Dặt dìu nhạc khúc tháng tư

08:11 29/04/2017
Trên mỗi bước đường tôi qua sáng nay, một cảm giác ấm lòng khi nhìn thấy màu cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Màu cờ mà cách đây hơn bốn mươi năm thôi là niềm mơ ước thường trực trong tâm hồn của biết bao nhiêu người dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung đợi chờ, hi vọng.

Mỗi ô cửa, cổng nhà dường rực sáng thêm hơn; bên ngoài là âm thanh ríu rít của muôn loài chim từ trời cao bay xuống hòa điệu tưng bừng khúc nhạc du dương. 

Có lẽ đâu chỉ có tôi, niềm vui sướng vô biên kia còn được cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười của các bà, các mẹ đầu làng, ngõ chợ; và cả nụ cười trên môi các em thơ đang tung tăng chân sáo nô đùa.

Có được giây phút hân hoan lòng vui chiến thắng, cái giá của hòa bình, hạnh phúc trên đất nước ta đâu chỉ giản đơn là sự ban phát mà tạo hóa vốn dĩ trao tặng cho con người. Như một số phận nghiệt ngã, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua bao mất mát đau thương, bao chia li cách trở mới có được một ngày non sông nối liền một dải Tiên Rồng.

Sài Gòn ngày 30-4-1975 (ảnh tư liệu).

Vì thế, trong những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng ta cũng không thể nào quên bao tấm gương liệt oanh ngã xuống, tô thắm màu cờ Tổ quốc bằng chính máu xương của mình. Vẫn còn đó nhiều người mẹ chờ chồng, đợi con trong vô vọng. Vẫn còn đó nhiều mái nhà nghèo khổ, thiếu thốn vì các con em nhiễm chất độc màu da cam. Vẫn còn đó những gian nan, vất vả mà cả dân tộc phải ngày đêm lo toan, đắp bồi cơ cực để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người.

Tôi bước đi trên phố xá thênh thang, tiếng loa phát thanh cất cao giọng hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” mà lòng không nguôi xúc động. Ngày này, cách đây hơn bốn mươi năm trước, khi Sài Gòn rào rào chuyển động từng đợt lá me non, mùa xuân vẫn đang còn khoác màu áo biếc xanh của đất trời khai hội, bỗng miền Nam òa vỡ trong tiếng quân reo, tiếng hát vang lên ngợp cả phố phường.

"Giải phóng rồi! Giải phóng rồi!" như một tin nhanh truyền lan đến ngạt thở. Bao người mẹ run run đứng đợi con về. Những đôi mắt tìm nhau, trên môi lần đầu tiên nở nụ cười tươi rồi chợt òa trong tiếng khóc. Xúc động làm sao sau bao nhiêu năm ngăn cách, tất cả bỗng về tụ hội từ đây trong rưng rưng niềm xúc động vô chừng.

Lúc đó, tôi mới hơn mười tuổi, nhìn cảnh tượng mọi người gặp nhau mà trào tuôn nước mắt. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng/ Trào vui nước mắt cứ rưng rưng". Quả vậy, có gì sung sương hơn khi niềm vui chiến thắng chất ngất bay cao trên màu cờ Tổ quốc, kết thúc hơn hai mươi năm Nam - Bắc phân li!

Bàn chân sáng nay tôi vẫn đi về trên con đường cũ của quê hương miền Nam yêu dấu, nhìn thấy đất nước mình tươi đẹp biết bao. Nhà cửa khang trang, phố phường sáng đẹp, mỗi khuôn mặt người dường cũng rạng rỡ hơn. Lòng vui mở hội cùng mùa xuân đất nước, thầm vui sướng hát mãi trên môi nhịp khúc vang trời: "Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/   Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa trên sông/ Một trưa nắng cho bao tâm hồn" (Mùa xuân đầu tiên - Văn Cao).

Tâm hồn tôi dạt dào bao niềm vui sướng, thầm cảm ơn tháng Tư biết mấy, tháng Tư cho tôi niềm hạnh phúc rạng ngời trong cuộc sống hôm nay.

Huy Tùng

Ngày 26/5, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đang phối hợp với Công an thị xã Chơn Thành khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 2 công nhân tử vong.

Những "ông sao khiếm thính" có thể khiến bạn nghĩ đến một khiếm khuyết của cơ thể nhưng thực tế, những "ông sao" của showbiz Việt có khi còn thính tai hơn bất kỳ ai. Nhưng, họ chủ động "khiếm thính" vì sự kiêu ngạo ngông cuồng của chính mình theo kiểu "mục hạ vô nhân". Chính vì thế, thay vì được quý mến như những ngôi sao, họ đã bị cộng đồng gọi là "ông sao" hoặc "sao sao".

Người Toraja là một tộc miền núi đảo Sulawesi, Indonesia. Về nguồn gốc, có quan điểm cho rằng tổ tiên họ vốn là một chủ nhân của văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam đã thiên di bằng đường biển tới vùng đảo cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm.

Giữa thung lũng có một “tọa độ chết” được đánh dấu, nơi đó được gọi bằng những cái tên rất hãi hùng như “cái rốn da cam”, “vùng đất chết” khi mang trong đất sự hủy diệt của chiến tranh còn sót lại. Nhưng, nhiều nỗ lực đã giúp hồi sinh vùng đất này tươi xanh như từng có.

Kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức lễ kỷ niệm với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quảng Bình hành trình khát vọng - phát triển” diễn ra tối 2/6, cùng nhiều hoạt động khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文