NSƯT Mai Châu: Nỗi "ấm ức" ngọt ngào

08:00 07/09/2011
Cho đến bây giờ, nhắc lại những kỷ niệm một thời theo đoàn làm phim đi khắp nơi quay phim, đôi mắt nghệ sĩ Mai Châu vẫn còn ánh lên niềm vui. Bởi vì, thế hệ của bà là những người luôn nghĩ rằng, mình làm phim là để cho nhân dân xem.

NSƯT Mai Châu là diễn viên lứa đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam cùng với các gương mặt tiêu biểu khác như Trà Giang, Lâm Tới, Ngô Nam, Hoàng Yến... Gương mặt nghệ sĩ Mai Châu như bị "đóng đinh" với các vai phản diện, đặc biệt là các vai bà phán, bà vợ quan huyện, bà Nghị... Sự thể hiện thành công của nghệ sĩ Mai Châu với các vai: Bà vợ ba Bá Kiến trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", vai vợ Nghị Quế trong phim "Chị Dậu", vai nữ gián điệp Lệ Mỹ trong phim "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn"... đã khiến nghệ sĩ Mai Châu trở thành một gương mặt thật khó quên đối với những ai yêu mến điện ảnh Việt Nam. Ở tuổi "cổ lai hy" nhưng đến nay, lòng yêu nghề, nhớ nghề vẫn khiến người NSƯT khó lòng từ chối những lời mời tham gia các bộ phim dù ngắn hay dài, dù con cháu vì lo cho sức khỏe của bà mà không muốn bà tham gia đóng phim nữa...

NSƯT Mai Châu xuống mở cửa cho tôi trong dáng điệu của một "cụ bà", những bước đi đã bắt đầu chậm lại. Gương mặt của bà có sự viên mãn, đủ đầy của một người đàn bà thành danh có một gia đình con cháu đề huề, thành đạt và lại  có cả sự bình thản của một người già đã thấu hiểu mọi nỗi của nhân tình thế thái. Bà mời tôi lên phòng riêng ở gác 5 trong căn nhà rộng rãi mặt "phố nhà binh" Lý Nam Đế để tiện chuyện trò. Từ cửa sổ phòng riêng của nghệ sĩ Mai Châu trông ra là những vòm cây sấu xanh mướt tỏa bóng mát dịu. Thật khó có thể tin là nghệ sĩ Mai Châu đã ở tuổi 85, đã có chắt nội học lớp 3. Gương mặt bà rất ít nếp nhăn so với những người phụ nữ tầm tuổi của bà. Trong phòng, nhiều bức ảnh chụp chân dung nghệ sĩ Mai Châu thời trẻ với một nhan sắc mặn mà ít người sánh kịp. Chẳng thế mà, khi có quyết định của Hồ Chủ tịch về việc thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam, Mai Châu là một trong số không nhiều gương mặt được chọn cùng với Hoàng Yến, Ngô Nam, Lâm Tới… tham gia làm phim. Trước đó, Mai Châu là diễn viên kịch nói của Đoàn Văn công Liên khu 4, khi ra Hà Nội thấy báo đăng tin tuyển diễn viên lồng tiếng cho phim nước ngoài, bà liền đi thi tuyển và thi đỗ. Từ đó, Mai Châu gắn bó với ngành Điện ảnh cho đến ngày nghỉ hưu và tham gia đóng nhiều bộ phim nổi tiếng như "Chung một dòng sông" (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi); "Chị Tư Hậu" (đạo diễn Phạm Kỳ Nam); "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn" (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi - Hoàng Thái); "Chị Dậu", "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Kén rể" (đạo diễn Phạm Văn Khoa); "Vợ chồng anh Lực" (đạo diễn Trần Vũ); "Lá ngọc cành vàng" (đạo diễn Vũ Châu). Ngoài ra, lão nghệ sĩ Mai Châu còn tham gia nhiều bộ phim truyền hình ngắn tập, dài tập và vẫn là gương mặt quen thuộc của màn ảnh nhỏ. Gần đây là vai diễn bà mẹ trong phim "Của để dành" của đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

Cách đây ít lâu, NSƯT Mai Châu đã tham gia vai bà mẹ trong phim truyện nhựa "Bi, đừng sợ" của đạo diễn Phan Đăng Di. Trước giờ bộ phim được chiếu tại Hội Điện ảnh Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo, đạo diễn Phan Đăng Di đã xuống tận bệnh viện nơi bà vừa trải qua một đợt phẫu thuật để mời bà tham gia buổi ra mắt, nhưng bà không đi được làm vị đạo diễn cứ tiếc mãi. Phan Đăng Di cũng hay lui tới thăm bà và vẫn "dọa" sẽ mời bà tham gia dự án làm phim tiếp theo mà anh đang ấp ủ. Phan Đăng Di rất yêu mến, quý trọng người nghệ sĩ này, anh đã nghĩ đến gương mặt của nghệ sĩ Mai Châu ngay từ khi cầm kịch bản "Bi, đừng sợ" và trước đó đã mời bà tham gia 3 phim ngắn.

Nghệ sĩ Mai Châu (ngoài cùng bên phải) cùng đạo diễn Phạm Văn Khoa và nghệ sĩ Đức Lưu thời gian làm phim "Làng Vũ Đại ngày ấy.

Nghệ sĩ Mai Châu tâm sự rằng, dạo này sức khỏe của bà không được tốt, bà lại mới phải đi mổ mắt. Bởi vậy, gần đây VTV có gửi một kịch bản chi tiết cho bà, muốn bà tham gia một chương trình gặp gỡ trên truyền hình, vậy mà bà phải từ chối, nói gì đến việc đi đóng phim. Nghệ sĩ Mai Châu cho biết: "Công việc đóng phim vất vả, tốn sức hơn diễn viên kịch nhiều. Trước đây ở Đoàn Văn công, tôi từng là diễn viên kịch nên tôi biết chứ. Có những cảnh khó nhọc, vất vả mà tôi phải diễn đi diễn lại nhiều lần đến phát khóc ý chứ. Tôi nhớ lần tham gia phim "Vợ chồng anh Lực" của đạo diễn Trần Vũ, khi tôi diễn cảnh trên đầu đội thúng rượu lậu và đi qua một con ruộng sâu thì trúng đạn của địch ngã xuống, cả đoàn đều lo lắng vì khâu phục trang chỉ có độc một bộ quần áo diềm bâu, nếu hỏng thì cả đoàn lại phải bỏ cảnh này đến hôm sau, nên đạo diễn Trần Vũ rất lo lắng. May quá, đúp quay đầu tiên thành công luôn khiến cả đoàn ồ lên vui sướng, còn đạo diễn Trần Vũ thì chạy đến ôm tôi và nói: "Cảm ơn Mai Châu!".

Cho đến bây giờ, nhắc lại những kỷ niệm một thời theo đoàn làm phim đi khắp nơi quay phim, đôi mắt nghệ sĩ Mai Châu vẫn còn ánh lên niềm vui. Bởi vì, thế hệ của bà là những người luôn nghĩ rằng, mình làm phim là để cho nhân dân xem. Bà kể, mỗi lần làm xong một bộ phim, chuẩn bị công chiếu là đạo diễn, diễn viên trong đoàn lại được gặp Bác Hồ, được nghe Bác góp ý và căn dặn. Bà cho biết, trong cuộc đời làm diễn viên của mình, vai diễn để lại nhiều ấn tượng nhất và cũng là dấu mốc trong sự nghiệp, đó chính là vai nữ nghệ sĩ phản gián trong phim "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn" của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi - Hoàng Thái.

NSƯT Mai Châu nhớ lại: "Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam về chiến công của Lực lượng Công an trong những ngày đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc nên các đồng chí cán bộ cấp cao của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) rất quan tâm. Đích thân cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, động viên anh chị em trong đoàn làm phim và các tình tiết có liên quan đến nghiệp vụ Công an, diễn biến tâm lý, hành động của nhân vật phản gián đều được các cán bộ Công an hỗ trợ, giảng giải kỹ càng. Đến khi phim được chiếu ra mắt lần đầu tiên, khi xem xong, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn quay xuống hỏi: "Chị Mai Châu đâu?". Lúc đó tôi đang ngồi trong một góc tối. Bộ trưởng đến bắt tay và hỏi: "Chị có thích vai diễn này không?". Tôi liền trả lời khiêm tốn rằng, đất nước đang có chiến tranh, hai miền chia cắt, mọi người đang quan tâm đến những phụ nữ "Ba đảm đang" mà tôi lại đi đóng vai phản gián thì cũng không hay gì, thì Bộ trưởng liền nói: "Chị đóng vai phản gián mà đạt thế thì cũng là phụ nữ "Ba đảm đang" rồi. Lời động viên của Bộ trưởng lúc ấy khiến tôi rất vui và tự hào, vượt qua mặc cảm là điệp viên xấu".

Buổi gặp gỡ thân mật này đã có người chụp được ảnh Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn bắt tay nghệ sĩ Mai Châu cười rất tươi và bà rất quý tấm ảnh ấy. Nhưng sau này có phóng viên đến mượn in báo mà không trả nên bà tiếc lắm. Sau vai diễn Mỹ Lệ của "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn", nghệ sĩ Mai Châu được Bộ Nội vụ tặng Bằng khen.

"Điều bất ngờ là, từ sau vai diễn ấy, các đạo diễn thi nhau mời tôi vào vai phản diện khiến tôi nhiều lúc cũng "ức" lắm chứ!". Nhưng có lẽ, đó là nỗi "ấm ức" rất… ngọt ngào bởi lẽ - theo nghệ sĩ Mai Châu - vào vai phản diện dễ bị ghét nhưng lại cũng dễ để lại ấn tượng, được nhiều người nhớ và đặc thù của vai phản diện là luôn có nhiều "đất" diễn, thể hiện được tài năng của diễn viên. Lúc đạo diễn Phạm Văn Khoa chọn diễn viên cho bộ phim "Làng Vũ đại ngày ấy" (nhà văn Đoàn Lê chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn Nam Cao), nghệ sĩ Mai Châu đã rất thích vai Thị Nở và xin được đóng vai này. Thế nhưng đạo diễn Phạm Văn Khoa chỉ tủm tỉm cười bảo: "Em có vai rồi!" và sau này Mai Châu mới biết đạo diễn đã "để dành" vai vợ ba Bá Kiến cho bà từ lâu. Rồi sau đó là vai vợ Nghị Quế, đạo diễn Phạm Văn Khoa cũng quyết tâm đẩy cho Mai Châu… Nghệ sĩ Mai Châu tâm sự: "Từ khi vào các vai phản diện, sau khi tham gia mỗi bộ phim, khi ra đường tôi toàn bị gọi bằng tên nhân vật. Nào là: "Bà Lệ Mỹ ơi!", "Bà Nghị Quế ơi!", "Bà Bá Kiến ơi!"… Rồi sau này tham gia phim "Kén rể" thì bị gọi là "Bà kén rể ơi!", rồi "Bà huyện ơi!"… khiến tôi cũng rất vui. Đó cũng chính là niềm hạnh phúc của người diễn viên, nghề diễn viên mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn cảm nhận được điều đó…".

Giờ đây, tuổi đã cao nhưng "lão nghệ sĩ" Mai Châu vẫn rất quan tâm tới điện ảnh. Tuy các con bà lo cho sức khỏe của mẹ, không muốn mẹ lặn lội đi đóng phim vất vả, đôi khi nguy hiểm nhưng nhận được lời mời nào bà cũng cân nhắc để tham gia. Với các sinh viên Trường Sân khấu - Điện ảnh làm tác phẩm phim tốt nghiệp, bà không bao giờ nhận thù lao vì thương họ làm phim tốt nghiệp tốn kém, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp. Bởi vậy, "thù lao" với những phim dạng này thường chỉ là cân hoa quả mà các em mang đến cùng với lòng biết ơn, kính trọng. NSƯT Mai Châu tâm sự: "Giúp đỡ được người khác, tôi thấy mình hạnh phúc, nhất là trong việc dìu dắt các em, các cháu vào nghề…"

Hà Anh

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文