Hành nghề giám khảo trên truyền hình

08:09 20/07/2017
Game show vẫn chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ nước ta. Thực tế ấy, chắc chắn còn kéo dài nhiều năm nữa, bởi đó là xu hướng chung của truyền hình thế giới. Để chất lượng game show cao hơn, không thể không nhìn vào lực lượng giám khảo. Vụ ồn ào nhạc sĩ Vinh Sử chê danh hài Hoài Linh không đủ tư cách làm giáo khảo thi hát bolero chính là một gợi ý nghiêm túc để nhìn nhận lại nghề giám khảo các chương trình tương tác!


Dù hơi phũ phàng thì trước hết phải nói thẳng với nhau, với trình độ hiện nay của giới truyền thông nước ta còn lâu mới "viết" được những game show trên màn ảnh nhỏ. Tất cả các chương trình tương tác từ "Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol" cho đến "Bước nhảy hoàn vũ", từ "Nhân tố bí ẩn" cho đến "Chinh phục đỉnh cao" đều mua bản quyền của các nước phương Tây. Một khi đã mang lên giờ vàng của các kênh truyền hình quốc gia thì luật tranh giành kiểu Anh hay cách chấm điểm kiểu Mỹ đều khiến khán giả hào hứng theo dõi.

Dẫu vinh danh một phụ nữ nông thôn Susan Boyle trở thành thần tượng của đám đông thì không mấy người tin "Britain's Got Talent" đặt yếu tố phát hiện ngọc trong đá lên trên yếu tố lợi nhuận. Do vậy, khi phiên bản của sân chơi này đến nước ta với tên gọi "Tìm kiếm tài năng Việt Nam", cũng chẳng ai dám nghĩ đấy là một cuộc đãi cát tìm vàng đích thực!

Đã được mặc định chương trình tương tác trên truyền hình thì trực tiếp hay gián tiếp, vẫn phải… diễn. Sao cho càng hồi hộp càng hay, càng éo le càng tốt. Thí sinh diễn một thì giám khảo phải diễn mười. Bởi lẽ ấy, đừng nên hồn nhiên nghĩ rằng, những vị được mời ngồi ghế nóng phải cần kiến thức chuyên môn hay uy tín xã hội.

Nhầm to đấy! Muốn làm giám khảo trên truyền hình phải tuân thủ thước đo vàng: động tác nào cũng phải thật bắt mắt, câu nói nào cũng phải thật uốn lượn. Giám khảo làm sao phải tạo được ấn tượng, miễn sao là tạo được ấn tượng, kể cả cách đập bàn rầm rầm, bật cười hô hố và gào lên: "Tôi thích em"!

Giám khảo chương trình "Gương mặt thân quen".

Game show trên truyền hình đã mua bản quyền thì yêu cầu tối thiểu là cần dàn dựng đúng format nguyên tác. Các công ty tổ chức sự kiện tầm be bé và vừa vừa đành ngậm ngùi rút lui nhường toàn bộ sân chơi rực rỡ trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), Đài Truyền hình Vĩnh Long cho những đại gia như Cát Tiên Sa, Sóng Vàng, BHD, Đông Tây…

Chính trong bối cảnh những đại gia cạnh tranh mua kênh truyền hình tìm cách loại trừ nhau thì… giám khảo trúng mánh đậm. Các nghệ sĩ nhận lời làm giám khảo được lôi kéo bằng mức cat-xê không ngừng tăng vọt. Ví dụ, giám khảo "Giọng hát Việt" như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà hay Thu Minh đều nhận cat-xê không dưới 500 triệu đồng.

Ăn đã vậy, múa gậy làm sao? Ca sĩ Thanh Lam từng thổ lộ chút ái ngại: "Thực ra những chương trình gameshow thì họ phải tính tới tính thị hiếu là quan trọng nhất. Chính vì vậy, những chương trình đó chọn những nghệ sĩ nào mang tính giải trí cao nhất, thời trang nhất để cuốn hút khán giả. Khi làm huấn luyện viên dạy cho một bạn trẻ có triển vọng thì phải dạy bằng cái nghề của mình chứ không thể dạy bằng công nghệ được. Các bạn ấy không có tiền, không có cuộc sống để làm những thứ to tát thì phải dạy họ bằng thực lực.

Tôi nghĩ rằng đào bới khả năng của các bạn trẻ thì phải bằng những giá trị đích thực. Có bột mới gột nên hồ. Phải có trình độ mới dạy được!". Không sai, nhưng ca sĩ Thanh Lam hơi quá kỳ vọng, vì những chương trình như "Giọng hát Việt" chưa hẳn đã nhìn về phía tương lai thí sinh, mà chủ yếu nhìn về phía lợi ích của nhà tài trợ! Chỉ cần kết thúc mỗi chương trình, thương hiệu của nhà tài trợ được lung linh hơn là mỹ mãn rồi. Chính các nghệ sĩ làm giám khảo rất hiểu nguyên tắc cơ bản ấy nên họ rất uyển chuyển "lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa"!

Muốn hành nghề giám khảo trên truyền hình, thì nhân vật nổi tiếng cỡ nào cũng phải nương theo kịch bản và che đậy cá tính của mình. Chỉ cần một câu nói đúng theo quan niệm và khẩu khí riêng tư thì mang họa ngay.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân hay nhạc sĩ Trần Tiến đều bẽ bàng rời ghế nóng vì "vạ miệng", dù khả năng của họ không ai nghi ngờ! Để tồn tại với mỗi sân chơi, nhiều nghệ sĩ đã gánh chịu không ít mất mát về hình ảnh. Khán giả hâm mộ Lê Minh Sơn và Đức Trí trong hoạt động âm nhạc bao nhiêu thì cảm thấy ê chề về họ bấy nhiêu khi họ xuất hiện ở "Cặp đôi hoàn hảo" hoặc "Bài hát hay nhất".

Một điều tối kỵ đối với giám khảo các chương trình trên truyền hình là không được phép đối lập tâm lý đám đông. Số lượng tin nhắn bình chọn cũng là một phần quan trọng để tính hiệu quả kinh tế của game show, nên công chúng vô danh trở thành một thế lực hữu hình. Trường hợp ca sĩ Hồng Nhung ở "Giọng hát Việt" rất đáng để suy ngẫm.

Giữa hai thí sinh Hà Linh và Vũ Cát Tường, khán giả bình chọn cho Hà Linh cao hơn gấp hai Vũ Cát Tường. Thế nhưng, bằng tư cách người dẫn dắt, ca sĩ Hồng Nhung chọn Vũ Cát Tường đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Ca sĩ Hồng Nhung không phải không có lý khi biện giải "tìm một nhân cách nghệ sĩ chứ không chỉ đơn thuần là tìm giọng hát hay", thì những người ủng hộ Hà Linh vẫn bất bình.

Ở đây có hai cách đoán định, nếu Hồng Nhung hành động theo bản lĩnh mách bảo thì rất đáng trân trọng, còn nếu Hồng Nhung hành động theo… kịch bản nào đó thì rất đáng thông cảm!

Giám khảo chương trình "Kịch cùng bolero".

Với sự nảy nở của các chương trình tương tác trên truyền hình, nghề làm giám khảo lôi kéo không ít người nổi tiếng tham gia. Người mẫu chân dài như Thúy Hạnh cũng làm giám khảo, mà diễn viên chân ngắn như Thành Lộc cũng làm giám khảo. Ca sĩ rộn ràng như Mỹ Linh và Mỹ Tâm làm giám khảo mà nhạc sĩ kín tiếng như Quốc Trung và Anh Quân cũng làm giám khảo. Ngôi sao tấu hài như Hoài Linh cũng làm giám khảo mà ngôi sao điện ảnh như Việt Trinh cũng làm giám khảo. Tất cả trống kèn và son phấn đổ lên màn ảnh nhỏ thì mọi ưu điểm và khuyết điểm của show biz nước ta được phơi bày đầy đủ.

Sòng phẳng mà đánh giá, chính việc ngồi ghế nóng đã giúp tên tuổi nhiều người được công chúng biết đến. Nếu không làm giám khảo "Vũ điệu đam mê" thì tên tuổi biên đạo múa Trần Ly Ly chỉ quẩn quanh sàn múa. Nếu không làm giám khảo "Thử thách cùng bước nhảy" thì hình ảnh biên đạo múa Tuyết Minh cũng không mấy ai chú ý.

Thậm chí, nhờ sức lan tỏa của nghề làm giám khảo mà kiện tướng dance sport Khánh Thy sau khi rời sân chơi "Bước nhảy hoàn vũ" đã tự tin chuyển sang làm… ca sĩ! Đấy, tuyệt diệu chưa, ở cái thời những tiếng vỗ tay huyên náo có thể san bằng và đảo lộn mọi chuẩn mực nghệ thuật thì chỉ cần một tí cơ duyên sẽ gặp lắm phen "bắt cua được ếch"!

Tuy nhiên, nghề làm giám khảo trên truyền hình không hề đơn giản. Vì thù lao trăm triệu hay vì hào quang hư ảo cũng phải hết sức cẩn thận. Lợi trước mắt không thể che chắn họa sau lưng. Đã là người của công chúng, đôi khi cũng phải biết từ chối, phải biết nói không với cat-xê để giữ thể diện cho bản thân và cho danh phận trót đeo mang!

Quá trình hội nhập, truyền hình đang thắng thế. Các chương trình tương tác xuất hiện ở Việt Nam không thua gì về mặt kỹ thuật và khán giả, nhưng lại kém rất xa về mặt giám khảo. Cũng là diễn như nhau, nhưng giám khảo ở các nguyên tác nói đâu ra đó, rất hấp dẫn và rất thuyết phục.

Thử cận cảnh chương trình "Vua bếp" sẽ thấy sự chênh lệch trình độ giám khảo Việt Nam và quốc tế. Cha đẻ của marketing hiện đại - Philip Kotler rất hứng thú với ẩm thực nước ta đã từng gợi ý "Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành bếp ăn của thế giới", vậy mà chương trình "Vua bếp" mua bản quyền "Master Chef" lại rất đáng thất vọng.

Sự thất bại của "Vua bếp" không phải vì gia vị nêm nếm, vì phương tiện nấu nướng hay vì thí sinh tham gia, mà vì… sự thô vụng đến mức kệch cỡm của các giám khảo. Nếu bào chữa, không ai chấp những người chỉ quen với củi lửa thịt cá, thì xin thưa các nghệ sĩ làm giám khảo các chương trình khác cũng không khá hơn. Vì sao giám khảo xứ mình non yếu như vậy? Rất dễ hiểu, vì họ không quen nói trước đám đông.

Ở các nước tiến bộ, thuyết trình và tranh luận trước công chúng đã được rèn luyện ngay trong trường phổ thông. Cho nên, nhìn từ đội ngũ giám khảo trên truyền hình hôm nay, cũng là gợi ý cho ngành giáo dục về chiến lược đào tạo cho người Việt Nam ngày mai sánh vai với bạn bè năm châu!

Tuy Hòa

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文