Linh hồn của rừng núi Tây Nguyên

08:01 26/01/2017
Có thể nói, âm nhạc cồng chiêng là tài sản vô giá của bà con các dân tộc Tây Nguyên, cụ thể là của các cộng đồng làng rừng. Làng rừng còn thì âm nhạc cồng chiêng còn. Và ngược lại. Sự tồn tại của cồng chiêng cũng bất khuất như chính các tộc người sinh ra nó. 


Dẫu có trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh, không biết bao nhiêu thiên tai tàn khốc, tiếng cồng tiếng chiêng vẫn âm vang khắp núi rừng Tây Nguyên. Không buôn làng nào không có cồng chiêng. Và mỗi con người từ khi được sinh ra cho tới lúc "xuống ở dưới nhà mồ" vẫn đem theo âm thanh kỳ diệu ấy. Khi vui có bài vui. Lúc buồn có bài buồn.

Mỗi lễ hội có bài riêng. Chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng ở buôn làng nào là người ta hiểu ngay làng ấy đang có công việc gì, đang có sự kiện gì. Sự gắn bó của từng thành viên với cộng đồng thể hiện ngay ở chính dàn cồng chiêng, với những bài, những giai điệu mà nếu chỉ một hai người chơi, không thể nào tạo nên được.

Có lẽ chính vì vậy mà bất cứ người Tây Nguyên nào cũng từng là nhạc công, từng là thành viên của đội chiêng, đội chiêng của làng mình, buôn mình. Và trong mỗi làng, thậm chí trong một vùng, lúc nào cũng có một hai người sành hơn, người ấy có thể so chiêng cho đúng nốt, dẫn dắt cả đội theo nhịp của bài chiêng không bị sai, không bị lỗi.

Lễ hội “Cồng chiêng Tây Nguyên”.

Trong mỗi cộng đồng chiêng gồm có hai tổ. Tổ có núm còn gọi là cồng và tổ không có núm, còn gọi là chiêng bằng. Chiêng có núm giữ nhịp, đệm cho chiêng bằng tấu lên các giai điệu của bản nhạc. Chủ yếu là nhạc không lời. Nhưng ở một vài vùng BahNar, người ta dựa theo giai điệu nhạc chiêng đặt lời để hát. Thậm chí người ta dựa vào nhạc chiêng để thổi Đinh yơng, vỗ Klongput.

Ở vùng đồng bào Jrai người ta hát dân ca đôi khi có những giai điệu cồng chiêng dựa theo các làn điệu ấy. Nhưng sau này còn lại rất ít. Người ta lại "cải tiến" cồng chiêng bừa bãi đến mức đáng báo động. Ví như cồng (chiêng có núm) được tăng thêm tức là thêm nốt, gốc của nó là đệm, là giữ nhịp thì giờ đây lấn át sang cả chiêng bằng, thành ra chính nó tạo nên giai điệu, có lẽ để phù hợp với tiết tấu hiện đại vừa nhanh hơn, vừa "thực dụng" hơn!

Tôi có đôi lần được xem, được nghe chiêng cải tiến. Dàn chiêng này đệm cho ca sĩ hát những bài hát mới. Mới đầu nghe, có vẻ có lý, có vẻ tiến bộ. Nhưng thực chất nó đã làm hại mình. Người ta chạy theo tiết tấu mà bỏ quên giai điệu. Sự phản ứng của bà con, nhất là những người già biểu hiện rất rõ. Họ đặt cho chiêng "cải tiến" rất nhiều tên xấu: "chiêng trẻ nít" vì toàn người trẻ đánh.

Chiêng atâu (tức chiêng ma). Thậm chí có nơi còn gọi chiêng cải tiến bằng thứ rất tục tĩu. Sự thể đôi lúc rất căng thẳng. Cả làng tổ chức pơthi (lễ bỏ mả) thì lớp thanh thiếu niên đòi đánh ching chiêng cải tiến trước, đánh chán rồi mới tới các người già. Người già chỉ đánh chiêng với những cái chiêng cổ truyền cùng các giai điệu cổ truyền.

Chiêng cải tiến mà các cụ già gọi là cải lùi vì nó mất đi tính cộng đồng vốn có. Dàn chiêng cải tiến được đặt trên giá, chỉ cần một người gõ - giống như gõ trống trong dàn nhạc ja, nhạc rock. Chủ yếu là chơi bài hát mới, có thể biểu diễn trên sân khấu.

Còn chiêng cổ truyền thì mỗi nhạc công chỉ phụ trách một nốt, một người đánh sai là sai cả dàn. Nó đòi hỏi cái tai người nhạc công, cái tay người nhạc công không được lạc. Nó chỉ hay trong không gian rừng núi, buôn làng, trong lễ hội chứ không thích hợp với việc biểu diễn trên sân khấu. "Sân khấu" của cồng chiêng là sân làng, là nơi hội hè đông đúc, là khu nhà mồ, là đống lửa đêm rừng chứ không phải phông màn, càng không phải thứ ánh sáng hiện đại nhiều màu nhấp nhoá.

 Cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng làng. Những nhà giàu được tính là giàu khi có mấy bộ ching chiêng. Những làng buôn giàu có được gọi là giàu có vì làng ấy, buôn ấy có nhiều bộ ching chiêng quý. Càng cổ xưa càng quý.

Hai từ cồng chiêng là hai từ đã được gọi theo lối Việt hoá. Thực ra ngay trong một dân tộc như dân tộc Jrai, ở vùng AYunPa, Krôngpa, Pleiku gọi cồng chiêng là ching. Trọn bộ người ta cũng gọi là ching. Ở vùng Chư Pơ Rông, Chư Pah thì gọi bộ cồng gồm ba cái hoặc sáu cái (ania, mung, moong) những chiếc cồng này đánh lên ta nghe cả những âm kể trên rất rõ.

Chúng dùng để đệm và được gọi là chiêng. Loại cồng này có núm. Loại chiêng bằng gồm 7 đến 9 cái, trong đó có ba cái giữ vai trò chủ chốt là Dốt, PDông, Đuôl dùng để đánh giai điệu. Một bộ có tới 16 chiếc gọi là bộ ching chiêng. Ching chiêng cổ quý hiếm bây giờ hiện còn được bao nhiêu bộ, đố ai mà biết được (!).

Nụ cười thơ trẻ trong lễ hội “Cồng chiêng Tây Nguyên”.

Tôi đã có lần được dự lễ pơthi (lễ bỏ mả) ở Chư Pơ Rông và được sờ tay vào những chiếc ching, chiếc chiêng quý hiếm cổ xưa, trên núm những chiếc ching chiêng ấy có gạch ngang sờ không thấy gợn, phía trong có vết hình thang, toàn thân màu đen, nhẵn và trơn giống như da cá trê, chiêng rất mỏng, tiếng rất trầm và vang, ngân rất lâu.

Có loại ching chiêng da nhẵn nhưng có vết búa, vết rạn như mu rùa. Nói chung loại ching chiêng cổ đánh lên ngân rất xa, rơi không vỡ. Thực ra ở Tây Nguyên có rất nhiều loại cồng chiêng, nhưng loại được coi là cổ phải có những tiêu chuẩn riêng mà chỉ có các cụ già mới xác định được.

Càng đi sâu vào tìm hiểu ta càng thấy cái lý của người già không đơn giản. Vì không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp nên có thể cách nhìn của tôi thiên lệch. Mỗi lần thấy người ta đem cồng chiêng lên sân khấu, tôi lại thốt lên: "Cồng chiêng ơi, ta đứng về phía các già làng!". Vâng, tôi đứng về "phe bảo thủ" trong tiến trình bảo tồn văn hoá cổ truyền. Sự cải tiến cồng chiêng để đưa lên sân khấu tạo nên những ấn tượng rất xấu đối với quan niệm của tôi.

Tôi rất tâm đắc với ông Trịnh Kim Sung (cố Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Gia Lai-Kon Tum) rằng, muốn phổ biến âm nhạc cồng chiêng được sâu rộng, thì chỉ có hình thức tối ưu nhất, đó là hằng năm ở các tỉnh Tây Nguyên, nên luân phiên nhau, tổ chức nhạc hội. Và cũng cần có tinh thần cực đoan ở điểm này rằng, nhạc hội cồng chiêng chỉ nên tổ chức ở Tây Nguyên, không nên "lôi" xuống các đô thị.

Vì vậy ta mới thấy mối quan hệ ruột rà của CỒNG CHIÊNG VỚI TÂY NGUYÊN - TÂY NGUYÊN VỚI CỒNG CHIÊNG.  Có như vậy mới gọi là đặc sản quý hiếm! Và cũng bởi vì không thể tách cồng chiêng ra khỏi  môi trường không gian rừng núi với những nét sinh hoạt của cộng đồng làng rừng, nơi đã sản sinh ra nó. Tách nó ra khỏi môi trường của mình, giống tách cá ra khỏi nước. Cũng có thể nói, cồng chiêng là hồn của núi, tách hồn ra khỏi xác hỏi còn gì nữa, Yàng ơi!

Trung Trung Đỉnh -Xuân 2017

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文