Đâu rồi sân khấu Tết xuân xưa…
Mấy năm rời sàn diễn, an hưởng tuổi già, NSND Kim Cương mới biết thế nào là ăn Tết. Thuở trước, trong những ngày người ta nghỉ ngơi, tận hưởng kỳ lễ lộc thì những nghệ sĩ như bà mướt mồ hôi trên sân khấu. Tết là thời gian lao động cật lực nhất trong năm của nghệ sĩ. Một ngày có ba suất diễn kéo dài ba buổi sáng, chiều, tối nên nghệ sĩ phải làm việc gấp ba để đáp ứng nhu cầu thưởng thức kịch của công chúng.
Nhắc về Tết xưa, NSND Kim Cương nhớ lắm ngày thơ bé theo đoàn cải lương Đại Phước Cương của ba má đi hát rong khắp nơi. Ở Sài Gòn thời ấy, rạp hát Nguyễn Văn Hảo (bây giờ là rạp Công Nhân) là nơi đánh dấu nhiều kỷ niệm nhất với bà.
Đêm 30 Tết, mọi người đến lạy Tổ nghiệp, mừng tuổi Tổ. Sáng mồng Một, họ bắt đầu hát xướng với những vở tuồng mới nhất, hay nhất. Sinh thời, soạn giả Viễn Châu bảo rằng tuồng Tết được chọn rất kỹ. Phải là tuồng ý nghĩa, mang nhiều niềm vui thì mới cầu mong một năm ăn nên làm ra cho nghiệp cầm ca. Mùa xuân, rạp sáng đèn liên tục để phục vụ bà con khắp nơi đổ về.
Sân khấu cải lương ngày càng thưa vắng khán giả. |
Đoàn kịch Kim Cương ngay khi mới ra đời cũng nhận được tình yêu mến của bà con. Mấy chục năm gắn bó với sàn diễn là mấy chục năm bà không có thói quen ăn Tết nữa. Từ mồng Một cho đến hết rằm tháng Giêng, anh em nghệ sĩ thường nói vui là "hết thấy mặt trời". 4 giờ sáng phải sửa soạn vô rạp hát rồi bị "nhốt" ở đó đến 11 giờ khuya.
NSƯT Thành Lộc thì bảo rằng mình chỉ biết "mùi Tết" trong khoảng thời gian 2, 3 ngày trước mồng Một. Còn trước đó là ngày tháng căng thẳng tập tuồng chuẩn bị cho vở diễn. Vở phải tập xong trước ngày 23 hoặc muộn lắm là đến ngày 25 âm lịch để sau đó còn có thời gian làm poster, in ấn giới thiệu. Sau thời gian này thì nghệ sĩ mới tạm xả hơi, đi mua sắm Tết, ai về nhà nấy lo năm mới. Đón giao thừa xong là phải chuẩn bị vô rạp liền. Tết với nghệ sĩ tới đó là chấm dứt.
"Bị "nhốt" vậy nên không ai đến thăm tui mà tui cũng không có thói quen thăm ai trong mấy ngày Tết. Đã vô trong rạp rồi thì anh em nghệ sĩ không tiện ra ngoài. Vì ra thì phải mắc công tẩy trang, vô thì mất mấy tiếng đồng hồ trang điểm lại. Do vậy, anh em cứ để lớp trang điểm đến tối. Không ra ngoài ăn cơm được nên tụi tui phải nhờ người nhà đem cơm vô. Mỗi lần bảo vệ đọc tên từng diễn viên ra ngoài lãnh cơm, tôi không nhịn được cười. Ổng gọi y chang giám thị trại giam gọi tù nhân ra gặp thăm nuôi vậy" - NSND Kim Cương hóm hỉnh.
Bị "nhốt" cả tuần liền với nhau, nhìn khán giả hưởng hạnh phúc tề tựu với gia đình, đang diễn mà ai cũng chạnh lòng tủi phận. Với nghệ sĩ trẻ mới vào nghề, nỗi nhớ gia đình càng thêm da diết. Năm 1983, Thành Lộc khi ấy vẫn là một nghệ sĩ trẻ triển vọng. Tết năm đó, anh và đồng nghiệp được phân công đi biểu diễn tại một xã nghèo ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Mọi người chỉ có thể cảm nhận được không khí đêm giao thừa khi nghe thấy tiếng pháo vang lên từ phía trung tâm thị xã.
Ngay khi tiếng pháo vừa dứt, các anh chị em nghệ sĩ ôm nhau khóc nức nở vì nhớ nhà. Để nguôi ngoai nỗi buồn, mọi người rủ nhau vào rừng hái lá cây thay cho hái lộc đầu năm rồi cùng chúc Tết nhau.
Tết trở thành dịp để anh em nghệ sĩ trong đoàn gắn bó với nhau nhiều nhất. Ở rạp, nhiều nghệ sĩ không có người nhà mang cơm thì người này góp miếng bánh chưng, người kia góp miếng thịt gà, người nọ sẻ chút dưa hành. Thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần là vậy nhưng NSND Kim Cương và NSƯT Thành Lộc bảo rằng mình rất hạnh phúc và hãnh diện vì góp phần đem lại niềm vui đầu năm cho bà con.
Nói Tết xưa gắn với sàn diễn, Thành Lộc chỉ nhớ bấy nhiêu. Tết mà anh nhớ nhiều nhất là ngày ấu thơ. Cha lái chiếc Vespa chở lũ trẻ ra bến Bạch Đằng, quận 1 coi tivi công cộng. 50 năm về trước, tivi vẫn còn là thứ xa xỉ.
Để phục vụ bà con lao động nghèo, thành phố cho lắp rất nhiều tivi công cộng. Và ở đây, những buổi coi tuồng cải lương, kịch nói diễn ra rôm rả, đông nghẹt khán giả. Tết ấu thơ còn là những lần theo mẹ xuống chợ Bến Thành mua sắm mâm ngũ quả, bánh mứt, quần áo mới. Khu chợ nhộn nhịp với tiếng loa, tiếng rao và muôn vàn màu sắc của các mặt hàng lôi cuốn cậu bé hiếu động. Khi anh tham gia Ban nhạc dân tộc Bách Việt, cái Tết vẫn còn gợi sự lâng lâng, háo hức.
NSƯT Thành Lộc trong một vở kịch. |
Một đêm, chỉ còn vài phút nữa là tới giờ giao thừa, mặc đồng nghiệp hối hả chạy về cho kịp sum họp với gia đình thì Thành Lộc lại chậm rãi đạp xe thơ thẩn trên đường Điện Biên Phủ. Đường vắng ngắt vắng tanh không một bóng người.Vậy mà anh sung sướng đến ngất ngây khi một mình đón nhận thời khắc giao mùa thiêng liêng giữa lòng đường lộng gió.
Sau này trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, show diễn nhiều, anh không được tận hưởng Tết như xưa. Hương xuân dần tản mác. Trải qua bao mùa Tết vắng nhà như thế, anh cũng quen dần với nỗi cô đơn. Áp lực công việc căng thẳng nên anh không còn thấy nao nao háo hức mà bỗng đâm sợ mỗi khi xuân về. "Không phải tôi ý thức về tuổi già mà những ngày Tết đã làm thay đổi nhịp sống. Tôi thích những ngày trước Tết hơn, một mình phóng xe ra phố nhìn mọi người đi mua sắm thật vui. Khi đó tôi có cảm giác thật lạc quan và yêu đời"- anh bộc bạch.
Nhớ Tết xưa, nhắc Tết nay, những nghệ sĩ ấy chạnh nhớ một thời vất vả nhưng là đỉnh hoàng kim của sân khấu kịch nói và cải lương. Suất diễn sáng đèn thâu đêm suốt sáng cũng bởi khi ấy người ta vẫn mến mộ kịch nghệ, thích coi tuồng. Những bài học nhân sinh đầy tiếng cười, đẫm nước mắt như liều thuốc thanh lọc tâm hồn khán giả đầu năm mới, cho một năm vạn sự hanh thông. Thành Lộc dù sợ Tết nhưng sau mỗi suất diễn, thấy công chúng đến kín rạp, anh lại ấm lòng vì biết rằng khán giả vẫn rất yêu sân khấu.
Tết bây giờ, Thành Lộc muốn "sợ" cũng chẳng có bấy nhiêu cơ may. Thay vào đó lại là nỗi ngậm ngùi, chua xót lấp đầy khi sân khấu khép màn đìu hiu, khán giả dần thưa vắng. Ngày Tết mà số vé vẫn phải đếm từng tấm mới dám sáng đèn. Kịch nói thảm một thì sân khấu cải lương thảm mười.
Nếu ngày trước họ diễn mệt nghỉ thì giờ đây nhiều người đành thất nghiệp. Không khí cúng Tổ rộn ràng cuối năm và sắm tuồng tưng bừng ba ngày xuân cũng chỉ còn là dư âm. Để kiếm cơm, không ít nghệ sĩ cải lương phải bám chân các đoàn lô tô, nhạc hội đi diễn ở tỉnh. Vai trò của họ chỉ là người hát lót để chờ ca sĩ ngôi sao và danh hài đến. Nhà hát Trần Hữu Trang năm nay đã được đưa vào sử dụng nhưng các nghệ sĩ vẫn phải diễn với cơ sở vật chất thiết kế bất tiện, sai chuyên môn. Nên Tết này, họ đâu dám mong khán giả sẽ đến kín rạp.
Bỏ mặc ánh đèn sân khấu leo lắt, nhiều nghệ sĩ chạy theo gameshow truyền hình, phim ảnh và đủ trò giải trí hấp dẫn khác để mưu sinh. Lửa nghề dần mai một thay cho kim tiền lên ngôi. Điều đó trở thành nỗi đau trăn đi trở lại trong lòng những người tâm huyết với nghề như NSND Kim Cương.
Nhìn những đồng nghiệp một thời sống trong nghèo khó, chật vật theo đuổi niềm đam mê sân khấu, bà đau đớn vô cùng. Thế nên, bốn năm nay, Tết nào bà và NSƯT Hữu Châu cũng tổ chức chương trình "Nghệ sĩ tri âm" để tặng chút quà xuân, mong đem niềm vui nho nhỏ đến với nghệ sĩ nghèo túng, neo đơn, đặc biệt là nghệ sĩ tên tuổi có đóng góp cho nền sân khấu kịch nói, cải lương, hát bội …
"Nghệ sĩ tri âm" còn là dịp để "những người muôn năm cũ" hội ngộ, tay nắm tay mà nhắc nhớ nhau về cái Tết sân khấu xưa đầy rộn rã, nghĩa tình…