Mộng tình trên sông Tiêu Tương

13:26 18/01/2019
Cửa nguồn là sông Đuống, dòng sông Tiêu Tương, hay còn gọi là Tiêu Giang xưa chảy qua đất kinh Bắc, uốn khúc quanh co. Nó đổ qua miền đất Đình Bảng, rồi rẽ về ngã ba Phù Lưu (Từ Sơn), sau đó trôi về Lim, rồi Xuân, Ô... Cuối cùng mới nhập vào sông Cầu. Nếu theo bản đồ cổ, Tiêu Tương còn đẻ ra một nhánh hút về chân núi Phật Tích (Tiên Du). Bởi vậy, Tiêu Tương đẹp như bức tranh họa đồ, dịu dàng thơ mộng.


Chuyện tình Mỵ Nương với chàng Trương Chi

Khi tôi về tới vùng hồ sen xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh thì được nghe các cụ kể chuyện mối tình Trương Chi trên sông Tiêu Tương chạy qua nơi đây. Hiện những hồ sen kéo dài chính là phần còn sót lại của sông Tiêu Tương chạy dọc xã Tiêu Giang. Con sông xưa chỉ tồn tại trong quá khứ. Hình ảnh của nó luôn gắn với mối tình của người vạn chài nghèo Trương Chi với nàng công chúa Mỵ Nương. Nhiều đoạn sông còn hiện diện dọc trên con quốc lộ A1 cũ.

Đến bất cứ đâu người dân cũng kể được bi kịch tình yêu này. Chuyện rằng: “Ngày xưa có anh Trương Chi. Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay. Cô Mỵ Nương ở Lầu tây. Con quan thừa tướng ngày ngày cấm cung. Trương Chi chở đò ngoài sông. Cất lên tiếng hát động lòng Mỵ Nương…”. Tôi lang thang dọc khúc sông, hiện cũng là đầm sen của làng Đình Bảng, gặp bà Xuân bán bánh Phu Thê nổi tiếng trong làng. Bà chỉ cho tôi ra tận một cửa sông, kề xóm Bà La.

Bà kể, nơi đó chính là khúc sông sâu mà Trương Chi đã trầm mình tự tử, vì mình quá xấu không được Mỵ Nương yêu thương. Nàng chỉ yêu tiếng hát của chàng thôi. Người dân cố tìm chàng dưới lòng sông, nhưng thân xác đã tan rữa, thương xót khôn nguôi. Cuối cùng họ vớt lên được một trái tim đã kết lại thành một khối ngọc trong vắt.

Toàn cảnh chùa Tiêu.

Dòng sông Tiêu Tương nổi sóng khóc than cho thân phận xấu xí của chàng lái đò. Giọng hát của chàng đã mất đi nhưng để lại nỗi tương tư sầu muộn cho Mỵ Nương. Nàng đã lấy khối ngọc trái tim của chàng làm chiếc chén uống nước. Đó là ký ức mộng tưởng về một cuộc tình. Nhưng ngày ngày, hình ảnh Trương Chi lại hiện về quanh đáy cốc, mỗi khi Mỵ Nương uống nước. Tiếng hát của chàng vang vọng đâu đây. Nàng nhỏ lệ nhớ thương.

Những giọt nước mắt của nàng đã làm tan chén ngọc rớt xuống dòng sông. Đó là những giọt tình được trao cho nhau ở chốn cửu trùng. Cõi vô thường bất tử. Đó là tình yêu. Tình yêu của nàng đã cùng Trương Chi hóa kiếp nơi tuyền đài. Giọng hát của Trương Chi đã được lưu truyền cho bao đời sau trở thành những làn điệu quan họ cho hàng chục làng xã xung quanh đồi Lim.

Người ta kể, chính lầu tây mà Mỵ Nương ngồi bên sông Tiêu Tương, nằm ngay trên đồi Hồng Vân (đồi Lim). Khi đến đây, tôi sực nhớ đến bản nhạc “Trương Chi” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Lời ca buồn như những làn điệu quan họ vậy. Tràn đầy nỗi nhớ: “Đò trăng giữa dòng sông vắng. Gió đưa câu ca về đâu? Nhìn xuống đáy nước sông sâu. Thuyền anh đã chìm đâu. Thương khúc nhạc xa vời…”.

Phải chăng hội Lim thường vào ngày chính, 13 tháng Giêng hàng năm, cũng bởi phát nguồn từ mối tình này. Liền anh, liền chị lúng liếng bên nhau, hẹn hò nhung nhớ. Mộng mị với những lời ca giọng hát ngọt ngào. Ngỡ như mối tơ duyên đã kề bên. Giọng hát làm quyến rũ tâm hồn người.

Tưởng rằng có thể yêu ngay đấy. Hẹn non thề biển. Nhưng rồi lại tan biến như chiếc chén ngọc của Mỵ Nương. Các anh Hai, chị Hai khó nên vợ nên chồng, mà chỉ dan díu qua giọng hát, với nỗi buồn xa xăm. Ra về trong bịn rịn vấn vương. Lại một mùa xuân sau, hẹn trao cho nhau miếng trầu cánh phượng, hát cho nhau nghe. Dùng dằng nửa tỉnh nửa mê hội làng…

Vẫn còn đó một mối tình đầy bí ẩn

Nếu ai về chùa Tiêu, trên núi Tiêu (xã Tiêu Giang), hẳn sẽ yêu đầm sen thơm ngát. Đó cũng là một đoản khúc sông Tiêu Tương. Ngôi chùa nổi tiếng khi nói không với “Hòm công đức”. Đó là sự khác biệt. Phật tử đến đây chỉ có chiêm bái, dâng hương, học phật. Từ xa xưa chùa đã không đặt hòm công đức. Các ni cô ở đây thường hái thị chín trên chùa đem ra chợ bán để mua hương lễ. Trên núi có năm cây thị lớn xum xuê ra quả quanh năm.

Tôi gặp những câu thơ, câu đối của các thiền sư nơi đây, mới hiểu ra phần nào câu chuyện của đại sư Lý Vạn Hạnh, người đã tu hành và truyền dạy Phật pháp tại ngôi chùa này. Nhưng có lẽ còn một câu chuyện gắn với truyền thuyết ngàn năm còn bí ẩn cho đến ngày nay. Đó là chuyện đại sư Lý Vạn Hạnh đã nuôi, dạy một đứa bé trai bị bỏ rơi, nơi cửa chùa. 

Chuyện rằng, từ năm 959, thiền sư Lý Vạn Hạnh, người làng Đình Bảng mới 21 tuổi đã xuất gia, tu học tại chùa. Sau mươi năm tu luyện, ngài đã thể hiện một phong độ kiệt xuất, với học vấn Phật pháp sâu sắc hơn người.

Đặc biệt ngài còn giỏi cả về binh pháp, với con mắt chiến lược, nhìn xa trông rộng cho đất nước. Cùng tu học với ngài còn có người em tên là Lý Khánh Văn. Thiền sư Lý Khánh Văn cũng nhanh chóng thông tuệ và được trụ trì chùa Cổ Pháp (còn có tên nôm là chùa Dận). Chùa Tiêu và chùa Cổ Pháp đều nằm bên sông Tiêu Tương, chếch bên tả bên hữu, cách nhau chừng dăm cây số. 

Lại chuyện rằng, năm 974, có một người đàn bà lén đến bỏ đứa con rơi bên cổng tam quan chùa Cổ Pháp. Nghe tiếng trẻ khóc, thiền sư Lý Khánh Văn vội vàng đi ra, thấy vậy ôm đứa trẻ tội nghiệp vào trong nhà. Ngài nhận làm con nuôi và đặt tên là Lý Công Uẩn. Nhận ra một khí chất khác thường ở người con nuôi thông minh sáng dạ này, thiền sư Lý Khánh Văn liền gửi Lý Công Uẩn lên chùa Tiêu, để Lý Vạn Hạnh dạy dỗ.

Khi ấy cậu bé mới lên năm. Ngày qua ngày. Năm qua năm. Lý Công Uẩn trở thành chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn, và được Lý Vạn Hạnh tiến cử vào triều Lê. Sự nghiệp ngày một thăng tiến. Mười lăm năm sau, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, gây dựng nên nhà Lý, niên hiệu là Thuận Thiên, với danh xưng Lý Thái Tổ vào năm 1010. Ngay sau đó, Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long cũng có phần công đóng góp của đại sư Lý Vạn Hạnh.

Hồ trước chùa Tiêu là khúc sông Tiêu Tương còn lại ở xã Tương Giang.

Trong dân gian, nhiều lời đồn đoán mông lung về người cha đẻ của Lý Công Uẩn là ai. Bởi sau khi vua Lý lên ngôi, câu hỏi này lại càng gây tò mò trong thiên hạ về nguồn gốc vua cha. Mãi sau này, dân làng quanh vùng mới xác định được người mẹ đã sinh ra Lý Công Uẩn. Đó là bà Phạm Thị Ngà, người ở Dương Lôi, xã kế bên. Nhưng vì sao bà lại nỡ tâm đem bỏ đứa con sơ sinh vào chùa. Một mối tình bí ẩn chăng. Trong thiên hạ lại rêu rao rằng: “Con ai đem bỏ chùa này. Nam mô di phật con thầy, thầy nuôi”. Vì thế, lưu truyền tin đồn rằng, chính đại sư Lý Vạn Hạnh mới là cha đẻ của Lý Công Uẩn.

Đại sư ra sức dạy dỗ và dựng nghiệp cho con trai mình. Ngài còn tạo dựng những thế lực trong triều Tiền Lê khi đó, để chuẩn bị tương lai cho con trai mình. Lý Vạn Hạnh còn nghĩ ra lời sấm truyền trong dân gian để đưa con mình lên ngôi đúng lúc như một thiên mệnh trời ban.

Phải chăng sau này, Vua Lý Thái Tổ đã về quê nội ở Đình Bảng để đặt ngôi vị đất thờ cúng tổ tiên (đền Bát đế ngày nay). Điều đó, càng thêm như một lời khẳng định nguồn gốc cha sinh mẹ đẻ của Lý Công Uẩn.

Đỉnh núi thơm

Vùng chùa Tiêu xưa có câu: “Con trời chẳng biết mặt cha. Lớn lên trung dũng tài ba khác thường. Ai về bên bến sông Tương. Chớ gần cô tiểu mà vương phải bùa”. Nghĩa là mọi chuyện ngỡ đã có câu trả lời nhưng mãi mãi vẫn là một bí ẩn về người cha đẻ của vua Lý Thái Tổ.

Vào một buổi sớm tôi lên chùa Tiêu, đúng lúc các sư lên tụng kinh, hương thị chín thơm ngát. Tiếng mõ, tiếng chuông xen lẫn tiếng chim hót trên đỉnh núi. Một không gian ấm áp. Ngôi tượng đại sư Lý Vạn Hạnh được dựng trên đỉnh tháp mới xây, dưới chân núi Tiêu như đang bay trong không trung ngàn mây trắng.

Tôi thẫn thờ đi lên đỉnh núi và thấy tâm hồn mình thanh thản đến lạ thường. Con sông Tiêu giờ nay đâu. Hồ sen kia như một lưu dấu câu chuyện tình kỳ bí nhất của thế gian này. Hương thị theo gió cuộn lên đỉnh núi. Mối tình như có như không kia đã bay về trời.

Đỉnh núi, nơi ngài thiền đã ngàn năm qua, thơm thảo ngát hương. Một ngọn gió dạt tới. Tôi đứng lặng trên đỉnh núi Tiêu và nhớ đến câu thơ của ngài rằng: “Thân như bóng chớp, có rồi không. Cây cối xuân tươi, thu não nùng. Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi. Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”.

Vương Tâm

Không chỉ Trung Quốc siết chặt kiểm tra đối với mặt hàng sầu riêng của nước ta, dự kiến trong 10 ngày giữa tháng 6, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cử đoàn thanh tra đến Việt Nam để thực hiện giám sát một số mặt hàng như sầu riêng, thanh long, ớt. Điều này cho thấy, đã đến lúc cần phải chuẩn hóa quy trình trồng, xử lí chặt chẽ từ gốc chuyện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, các hoá chất khác trên nông sản xuất khẩu.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết Bắc Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.

Trong giai đoạn 1997-2006, Việt Nam triển khai tích cực đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập khu vực và quốc tế. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp vào việc chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại và triển khai công tác đối ngoại, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm dầu xả Hanayuki Conditioner - Chai 300g do Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group và Công ty TNHH EBC Group sản xuất, đưa ra thị trường do có vi phạm; đồng thời tạm dừng hoạt động của hai công ty này.

Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 24-28/5.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh dấu sự khởi đầu tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam dành cho Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2025 và quyết tâm cùng Malaysia và các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN “Bền vững và bao trùm”, đoàn kết, vững mạnh, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định tại khu vực.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.