Phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long":

"Đường vè" còn xa...

10:49 05/10/2010
Cứ theo phản ánh của dư luận trong mấy tháng qua thì quả là bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" có quá nhiều... sạn, chẳng cần người có trình độ cao siêu cũng có thể nhận biết (đấy là họ mới chỉ căn cứ vào những gì mà các nhà làm phim "quảng cáo", chứ hẳn là khi xem đủ 19 tập phim thì sự tình còn "căng" nữa)...

Theo kế hoạch, bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" (19 tập) sẽ lên sóng trong tháng 9/2010, tức là trước thềm kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi, nhưng trước phản ứng không mấy "nhẹ nhàng" của dư luận, trong đó có nhiều nhà sử học, nhà văn, nhà biên kịch uy tín, Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đã yêu cầu đơn vị sản xuất phải "sửa một số lời thoại; sửa một số vấn đề liên quan đến kịch bản", đặc biệt là "cắt một số cảnh quá quen thuộc của Trung Quốc dễ gây hiểu lầm cho khán giả...", trong đó có "một số đại cảnh có đông diễn viên là người Trung Quốc, trang phục Trung Quốc...". Tuy nhiên, qua lần trình duyệt thứ hai, nhận thấy đơn vị sản xuất đã có những sửa chữa vội vã, mang tính "vá víu", khiến bộ phim gặp không ít những bất cập (như ở tập 10 đã xảy hiện tượng hình và tiếng không khớp nhau; nhiều chỗ nhân vật đối thoại nhưng phim lại... im tiếng...), trong hai ngày 25 và 26/9 vừa qua, Hội đồng Duyệt phim Quốc gia mở rộng (do Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch thành lập) đã tổ chức thẩm định lại và đi đến kiến nghị: Không phát sóng bộ phim trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đơn vị truyền hình nào cho phát sóng bộ phim thì tự chịu trách nhiệm trước công luận về chất lượng của phim.

Cứ theo phản ánh của dư luận trong mấy tháng qua thì quả là bộ phim có quá nhiều... sạn, chẳng cần người có trình độ cao siêu cũng có thể nhận biết (đấy là họ mới chỉ căn cứ vào những gì mà các nhà làm phim "quảng cáo", chứ hẳn là khi xem đủ 19 tập phim thì sự tình còn "căng" nữa). Như cảnh kỵ mã phi ngựa trên thảo nguyên: "Đây là đội kỵ binh của Nguyên Mông. Trong lịch sử từ xưa đến nay, Việt Nam chưa bao giờ có một đội quân mặc giáp trụ cưỡi ngựa như thế. Đường Việt Nam hẹp, nhiều sông suối, cầu nhỏ, không có những cánh đồng cỏ lớn lấy đường đâu cho kỵ binh đi, lấy cỏ đâu cho một đoàn ngựa chiến như thế ăn? Chỉ có những đạo diễn không biết gì về hoàn cảnh Việt Nam mới tự tiện ghép những màn kỵ binh có sẵn trong phim cổ trang của Trung quốc vào phim Việt Nam như thế thôi" (ý kiến của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân). Như: Về cảnh cung điện, đền đài, miếu mạo trong phim: "Kiến trúc cung điện, đình chùa ở Việt Nam xưa nay chưa hề có loại 3 tầng mái với những đầu đao bộ mái thẳng băng như kiến trúc đã quay trong phim" (ý kiến của nhà văn Trần Thị Trường). Như: Về mũ mão, trang phục của các nhân vật trong phim: "Cái mũ gọi là mũ bình thiên là của người Tàu. Chúng ta có những tài liệu cụ thể vua quan của ta thời ấy thì đội mũ áo kiểu gì?

Không phải là cái kiểu mà bộ phim diễn tả" (ý kiến của nhà sử học Lê Văn Lan)... Nhà văn Trần Thị Trường cho hay, có người đã nửa đùa nửa thật rằng đây không phải là phim về Lý Công Uẩn mà là phim về... Lý Triển Chiêu. Nặng nề hơn, nhà thơ Đỗ Trung Quân gọi đây là "phim Trung Quốc nói tiếng Việt". Ngoài ra, có  tình tiết mà phim đề cập được các chuyên gia cho là "chưa đúng với lịch sử".

Thật ra, việc để bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" gặp phải những "trục trặc kỹ thuật" nói trên không nằm ngoài sự "cảnh báo" của dư luận. Trước nhất, bộ phim được triển khai từ kịch bản của ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành - người đã thật thà tâm sự với báo giới rằng, đây là kịch bản phim đầu tiên và duy nhất của ông. Thứ nữa, nhiều cảnh quay trong phim được thực hiện ở Trung Quốc, đạo cụ Trung Quốc, trường quay Trung Quốc, đạo diễn Trung Quốc và nhiều nhân vật tham gia phim là người Trung Quốc nên việc giữ sao cho bộ phim thật đậm "hồn Việt" là điều trở nên hết sức khó khăn. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng, người chịu trách nhiệm tư vấn mỹ thuật cho bộ phim kể: "Các đạo diễn hay họa sĩ Trung Quốc có dẫn chúng tôi đi chọn bối cảnh hay đạo cụ sao cho phù hợp với Việt Nam, thế nhưng trên thực tế, để chọn cái gì như của mình thì rất khó vì nói chung, bối ảnh của họ đều rất rộng lớn không giống với mình... Riêng về trang phục thì có một họa sĩ lo, đó là cô Đoàn Thị Tình nhưng khi sang bên đó thì người Trung Quốc họ may..." và "khi bản vẽ đến tay thợ may Trung Quốc thì họ cứ theo truyền thống của họ họ làm".

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng còn cho biết, vì là phim do hãng tư nhân đầu tư nên vấn đề kinh phí phải hết sức tính toán: "Trang phục nào cần thì may, còn không thì thuê vì nếu tất cả trang phục đều phải may thì kinh phí rất lớn". Ông lấy một ví dụ nhỏ: Một bộ áo giáp giá 5.000 tệ (khoảng 15 triệu đồng tiền Việt), mỗi tướng lĩnh ra trận cần từ 3 đến 4 bộ giáp, nếu không thuê mà đặt làm thì tiền đầu tư sẽ rất lớn. Bởi vậy, tinh thần chung là phải thuê trang phục, mà thuê trang phục thì chuyện "giống Trung Quốc là chuyện đương nhiên".

Tất nhiên, không phải không có những ý kiến đánh giá, nhìn nhận bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" trên tinh thần cảm thông. Trả lời phỏng vấn Báo Thanh niên, ông Lê Ngọc Minh - Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định bộ phim cho rằng: "Đúng là ở Việt Nam hiện nay, nhà làm phim truyện gặp nhiều khó khăn về điều kiện bối cảnh, phục trang, công nghệ... trong việc thể hiện tác phẩm. Riêng lĩnh vực phim lịch sử đề tài cổ trang còn khó khăn hơn nhiều, bởi đụng vào cái gì cũng thiếu thốn hoặc chưa có nên chúng ta cũng cần trân trọng sự dấn thân của các nhà đầu tư, các nghệ sĩ tha thiết với việc làm phim lịch sử cổ trang".

GS-TS Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nhận định: "Bộ phim cũng đứng trước thách thức lớn, hạn chế khi chúng ta không có trường quay, không có đạo diễn thực sự đủ tầm cho phim quy mô lớn, không có lực lượng diễn viên đông đảo, thiếu thốn đạo cụ, trang phục...". Từ đó, ông Dũng cho rằng "Từ bộ phim này cũng gợi cho chúng ta thấy cần phải có một trường quay Việt Nam, ê kíp làm phim lịch sử Việt Nam... Bởi dòng phim lịch sử Việt Nam trong tương lai cần được phát triển".

Như vậy, thông qua các ý kiến có phần đa chiều nói trên, điều chúng ta có thể nhận thấy rất rõ rằng: Điện ảnh Việt Nam vẫn trong vòng luẩn quẩn, theo kiểu "giật gấu vá vai", "cái khó bó cái khôn". Nghĩa là, vì thiếu tiền nên phải tiết kiệm ở nhiều khâu. Và vì tiết kiệm nên chất lượng không đảm bảo, không dùng được, hóa lại thành... lãng phí.

Được biết, trước việc "đứa con đầu lòng" của mình bị hoãn công chiếu trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Trịnh Văn Sơn đã thổ lộ với báo chí: "Bộ phim không được chiếu đúng dịp Đại lễ, chúng tôi thấy buồn, nhưng là buồn cho khán giả vì không thể xem một bộ phim được dàn dựng công phu và hoành tráng như vậy". Ở đây, có lẽ ông Trịnh Văn Sơn đã không thực hiểu tâm lý khán giả. Một khi tâm lý tiếp nhận của họ không "thuận chiều" thì việc bộ phim có được dàn dựng công phu, hoàng tráng đến mức nào thì với họ, phỏng có ý nghĩa gì?

Nguyễn Trọng Mừng

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文