Đèo Le quyến rũ

08:11 28/06/2019
So với thời của các bậc chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu hay Nguyễn Đình Hiến thì đèo Le ngày nay chắc chắn có nhiều đổi khác nhưng chủ yếu vẫn mang vẻ đẹp quyến rũ và kỳ bí của chốn sơn thuỷ hữu tình...

Con đường của tình yêu quê hương

Một ngày đầu hè 2019, chúng tôi dừng chân ở gần ngã ba Hương An thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam và tình cờ được biết nhà văn trẻ Trương Anh Quốc đang có mặt ở quê nhà chăm sóc mẹ già bệnh nặng. Gần trưa, sau khi qua thị trấn Đông Phú đến thăm nhà của Quốc ở xã Quế Phong, chúng tôi được anh trực tiếp hướng dẫn lên đèo Le.

Nếu tính từ ngã ba Hương An trên Quốc lộ 1 đến chân đèo Le khoảng cách hơn 30km theo tỉnh lộ ĐT611 về phía Tây. Còn tính từ Thành phố Tam Kỳ thì đèo Le cách gần 60km về phía Tây Bắc, cách Thành phố Hội An hơn 47km về phía Tây và cách Thành phố Đà Nẵng gần 70km về phía Tây Nam. Đèo Le trước đây nằm gọn trong lòng huyện Quế Sơn. Kể từ tháng 4-2008 khi có quyết định của chính phủ tách một số xã phía Tây huyện Quế Sơn thành lập thêm huyện Nông Sơn thì đèo Le trở thành ranh giới giữa hai huyện trung du và miền núi của tỉnh Quảng Nam.

Đoạn đường qua đèo Le dài hơn 7km, xuyên qua núi Hòn Tàu có độ cao hơn 500m. Theo nhà văn Trương Anh Quốc, các cụ lớn tuổi cho biết ngày xưa đây là con đường mòn xuyên rừng rậm núi cao do người dân hai bên đèo tự khai phá để đi lại mua bán trao đổi nông hải sản. Đường dốc lượn quanh co các sườn núi đụng mây và vực sâu hiểm trở. Dây leo chằng chịt. Đá lởm chởm. Bùn lầy vào mùa mưa. Mọi người qua đèo phải đè cây leo đá lội bùn rất cam go. Đến chân đèo bên kia ai cũng phờ phạc… le lưỡi thở. Cái tên đèo Le quen gọi từ ấy.

Con đường qua đèo Le kết tinh từ lòng yêu quê hương đất nước.

Đến năm Đinh Sửu - 1937, các bậc danh sĩ quê Quế Sơn là Nguyễn Đình Hiến, Lâm Xuân Quế, Nguyễn Đình Dương,… đã tự nguyện thành lập ban vận động lạc quyên khai phá, mở rộng con đường qua đèo Le. Sau hai năm huy động tiền của công sức của nhân dân, với bao gian nan vất vả, con đường đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế vùng cao bị cô lập phía thượng nguồn sông Thu Bồn.

Công đầu mở đường đèo Le là Phó bảng Nguyễn Đình Hiến, người cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và Phạm Liệu được xem là "tứ kiệt" về học vấn của xứ Quảng. Và cùng với Phan Châu Trinh, Võ Vỹ, Nguyễn Mậu Hoán, Nguyễn Đình Hiến còn được dân Quảng tôn vinh là "tứ hổ". Vào năm Canh Thìn - 1940, ông còn cẩn soạn bốn tấm bia để dựng tại đỉnh đèo ghi lại công tích mở đường và danh sách các mạnh thường quân, nhưng rồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, bốn tấm bia bị thất lạc đến nay mới chỉ tìm được ba tấm.

Tường thành của lòng yêu nước

Trước khi Phó bảng Nguyễn Đình Hiến cùng những nhân sĩ thế hệ mình vận động mở đường thì đèo Le còn gắn liền với tên tuổi của một bậc danh sĩ yêu nước tiền bối, ấy là Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu - thủ lĩnh phong trào Cần Vương xứ Quảng.

Vào những năm 1885-1887, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi chống Pháp, Tiến sĩ Trần Văn Dư đang là Chánh sơn phòng Quảng Nam đã đứng ra thành lập Nghĩa hội và được tôn làm Hội chủ, chỉ huy đánh chiếm một số thành trì. Quân Pháp phối hợp lính Nam triều Đồng Khánh huy động lực lượng lớn phản công và lùng sục bố ráp. Nghĩa quân thất bại nặng nề, Hội chủ Trần Văn Dư sa vào tay giặc và bị xử chém. Quyền chỉ huy Nghĩa hội Quảng Nam được giao lại cho chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu tiếp tục cuộc kháng chiến.

Nguyễn Duy Hiệu thi đỗ phó bảng lúc 32 tuổi dưới triều vua Tự Đức, được phong Hồng lô tự khanh nên người đời gọi là Hường Hiệu. Lúc đang làm quan phụ đạo tại kinh thành Huế, ông quay về quê hương cùng các chí sĩ Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến, Nguyễn Tiểu La thành lập Nghĩa hội Quảng Nam. Sau khi chính thức thay danh sĩ Trần Văn Dư làm Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam vào đầu năm 1886, ông cùng phó tướng Phan Bá Phiến quyết định chọn thung lũng Trung Lộc ở Quế Sơn làm căn cứ địa với tên gọi là Tân Tỉnh Trung Lộc, có đầy đủ doanh trại, kho tàng, hào luỹ, thao trường, pháp trường, nhà lao… và cả văn miếu.

Thung lũng Trung Lộc nay thuộc xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn vốn trải dài gần 10km từ chân đèo Le ra đến bờ sông Thu Bồn, bề ngang rộng đến 2km, nơi hẹp nhất cũng hơn 1km, với ba mặt đông, tây, nam núi cao bao bọc như bước tường thành tự nhiên. Đây là vùng giàu có về nông lâm lẫn khoáng sản, cung cấp lương thực và vật liệu chế tác vũ khí. Từ căn cứ này có thể tiến đánh địch từ mọi hướng nhờ địa hình khá phức tạp nhưng lại thuận lợi giao thông nối liền miền xuôi với miền ngược, từ phía đông sang tây qua đèo Le.

Chẳng những có con đường mòn độc đạo mà núi Hòn Tàu với đèo Le còn là bức tường thành thiên nhiên phòng thủ vững chắc cho căn cứ địa. Cuộc kháng chiến của Nghĩa hội Quảng Nam cuối cùng bị thất bại, thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu bị giặc đưa ra pháp trường xử tử, nhưng tinh thần yêu nước của ông và nghĩa quân mãi mãi bất tử cùng bức tường thành thiên nhiên đèo Le và đất thiêng Tân Tỉnh Trung Lộc, như câu thơ tuyệt mệnh của ông: "Chớ đem thành bại luận anh hùng"!

Nối tiếp hào khí của danh sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu và nghĩa quân, vùng phía tây đèo le là căn cứ địa quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ ở thế kỷ XX.

Một vùng du lịch sinh thái và văn hoá đầy tiềm năng

So với thời của các bậc chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu hay Nguyễn Đình Hiến thì đèo Le ngày nay chắc chắn có nhiều đổi khác nhưng chủ yếu vẫn mang vẻ đẹp quyến rũ và kỳ bí của chốn sơn thuỷ hữu tình. Con đường xuyên đèo đã mở rộng thông thoáng và an toàn. Cây cối bị chiến tranh và lâm tặc tàn phá đã được trồng trở lại lên xanh. Dòng suối Nước Mát trên đỉnh đèo vẫn quanh năm róc rách tạo nên bản nhạc rừng êm dịu du dương, giờ có thêm một hồ tắm nhân tạo từ nguồn nước mát ngọt trong lành này phục vụ du khách.

Suối Nước Mát trên đỉnh đèo Le.

Không khí oi bức trong cái nắng hè đồng bằng được thay bằng không gian xanh trong mát rượi đỉnh đèo. Ngồi bên dòng Nước Mát, nhà văn Trương Anh Quốc nói rằng người dân vùng này thường tự hào kể cho con cháu nghe chuyện công chúa Huyền Trân từng lên đây. Tương truyền thời vào làm dâu Chiêm Thành và được phong là Hoàng hậu Paramecvari, thỉnh thoảng bà cùng các tì nữ lên ngắm cảnh đèo Le và tắm suối Nước Mát. Khi đấng lang quân Chế Mân đột ngột băng hà, phong tục vương triều buộc hoàng hậu phải chết theo vua. Thương em, vua Trần Anh Tông ra lệnh tướng quân Trần Khắc Chung vào tham dự lễ tang vua Chế Mân và tìm cách cứu công chúa Huyền Trân. Bà bí mật cải trang thành sơn nữ tạm lánh trên đèo Le, rồi xuôi theo dòng sông nhỏ Ly Ly ra Cửa Đại lên thuyền lớn chờ gió trở nồm căng buồm cùng Trần Khắc Chung lênh đênh trên biển trở về Đại Việt.

Rời đỉnh đèo Le chúng tôi đi tiếp sang phía tây thăm căn cứ xưa của thủ lĩnh nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu, suối nước nóng Tây Viên, dạo chợ Trung Phước, ngắm sông Thu Bồn, Hòn Kẽm - Đá Dừng và làng Đại Bình thuộc huyện Nông Sơn quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng. Sau đó, chúng tôi quay trở lại chân đèo Le phía đông bên huyện Quế Sơn để thưởng thức gà tre đặc sản.

Doanh nhân Phan Văn Lâm người Quế Sơn cho biết, gà tre đèo Le từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng có mặt khắp Quảng Nam cùng một số tỉnh thành lân cận. Thậm chí có những cái quán trương bảng hiệu "gà tre đèo Le" nhưng thực chất chỉ là gà ở địa phương đó mà thôi. Chuyện này cũng dễ hiểu trong thời kinh tế thị trường thật giả lẫn lộn và người ta hay lợi dụng "thương hiệu" để bán được hàng. Muốn ăn đúng loại gà tre đặc sản này thì chỉ có đặt chân tới đèo Le. Ngoài hai hàng quán trải dọc mấy trăm mét dưới chân đèo phía đông thì ở lưng chừng đèo và đỉnh đèo lác đác cũng có quán bán thịt gà tre.

Khi biết tôi đi đèo Le, nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy gốc Quảng Nam đang ở Đồng Nai nhắn tin rằng phải ăn bằng được mì quảng và thịt gà tre. Đây là loại gà bản địa duy nhất chỉ có ở Quế Sơn được bảo tồn và chọn lọc, nhân giống. Gà tre thuần chủng chính hiệu nhỏ thó, nhanh nhẹn, chân bé màu vàng, từ khi nở tới khoảng 2,5 - 3 tháng nặng trung bình 0,7 - 0,9 kg/con là ăn thịt được. Sau khi nhổ lông lớp da gà có màu vàng nghệ bóng, đem luộc chấm muối ớt, bộ đồ lòng nấu cháo hoặc xào mướp, cũng có thể ướp thịt gà với chút gia vị rồi nướng than củi. Gà tre hương vị thơm ngọt, da giòn, thịt săn nhưng không dai, nướng hay luộc đều ngon tuyệt.

Với vị thế địa lý, cảnh quan thiên nhiên và đặc sản gà tre, đèo Le giàu tiềm năng về du lịch sinh thái, tâm linh. Từ đây có thể kết nối với ba đô thị Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng thành những tuyến lữ hành quyến rũ du khách.

Phan Hoàng

Mưa dông diện rộng được dự báo diễn ra khắp miền Bắc và tại cá tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa có nơi trên 80mm. Thủ đô Hà Nội trời mát mẻ, nhiệt độ trong ngày từ 23-29 độ C.

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文