"Ma đại ca"

10:45 08/09/2016
Hồi những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, tôi vừa in cuốn tiểu thuyết "Tiễn biệt những ngày buồn", lòng còn đang háo hức nghe ngóng những hồi âm từ bạn bè, những người tặng sách, thì "uỵch" một phát, tôi nhận được lá thư tay của Nhà văn Ma Văn Kháng, một lá thư làm quen từ tốn, cởi mở và thân thiết...


Ông bảo ông vừa đọc xong cuốn sách của tôi do "người cầm thư" cho mượn. Người cầm thư là anh Hải, cán bộ Phường, bạn thân tôi. Anh Hải mê văn chương, mê các nhà văn. Nhà anh có một tủ sách to kềnh và anh có một bộ sưu tập sách của các nhà văn đương đại. Quý hơn nữa là anh có thú chơi "thủ bút" của các nhà văn.

Nhà văn Ma Văn Kháng có thói quen đọc sách thường ghi luôn những nhận xét cấp thời của mình vào lề cuốn sách. Cuốn sách của tôi anh Kháng ghi đỏ lòm những chữ nhỏ ly ty, viết rất cẩn thận và đẹp, làm tôi cảm động vô cùng. Tôi khi ấy còn được gọi là "nhà văn trẻ" nên khi nhận lá thư của anh Kháng, tôi run rẩy mê tơi bảo anh bạn tôi làm thế nào gây cuộc nhậu cho tôi được làm thân với anh Kháng.

Nhà văn Ma Văn Kháng.

Năm lần bảy lượt anh Hải có hẹn với anh Kháng mà không thành vì anh Kháng bận. Rồi bẵng đi một thời gian khá dài, tôi được làm quen với anh Ma Văn Kháng tại Hội Nhà văn. Anh Kháng thực chất là mẫu người cũ kỹ, giản dị, dễ gần. Cũng gần giống như lối sống, lối làm việc của bậc đàn anh của tôi khi ấy là nhà văn Nguyễn Minh Châu. Các ông có cái vẻ bề ngoài là rất cán bộ, rất công chức, nghĩa là nghiêm ngắn, rất tỷ mẩn, không rượu bia, không ồn ào, hơi nép mình, hơi né tránh, giữ gìn, mới đầu rất khó chịu.

Tôi thường có cái tật hay quan sát mấy vị nhà văn lớp trước, đọc họ, thấy họ sống rất tẻ nhạt, ít nhất là từ ông anh Nguyễn Minh Châu, ông anh Nguyễn Khải, nay đến Ma Văn Kháng. Ba ông này viết đều thì tinh ranh, sắc sảo, đáo để mà sống thì nghiêm ngắn, thật thà, đơn giản. Đơn điệu và tẻ nhạt. Thế có nghĩa là "có vấn đề"?

Ông anh Nguyễn Minh Châu, ông anh Nguyễn Khải nhiều tuổi hơn Ma Văn Kháng, nhưng cái lối sống, lối tiếp cận, lối làm việc của ba ông đều na ná như nhau: Cần cù, chăm chỉ, cẩn trọng, hiền lành, giữ ý, giữ tứ, họp hành thì nem nép, phát biểu không bao giờ quyết liệt căng thẳng nhưng chí lý, nghiêng về phía tình, ra ngoài cuộc họp, những cuộc họp "có vấn đề" thường các "đại ca" lẩn rất khéo, như giả vờ xem báo, giả vờ ra ngoài có việc, thậm chí để "tránh đòn" các vị đều có lí do "biến" đi đâu đó mất tăm.

Tôi gọi Ma Văn Kháng là "Ma đại ca" vì hơn thế nữa, hồi Ma Văn Kháng làm Trưởng Ban sáng tác Hội Nhà văn, tôi là thành viên. Chúng tôi sinh hoạt với nhau rất vui, chỉ đến khi tranh luận về tác giả này tác phẩm nọ, phải cân nhắc thì mới bộc lộ cái kiến văn của từng người.

Trước đồng nghiệp, trước sự soi xét của dư luận, anh không thể chỉ theo ý mình, những lúc này mới cần đến sự thuyết phục của anh. Có hồi tôi đưa ra một nhận xét "đểu" về Ma Văn Kháng là, các hội viên khi vô phòng "Ma đại ca" thì ngay lập tức biến thành vĩ nhân, nhưng khi ra khỏi thì được trả về nguyên hình trạng.

Ông anh Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu cũng luôn gặp những vụ việc những người văn chương thì dở nhưng vì họ tốt nên không thể chê! Ở đời văn chương là cái khó khen chê nhất. "Ma đại ca" khen được những người mà tôi không hiểu sao lại khen, cũng như Nguyễn Khải, sau chuyến đi về nông thôn, gặp một anh chàng nông dân viết văn, văn thì có gì viết nấy, kể nấy, anh nông dân này viết cả cuốn tiểu thuyết dày cộp, được bác Khải nhà ta khen, cứ ngỡ thành tài, khổ thế! 

"Phút giây huyền diệu" là cuốn sách được Ma Văn Kháng đề là tiểu luận và bút ký về nghề văn. Đây thực chất là cuốn tiểu luận bàn về nghề, bàn khá kĩ từ kinh nghiệm sáng tác nhiều năm của tác giả được đúc kết lại, không màu mè, không có ý định "truyền đạt" mà chỉ là trao đổi với người đọc những gì ông cho là bổ ích và lý thú.

Có thể nói, đây là một cách thể hiện sinh động và tinh tế nhất của lối viết lý luận phê bình văn học của giới nhà văn, cái mà các nhà lý luận phê bình văn học "chay" còn thiếu thì các nhà sáng tác có đủ tư cách bổ sung, mà là một sự bổ sung đầy viên mãn.

Cái mà các nhà lý luận phê bình văn học của ta bấy lâu nay thiếu nhất, ấy là thực tế công việc của nhà văn, mối liên hệ mật thiết của nhà văn với người đọc, vai trò của người đọc đối với trách nhiệm của người viết. Sự xa lánh của các nhà văn đối với các nhà lý luận chay thực chất là sự xa lánh giữa người lao động sáng tạo đối với những kẻ "ăn trên ngồi trốc", những kẻ quen phán xét, quen dạy dỗ mà không biết đến nỗi nhọc nhằn của người "cày cuốc".

Lịch sử các vụ "đánh đấm" đã chỉ ra rằng, các nhà văn, những nhà sáng tạo luôn luôn giơ lưng ra cho các nhà "lý luận phê bình chay" có cơ hội... phang. Phang chết tươi, không mấy người gượng dậy được, mà nếu có gượng dậy được thì cũng coi như mất cả cuộc đời.

Không phải ngẫu nhiên có sự yêu ghét rõ ràng rành mạch thế. Yêu thế, ghét thế, nhưng nếu có ai đó nói ra thì sẽ bị điểm danh liền. Hiện tượng khen "nống" lên khi trên văn đàn xuất hiện một vài tác giả tác phẩm mới của một số nhà văn trẻ, nhà sáng tác "chay" cũng thế. Đó là một dạng phản ứng nhạy cảm nhất của nền văn học đang phát triển.

Các "hiện tượng" văn học được các nhà văn bốc đồng khen chê ngược chiều nhau tạo nên cơn sốt có nhiều cung độ với một không gian mới cho nghệ thuật cũng như cho các quan niệm thẩm mỹ được bộc lộ. Lẽ ra nó rất bình thường và có tác dụng kích thích "sự mất ngủ của lửa" thì hay biết bao, nhưng, ngay lập tức có một số nhà "lý luận" cơ hội, đón lõng, dùng ngôn từ đao búa của những năm còn ấu trĩ "phang" tới tấp.

Người bị phang không có cơ hội nói lại, nghe lại, làm cho không gian nghệ thuật trở nên nặng nề, u ám, thiếu lửa, thiếu niềm tin. Ma Văn Kháng tập hợp những bài tiểu luận nho nhỏ nói về nghề của mình nhằm chia sẻ cảm xúc của mình với bạn bè đồng nghiệp, nhưng cũng đóng góp thêm vào tiến trình nhận thức của cái mới cần thời gian, cần chiêm nghiệm.

Một số tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng xuất bản thời gian gần đây.

Phút giây huyền diệu ấy là phút giây thăng hoa, phút giây được phép tự mình bốc mình bay lên chín tầng mây của cảm hứng và sáng tạo, sướng quá, hét to lên với bạn bè đồng nghiệp vài câu cho đã. Ông không phải là mẫu nhà văn bốc lửa, ngẫu hứng, nhưng mỗi sáng tác của ông luôn luôn ẩn giấu một mồi lửa nhiệt huyết bên trong, một mồi lửa được trui rèn, được kìm nén, được tôi luyện trong trường đời, trong trường nghề, nhất là trong trường "nghề cán bộ".

Đọc truyện ngắn "Thầy Khiển" và "Nhiên, nghệ sĩ múa" của ông, ta bắt gặp một Ma Văn Kháng nghệ sĩ tung hứng tài hoa, không còn bóng dáng cái ông Ma Văn Kháng giấu lửa trong lòng lâu nay. Đó là phút giây huyền diệu của cảm hứng. Ngọn lửa âm ỉ lâu ngày bùng phát, vừa khêu gợi, dịu dàng vừa trĩu nặng tình người vừa xao xuyến nhớ tiếc không tài nào nguôi ngoai.

Trong đời sống thường ngày, Ma Văn Kháng rất hay lắt léo vòng vo, luôn luôn bị dằn vặt bởi thế này, thế nọ, nhưng trong tình huống gay cấn, ông bỗng dưng biến thành một Ma Văn Kháng khác, trong khoảnh khắc ông vụt sáng, ông "chớp" nhanh nhất được cái khoảnh khắc kỳ diệu ấy, dường như đó là khả năng trời cho, bẩm tính chớp nhoáng khêu gợi ấy chỉ có ở trong tiềm thức một năng lực đặc biệt.

Đặc biệt từng trải. Đặc biệt nhạy cảm. Đọc "Phút giây huyền diệu" tôi không lạ bản tính cân bằng khen chê chừng mực của "Ma đại ca", mà còn thấy nể phục tài điều hòa ý tưởng, lên bổng xuống trầm của ông. Ông phác thảo chân dung nhà văn Vũ Bão ngày ngày cần mẫn đạp xe đèo xỉ than về để đóng gạch pa-panh, xây- nhà- viết- văn. Văn Vũ Bão thì hóm hỉnh mà cuộc đời ông thì nặng nhọc. Nếu không trải qua những năm tháng nhọc nhằn, những năm tháng yêu thương trong cái ngõ nhỏ gần ga xe lửa Hà Thành ngày mới "nhập tịch" thủ đô của ông thì làm sao Ma Văn Kháng có được những trang văn  trĩu nặng yêu thương như vậy.

Trung Trung Đỉnh

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文