"Kinh già hóa Thổ"

08:14 22/07/2017
Thoạt đầu, nghe người ta nói Kinh già hóa Thổ, tôi nghĩ rằng họ nói đùa. Làm gì có chuyện. Kinh là Kinh. Thổ là Thổ. Thổ là tên gọi người Tày thời Pháp thuộc. Thổ là thổ địa. Chỉ người bản địa. Nhưng cũng có không ít người hiểu lầm, cho là một cách gọi miệt thị...


Ngày nay, dùng tộc danh Tày là chính xác nhất, và đã được chính thức hóa trong các văn bản hành chính. Từ lâu cư dân Tày tự gọi mình "gần Thày" hay "pỏ Thày" người Tày hay bố Tày. Có nơi gọi "cần Thay" hay "pỏ Thay" người Thày hay bố Thày. Lại có vùng gọi là "khuôn Táy" hay "pỏ Tháy" người Táy hay bố Táy. Người Tày, người Thày, người Táy đều là nó. Bố Tày, bố Thày, hay bố Táy cũng đều là nó. Người Tày.

Một trong những nhánh người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày Thái. Nhóm ngôn ngữ này kéo thành một vệt dài từ miền Nam Trung Hoa qua Việt Bắc, Tây Bắc của Việt Nam. Kéo đến Lào sang Thái Lan qua Myanmar. Thậm chí, đến tận Ấn Độ cũng có một nhóm tộc người San thuộc nhóm ngôn ngữ Tày Thái. Tôi còn nghe loáng thoáng, một số nhà dân tộc học họ cho rằng Cao Bằng là vùng đất khởi thủy của người Tày Thái?

Có lần, ông Vương Hùng - nhà nghiên cứu văn hóa ở Cao Bằng giảng giải rằng, sở dĩ được gọi người Tày là vì gốc gác của tộc người này là nông dân lúa nước. "Gần thay nà". Người cày ruộng. Dần dà hai chứ "gần thay - người cày" trở thành tên gọi. "Gần thay" biến âm là người Tày.

Lễ hội Lồng Tồng của người Tày.

Người Tày và người Kinh có một quá trình giao thoa về văn hóa, kinh tế khá lâu dài. Họ cùng nhau sinh sống trên một dải đất Việt Nam từ rất lâu đời. Có thể tính từ thời nhà Lý cho nó gần. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Toàn, Thái Bảo Nùng Trí Cao là người Tày Cao Bằng. Ông đã từng về Thăng Long học tập tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nếu xa hơn nữa, tính từ thời Thục Phán An Dương Vương. Thục Phán là con rể của Vua Hùng. Vùng đất Đông Anh ngày nay chính là Kinh đô cũ, cũng là vùng đất có nhiều người Tày cổ từng sinh sống. Hai chữ Đông Anh được biến âm từ Đỏong Ẻn mà ra. Tiếng Tày, Đỏong Ẻn là đồi con én. Còn hai chữ Đông Anh trong tiếng Việt, hẳn không có nghĩa gì cả.

Xét thêm về mặt ngôn ngữ, chúng ta đã thấy có sự giao thoa. Chẳng hạn như: "Tre pheo", "Chó má", "Xin xỏ", "Cỏ giả" vv... và vv... "Pheo" tiếng Tày là "tre". "Chó" tiếng Tày là "má". "Xỏ" tiếng Tày là "xin". Giả (có nơi là nhả) tiếng Tày là "cỏ". Có rất nhiều dẫn chứng về sự gắn bó, ảnh hưởng qua lại giữa hai tộc người. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin nêu tại sao người ta cứ nói Kinh già hóa Thổ.

Đây là một thực tế hai dân tộc Kinh Tày, có quan hệ gắn bó mật thiết. Nhưng đậm đặc nhất có lẽ ở vùng Nà Lự Cao Bình, xã Hoàng Tung, tỉnh Cao Bằng. Nơi kinh đô của nhà Mạc lên Cao Bình lập cứ đóng đô vào 1594 - 1677. Ngày này, còn nhiều dấu tích cung điện, ao sen, thành quách, đồn thú… Nếu bạn là một người hoàn toàn không biết tý gì về tiếng Tày, hoặc tiếng Kinh, bạn sẽ không hiểu người dân ở đây nói gì.

Thú thật, tôi đã nhiều lần phải đi làm phiên dịch. Từ tiếng Việt pha Tày ra tiếng Việt chuẩn. Bạn bè văn nghệ cả nước khi đến thăm Cao Bằng, ai cũng muốn lên vãn cảnh đền Vua Lê, thành nhà Mạc. Ở đây, người ta chỉ quen nói một thứ tiếng nửa Kinh, nửa Tày. Chúng tôi nói đùa đây là thứ ngôn ngữ  ba chỉ. Nửa nạc, nửa mỡ. Nửa nọ, nửa kia. Thoạt nghe thì lạ miệng và bùi tai. Nghe lâu, đâm ra nghiện. Và thèm được nghe tiếng các em nói.

Tôi không biết trong âm nhạc gọi là gì. Nhưng tôi quả quyết rằng tiếng nói của người Cao Bình nghe hay như hát. Thậm chí, nhiều khi các cô gái chỉ chúm miệng thôi, tôi đã rất thích. Tiếng gọi "Chài ơi! nọong chứ"! (Anh ơi! em nhớ!). Ví dụ người ta nói: "Con tâu tắng buộc ở gốc te. Nó đang xẻ thau woe nạch nạch" thì bạn phải hiểu "Con trâu trắng buộc ở gốc tre. Nó đang kéo giây mướp lạch xạch". Hay: "Chào nọong! Nọong pây tháp thóc lỏ".

Tôi đố các bạn, nếu không dịch ra tiếng Việt chuẩn hoặc tiếng Tày chuẩn thì chả hiểu họ nói gì. Tôi xin dịch "Chào em! Em đi gánh thóc à". Tôi có cô em dâu người Cao Bình. Cô đi thoát ly, dạy học, lấy chồng. Xa nhà đã vài chục năm, nhưng về quê ngoại, khi nói chuyện, bao giờ cô cũng thêm vào đuôi câu chữ "lỏ". "Ăn rồi lỏ". "Đi chợ lỏ". "Xem tivi lỏ". Dường như ai đánh mất chữ "lỏ" không còn là người đẹp Háng Sléng Cao Bình nữa.

Gần nhà tôi có vài cô đi công nhân cầu đường. Cơ quan đóng ở gần khu vực Cao Bình. Hễ mở miệng bao giờ cũng cố thêm chữ "lỏ". Các bậc trưởng lão lấy làm khó chịu. Đã có người tính thẳng ruột ngựa, bốp chát ngay: "Hay nhỉ! Nhưng nghe chua lắm. Không giống cái "lỏ" của người Cao Bình đâu". Chẳng biết cô ta có tẽn tò mà bỏ ngay "lỏ". Những gì không phải của mình thì đừng bao giờ vay mượn. Cái hay là của người ta. Cái đẹp là của người ta. Người ta chưa biết nhưng trời kia đã biết. Ngượng ngùng lắm.

Ngày nay, còn có tên bản Phủ, làng Đền. Háng Sléng. Làng có bờ tre bao quanh. Hầu hết dân ở đây đều làm nhà trệt, ít thấy nhà sàn. Ngày xưa, còn có nhà mái rơm vách đất. Trong nhà còn có chõng tre, võng gai kẽo kẹt. Trước nhà có cái sân gạch. Trên sân gạch người ta đánh đống rơm. Cạnh đống rơm có chum tương úp gáo dừa. Tiếp đến là ao sâu thả cá. Người ta còn bắc cầu ra ao để rửa rau lau mặt. Trên bờ ao, bà con trồng cau để lấy quả. Trồng trầu không lấy lá để ăn.

Có thể nói, đây là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê Bắc bộ. Đường làng ngõ xóm, đâu cũng ngửi thấy mùi phân trâu. Họ có thói quen buộc gia súc ở gốc tre, nơi gần nhà. Không giống như người Tày bản địa. Người ta nhốt trâu, bò, ngựa, dê trong chuồng bưng gỗ kín mít, đề phòng đang đêm hổ báo đến vác lôi đi mất.

Tôi được biết một số anh chị em đã và đang công tác tại Hội Văn nghệ Cao Bằng có nguồn gốc là người Kinh từ dưới xuôi lên. Như nhà thơ Hoàng Triều Ân, nhà thơ Bế Thành Long, nhạc sỹ Đàm Thanh, nhà văn Hữu Tiến, nhạc sỹ Bế Kha và khá nhiều người nữa. Họ là hậu duệ đời thứ mấy của các vị quan chức, lính thú, dưới thời nhà Mạc, nhà Lê. Vì nhiều lý do buộc các bậc tiền nhân phải thay tên đổi họ. Từ lâu rồi, họ trở thành người Tày Cao Bằng. Nhưng trong gia phả họ tộc, vẫn còn ghi rất rõ. Ông tổ nhà ấy là ai, từ đâu tới, mang họ gì...

"Kinh già hóa Thổ" là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Trong quá trình thiên di và hợp huyết, loài người không còn nguyên vẹn dòng máu thuần chủng. Huống chi đất nước ta có đến năm mươi tư dân tộc anh em, việc lai ghép giữa các tộc người người là chuyện bình thường.

Y Phương

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam cùng với cuộc chiến giành độc lập của Algeria kết thúc năm 1962 và trận Cuito Cuanavale của liên quân Cuba-Angola năm 1988 là những chiến thắng vang dội nhất trong thế kỷ XX chống lại chế độ thực dân châu Âu. Chiến thắng này là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文