Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia-TP HCM: Có đúng là năng lực?

12:29 06/08/2020
Nỗ lực hướng học sinh đến học tập bằng tư duy, hạn chế tối đa việc học vẹt, học tủ nhằm giảm bớt áp lực thi cử của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang gặp phải chướng ngại vật lớn: tình trạng mạo danh buôn bán đề luyện thi.


Tràn lan các bộ đề, khóa học

Tiếng lạch cạch máy tính xen lẫn tiếng sột soạt giấy bút vang lên đều đều ở một quán cà phê gần khu vực trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7, TP Hồ Chí Minh) trong một buổi chiều tháng 7. Kỳ thi Đại học đang tiến đến rất gần, không khí học tập căng thẳng bao trùm lên một góc quán, nơi một nhóm học sinh lớp 12 đang tranh thủ học nhóm sau giờ học chính quy. 

Được biết, bên cạnh kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, cả nhóm này đều đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và cũng đang trong giai đoạn ôn tập nước rút cho kỳ thi này.

Kỳ thi chung quốc gia luôn là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh và học sinh.

Cả nhóm đang cùng chăm chú quan sát màn hình laptop, trên đó là đề ôn luyện của kỳ thi đánh giá năng lực. Các em cho biết hình thức và nội dung của kỳ thi tương đối mới lạ nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức ôn luyện. 

Cách đây mấy tuần một bạn trong nhóm tình cờ thấy một quảng cáo chạy trên facebook của trang Ztest.vn, bán 10 bộ đề được cam kết bám sát đề thi với giá 300.000 đồng nên đã quyết định mua và cùng học với nhau. 

Bạn Lê Ngân Nhi (học sinh lớp 12 trường Lê Thánh Tôn) cho biết: "Vì đề thi chính thức các năm trước không được công khai nên em cũng không biết chất lượng đề được bán có đảm bảo hay không. Tụi em mua vì thấy trên web ghi đã có hơn 200 000 lượt luyện đề".

Được các thầy cô khuyến khích đăng ký thi, cả nhóm nghĩ đây là dịp tốt để tăng cơ hội xét tuyển, sẵn kiến thức ôn thi THPT quốc gia thì thi thêm kỳ nữa chứ không áp lực gì nhiều. Ban đầu không ai có ý định bỏ tiền ra mua đề nhưng vì dịch COVID nên kỳ thi chỉ còn một đợt (ban đầu dự tính có 2 đợt thi), cơ hội cũng ít lại nên bắt đầu cảm thấy lo lắng, quyết định đầu tư cả về thời gian lẫn tiền bạc. Nhóm cho biết đây là việc rất phổ biến, các bạn bè cuối cấp khác cũng làm thêm các đề mua từ trên mạng hoặc tham gia các khóa học chuyên ôn thi đánh giá năng lực.

Tra cứu thử từ khóa "đánh giá năng lực" trên facebook, hàng loạt hội nhóm và các trang ôn thi hiện ra. Bên cạnh số ít các trang phi lợi nhuận, rất nhiều trang bán đề và có các khóa học ôn luyện có giá từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu như: "Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Newton", "Đề thi thử đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh", "Đề thi thử THPT quốc gia năm 2020 chuẩn cấu trúc",... 

Nhiều trang còn đứng ra tổ chức kỳ thi thử online cho học viên đã mua bộ đề, thu hút đông đảo số lượng học sinh tham gia. Các trang này chủ yếu mời gọi học sinh tham gia bằng cách cho trước một đề miễn phí và yêu cầu phải trả tiền để có thể ôn luyện tiếp. Hầu hết các trang web đều hứa hẹn đảm bảo dàn giáo viên chất lượng, điểm đầu ra cao.

Đáng chú ý hơn cả là những trang mạo danh Đại học Quốc gia để bán đề thi như: "Đề thi thử THPT quốc gia năm 2020 chuẩn cấu trúc", cam kết chuẩn cấu trúc theo các đề thi các năm 2018, 2019. Tuy vậy, bộ đề đánh lừa học sinh và cả phụ huynh khi đa phần là soạn đề không dựa theo tiêu chuẩn nào hết, cũng như là có vài đề trùng với đề tham khảo của Đại học Quốc gia -TP Hồ Chí Minh đã được công bố trước đó. Việc giáo viên có năng lực tự soạn đề để giúp học sinh củng cố thêm không có gì sai nhưng việc mạo danh đánh lừa túi tiền của học sinh, phụ huynh là hình thức kinh doanh tri thức trái đạo đức và trái cả pháp luật.

Bản chất của từ "năng lực"

Tôi đặt câu hỏi: Kỳ thi năng lực có còn là năng lực không nếu đua nhau luyện đề như thế? Ngân Nhi hồn nhiên trả lời: "Ban đầu dự tính kiến thức của mình thế nào thì cứ đi thi thế đấy thôi nhưng thấy xung quanh nhiều bạn luyện đề quá, mình không luyện thì mình thiệt so với mọi người".

Ảnh chụp một trang rao bán đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2020 trên Facebook (Nguồn ảnh: Tuổi trẻ online)

Nguyễn Ngọc Bảo Trân hiện là sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, một trong những thí sinh có số điểm thuộc top đầu (1013/1200) của kỳ thi năng lực năm 2019. Cô tự hào kể năm ngoái là năm thứ hai Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi này. Lúc đó thông tin kỳ thi còn ít chứ không rầm rộ như năm nay và cũng không có tình trạng đề thi, khóa học tràn lan đến vậy. Việc ôn tập diễn ra hết sức nhẹ nhàng, chỉ làm đề thi tham khảo do Đại học Quốc gia công bố và ôn luyện những kiến thức như ôn thi THPT.  Đi thi với tinh thần thoải mái, thi xong ai nấy đều đánh giá đề thi hay, buộc thí sinh phải suy nghĩ vấn đề theo nhiều hướng khác nhau, rất thú vị. Bài thi bao gồm nhiều kiến thức ở mọi lĩnh vực cũng như các kiến thức trong đời sống, vì vậy mà việc đánh giá cũng công bằng và toàn diện hơn. 

Bảo Trân cho rằng: "Việc tổ chức thi đánh giá năng lực là để hạn chế tiêu cực, học tủ, hướng tới việc học có tư duy. Việc rao bán đề tràn lan không được kiểm chứng sẽ làm học sinh học thuộc đề, ỷ lại vào tài liệu, phụ thuộc tư duy người soạn đề".

Dù biết có cầu thì mới có cung nhưng cũng có những trường hợp ngược lại, vì thấy ai cũng luyện đề nên cũng sốt sắng đua luyện. Việc đua nhau luyện đề có thể dẫn đến tình trạng cố gắng làm theo kĩ thuật của người khác, lúc này năng lực đã là năng lực của người soạn đề, giải đề chứ không còn là năng lực của chính các em học sinh.

Vô tình gia tăng áp lực thi cử

Kỳ thi THPT Quốc gia là kỳ thi có tính quan trọng hàng đầu đối với rất nhiều sĩ tử, thể hiện kết quả của cả chặng đường 12 năm ăn học. Nhằm hạn chế các áp lực thi cử cũng như các tình trạng bất ổn tâm lý, ĐHQG tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tạo điều kiện tăng thêm một hình thức xét tuyển mà không đòi hỏi phải tốn thời gian ôn tập riêng. 

Với lượng kiến thức trải dài từ các môn khoa học xã hội đến các môn khoa học tự nhiên: Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh, Sử, Địa và đặc biệt là phần tư duy logic, kỳ thi hướng đến việc học tập toàn diện, hạn chế tối đa việc học lệch, học tủ. Nội dung đề thi được phát triển theo hướng SAT, tập trung vào lối tư duy hơn là việc học thuộc kiến thức (các kiến thức học thuộc chỉ chiếm 6-7% bài thi). 

Việc áp dụng cách thi này nhằm tạo cho các bạn học sinh sự thoải mái khi đi thi, không cần phải trải qua một quá trình ôn luyện riêng mà chỉ cần nắm các kiến thức cơ bản đã được học trong quá trình ôn thi THPT Quốc gia và áp dụng thêm các kiến thức đời sống, lối tư duy logic. 

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) từng nhấn mạnh: "Thí sinh muốn ôn thi để nâng cao kỹ năng, kiến thức, suy luận, logic... cũng là điều tốt. Riêng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh không khuyến khích việc luyện thi. Thí sinh nên tiếp cận việc học một cách thật sự, toàn diện và hệ thống, tránh học tủ, không chỉ tiếng Việt mà cả tiếng Anh vì chúng sẽ giúp ích cho các em khi lên học đại học, chứ không phải học để nhớ và nắm kỹ thuật chỉ để làm bài thi".

Tình trạng mua bán đề thi vô hình trung đi ngược lại mục đích ban đầu của kỳ thi. Kỳ thi với mục đích giảm bớt áp lực lại bị biến tướng thành một kỳ thi đòi hỏi phải bỏ tiền của, công sức ôn luyện rất nhiều.

Ngày 16/8/2020, Đại học Quốc gia TP  Hồ Chí Minh sẽ tổ chức 1 đợt thi đánh giá năng lực tại 5 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng.

Toàn bộ kỳ thi đánh giá năng lực chỉ diễn ra trong một buổi sáng với bài thi tổng hợp gồm 120 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút. Bài thi hướng đến đánh giá năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh gồm: Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 điểm); suy luận logic và xử lý số liệu (30 điểm); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 điểm). Kết quả xét tuyển bằng thi đánh giá năng lực.

Kỳ thi chung quốc gia luôn là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh và học sinh.

Tất Đức Uyển Nhi

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文