tri âm
Không phải chén quỳnh đâu đừng trầm ngâm
Một mình ta mời trăng mời bạn
Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm

3. Một ngày cuối năm. Tạ Vũ và tôi dạo chơi trên đường phố. Qua số nhà 70 Ngô Quyền, tôi bảo Tạ Vũ đứng chờ tôi một lát, tôi lên gặp anh Thông, anh ấy dặn tôi...

Căn phòng anh ở gác hai trong một biệt thự gồm sáu gia đình. Từ năm 1956, anh đưa vợ con từ Quỳnh Lưu ra, ở trong căn phòng này. Đằng đẵng mấy chục năm, qua các chức vụ Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Viện trưởng Viện Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ... anh vẫn ở trong căn phòng hẹp này. Giản dị và thanh bạch.

Phòng có bốn cửa sổ, thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên. Ngắm đất trời qua cửa sổ, nhà thơ cảm tác:

Ngọn mướp luồn qua cửa sổ
Vầng trăng tỏa ánh vào nhà
Người không thong thả trăng thong thả
Trăng có vầng mướp có hoa

Gia đình ấm áp. Bè bạn sum vầy. Có bàn thờ gia tiên và có bàn thờ riêng Bác Hồ với ngọn nến trang nghiêm... Chị Hoa vẫn giữ được nếp sống của một người đàn bà xứ Nghệ, chiều chồng và hiểu công việc của chồng, đón tiếp bạn chồng với những bữa rượu đơn giản: đĩa lạc rang, đậu phụ...

Thường xuyên lui tới đây có Trần Hữu Thung, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh...; có cả các họa sĩ nổi tiếng: Mai Văn Hiến, Phan Kế An, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái...; và có cả các "đệ tử rượu" mà Hoàng Phượng Vĩ nói vui là "dân bụi đời"... Vô hình trung, căn phòng đạm bạc trở thành nơi đoàn tụ bạn bè, đàm đạo văn chương nghệ thuật và chuyện thế sự - được đặt tên là "Gác Tao Phong".

Bà con ở làng quê Quỳnh Đôi thỉnh thoảng ra chơi mang theo một ít quà quê như nếp, gạo mới, đậu, lạc, lọ mắm, cân cá khô... "Sẻ ngọt và chia bùi/ Với nhà thơ kiết xác". Quê xứ Nghệ có phong tục ba năm tổ chức yến lão một lần vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Cụ ông, cụ bà 60 trở lên được mời dự cỗ yến.

Những ngày cuối năm, bà con ở quê thường ra Hà Nội xin "ông đồ Thông" câu đối mừng thọ ông bà cha mẹ. Ríu rít tiếng chào đủ các thứ hạng vai vế bà con họ hàng làng xóm: Anh Thông, chú Thông, bác Thông, ông Thông, cố Thông... "Cụ đồ Thông" suốt ngày gò lưng viết câu đối. Tình cảm quê hương tràn ngập gác Tao Phong và tràn vào trong thơ anh những hình ảnh thân thuộc: ao làng rủ bóng tre, cô gái ngồi dệt lụa, núi Tùng Lĩnh thông reo, dòng Mai Giang nước biếc....

Tôi bước vào cửa, thấy anh đang gò lưng viết câu đối trên chiếc chiếu sờn mép trải trên sàn gỗ với tấm lụa đỏ, nghiên mực nho, chiếc bút lông. Sợ làm đứt mạch cảm xúc của "ông đồ", tôi đứng im lặng. Anh cầm bút viết nét chữ như rồng bay phượng múa.

Bất chợt, anh gác bút, nằm ngửa, kê đầu lên gối và bắc chân lên thành ghế, mắt dại dại, miệng đọc hai câu thơ Đường: Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu/ Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu (khuyên anh uống cạn một chén rượu / Cùng tôi quên hết sầu muộn xưa). Anh đang say, viết câu đối trong trạng thái say... Tôi bước vào nâng cánh tay anh :"Anh Thông ơi, có sức người sỏi đá cũng thành men". Bỗng dưng anh tỉnh lại, đôi mắt sáng :"Ờ... Ờ... thành cơm hay thành men? Cơm cũng quý mà men cũng quý...".

Năm 1948, ở khu IV, anh viết: "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" thì hai mươi năm sau tại gác Tao Phong, câu thơ đã biến dạng qua phóng tác của Bùi Hiển "Có sức người sỏi đá cũng thành men"..."Hơ... hơ... Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu / Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu...". "Anh Thông ơi, nhất bôi tửu hay là bách bôi tửu?...". "Khi cần nhất thì nhất, khi cần bách thì bách". "Anh Thông ơi, nghe anh em văn nghệ đồn là Đại hội Đảng khóa tới người ta dự kiến đưa anh vào Trung ương ủy viên?". "Trung ương ủy viên thì có được uống rượu không?". "Được uống nhưng mà uống ít". "Ít là bao nhiêu? Có được năm lít một ngày không?"...

"Trực ơi!" - Có tiếng gọi dưới nhà. Ấy chết, Tạ Vũ gọi. Tôi chào anh, chạy xuống. Thật là ngẫu nhiên, tôi vừa hầu chuyện "ông đồ rượu" Hoàng Trung Thông lại vừa hẹn đi chơi với "cây rượu" Tạ Vũ cùng một lúc. Tạ Vũ đứng chờ tôi đến gần hai tiếng đồng hồ. Ít khi Tạ Vũ kiên nhẫn đến thế. Thì ra chai rượu tôi biếu anh để dùng vào dịp tết, trong khi đứng chờ, anh đã uống hết gần nửa chai. Tạ Vũ cười rất tươi: "Tao không giận mày. Tao là nhà thơ bé. Hoàng Trung Thông là nhà thơ lớn..."

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đang được triển khai xây dựng theo kiểu “rùa bò”, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải tỏa đền bù gặp khó khăn. Trong khi trường mới chưa được xây xong, thầy cô giáo cùng 562 học sinh nhà trường phải dạy và học trong ngôi trường cũ xập xệ, mất an toàn.

Một quan chức Liên hợp quốc (LHQ) cho hay, bất kỳ một cuộc tấn công bộ binh nào nhằm vào thành phố Rafah đều sẽ gây ra đau khổ, tổn thất lớn đối với cả triệu người Palestine tị nạn tại đây.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ các cá nhân riêng lẻ thực hiện, mà nay hoạt động này còn được “nâng cấp” bởi những ổ nhóm tội phạm có tổ chức dưới mác công ty, tập đoàn. Thay vì thành lập công ty, tập đoàn để hoạt động kinh doanh, sản xuất, mang lại giá trị tinh thần, vất chất cho xã hội, không ít đối tượng đã lấy đó làm bình phong để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến người dân, TP lên kế hoạch cấm các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm... quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文