Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Thêm: Tết Việt, từ ăn sang chơi

08:00 22/01/2013

Sài Gòn ngày cuối năm, ghé ngôi nhà lưu giữ rất nhiều kỉ vật văn hóa của các nước, chúng tôi được GS,TSKH Trần Ngọc Thêm kể về cái Tết của kiều bào, những chiêm nghiệm về Tết xưa, Tết nay...

Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS,TSKH) Trần Ngọc Thêm là một trong số những nhà nghiên cứu văn hóa được cộng đồng người Việt ở nước ngoài dành nhiều tình cảm yêu mến. Cuốn "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" của ông thực sự gây ấn tượng mạnh với độc giả trong và ngoài nước bởi truyền thống văn hóa dân tộc được khái quát, phân tích dưới lăng kính khoa học, thể hiện bằng ngôn ngữ dung dị, gần gũi. Lật từng trang sách, những người con đất Việt như bước vào cuộc hành hương tìm về nguồn cội, nỗi nhớ cố hương khắc khoải giữa chiều 30 Tết trên xứ người xa xôi.

Sài Gòn ngày cuối năm, ghé ngôi nhà lưu giữ rất nhiều kỉ vật văn hóa của các nước, chúng tôi được GS,TSKH Trần Ngọc Thêm kể về cái Tết của kiều bào, những chiêm nghiệm về Tết xưa, Tết nay...

- Có cảm giác rằng Tết Việt đang có những biến tấu, nhạt nhòa bản sắc trong chính đời sống người Việt. GS suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

+ Nói về Tết, người Việt thường gọi là "ăn Tết". Nghĩa là khía cạnh vật chất rất được coi trọng. Tết là dịp sum họp gia đình, họ tộc trong không khí tâm linh trang nghiêm quanh mâm cỗ Tết. Như vậy, món ăn vật chất cùng với món ăn tinh thần là yếu tố văn hóa trung tâm trong phong tục ngày Tết. Từ mâm cỗ cúng Tổ tiên, ông bà cho đến mâm cỗ đãi khách, nhà nào cũng chú trọng đến cái việc "ăn" bên cạnh nhu cầu tinh thần theo công thức "Thịt mỡ dưa hành - câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo - bánh chưng xanh". Nay, đời sống vật chất phát triển, cái ăn không còn là yếu tố trung tâm. Khi tất cả nhu yếu phẩm ngày Tết đều mua sẵn, cái không khí chộn rộn chuẩn bị cho ba ngày Tết không còn nữa. Từ "ăn Tết", người Việt chuyển dần sang "chơi Tết", nhất là ở thành thị. Bên cạnh Tết nguyên đán, Tết Tây và Giáng sinh cũng ngày càng được chú trọng hơn. Việc sắm Tết của dân thành thị không còn khác ngày thường là mấy. Chỉ cần vào siêu thị một buổi là xong. Xưa, việc chúc thọ, mừng tuổi, lì xì… ngày Tết mang tính tượng trưng, lấy tấm lòng làm trọng. Còn bây giờ, nghĩa cử đó đang bị thương mại hóa. Phong tục Tết Việt đang có xu hướng bị biến tấu, phai nhạt bản sắc là vì thế…

- Trong một tham luận trình bày tại Hội thảo khoa học về bảo tồn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, GS có nói, càng ở xa Tổ quốc, ý thức bảo tồn văn hóa của người Việt càng cao?

+ Đúng vậy. Người Việt ở nước ngoài vì xa quê nên họ luôn có ý thức hướng về cội nguồn, cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa của mình. Hành động bảo tồn ấy có thể là chủ động, có thể thụ động, nhưng đều xuất phát từ nhu cầu đời sống văn hóa. Càng ở xa quê, nỗi nhớ quê hương đất nước càng đầy, nhu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc càng cao. Còn Tết đối với người Việt trong nước, đặc biệt là đô thị có thể xem như một sự thích nghi văn hóa để phù hợp trước ảnh hưởng của quá trình hội nhập, toàn cầu hóa.

- Nhưng khi bản sắc văn hóa, trong đó phong tục đón Tết ở đất nước đang chịu sự ảnh hưởng, tiếp biến, thì liệu việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài có thuận lợi không, thưa GS?

+ Việc bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã và đang đặt ra những thách thức, khó khăn khi thế hệ người Việt thứ ba, thứ tư trở đi hầu như rất ít có cơ hội tiếp xúc với tiếng Việt. Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại rằng mất tiếng Việt là mất bản sắc văn hóa nên cần phải tập trung các giải pháp bảo tồn tiếng Việt. Đành rằng ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa, nếu bảo tồn được tiếng Việt trong các thế hệ sau của cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì còn gì bằng. Nhưng trong điều kiện hiện nay, tôi cho rằng đặt vấn đề như vậy là rất khó khả thi, nếu không muốn nói là ảo tưởng. Để thực hiện được việc dạy và học tiếng Việt thành công trong các thế hệ thứ ba, thứ tư của cộng đồng người Việt ở 101 quốc gia trên thế giới là một chương trình đầy khó khăn và tốn kém.

Tôi cho rằng việc bảo tồn tiếng Việt nên để các cộng đồng, các gia đình tự lo theo nhu cầu và khả năng của mình, còn Nhà nước nên tập trung vào bảo tồn văn hóa, trong đó có cả văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần mà phong tục là một trong những biểu hiện quan trọng. Thực tế cho thấy ở Hàn Quốc, đã gần chục thế kỷ trôi qua mà con cháu hoàng thúc Lý Long Tường vẫn một lòng hướng về cội nguồn đất Việt thì không phải nhờ ngôn ngữ mà là nhờ văn hóa. Trong các cộng đồng người Việt ở Pháp, Mỹ, Nga… các thế hệ con cháu có thể biết tiếng Việt hoặc không, nhưng ý thức cội nguồn, truyền thống dân tộc vẫn được gìn giữ, phát huy rất tốt. Tết Nguyên đán hằng năm được tổ chức rất chu đáo, ấm cúng. Và đó chính là thời khắc người ta nhớ về quê cha đất tổ nhiều nhất. Việc hồi hương, các hoạt động từ thiện hướng về quê hương đất nước cũng được thực hiện nhiều trong dịp Tết. Tôi cho rằng, với người Việt Nam, dòng máu "con Lạc cháu Hồng" qua các thế hệ không bao giờ có thể mất đi. Điều chúng ta cần làm là tạo ra nhiều cơ hội, làm tốt vai trò "bà đỡ văn hóa" để các giá trị văn hóa Việt ngày càng có ảnh hưởng sâu sắc, lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

- Từng học tập và làm việc tại nhiều nước trên thế giới, ấn tượng của giáo sư khi cùng kiều bào đón Tết trên đất khách? 

+ Tôi từng học tập tại Nga, giảng dạy tại Hàn Quốc và đến các nước như Mỹ, Anh, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Lần đón Tết ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc năm 2001 là khó quên nhất. Năm đó, anh em công nhân Việt Nam nhất quyết mời vợ chồng tôi đến đón giao thừa cùng họ. Khu ở của họ nhìn bên ngoài bình thường như bao căn nhà khác, không có gì đặc biệt nhưng bước vào bên trong, tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy mình như đang đón giao thừa trong một gia đình ở Việt Nam. Cũng bánh chưng xanh, cũng xôi gấc, gà luộc, dưa hành, mâm ngũ quả, mứt Tết, trầu cau, đèn nhang nghi ngút trên bàn thờ… Tất cả giống hệt ở quê nhà. Những thực phẩm, vật dụng cho Tết được anh chị em ta tổ chức đưa từ Việt Nam sang Hàn Quốc bán lại cho nhau với giá cả phải chăng, có thể mua rất dễ dàng ở các siêu thị, khu chợ bán hàng Tết cho người Việt. Thực hiện nghi lễ với gia tiên xong, anh em quây quần bên nhau, cùng nhớ về cố hương, nâng ly rượu mừng năm mới mà ai cũng rơm rớm nước mắt.

- Chắc gia đình GS vẫn giữ nguyên những phong tục của Tết cổ truyền như gói bánh chưng, làm dưa hành… mà bây giờ những gia đình thị thành không còn lưu giữ?

+ Công việc khá bận rộn nên gia đình tôi cũng ăn Tết kiểu hiện đại chứ không còn giữ được nguyên vẹn những phong tục cổ truyền như bạn nói. Mọi thứ như bánh chưng, mứt Tết… cũng phải mua sẵn. Nhưng những phong tục, nghi lễ truyền thống như cúng ông Táo, thả cá chép, tụ họp gia đình, đốt vàng, cúng giao thừa, cúng gia tiên… thì gia đình tôi vẫn luôn thực hiện rất đầy đủ. Đối với chúng tôi, việc duy trì văn hóa truyền thống đó không chỉ là để cho mình, mà là một nội dung quan trọng trong việc giáo dục con cháu.

- Bên cạnh những thay đổi trong việc "ăn Tết", GS thấy việc "chơi Tết" ở thành phố trong mấy năm gần đây thế nào?

+ Những năm gần đây, tôi thường đưa gia đình đi chơi Tết ở đường hoa Nguyễn Huệ, Công viên Tao Đàn theo sở thích của các cháu. Tuy nhiên, tôi thấy việc làm đường hoa khá phô trương, hình thức, rất tốn kém tiền bạc, công sức mà hiệu quả không cao. Đầu tư cả đống tiền nhưng chỉ để ngắm vài ngày rồi bỏ đi. Năm ngoái, sau Tết Nhâm Thìn, người ta đưa những con rồng ở đường hoa đem về vứt chỏng chơ trong khu du lịch Văn Thánh. Rất phản cảm. Theo tôi, thay vì làm đường hoa tốn kém, hãy dành kinh phí ấy để xây dựng những công trình văn hóa có ý nghĩa để đời, đồng thời mở rộng dịch vụ, tạo điều kiện thu hút người dân tham gia tổ chức các không gian Tết truyền thống thật đa dạng, với các trò chơi dân gian, ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố, như vậy sẽ hợp lý và ý nghĩa hơn rất nhiều.

- Nhưng nếu không có những hình thức như đường hoa, bắn pháo hoa… thì việc "chơi Tết" của người dân thành phố sẽ rất tẻ nhạt, thưa GS?

+ Chúng ta đang xã hội hóa có hiệu quả ở rất nhiều lĩnh vực. Việc đáp ứng các dịch vụ văn hóa để người dân "chơi Tết" cũng cần phải được xã hội hóa mạnh mẽ. Trong tình hình hiện nay, không gian để "chơi Tết" nên phân tán ra. Ở những đô thị lớn, chúng ta không nên tổ chức các hình thức tụ tập quá đông người, rất dễ mất an toàn. Nói thật, mỗi lần đến đêm 30 Tết tôi lại rùng mình với cảnh cả rừng người chen chúc, xô đẩy nhau đi xem bắn pháo hoa. Năm nào cũng vậy, đêm 30 Tết, tôi thường "bị" các anh chị làm truyền hình triệu ra khu vực đường hoa Nguyễn Huệ để tham gia cầu truyền hình trực tiếp. Để kịp chương trình, từ 8 giờ tối tôi đã phải đi ra rồi. Chen qua đám người chật ních để tới nơi, trả lời xong lại toát mồ hôi len lỏi qua đám người chật ních để ra về. Nói dại, giả sử xảy ra một cái gì đó bất ổn như vụ cầu treo bên Campuchia thì hậu quả sẽ khôn lường. Điều này các cơ quan chức năng cần phải tính đến, chứ không thể chủ quan được.

- Xin cảm ơn giáo sư, chúc giáo sư một năm mới an khang, thịnh vượng!

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Khoảng hai tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay đã có khoảng 200ha sầu riêng ở địa phương bị chết.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文