Để có những bài “tỉnh ca” chất lượng: Cách nào ít tốn kém mà hiệu quả?

08:52 30/03/2017
Để mong có được những bài hát mới có chất lượng, nhiều cơ quan, đoàn thể, địa phương… đã tổ chức thi hoặc vận động sáng tác ca khúc. 


Những cuộc tổ chức như trên có nơi gọi là "thi", có nơi tránh từ này mà thay vào là "vận động". Có lẽ từ sau cốt cho tế nhị hơn, vì nếu là thi thì phải có người chấm, cho điểm rồi xếp thứ bậc kết quả. Mà người chấm có khi không xứng là học trò người dự thi vì không có sự nghiệp sáng tác, không tên tuổi, trong khi người tham gia gửi bài là những nhạc sỹ nổi tiếng. Nhưng bản chất chỉ là một, vì dẫu có “vận động” thì cuối cùng vẫn có một ban giám khảo bình xét, cho điểm, dẫn đến sắp xếp thứ hạng các kết quả.

Có một thực tế không thể chối cãi là những năm gần đây, nhiều cuộc thi (vận động) sáng tác ca khúc như trên liên tục được tổ chức. Nhưng rốt cuộc gần như không có được bài nào được công chúng chấp nhận. Những bài họ ưa thích vẫn là từ xa xưa được ra đời không từ một cuộc thi hay vận động sáng tác nào.

“Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” là ca khúc vượt thời gian.

Đơn cử: Tỉnh Hưng Yên trong vòng vài ba năm trở lại đây đã mở hai cuộc thi sáng tác ca khúc trong phạm vi toàn quốc. Mới đây nhất là dịp tháng 10/2016. Các giải thưởng cũng đã được công bố. Nhưng xem ra các bài được giải hầu như đều không khiến công chúng để ý, mặc dù đã được dàn dựng, thu thanh rồi phổ biến trên hệ thống phát thanh, truyền hình tỉnh. Người dân tỉnh này vẫn truyền tụng các bài như "Vườn nhãn quê hương" (Vĩnh Cát), "Chim hót trên đồng đay" (Nguyễn Văn Tý) sáng tác từ những thập niên 50-60 của thế kỷ trước.

Tình trạng trên xảy ra ở hầu hết các địa phương. Gần như tỉnh, thành phố nào cũng từng tổ chức thi (vận động) sáng tác ca khúc như thế. Ấy vậy mà cho đến nay, những bài “địa phương ca” được người dân truyền tụng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay: Quảng Bình có "Quảng Bình quê ta ơi" (Hoàng Vân); Hà Tĩnh có "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" và "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" (Nguyễn Văn Tý); Hà Giang có "Hà Giang quê tôi" (Thanh Phúc); Hải Phòng có "Thành phố hoa phượng đỏ" (Lương Vĩnh); Bến Tre có "Dáng đứng Bến Tre" (Nguyễn Văn Tý).

Và một số không nhiều trường hợp khác. Còn nhiều tỉnh, thành phố khác không có được một bài nào khiến công chúng nhập tâm trong khi có hàng trăm, hàng nghìn bài đã ra đời từ những cuộc thi sáng tác nói trên.

Vì sao lại có một kết quả quá thấp từ những cuộc thi sáng tác ca khúc như vậy? Vẫn biết sáng tác văn nghệ nói chung, ca khúc nói riêng là một việc khó khăn, đòi hỏi tác giả phải có tài năng. Nhưng nếu yếu tố này đã có mà khâu tổ chức để cho ra đời tác phẩm và đến được với công chúng thiếu thuyết phục thì cũng không thể đạt được mong muốn.

Vậy những cuộc thi nói trên đã được tổ chức như thế nào? Mới nghe, thấy rất đúng “quy trình” và có vẻ chặt chẽ, khách quan. Đầu tiên là thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện truyền thông. Có nơi còn trân trọng gửi giấy mời sáng tác đến các nhạc sỹ chuyên nghiệp. Có quy định rõ ràng là thành viên ban tổ chức, giám khảo thì không dự thi. Trước khi “chấm”, cũng tiến hành bịt tên tác giả cho khách quan. Rồi mời ban giám khảo là những nhạc sỹ ở Trung ương. Các nơi thường tìm về Hội Nhạc sỹ Việt Nam, nhờ vị đứng đầu Hội này làm chủ khảo.

Cũng có nơi “tự lực cánh sinh”- tự tìm kiếm nhạc sỹ mình ưa thích, tin cậy. Bắt đầu buổi “chấm”, mỗi thành viên giám khảo được phát một văn bản ca khúc để các vị mắt nhìn, tai nghe  (người dự thi cần nộp cả đĩa CD đã thu thanh giọng hát thể hiện tác phẩm). Các vị cho điểm độc lập. Sau khi lên bảng điểm theo thứ tự cao thấp và lựa chọn được các giải, ban Tổ chức mới lắp các mã số để hiện lên tên người trúng giải. Như vậy thì khó ai có thể nghĩ là không khách quan. Nhưng….

Trước hết, nói về sự khách quan, vô tư. Đúng là với 2 quy định: Thành viên Ban giám khảo, Ban Tổ chức không dự thi và đánh mã số trước khi trao bài cho giám khảo thì rõ ràng là không thể không khách quan. Nhưng ở tỉnh X., một cô cán bộ là trưởng phòng nghiệp vụ của Sở Văn hóa (Sở này được UBND giao trách nhiệm tổ chức cuộc thi) đã có bài thơ được một người phổ nhạc và dự thi. Bài hát này rất bình thường nhưng đã được giải.

Về sự chính xác trong việc thẩm định tác phẩm. Thường một cuộc thi ở phạm vi một tỉnh tổ chức sau vài tháng phát động cũng thu được từ 100 -150 ca khúc. Việc chấm chỉ diễn ra trong một ngày. Một tỉnh nọ nhận được khoảng 140 bài hát.

Buổi sáng về Hà Nội đón Ban giám khảo đến tỉnh mình. Khoảng cách chừng 60km. Dềnh dàng, phải 10 giờ mới có thể bắt đầu việc chấm. Họ đã nghe một mạch 140 bài như thế trong chỉ  một ngày (tất nhiên là trừ khoảng thời gian ăn cơm).

Như vậy chỉ có hơn 3 phút để nghe 1 bài. Có nghĩa mỗi bài chỉ có thể nghe lướt qua một lần. Vậy còn thời gian nào để xem đến lời ca? Mà ca từ là một yêu cầu quan trọng của việc sáng tác ca khúc. Nghe như vậy làm sao có thể chính xác? Chưa nói việc nghe liên tục trên trăm bài trong một khoảng thời gian rất khẩn trương như vậy thì dẫu sức khỏe có sung mãn cũng không thể không mụ mị đầu óc, dẫn tới nhức đầu, ù tai. Sẽ rất “oan” và “xấu số” cho những tác giả có bài được (hay là “bị”) giám khảo nghe về sau.

“Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân cũng là một ca khúc “tỉnh ca” nổi tiếng sống mãi với thời gian.

Xin lưu ý rằng trong Ban giám khảo, có người đã ở tuổi sát 90. Dù có khỏe hơn các bậc khác cùng trang lứa nhưng làm sao còn đủ minh mẫn để làm việc liên tục như vậy? Chẳng thế mà một vị ở tuổi này – một nhạc sỹ có tên tuổi, rất xứng đáng ngồi vị trí giám khảo nếu không quá già – đã nói với tôi: “Mình không ngờ bài của cậu ấy lại được giải, mà là giải nhất”.

Có nghĩa theo vị giám khảo này, bài đó rất bình thường, vị cho điểm thấp. Vậy mà rốt cuộc được giải nhất vì các thành viên giám khảo khác cho điểm cao. Chi tiết này nói lên  điều gì? Xin bạn đọc tự tìm câu trả lời.

Cũng tại cuộc thi có vị nhạc sỹ trên tham gia giám khảo, tôi hỏi một thành viên giám khảo khác: “Ông thấy những bài được giải có khá hơn hẳn những bài bị loại không?” Vị này trả lời: “Thú thực, tôi chẳng thấy có gì đặc biệt hơn. Cứ sàn sàn như nhau. Cũng có thể vì nghe nhiều quá, lại phải nghe khẩn trương nên bị bão hòa, không thể phát hiện được”.

Lại hỏi: “Những bài không có đĩa CD gửi kèm thì đọc bằng mắt à?”. Trả lời: “Một giám khảo đánh pi-a-nô cho mọi người nghe”. “Không đọc lời ca sao?”. “Có đọc. Nhưng cũng chỉ có thể đọc qua”. Vị giám khảo này cho biết: Giám khảo làm việc vô tư và trách nhiệm.

Có trường hợp người trong ban tổ chức (sở tại) đề nghị đảo thứ tự ngôi thứ một vài trường hợp. Giám khảo nghe lại nhưng rồi vẫn không thay đổi, tức là không chiều theo mong muốn của Ban Tổ chức. Vị này cũng cho biết: Giám khảo đã làm việc hết mình. Nhưng đến khi ra về thì vẫn chưa biết rõ những ai được giải. Việc lắp tên cụ thể là do phía ban tổ chức thực hiện. Như vậy, liệu có tránh khỏi tình trạng xáo trộn nào đó mà giám khảo không thể biết?

Rõ ràng, thi sáng tác theo một quy trình như trên đã không thu được kết quả mong muốn, lại khá tốn kém. Các khoản tiền gồm đưa đón, ăn nghỉ, thù lao cho giám khảo, các giải thưởng… phải tới nhiều trăm triệu, có khi lên tới bạc tỷ nếu giá trị giải thưởng cao. Nhưng nếu tổ chức theo kiểu thi như vậy thì không thể làm khác mà bắt buộc phải diễn ra theo quy trình như trên.

Vậy hãy nghĩ tới một cách khác sẽ khắc phục được mọi điều trên, vừa không tốn tiền lại mong có được bài công chúng chấp nhận. Đó là không thi mà mời rộng rãi mọi người yêu thích tham gia, cả chuyên và không chuyên sáng tác. Hãy thu thanh tất cả những bài đó bằng hình thức một cây đàn oc-gan đệm cho một (hoặc vài) người hát rồi phát thường xuyên tất cả các bài đó trên hệ thống phát thanh của đơn vị mình.

Sau một thời gian– chừng nửa đến 1 năm chẳng hạn – lấy ý kiến công chúng. Bài nào nổi lên, chìm đi sẽ rõ ngay. Nghệ thuật – đặc biệt là âm nhạc – không ai đánh giá chính xác bằng số đông công chúng. Chỉ họ và thời gian mới là thước đo chính xác nhất. Không có giám khảo nào dù tài giỏi và công tâm đến đâu có thể làm thay họ. Đến khi một vài bài nào đó được công chúng ưa thích (mà bằng chứng là họ hát nhiều) thì địa phương mới tổ chức thưởng xứng đáng cho tác giả.

Như vậy sẽ khiến mọi người tâm phục khẩu phục. Còn vẫn tổ chức thi theo kiểu hiện nay thì muôn đời những bài được giải vẫn chỉ là những tờ giấy mà thôi, sẽ không thể khiến công chúng ngó ngàng chứ chưa nói là ưa thích.

Nguyễn Đình San

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文