Đạo diễn - NSND Dương Ngọc Đức: Cần biết từ chối

15:00 17/07/2009
Ông là một trong những đạo diễn hàng đầu của sân khấu Việt Nam từ thập niên 60-70 thế kỷ trước. Cùng các nghệ danh như Thế Lữ, rồi Trần Hoạt, Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi, Trần Bảng, Ngọc Phương... NSND Dương Ngọc Đức đã khai mở gương mặt mới cho nền kịch nghệ nước nhà, tạo nên "thời hoàng kim của sân khấu".

Có thể kể những vở diễn đặc sắc nhất mang tên đạo diễn Dương Ngọc Đức còn dư âm đến tận bây giờ: "Tiền tuyến gọi", "Masa", "Đôi mắt", "Tấm vóc Đại Hồng", "Người công dân số Một", "Đảo thần vệ nữ", "Khúc thứ ba bi tráng", "Hẹn ngày trở lại", "Chuyện lạ thành Nu Kha", "Nghêu Sò Ốc Hến"...

"Sinh ở Hà Nội ngày 17/8/1930, tốt nghiệp Khoa Đạo diễn Trường đại học Quốc gia Sân khấu và Điện ảnh Lêningrat Liên Xô trước đây (1964), Bí thư Đảng Đoàn Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (HNSSKVN), Tổng thư ký HNSSKVN khóa II, III, IV, đại biểu Quốc hội 2 khóa 7 và 8. Hiện sống ở phố Đội Cấn Hà Nội..." - Đó là đôi dòng "lý lịch trích ngang" về nhà đạo diễn tài danh này. Và còn những điều độc giả có thể chưa biết...

1. Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu ở phố cổ Mã Mây, Hà Nội, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chàng trai mới 15-16 tuổi Dương Ngọc Đức đã tham gia các vai kịch tài tử của đội kịch thanh niên khu Hoàn Kiếm, rồi được theo học Trường Lục quân, trở thành sĩ quan trẻ thuộc Sư đoàn 316 trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngay trong những năm khói lửa ấy, Dương Ngọc Đức - ngoài nhiệm vụ chiến đấu - đã nhiệt tình làm diễn viên sân khấu lửa trại dọc đường hành quân. Rồi như một cơ duyên, chính vì máu mê văn nghệ mà sau khi hòa bình lập lại, năm 1957, chàng sĩ quan ra quân, được điều về Đoàn Kịch nói Trung ương làm "chính trị viên". Năm 1959, anh được cử đi học đạo diễn ở Liên Xô (cũ), Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Lêningrat và là sinh viên Việt Nam đầu tiên của nhà trường.

Điều đặc biệt là, trong suốt 5 năm tu nghiệp tại xứ sở Bạch Dương, ngoài việc say mê học tập, đắm đuối nghiên cứu, chàng sinh viên còn rất chịu khó đi xem các vở diễn của nước bạn. Nhà sư phạm sân khấu, đạo diễn nổi tiếng của Liên Xô G. Tốpxtônôgốp, người thầy trực tiếp của Dương Ngọc Đức rất cảm mến anh học trò Việt Nam. Ngược lại, anh học trò cũng vô cùng kính trọng tài năng, đức độ của thầy. Một trong những biểu hiện lòng kính trọng đó là việc Dương Ngọc Đức đã dịch khá nhiều tác phẩm nghiên cứu, lý luận của thầy ra tiếng Việt. Trong số sách dịch đó cuốn "Tính hiện đại trong sân khấu nghệ thuật" vẫn đang được các nhà hoạt động sân khấu thời nay tham khảo.

Học đi đôi với hành, thời gian học tập bên nước bạn, Dương Ngọc Đức đã dành dụm từng đồng rúp để thỉnh thoảng "về nhà" tìm hiểu đời sống sân khấu và phong trào kịch nghệ trong nước.

Từ năm 1962, anh về thực tập với Đoàn Kịch nói Hải Phòng, dàn dựng một số vở, vì thế khi tốt nghiệp về nước năm 1964, anh được cử làm đoàn trưởng kiêm đạo diễn cho đoàn kịch non trẻ của thành phố Cảng. Trong 7 năm, anh đã trực tiếp dàn dựng nhiều vở diễn, trong đó phải kể tới vở kịch "Masa" của tác giả Xôviết Aphinôghênốp từng gây tiếng vang trong dư luận và bạn nghề, tiếp đó là vở "Tấm vóc Đại Hồng" (của tác giả Trúc Đường). Cả hai vở diễn hàng ngàn đêm vẫn không thỏa mãn yêu cầu của khán giả miền Bắc. Từ thời điểm này, sân khấu Hải Phòng bừng sáng.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với sân khấu Đất Cảng, Dương Ngọc Đức lại "trở về mái nhà xưa" yêu dấu, Đoàn kịch nói Trung ương, trung tâm kịch nói của đất nước, để từ đó, các vở "Khúc thứ 3 bi tráng", "Người cầm súng" (nằm trong bộ ba tác phẩm kịch của nhà viết kịch nổi tiếng Xôviết Pôgôđin) ra đời. Đó là những vở diễn đầu tiên mà hình tượng Lênin vĩ đại xuất hiện trên sân khấu Việt Nam, do nghệ sĩ Việt Nam thể hiện (NSƯT Can Trường thủ vai lãnh tụ).

Ngay sau đó, Dương Ngọc Đức bắt tay vào dựng vở "Người công dân số Một", tác phẩm sân khấu đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (do NSƯT Sĩ Hùng và Hà Quang Văn thể hiện). Xây dựng hình tượng lãnh tụ cách mạng trên sân khấu là một thử thách lớn của nghệ sĩ. Nhưng dưới sự chỉ đạo khúc triết, đậm đặc chất thơ, chất tư tưởng của đạo diễn Dương Ngọc Đức, các nghệ sĩ đã phát huy cao nhất tiềm năng nghệ thuật của mình.

Cũng qua những tác phẩm sân khấu lớn do Dương Ngọc Đức dàn dựng đã làm nên một thế hệ nghệ sĩ sân khấu tài danh mà người ta thường gọi là "thế hệ Vàng" của kịch trường nước nhà. Và những vở như "Tiền tuyến gọi", "Đôi mắt" đã làm sôi sục không khí Hà thành những năm cả nước lên đường đánh giặc.

2. Đạo diễn Dương Ngọc Đức từng có những tham luận về sân khấu với đề tài lịch sử, về hình ảnh người lao động trên sân khấu, về khán giả hôm nay, về tính hấp dẫn của sân khấu cùng trách nhiệm của người đạo diễn khi tìm sức sống cho một vở diễn hiện đại.

Về cá tính sáng tạo, ông tâm sự: "Nhiều người có nói đến chất thơ trong những vở diễn tôi đã dàn dựng. Và chính tôi, tôi cũng tự hỏi, chất thơ trong sân khấu hay trong một vở diễn cụ thể là như thế nào? Và điều này thật khó diễn tả bằng lời. Có thể là, từ bản chất con người mình, tôi không thích sự ồn ào, bạo liệt bên ngoài. Tôi hợp với những gì mô tả xung đột trong nội tâm con người...".

Về hiện tình sân khấu, ông nhỏ nhẹ: "Ưu thế của sân khấu là một loại hình phổ cập, ai cũng xem được, cũng hiểu được, cũng phê bình được và khen chê theo thẩm mỹ của mình. Sân khấu đang thưa vắng khán giả, nhưng những ai mê thích sân khấu sẽ là những khán giả đích thực. Nếu coi vở diễn như một món hàng cần bán chạy để tính tiền lỗ lãi, thì thực sự chúng ta đã hạ thấp, hay nói đúng hơn là xóa bỏ vai trò đích thực của sân khấu, hạ thấp vai trò người nghệ sĩ... Nghệ sĩ cũng cần phải biết từ chối với thị hiếu tầm thường...".

"Nghệ sĩ cũng cần biết từ chối" - Câu này gợi trong tôi những điều đồng nghiệp đã từng "bàn tán" về NSND Dương Ngọc Đức. Đã có tác giả mang kịch bản đến nhờ ông dàn dựng bởi họ kính trọng tài năng của ông và cũng muốn dựa tên tuổi của ông để "lên hương". Họ nói tác phẩm của họ "dữ dội" lắm, sẽ gây chấn động dư luận, sẽ làm "náo loạn" kịch trường đang trong cơn... mê dài (!?). Nhưng đọc xong, ông đã nhẹ nhàng từ chối. Thế là khi xì xầm nhỏ to với bạn bè, "vị kịch tác gia" ấy gọi nhà đạo diễn mà anh từng hết lời ca tụng là Dương Ngọc... Dát! Nghe chuyện, ông chỉ cười, "nụ cười triết học".

Không ít cây bút giận dỗi khi bị ông khéo léo từ chối lại cho rằng, ông chỉ dàn dựng kịch bản của những tên tuổi. Họ đâu có biết những Trần Quán Anh (tác giả "Tiền tuyến gọi"), rồi Vũ Dũng Minh (tác giả "Đôi mắt"), được ông chọn tác phẩm để dàn dựng và sau đó gây "chấn động dư luận", đều là cây bút nghiệp dư: Một người là bác sĩ, một người là sĩ quan quân đội.

Dương Ngọc Đức là một trong những đạo diễn hiếm hoi rất coi trọng vai trò tác giả. Khi nghiên cứu kịch bản, có gì cần phải chỉnh sửa, nâng cao, ông đều mời tác giả đến trao đổi. Nếu tác giả không có khả năng đáp ứng, ông mời người có tín nhiệm "đóng thế". Nhưng trước khi chính thức lên sàn tập, ông trân trọng mời tác giả đến nghe đọc lại  kịch bản cùng hội đồng nghệ thuật. Tác giả ưng ý đạo diễn mới thực thi. Trường hợp với kịch bản "Đôi mắt" là một ví dụ tiêu biểu.

Trong lĩnh vực nghệ thuật thì như vậy, còn chuyện... ngoài sân khấu. Nhớ lại chuyện trước kỳ đại hội sân khấu năm 2001, khi một phóng viên phỏng vấn ông: "Ở sân khấu, ông là người được nhiều người nể trọng, trong công tác quản lý, trải qua ba nhiệm kỳ, nghệ sĩ coi ông là trung tâm của sự đoàn kết. Nếu đại hội kỳ tới, vẫn được tín nhiệm, ông có thể lại tiếp tục gánh vác công việc chung?". Dương Ngọc Đức điềm đạm nói: "Bạn ơi, mình không đủ sức để làm một việc gì thuộc về công tác quản lý nữa. Lần này, mình sẽ đề nghị không có tên trong danh sách ứng cử, đề cử. Mình rất cám ơn anh chị em nghệ sĩ đã yêu mến, đã nhiệt tình giúp đỡ mình làm tròn nhiệm vụ trong các nhiệm kỳ qua...".

Có nhà nghiên cứu sân khấu nhận xét về Dương Ngọc Đức: Đằng sau các vở diễn chính là con người ông, tốt bụng và lịch lãm. Có đồng nghiệp nói nụ cười của ông là "nụ cười hiền triết". Còn đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, nổi tiếng là người thẳng thắn đã có lần trả lời trên báo chí: "Nếu có ai hỏi tôi, trong lực lượng những đạo diễn sân khấu hiện nay, anh yêu thích ai nhất? Thì tôi sẵn sàng trả lời, một trong những đạo diễn mà tôi yêu mến nhất, đó là Dương Ngọc Đức"

Vũ Hà

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文