Hun hút làng cổ Thổ Hà

08:02 17/01/2017
Ngoài những phong tục văn hóa, kiến trúc độc đáo, chứa đựng một vẻ đẹp thuần Việt đến bình dị, làng cổ Thổ Hà là nơi chắp cánh cho những họa sĩ, nhiếp ảnh gia thực hiện đam mê của mình trong những tác phẩm nghệ thuật thấm đẫm hồn Việt. Và ở đây còn chứa đựng những điều dị thường đến khó tin, và có những nỗi khổ chưa có lời giải.


Ngoài những phong tục văn hóa, kiến trúc độc đáo, chứa đựng một vẻ đẹp thuần Việt đến bình dị, làng cổ Thổ Hà là nơi chắp cánh cho những họa sĩ, nhiếp ảnh gia thực hiện đam mê của mình trong những tác phẩm nghệ thuật thấm đẫm hồn Việt. 

Và cũng là chốn đặc biệt cho những bạn trẻ bước vào cuộc trăm năm vuông tròn đã tìm chọn nơi đây để thực hiện những bộ ảnh cưới cho muôn đời sau. Thế nhưng, làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang còn chứa đựng những điều dị thường đến khó tin, và có những nỗi khổ chưa có lời giải.

Sống trong chật chội

Không nhớ hết bao nhiêu lần tôi đã đặt chân đến làng cổ Thổ Hà nhưng lần này trong tôi lại gợn lên những băn khoăn, trăn trở. Đằng sau vẻ bình dị, mộc mạc của làng quê thuần Việt ấy là những vấn đề nhức nhối chưa dễ gì giải quyết. 

Trong con mắt của các nhiếp ảnh gia, Thổ Hà là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho biết bao khuôn hình ưng ý. Nhóm bạn trẻ ở Hà Nội vẫn thường rủ nhau về đây dã ngoại, rồi không ít cặp tình nhân đã chọn cho mình một “bố cục” đẹp trong bộ ảnh cưới trăm năm. 

Bước qua chiếc cổng làng óng màu thời gian với bức đại tự: “Thổ chi tân” (Đất thiêng bền đẹp) là vào không gian đậm đặc văn hóa cổ. Phong cảnh Thổ Hà hôm nay so với 10 năm trước dường như không thay đổi là bao, có chăng chỉ là xuất hiện thêm nhiều xe cộ và dân cư đông đúc hơn. 

Các đường xương cá ở đây sâu hun hút, nhỏ hẹp, có khi chỉ đủ cho hai người đi bộ tránh nhau. Thổ Hà như nhộn nhịp hơn vào buổi sớm khi người dân tấp nập phơi những mẻ bánh đa nem, mọi chỗ đều được tận dụng để phơi bánh, từ các các lối nhỏ ra vào, trên nóc nhà, bờ sông, cành cây, sân đình...

Ngõ nhỏ chỉ đủ cho 2 người đi bộ tránh nhau.

Dưới ánh nắng hanh hao, không gian làng cổ càng thêm bí bách đến ngột ngạt. Dân cư đông đúc, nông thôn nhưng không có ruộng, môi trường sống chật hẹp, người chết khó tìm chỗ an táng, trẻ em không có sân chơi và giá đất thì cao ngất ngưởng... Đó là những nỗi khổ chưa có lời giải tại làng cổ bên bờ Bắc sông Cầu.

Ở bất cứ đâu trong làng Thổ Hà, dấu tích của nghề gốm vẫn còn hiện hữu trên những công trình xây bằng phế liệu gốm hay tiểu sành. Tuy vậy, điều khiến nhiều người luyến tiếc vì chẳng thể tìm đâu những hình ảnh “Làng gốm cữ này đang độ lửa/Khói cỏ de thơm khắp cả làng/Thuyền đinh khoang nặng đang rời bến/Thanh Nghệ xuôi vào, Tuyên Thái sang” (thơ Vũ Quần Phương). 

Đưa tôi một vòng quanh làng, ông Trịnh Đắc Hạ (65 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn giới thiệu: “Xưa cha ông chúng tôi có nghề gốm rất hưng thịnh, theo thời gian, nghề này dần tàn lụi, bà con phải chuyển sang làm bánh đa nem, bánh đa nướng, mỳ gạo, buôn bán nhỏ và nuôi lợn. Cả làng có hơn 600 hộ làm bánh đa nem, Thổ Hà giờ có đàn lợn rất đông". 

Chúng tôi còn ngạc nhiên hơn bởi ngôi làng chỉ có diện tích chưa đầy 0,2km2 ấy đã phải tải tới 970 hộ gia đình với gần 4 nghìn nhân khẩu. Tính ra mật độ dân số ở Thổ Hà lên đến hơn 20.000 người/km2. 

Dừng chân đôi phút bên gốc đa già đầu làng, ông Hạ kể: “Chẳng đâu giống làng tôi, làng không ra làng mà phố cũng chẳng phải. Ở nông thôn nhưng dân không có nổi một vuông đất canh tác nông nghiệp. Chắc cả tỉnh mình không đâu giống thế. 

Đất chật, ngõ hẹp còn làm khổ người dân mỗi khi có ma chay, cưới hỏi, lễ hội. Nhà nào có đám cưới phải nhờ 4 đến 5 nhà liền kề chụm lại lấy không gian đón khách". Góp thêm câu chuyện, Phó thôn Trịnh Quang Liêm hóm hỉnh: "Ngoài chiếc cổng làng và di tích lịch sử đình, chùa Thổ Hà ra thì công trình nào ở làng này cũng rất khiêm nhường, từ cái ngõ, ngôi nhà, đến trường học... mọi thứ đều nhỏ nhỏ, xinh xinh. Có những nhà diện tích chỉ 29m2 mà mấy thế hệ vẫn phải xoay xở ở chung. Thổ Hà cách thành phố Bắc Ninh chỉ vài cây số nhưng do phải qua sông, qua đò nên hoạt động giao thương cũng như sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn".

Hàng quán cạnh bến đò Thổ Hà.

Nỗi niềm làng cổ

Làng cổ Thổ Hà ba mặt giáp sông, ở thế cụt nên không có đất giãn dân, việc xây mới các công trình công cộng, phúc lợi gặp nhiều khó khăn. Câu chuyện đất chật không những làm khó cho người dân mà còn là nỗi ám ảnh của thầy, trò Trường Tiểu học Vân Hà số 2 - ngôi trường ở vị trí trung tâm làng. 

Có người từng bảo đây là “Trường mi ni” vì phòng ốc, sân chơi đã thiếu lại quá nhỏ hẹp. Giờ học thể chất hoặc vài phút ra chơi, học sinh lại chạy ùa ra sân đình, sân chùa của làng, nhưng cũng có khi sân phơi kín bánh đa nem và các em chẳng có chỗ nào chạy nhảy. 

Chỉ tội cho 7 cô giáo trẻ ở vùng cao Sơn Động mới về trường công tác, nhà trường không có khu tập thể nên các cô phải thuê nhà, mà nhà của dân còn không đủ ở lấy đâu cho thuê. Các cô phải đi đò qua sông sang Bắc Ninh để thuê nhà rất bất tiện, nhất là những khi thời tiết xấu, lũ lụt.

Trưởng thôn Cáp Trọng Việt khẳng định: Giá đất ở Thổ Hà đắt ngang với thành phố. Ngoài "mặt tiền" phải 10-12 triệu đồng/m2, trong làng cũng 5-7 triệu đồng/m2, tương đương với đất TP Bắc Ninh và gấp cả chục lần các làng khác trong khu vực. Vừa rồi có nhà ở cuối ngõ, mặt đường hẹp mà bán được tận hơn 1 tỷ đồng. 

Việc lo chỗ ở cho người sống đã quá tải, câu chuyện về địa điểm mai táng cho người quá cố cũng luôn là vấn đề nóng bỏng, khó khăn không kém. Ngần ấy nhân khẩu trong một làng mà nơi chôn cất cho người qua đời chỉ vỏn vẹn chưa đầy 300m3 đất, mà khu đất đó cũng phải thuê của làng Yên Viên. 

"Vào mùa ngập lụt hễ có cụ nào qua đời là con cháu mệt khướt. Người dân cứ thấy hở gò đất nào lên là chôn đó mà chẳng theo hàng lối, quy định nào. Có năm nước to, dân phải bơi thuyền cách bờ 500m mới đến được chỗ an táng. Các ngôi mộ nằm rất lộn xộn, mất mỹ quan lẫn ô nhiễm môi trường. Nơi cải táng cũng vậy, dọc ven bờ đê ai thích đặt mộ chỗ nào thì đào chỗ ấy chẳng có quy định nào", ông Việt buồn bã nói. 

Mong ước có một nghĩa trang được quy hoạch rộng rãi từ lâu là điều quá xa xỉ đối với Thổ Hà. Không ít lần dân Thổ Hà kiến nghị chính quyền bố trí một khu đất phù hợp để quy hoạch, xây dựng nghĩa trang nhưng chưa có kết quả. Nghe nói trước đây địa phương cũng tính đến phương án giãn dân để giải quyết tình trạng quá tải về đất ở song vị trí giãn dân là nơi thấp trũng, hay bị ngập lụt nên chưa nhận được sự đồng thuận của bà con. 

Trước gợi ý của tôi, nên chăng Thổ  Hà cần nhân rộng hình thức mai táng văn minh như hỏa táng, điện táng để giảm bớt sức ép về đất đai, vị trưởng thôn suy tư một lúc rồi đáp: "Đúng là được như vậy thì văn minh quá, việc này huyện cũng đã có khuyến khích và hỗ trợ nhưng xem ra ở Thổ Hà chưa thực sự có kết quả, cả làng mới có 2 trường hợp hỏa táng. 

Người dân làng cổ vốn đã quen nếp cũ chưa dễ gì thay đổi phong tục, tập quán". Việc giải quyết sự quá tải về nơi ở tại Thổ Hà, nghe nói trước đây chính quyền cũng tính đến phương án giãn dân nhưng chưa nhận được sự đồng thuận nên đến nay vẫn chỉ là ý tưởng.

Trẻ em Thổ Hà thiếu sân chơi.

Rời Thổ Hà khi hoàng hôn đã buông, cái Tết Đinh Dậu đã cận kề, những chuyến đò trên sông Cầu vẫn tấp nập người qua lại chở những xe, gánh hàng tết chất đầy dập dìu trong cuộc chạy đua với thời gian để còn về đón tết. 

Tôi nhớ, gương mặt đầy nỗi niềm của Trưởng thôn Cáp Trọng Việt cứ ám ảnh mãi chúng tôi. Hơn 7 năm được tín nhiệm làm trưởng thôn, ông vẫn đau đáu một niềm là chưa thể giúp làng mình có một nhà văn hóa đủ rộng để họp hành và cho người dân mượn tổ chức đám cưới, rồi xây dựng một nghĩa trang để nhân dân bớt khổ. Tất cả nằm ở bài toán "quỹ đất" mà lời giải thì vượt sức, quá tầm của cấp thôn.

Nguyễn Hưởng

Đất nước ta đang phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong khi làng quê Việt Nam đang dần thay đổi diện mạo thì yêu cầu về công tác đảm bảo ANTT càng được đặt ra ở mức độ cao hơn.

CSGT Công an Tuyên Quang đã tổ chức lực lượng, phân luồng điều tiết giao thông, cùng với người dân cắt tỉa, dọn dẹp cây đổ, đất đá tràn ra đường và giúp đỡ người dân đi qua khu vực ngập úng an toàn để các tuyến đường được thông suốt.

Xe ô tô 4 chỗ màu đỏ nhãn hiệu Toyota Yaris, BKS: 30A - 017.32 di chuyển trên đường Kim Giang theo chiều từ Cầu Tó hướng đi Cầu Dậu, khi đến trước số nhà 896, 898 Kim Giang đã va chạm với 6 xe máy (3 xe máy đang di chuyển dưới lòng đường, 3 xe máy dựng trên vỉa hè).

Sáng 10/5, tại Trung tâm sát hạch lái xe trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đầu tiên sau khi chính thức tiếp nhận chức năng quản lý, tổ chức sát hạch từ Sở Giao thông vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an.

Nhiều dự án, công trình thuộc lĩnh vực giáo dục do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQL DA ĐTXD) tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư (CĐT) có tiến độ giải ngân và thi công còn chậm, gây nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy và học tập tại các trường. Trước thực tế này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam vừa họp và “chốt” thời hạn hoàn thành nhiều công trình, dự án này.

Chủ trương sẽ hướng tới triển khai dạy 2 buổi/ngày tại các trường phổ thông hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tại các xã biên giới trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về giáo dục và đào tạo đang nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận xã hội.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Công an TP Huế đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT để tăng cường biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hiệu quả tội phạm và các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và pháo.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, các đối tượng lừa đảo thường giả mạo cơ quan thuế, yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân, đường link cài đặt ứng dụng giả mạo để chiếm quyền điều khiển điện thoại và đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của người nộp thuế.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến yêu cầu, mục tiêu cao nhất của lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trại giáo dưỡng (QLTG, CSGDBB, TGD) là bảo đảm tuyệt đối an toàn cơ sở giam giữ; quản lý giáo dục được người phạm tội sau khi hết án phải nhận thức tốt, chấp hành tốt pháp luật, làm ăn lương thiện, không tái phạm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.