Để việc tặng thưởng về văn học nghệ thuật ngày càng thuyết phục hơn

08:50 13/04/2017
Nhà nước ta có chủ trương tặng các giải thưởng Hồ Chí Minh (GTHCM), giải thưởng Nhà nước (GTNN) cho các tác phẩm và cụm tác phẩm xuất sắc là một việc rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn. 


Đảng và Nhà nước không có mong muốn gì hơn là các tác phẩm xứng đáng phải được tôn vinh đúng mức độ giá trị để các tác giả được khích lệ, tiếp tục đóng góp cho nền văn nghệ nước nhà và khuyến khích các tác giả khác hăng say lao động sáng tạo. Hai thứ bậc giải thưởng này chỉ áp dụng cho giới sáng tác và nghiên cứu, lý luận. Giới nghệ sỹ biểu diễn được tôn vinh bằng các danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân hoặc Nghệ sĩ ưu tú.

Tuy nhiên, qua một vài lần xét để trao tặng hai giải thưởng nói trên đã để lộ không ít điều bất ổn khiến dư luận xã hội chưa đồng tình, giới văn nghệ sỹ chưa tâm phục khẩu phục, bản thân người được thưởng cũng không thoải mái, có khi ngại ngần khi bị dư luận dị nghị là không xứng đáng. 

Với tư cách một văn nghệ sỹ hoạt động trong cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu lý luận, không nằm trong diện được bình xét (tôi không làm hồ sơ để xin xét) và cao hơn là tư cách một người dân quan tâm đến tình hình văn nghệ nước nhà, tôi xin mạnh dạn đề cập thẳng thắn một số điểm sau đây.

Nhà thơ xuân quỳnh thời trẻ.

Trước hết, về quy trình xét, chọn. Các "đương sự" được xét qua ba hội đồng tương đương với ba cấp độ: 1/ Hội đồng "Cơ sở" (các hội chuyên ngành, ở địa phương là UBND tỉnh, thành phố tương đương). 2/ Hội đồng "chuyên ngành" cấp Nhà nước (do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập). 3/ Hội đồng cấp "Nhà nước" (do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Hội đồng cấp trên chỉ nhận và xem xét các hồ sơ do do hội đồng cấp dưới trình lên (tức là không xem xét những trường hợp trình vượt cấp).

Một ai đó chỉ được công nhận khi có từ 90% số phiếu thuận trở lên (ở cả 3 hội đồng). Đây là một điều kiện khá cao nhưng cần thiết. Tuy nhiên, tại điều khoản này đã lộ ra một sơ hở. Đó là: Tại Hội đồng cơ sở, các thành viên trong Hội đồng sẽ chủ yếu gồm những người có cùng chuyên môn với đương sự  (các hội VHNT như Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh, Nhà văn…).

Nhưng ở 2 hội đồng cấp trên thì không như vậy mà mọi thành viên ngồi trong hội đồng đều bỏ phiếu (hay không bỏ) cho tất cả các đối tượng được xét. Ví dụ: Thành viên là một nhạc sỹ (hoặc họa sỹ) vẫn bỏ cho đương sự là nhà văn, nhà thơ (hoặc ngược lại). Vậy làm sao có thể chính xác? Người của lĩnh vực này làm sao có thể am hiểu lĩnh vực kia? 

Một thành viên của Hội đồng là nhà văn nếu không để ý đến âm nhạc thì sao có thể biết được nhạc sỹ A, nhạc sỹ B là tác giả của những tác phẩm âm nhạc nào? Như vậy, chắc chắn không thể tránh khỏi việc bỏ phiếu (hay không) nặng tính chất cảm tính (thích hay không thích) hoặc "tham khảo" ý kiến người có nghề âm nhạc trong hội đồng.

Vậy thì sao có thể đạt được yêu cầu "khách quan, công bằng, chính xác" như tại khoản 2 điều 4 Nghị định số 90/2014 NĐ-CP quy định? Đương sự phải được từ 90% số phiếu tán thành trở lên mới được công nhận. Như vậy chỉ cần 1-2 thành viên của Hội đồng không thích ai đó theo cảm tính là người đó rất có thể bị… oan.

Về tiêu chuẩn xét tặng, cả 2 mức độ giải thưởng đều có chung những yêu cầu giống nhau, chỉ khác một từ. Đó là: "1/ Có giá trị xuất sắc về Văn học nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. 2/ Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Đó là đối với GTNN. Còn đối với GTHCM thì thêm từ "đặc biệt": "Có giá trị "đặc biệt" xuất sắc…". Trong phần tiêu chuẩn có điều khoản về các giải thưởng mà đương sự cần giành được tại các hội VHNT Trung ương hoặc tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp quốc tế. Khác nhau ở 2 loại thưởng chỉ ở 1 từ: Ở GTHCM, phải là đoạt giải "cao nhất", còn ở GTNN là giải thưởng "chính".

Về tiêu chuẩn này, rõ là rất khó để bảo đảm sự chính xác và công bằng. Có một thực tế hiển nhiên: Không ít tác giả chưa hề tham dự một cuộc thi, liên hoan, hội diễn nào ngay cả ở trong nước chứ chưa nói là quốc tế, nhất là thời kỳ chiến tranh. Nhưng tác phẩm của họ cực kỳ nổi tiếng, có sức lan tỏa rộng rãi, đáp ứng rất trúng tiêu chuẩn: "Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng…".

Ví như trong lĩnh vực âm nhạc, Doãn Quang Khải là tác giả bài hát "Vì nhân dân quên mình" ở vào trường hợp này. Cái tên tác giả có thể còn xa lạ với nhiều người nhưng bài hát của ông thì người Việt Nam nào cũng biết. Vậy tính sao đây? Bài này chẳng có giải thưởng gì, ở đâu.

Trong khi đó thì trong danh sách những người từng được lĩnh GTNN ở lĩnh vực âm nhạc có người không có được bài nào có thể so được với bài trên. Nhưng họ lại có nhiều bài được giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Những bài này đã không ai biết đến.

Mà không ai biết đến thì làm sao có thể đạt được tiêu chuẩn "Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp Cách mạng..." như trong Nghị định của Chính phủ quy định? Nhân đây, cần nói một sự thật là chẳng những ở Hội Nhạc sỹ Việt Nam, mà ở nhiều hội khác, giải thưởng hằng năm trao cho một số tác phẩm ít sức thuyết phục khiến dư luận dị nghị nhiều.

Nhạc sỹ Văn Ký.

Vậy nên rất nhiều tác giả đã không gửi tác phẩm đến dự xét thưởng. Vậy thì căn cứ vào một tiêu chí không chính xác về chân giá trị ắt là sẽ không thể đạt được sự công bằng, khách quan như Chính phủ mong muốn. Dựa trên một căn cứ ít sức thuyết phục thì làm sao có được sức thuyết phục tiếp theo, cao hơn?

Một nội dung nữa không thể không nói là tại khoản 4 điều 4 Nghị định nói trên có quy định, tác phẩm, công trình đã được tặng GTNN thì không được kết hợp với các tác phẩm, công trình khác để đề nghị xét tặng GTHCM nữa. Điều khoản này nhằm tránh việc một tác phẩm lại được xét tặng hai lần.

Nhưng từ sự ràng buộc này đã dẫn tới một nghịch lý như sau: Những tác phẩm xuất sắc, nổi tiếng đã được tác giả khai hết để đề nghị xét tặng GTNN trước đây, nay đành phải khai những tác phẩm còn lại để xin xét GTHCM. Nhưng những tác phẩm này lại ít hiệu quả, không ai biết tới nếu không nói là chưa phát huy tác dụng ở đâu (có khi chỉ nằm ở ngăn kéo).

Vậy thì tác phẩm dự GTHCM lại kém xa tác phẩm dự GTNN trước đây? Nhạc sỹ Văn Ký là một ví dụ. Trước đây, ông từng nhận GTNN với những bài hát rất có giá trị, công chúng rất đỗi ưa thích như "Bài ca hy vọng", "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi", "Nha Trang mùa thu lại về", "Tây nguyên bất khuất"…

Lần này, để được GTHCM, ông đã khai một số tác phẩm xa lạ với công chúng vì họ chưa nghe vang lên ở đâu chứ chưa nói là nổi tiếng. Ông đã bị trượt lần này. Tuy nhiên, lẽ ra, Văn Ký xứng đáng được GTHCM ngay từ lần trước, cùng đợt với những nhạc sỹ như Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du, Xuân Hồng…, bởi ông là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại với nhiều tác phẩm có tầm cỡ lớn như đã nói. Lần này, với những bài đã khai thì việc ông không được GTHCM là không khó hiểu.

Việc công bố và tổ chức lễ trao các giải thưởng lần này đã phải hoãn đi hoãn lại, đến nay chưa có một ấn định nào cụ thể bởi dư luận xã hội còn nhiều thắc mắc với một số trường hợp, bởi sự kiện tụng ồn ào thời gian qua. Không phải là các hội đồng xét giải không làm việc hết mình.

Cũng khó có thể có sự "chạy chọt" vì những 3 hội đồng với số lượng thành viên không ít. Nhưng chính những quy định còn chưa chặt chẽ, còn máy móc và kém thuyết phục đã gây khó cho việc bình chọn dẫu chỉ là tương đối. Bởi vậy mà mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo lại nghị định.

Ông nhấn mạnh là không vì những điều khoản cứng nhắc mà để thiệt thòi những tài năng lớn, có cống hiến đáng kể cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Nhưng xem ra, sửa đổi thế nào để cho chặt chẽ, giàu sức thuyết phục hơn trong việc này quả là một việc khó khăn, không hề đơn giản. Tuy nhiên, dư luận xã hội thấy rằng, việc xét trao các GTHCM và GTNN những lần gần đây đã để lộ không ít sự không công bằng, thiếu thuyết phục.

Không ít người không xứng đáng hoặc chỉ đáng ở nấc thấp hơn. Ngược lại, có người rất xứng đáng lại không được. Tiền của dân dành cho việc trao thưởng này là không nhỏ. Không thể trao nhầm vào những người không xứng.

Nguyễn Đình San

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Điện Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quan hệ hợp tác quốc tế, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trong đó có hợp tác quốc tế với Công an các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp thuộc 2 quốc gia Lào và Trung Quốc trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia…

Các đơn vị trúng thầu dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã san ủi đồi núi, đổ lấp xuống con sông chảy qua địa bàn xã này hàng nghìn m3 đất đá. Hậu quả của việc làm này không chỉ gây ra tình trạng sông suối bị chặn dòng, thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du, mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh; gây bồi lấp, nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở đây vào mùa mưa lũ.

Chỉ trong vòng 3 tháng, bóng đá Việt Nam liên tục rúng động vì thông tin các cầu thủ chuyên nghiệp "nhúng chàm". Sau vụ 5 cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu bị bắt vì nghi vấn dàn xếp tỷ số đến lượt 5 cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị tạm giam vì liên quan đến ma túy.

Thuê máy chủ ở nước ngoài, đường dây môi giới mại dâm quy mô do Hoàng Duy Hưng, SN 1990, trú tại thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã tạo ra hàng loạt trang website "đen", đăng tải hình ảnh gái mại dâm và tạo ra các diễn đàn trên mạng để câu khách. Ước tính cả triệu người tham gia các trang web và diễn đàn độc hại này.

Thủ đô Hà Nội được dự báo vẫn có mưa dông vào buổi sáng, đến trưa chiều trời hửng nắng. Trong khi đó, khu vực vùng núi Bắc Bộ tiếp tục có mưa to. Nam Bộ bớt nắng nóng, chiều tối có mưa.

Vụ ngộ độc bánh mì ở TP Long Khánh, Đồng Nai khiến 568 người phải nhập viện chưa lắng xuống thì tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục có thêm nhiều sinh viên nghi ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, hơn 10 người nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cỗ ở Thái Bình có món tiết canh dê đã gióng lên hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm (ATTP).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文