Đi tìm đại biểu cuối cùng của “Thi nhân Việt Nam”

10:30 11/03/2008
Có thể nói, Xuân Tâm là nhân chứng cuối cùng của "một thời đại trong thi ca" đã có những ảnh hưởng vô cùng to lớn và sâu sắc tới nền thơ hiện đại Việt Nam. Xuân Tâm rất kiệm lời. Khi trình bày một vấn đề gì, ông thường suy nghĩ rất lâu. Và ông nói ngắn mà đủ ý, mà sâu sắc, khúc triết.

Chính xác hơn, chúng ta còn có hai thi sĩ của "Thi nhân Việt Nam" trên trần gian. Ngoài ông, còn thi sĩ Tế Hanh. Nhưng Tế Hanh nhiều năm nay nằm liệt trên giường bệnh, không thể giao tiếp được với bầu bạn văn chương.

Duy chỉ còn ông là vẫn đủ minh mẫn để trò chuyện với bất cứ ai  muốn tìm hiểu về thế hệ của ông, một thế hệ thi nhân đã tạo nên một luồng gió mới trong thi ca Việt Nam đầu thế kỷ XX. Và cũng chỉ còn có duy nhất ông, vẫn làm thơ mỗi ngày, cho dù ông nói: "Tôi làm thơ chỉ để vui thôi, không đưa in ở đâu cả", vì ông khiêm tốn: "Tôi già rồi, thơ không hay nữa...".

Ngôi nhà cấp 4 của thi sĩ Xuân Tâm nằm khiêm nhường trong con ngõ nhỏ sát Hồ Tây. Mỗi buổi sáng thức giấc, ông có thể thong thả đi bộ ra phía hồ, ngắm mặt trời đang tỏa rạng và mỗi buổi chiều cũng có thể ngồi đó mà nhìn "mặt trời như trái cây vừa rụng" đang chìm xuống mặt nước.

Ông nói: "Tôi sống trong ngôi nhà này hơn nửa thế kỷ rồi. Không có gì thay đổi cả. Chỉ có điều, xưa kia, trước cửa nhà mình là Hồ Tây với khung cảnh có phần hoang vu, thì nay nhà cửa đã mọc lên san sát, toàn nhà cao tầng".

Trước nhà ông là một khoảng sân rộng, nơi đó trồng những cây hoa trổ bông thơm ngào ngạt suốt bốn mùa. Thi sĩ năm nay đã ở tuổi 93, tuổi "xưa nay hiếm" trên đời rồi. Và may mắn là trời Phật đã ban cho ông một sức khỏe dồi dào, một trí tuệ minh mẫn đáng khâm phục. Khả năng lưu giữ những ký ức từ rất xa xưa của thi sĩ cũng là một may mắn cho những kẻ "hậu sinh" như chúng tôi, khi muốn tìm hiểu về thế hệ ông.

Có thể nói, Xuân Tâm là nhân chứng cuối cùng của "một thời đại trong thi ca" (chữ của Hoài Thanh về phong trào Thơ Mới) đã có những ảnh hưởng vô cùng to lớn và sâu sắc tới nền thơ hiện đại Việt Nam. Xuân Tâm rất kiệm lời. Khi trình bày một vấn đề gì, ông thường suy nghĩ rất lâu. Và ông nói ngắn mà đủ ý, mà sâu sắc, khúc triết.

Rất nhiều bạn yêu thơ không phải chỉ thế hệ trẻ hôm nay, mà cả những người tóc không còn xanh nữa cũng ít biết về Xuân Tâm. Là bởi Xuân Tâm sống ẩn mình suốt nửa thế kỷ qua. Ông ít khi xuất hiện ở những nơi đời sống văn chương diễn ra. Dù ông vẫn làm thơ.

Hỏi ra mới hay, Xuân Tâm chính là một trong những thành viên tham gia Đại hội thành lập Hội Nhà văn năm 1957. Nhưng ông không có tên trong danh sách Hội viên sáng lập của Hội. Và không ít nhà văn hôm nay không biết về sáng tác cũng như những đóng góp của ông đối với Hội Nhà văn và đối với thơ ca. Hỏi, ông có buồn không khi mình bị lãng quên như vậy, Xuân Tâm chỉ cười. Suy nghĩ một lát, ông nói, chuyện là Hội viên Hội Nhà văn hay không thực tình không làm ông bận tâm.

Lần giở lại nhận định của Hoài Thanh - Hoài Chân trong "Thi nhân Việt Nam", chúng ta cùng đọc lại, để hiểu người thơ Xuân Tâm những năm tuổi trẻ, bắt đầu hăm hở đến với thơ: "Với bất cứ một đề tài nào, lời thơ vẫn nhẹ nhẹ, êm êm. Nó chậm chậm đi vào hồn ta như một buổi chiều Xuân Diệu".

Xuân Tâm vốn là người Quảng Nam, từ nhỏ đã đi học ở Huế, và gắn bó với thành phố thơ mộng này. Ông yêu Huế đến nỗi, sau này, khi làm việc ở những cơ quan quan trọng của nhà nước, có cơ hội được đi nhiều nước trên thế giới, ông vẫn khẳng định rằng, không nơi đâu cảnh đẹp cho bằng sông Hương, núi Ngự.

Thuở nhỏ, ông học giỏi tiếng Hán và tiếng Pháp. Trước khi đến với Thơ Mới, Xuân Tâm làm thơ phần nhiều bằng tiếng Hán và tiếng Pháp. Nhưng rồi luồng gió thi ca mới mẻ đã tràn vào hồn ông.

"Trước Thơ Mới là Thơ Đường, có luật rất nghiêm ngặt mà nhà thơ phải tuân thủ khi viết. Thơ Mới đã hoàn toàn cởi bỏ sự nghiêm ngặt ấy. Người thơ tự do thể hiện tâm tình của mình. Vì vậy mà nói được tiếng nói của mình dễ dàng, sâu đậm hơn".

Trong "con mắt xanh" của Hoài Thanh - Hoài Chân, Xuân Tâm "ngồi cùng chiếu" với các thi nhân nổi danh trên thi đàn bấy giờ như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử... Cũng chính vì vậy mà ông có cơ hội được làm bạn với họ, trong đó có hai người bạn mà ông đặc biệt thân thiết là Xuân Diệu và Huy Cận.

"Hồi đó tôi học Trường Quốc học Huế. Nhà nghèo nên cha mẹ tôi không có tiền cho tôi ra Hà Nội học như các anh Xuân Diệu và Huy Cận. Nhưng cứ đến mùa hè hai anh về lại Huế thì chúng tôi có cơ hội bên nhau. Chúng tôi đi chơi, đàm đạo suốt ngày về thi ca, kể chuyện bạn bè ở Huế, ở Hà Nội. Những ngày đó vui lắm".

Quay lại những ký ức tuổi thơ ấy, Xuân Tâm bất chợt ngậm ngùi: "Họ đều là những người bạn tốt đối với tôi. Tôi rất tiếc là anh Xuân Diệu mất quá sớm. Tôi cũng chứng kiến nhiều câu chuyện cuộc sống của anh Huy Cận. Trước kia Huy Cận có người vợ là em gái của Xuân Diệu… Đời các anh, mỗi người đều có câu chuyện không vui". --PageBreak--

Cho đến nay, Xuân Tâm mới chỉ in 2 tập thơ. Tập đầu xuất bản năm 1935 có nhan đề: "Lời tim non". 55 năm sau, đến năm 1990, ông mới cho in tập thứ hai, mang tên "Dòng thời gian". Khác với nhiều bạn thơ  của phong trào Thơ Mới, Xuân Tâm làm việc ở những lĩnh vực không liên quan gì đến nghệ thuật.

Ông từng là Giám đốc Sở Ngân khố Trung bộ và sau này chuyển về làm việc ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng Thơ thì vẫn ở trong ông như một dòng chảy ngầm, một tình yêu âm thầm mà không kém phần quyết liệt.

Có hai lý do để suốt nửa thế kỷ qua, bạn đọc không gặp thi sĩ Xuân Tâm trên thi đàn. Thứ nhất, như ông nói: "Tôi phải làm việc tốt để nuôi gia đình. Vợ tôi là giáo viên, đồng lương ít ỏi. Chúng tôi có 5 đứa con và phải chăm lo cho các con của mình". Điều thứ 2 quan trọng hơn, ông vốn là người không thích chốn ồn ào, không ham danh tiếng. Thơ, đơn thuần đối với ông như một cuộc tâm tình nhỏ nhẹ. Nó không mang xiêm áo cầu kỳ, cũng không trưng bày ở chốn phù hoa. "Thơ ở cùng tôi giữa đất trời/ Đừng theo mây gió chốn xa khơi/ Tôi trông thơ đến từng mai sớm/ Và nguyện yêu thơ đến trọn đời..." (Với thơ).

Trên bàn làm việc của Xuân Tâm bày la liệt các loại báo. Ông đặt 10 tờ báo để đọc hàng ngày, cập nhật thông tin, để giúp mình "không xa lạ với đời sống". Và mỗi ngày ông đều ngồi vào bàn, dành thời gian cho “nàng Thơ” mà ông say đắm suốt đời.

Hỏi: "Ông có đọc thơ của các nhà thơ trẻ sau này không?". Ông nói: "Tôi vẫn đọc thơ họ trên báo Văn nghệ và nhiều tờ báo khác. Nhà thơ trẻ bây giờ viết khác, nghĩ khác". "Ông có kinh nghiệm gì chia sẻ với các nhà thơ trẻ, bằng chính cuộc đời làm thơ của mình?". "Cái này rất khó. Làm thơ, theo tôi là công việc đặc biệt. Không thể chia sẻ kinh nghiệm hay dạy dỗ được".

Về một bài thơ hay, theo ông, rất dễ hiểu, đó là bài thơ làm xúc động lòng người. Bất kể thế nào, thơ phải gây được những xúc cảm mạnh mẽ nơi trái tim người đọc. Muốn như vậy, rung động, tình cảm của người viết phải chân thực, không giả dối, không màu mè.".

Nói về câu chuyện lăngxê để nổi tiếng, lão thi nhân so sánh: "Thời chúng tôi, nhiều nhà thơ viết ra tác phẩm và được rất nhiều quần chúng hâm mộ. Nhưng đó là điều gì hết sức tự nhiên, như một bông hoa thơm thì tỏa hương vậy thôi. Chúng tôi không biết đến việc lăngxê là thế nào. Nhưng các bạn làm thơ trẻ hôm nay thì có ý thức, có chú ý đến việc làm sao cho nổi tiếng".

Ông chỉ nói đến đó rồi không bình luận thêm gì cả. Nhưng tôi đọc trong phong thái của ông, sự tinh tế, lịch lãm, cả sự tỉnh táo hiếm có của một người biết mình đã ở "một sân chơi khác", không hẹp hòi hay giáo điều khi nói về những người trẻ tuổi.

Định chào thi nhân ra về sau một buổi  hầu chuyện ông rất thú vị thì chuông cửa nhà ông ngân vang. Luật sư Cù Huy Hà Vũ, nhân Ngày Thơ Việt Nam, ghé thăm lão thi sĩ, người bạn thân thiết của cha mình. Anh kể: "Khi cha tôi (nhà thơ Huy Cận) còn sống, mỗi lần gặp mặt Thơ Mới đều mời bác Xuân Tâm tới nhà.

Các nhà thơ ôn lại kỷ niệm ngày đầu đến với thơ, bàn bạc các vấn đề văn nghệ rất "oách". Tôi cảm thấy những hoạt động đó giống như một Hội Nhà văn thu nhỏ. Tôi rất quý trọng con người bác Xuân Tâm. Đức tính quý báu của bác là lặng lẽ, khiêm nhường, không mấy khi đòi hỏi hay buộc người ta phải chú ý tới mình".

Là người cầm bút trẻ, tôi tự thấy đã học được từ lão thi sĩ Xuân Tâm một thái độ hết sức chân thành, nghiêm cẩn với thơ ca. Ông đã sống một đời sống hết sức tự nhiên, không đặt lên vai một gánh nặng gì. Mỗi sớm mai ông thư thả ngồi trước hiên nhà "trông thơ đến". Chỉ riêng điều đó thôi, ông đã là một thi nhân với ý nghĩa cao quý nhất của từ này.

Mong ông vẫn tiếp tục những vần thơ, thêm sức khỏe mỗi ngày để có mặt trong ngày Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. "Nhà thơ Huy Cận đã luôn mong mỏi được có mặt trong ngày trọng đại đó của Thủ đô, tôi hy vọng được tận mắt thấy ngày này để khi đi gặp các anh Xuân Diệu, Huy Cận, có thể kể cho các anh ấy nghe...."

Bình Nguyên Trang

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文