"Ngàn năm mây trắng": Bữa tiệc âm nhạc truyền thống đặc sắc

08:02 16/08/2019
Tối 11/8, tại Nhà hát Chèo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi tổng duyệt ra mắt vở kịch hát "Ngàn năm mây trắng" (tác giả kịch bản văn học: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ) được Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát chèo Việt Nam phối hợp dàn dựng và biểu diễn.


Mặc dù là buổi tổng duyệt nhưng Nhà hát Chèo Việt Nam kín hết ghế ngồi. Trọn 1 tiếng 45 phút, khán giả đã đắm mình trong bữa tiệc ca kịch với sự kết hợp nhuần nhuyễn những nét đặc sắc nhất, tinh túy nhất, giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống Cải lương, Chèo, Xẩm, Ca Huế... và thổn thức cùng nhân vật trong câu chuyện của nàng Tô Thị đi tìm chồng. Những giọt nước mắt đã lặng lẽ rơi phía dưới khán đài, trong nỗi xúc cảm mà hiệu ứng vở diễn đã mang lại.

Khởi nguồn từ một bài thơ

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - tác giả kịch bản văn học của vở kịch hát "Ngàn năm mây trắng" chia sẻ: Năm 1997, trong một lần ông đến thăm, chiêm bái tượng đá Nàng Tô Thị ở Đồng Đăng (Lạng Sơn), tâm hồn thi sĩ cảm tác trước nỗi đau của nàng Tô Thị chờ chồng đến hóa đá, ông đã liên tưởng tới những "Hòn Vọng Phu" Việt trong vô vàn những tình huống chia li của cuộc đời.

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ tại buổi ra mắt  vở kịch thơ "Ngàn năm mây trắng"

Bài thơ "Trước nàng Tô Thị" ra đời: "Sau ngàn năm, sau vạn năm/ Tôi theo câu hát xa xăm tìm về/ Nẻo đường hun hút sơn khê/ Vẳng trong gió núi vỗ về lời ru/ Chiều nao khói lửa mịt mù/ Ôm con nàng ngóng chinh phu cuối trời/ Hay từ đất khách xa xôi/ Vần thơ đi sứ rối bời niềm đau/ Hay nơi ngõ vắng sông sâu/ Thương trường lỡ bước vó câu bẽ bàng/ Mỏi mòn nửa kiếp hồng nhan/ Sương khuya nhuốm tóc, mưa ngàn dội vai/ Tạc trong trời rộng đất dài/ Cho muôn sau bức tượng đài tình yêu/ Tôi đi trong ngẩn ngơ chiều/ Vọng từ hồn đá bao điều đơn sơ/ Hóa thành non nước đợi chờ/ Nàng Tô Thị chẳng chơ vơ giữa đời/ Tim hồng còn rỏ máu tươi/ Chảy trong huyết quản triệu người nhân gian/ Mắt còn vời vợi Nam Quan/ Tảo tần bóng núi non ngàn bãi dâu/ Ngàn năm mây trắng trên đầu".

Một cảnh trong vở “Ngàn năm mây trắng”.

Hơn 20 năm sau kể từ khi bài thơ "Trước nàng Tô Thị" ra đời, Nguyễn Thế Kỷ tiếp tục lấy bài thơ làm niềm cảm hứng, là tứ để ông sáng tác Kịch thơ "Ngàn năm mây trắng" vào đầu năm 2019. Kịch thơ là một thể loại khá sở trường của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Ông đã có 4 vở kịch thơ trong số 7 vở kịch nói, kịch hát đã dàn dựng và công diễn, bao gồm "Chuyện tình Khau Vai", "Mai Hắc Đế", "Thầy Ba Đợi", "Ngàn năm mây trắng".

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, ông viết kịch thơ "Ngàn năm mây trắng" từ đề tài và cảm hứng các câu chuyện cổ tích, các truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, về Nàng Tô Thị. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã có vô vàn Hòn Vọng Phu…

Trong đó, sự tích (hay truyền thuyết) chờ chồng nơi chiến trận, nỗi niềm chinh phụ - chinh phu vẫn tiêu biểu và điển hình hơn cả. Cũng vì vậy, trong nhóm các sự tích về Hòn Vọng Phu thì sự tích (truyền thuyết) về Nàng Tô Thị mang tính điển hình rất cao, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, muôn đời lay động lòng người. Nhưng ở "Ngàn năm mây trắng", ông muốn viết một câu chuyện về nàng Tô Thị khác với câu chuyện cổ tích mà mọi người vẫn thường nghe.

Không chỉ đơn thuần là câu chuyện về người phụ nữ mong ngóng người chồng, thực chất là anh trai ruột của mình đến hóa đá. Đối với một dân tộc Việt Nam trải qua nghìn năm binh lửa, đã có vô vàn hòn vọng phu: người vợ chờ chồng nơi chiến trận trở về; chờ chồng đi biển nhưng bặt vô âm tín; chờ chồng đi làm ăn buôn bán phương xa; chờ chồng đi sứ, đi ra nước ngoài hay một số lý do, hoàn cảnh nào đó…

Trong đó, sự tích (hay truyền thuyết) chờ chồng nơi chiến trận, nỗi niềm chinh phụ - chinh phu vẫn tiêu biểu và điển hình hơn cả. Và vì thế nàng Tô Thị trong "Ngàn năm mây trắng" điển hình cho những vọng phu chờ chồng nơi chiến trận muôn đời lay động lòng người.

Độc đáo vở kịch hát có tới 2 đạo diễn

"Ngàn năm mây trắng" là vở kịch hát đầu tiên có sự xuất hiện của nhiều loại hình âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Chuyển thể từ kịch bản văn học của PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ, "Ngàn năm mây trắng" do NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam và NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đồng đạo diễn. 

Bằng tài năng và kinh nghiệm của mình, 2 NSƯT Thanh Ngoan và Triệu Trung Kiên đã có những cách kết hợp sáng tạo, thể hiện hết được những nét đặc sắc nhất của nghệ thuật Cải lương, Chèo, hát Xẩm và ca Huế trong vở kịch, mang đến cho người xem một bữa tiệc mãn nhãn về âm nhạc truyền thống và ca kịch. Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và sự góp mặt của một số nghệ sỹ thuộc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam.

Ba nhân vật chính của vở kịch thơ là Tô Thị (người vợ), Trần Khôi (người chồng), Trương Lỗ (kết nghĩa huynh đệ với Trần Khôi, cuối cùng lộ rõ là kẻ thủ ác). Các nhân vật của tác phẩm được thể hiện số phận, tính cách một cách rõ nét thông qua năng khiếu nghệ thuật của các diễn viên thể hiện qua các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Chèo, Cải Lương, hát Xẩm, hát văn Huế.

Cũng vì điều này, vở diễn có cùng lúc hai đạo diễn, đó là Đạo diễn - NSƯT Thanh Ngoan phụ trách phần chèo, xẩm, hát văn Huế; Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên phụ trách phần cải lương. Người xem sẽ thú vị và ngạc nhiên khi các ca sỹ (hát truyền thống và hát nhạc mới) của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam hóa thân trên sân khấu bằng những đòi hỏi khắt khe của Kịch hát, Kịch nói, Múa.

Vì vậy có thể nói "Ngàn năm mây trắng" vừa là vở Kịch thơ, Kịch hát tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu Thử nghiệm, vừa là sự thử nghiệm có tính "lột xác" của chính các nghệ sỹ và của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi xem "Ngàn năm mây trắng", người xem trong nước và quốc tế sẽ có trải nghiệm thú vị khi cùng lúc được thưởng thức nhiều loại hình âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, và còn được hình dung về một nền văn hóa dân gian Đông Hồ với những tạo hình hội họa đặc sắc trong thiết kế phục trang và sân khấu.

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ ngay sau buổi tổng duyệt thành công vở kịch hát "Ngàn năm mây trắng": "Yếu tố chính trong vở diễn này là nghệ thuật sân khấu cải lương. Trong nghệ thuật cải lương đã có 50% là hiện thực. Và từ hiện thực đó, theo chân nàng Tô Thị đi tìm chồng đã bắt gặp những không gian không hiện thực.

Những không gian mang nhiều tính kể chuyện tự sự được tái hiện bằng nghệ thuật Chèo, hát Xẩm, ca Huế... Chính vì thế mà mỗi loại hình sân khấu trong vở diễn được giữ nguyên nguyên tác mà không bị hòa trộn, bị nhòe vào nhau hoặc làm ảnh hưởng đến nhau. Chúng tôi đã cố gắng để cho mỗi không gian của mỗi loại hình nghệ thuật được bảo toàn để hoà nhập nhưng không hòa tan.

"Ngàn năm mây trắng" được xác định tiêu chí là thử nghiệm, có thể làm theo cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ. Tôi rất mong chờ hiệu quả cho lần đầu tiên mạnh dạn hòa trộn các loại hình sân khấu vào với nhau.

Bên cạnh đó còn sự thể nghiệm của các ngôn ngữ sân khấu khác nữa, tạo nên 1 tác phẩm sân khấu mang nhiều tìm tòi. Sự tìm tòi, đổi mới, cách tân cho các tác phẩm sân khấu luôn cần thiết để khán giả có sự trải nghiệm và tạo cảm xúc. Ngoài diễn xuất của dàn diễn viên xuất sắc ở các nhà hát, "Ngàn năm mây trắng" được đầu tư về phần thiết kế mỹ thuật với những hình ảnh mang phong cách tranh dân gian Việt Nam, nhằm xây dựng nên một tác phẩm sân khấu mang âm hưởng dân gian đương đại, tôn vinh những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam".

Những trọng trách của "Ngàn năm mây trắng"

"Ngàn năm mây trắng" mang trên mình khá nhiều trọng trách khi là tác phẩm được dàn dựng để đăng ký tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội - 2019 do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức, đồng thời cũng là công trình kỷ niệm 74 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945-7/9/2019) và 70 năm thành lập Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đông đảo các quan khách và nghệ sỹ đến dự lễ tổng duyệt vở "Ngàn năm mây trắng" tại Nhà hát chèo Việt Nam

Sau khi tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm,  vở "Ngàn năm mây trắng" sẽ phục vụ công chúng ở Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam, một số đài phát thanh, truyền hình và một số địa phương trong cả nước.

PSG.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả văn học của vở kịch đã chia sẻ ngay sau đêm tổng duyệt thành công vở diễn: "Cảm ơn các nghệ sĩ ưu tú đã góp mặt trong vở kịch. Đây là sức mạnh tập thể, là sự đóng góp trí tuệ, tài năng và công sức của một tập thể.

Cảm ơn NS Hoàng Song Việt và NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Triệu Trung Kiên; Họa sỹ Hồng Vân (Thiết kế mỹ thuật); NSƯT Duy Hòa (Sáng tác âm nhạc); Hồng Hải (Thiết kế ánh sáng); Tuyết Minh (Biên đạo múa); Minh Hùng (Thiết kế trang phục) và hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam cùng một số nghệ sỹ, diễn viên và Dàn nhạc Dân tộc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Họ đã mang đến cho vở diễn một sự thành công hơn cả mong đợi".

Khánh Thy

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Chúng tôi đến thăm Thư viện Tưởng niệm Các Mác và Trường Công nhân tại thủ đô London (Anh) vào một ngày nắng đẹp. Khám phá Thư viện, thấy nhiều điều thú vị về cuộc đời hoạt động của nhà tư tưởng cách mạng tiến bộ, lỗi lạc C. Mác. Có thể khẳng định đây là nơi một "kho báu" lưu giữ giá trị của Chủ nghĩa Mác giữa lòng Chủ nghĩa Tư bản.

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

Một quan chức cấp cao tại bang Baja California (Mexico) hôm 4/5 thông tin, các thi thể được tìm thấy dưới một đáy giếng ở khu vực Ensenada của bang này rất có thể là của các vận động viên lướt sóng quốc tịch Mỹ và Australia, vốn được thông báo mất tích hồi tuần trước. 

Giới chức Pháp hôm 4/5 cho biết, ít nhất một người đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương trong vụ xả súng xảy ra ở ngoại ô phía Bắc Thủ đô Paris. Vụ xả súng này được cho là liên quan tới các băng nhóm buôn bán ma túy.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文