Ngày Thơ Việt Nam 2019: Bản hòa âm rộn ràng

09:56 21/02/2019
Năm nay, lần đầu tiên Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức với quy mô lớn, kéo dài tới gần một tuần từ ngày 15 đến 21-2 (tức từ ngày 11 đến 17 tháng Giêng) thông qua các hoạt động liên hoàn về văn chương, trong đó có hai sự kiện: Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ tư; Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ ba.


Cơ hội quảng bá văn học

Theo thông lệ, Ngày Thơ Việt Nam diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, và sự kiện chính do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức diễn ra tại ba địa điểm: Hà Nội, TP Hạ Long (Quảng Ninh) và TP Bắc Giang (Bắc Giang) với nhiều hoạt động thơ ca sôi nổi, đa dạng.

Mở đầu cho chuỗi sự kiện là Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ tư và Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ ba được khai mạc trọng thể vào ngày 16-2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Tới dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan ban ngành; thông tấn báo chí; các nhà thơ, nhà văn, dịch giả trong nước và gần 200 đại biểu văn nghệ sĩ đến từ 46 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Phát biểu khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, đã gần 20 năm trôi qua kể từ Hội nghị Quảng bá văn học lần thứ nhất năm 2002, Việt Nam có thêm nhiều tác phẩm văn học được dịch, xuất bản tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và được đón nhận một cách trân trọng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam.

Trong đó, nhiều tác phẩm được tặng thưởng của các Hội chợ sách quốc tế, nhà xuất bản, tổ chức văn học quốc gia; nhiều tạp chí văn học lớn trên thế giới ra số đặc biệt về văn học Việt Nam; nhiều giáo trình văn học Việt Nam được giảng dạy ở các trường đại học quốc tế…

Mọi hoạt động trao đổi, dịch thuật, xuất bản, quảng bá văn học đã diễn ra sôi nổi, hiệu quả. Bên cạnh đó, những sự kiện liên hoàn đang diễn ra còn góp phần lấy lại sự hài hòa trong phát triển văn hóa dân tộc trước tình trạng “nhập siêu văn hóa” kéo dài.

Bởi, để hiểu căn cốt nền văn hóa Việt Nam, ít hoạt động nào so sánh được với việc giao lưu văn học, nghệ thuật. Các đại biểu quốc tế gửi tới Hội nghị 26 tham luận với tinh thần chung khẳng định văn học Việt Nam đang từng bước đổi mới, phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước, chiều sâu con người hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng, đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị cội nguồn của dân tộc làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung làm giàu cho thế giới.

Chiều cùng ngày, có ba sự kiện văn học diễn ra tại Hà Nội: Các văn nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam tham gia tọa đàm với chủ đề “Văn học Việt Nam - Sức sống của một dân tộc yêu hòa bình” và hai cuộc giao lưu tại hai trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội với chủ đề “Trên đôi cánh thơ ca”.

Sáng 17-2, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17 được khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề “Sông núi trên vai”, hướng về biên cương, biển đảo của Tổ quốc và kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 - 17-2-2019). Cũng như những năm trước, Ngày thơ vẫn có những hoạt động truyền thống như thả thơ, trình diễn, đọc thơ, triển lãm cuộc đời sự nghiệp của các nhà thơ lớn…

Trao đổi cùng chúng tôi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Ngày Thơ Việt Nam năm nay có những điểm nhấn quan trọng, đặc biệt trong nhiệm vụ quảng bá văn học.

“Ở những Hội nghị, Liên hoan Thơ quốc tế trước đó, chúng ta chưa xuất bản được các tác phẩm song ngữ Việt - Anh thì năm nay đã giới thiệu được ba tác phẩm: “10 thế kỷ văn học Việt Nam” của Giáo sư Phong Lê, Tuyển tập thơ Việt Nam “Sông núi trên vai” gồm 44 tác giả và Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại “Một loài chim trên sóng” gồm 22 tác giả.

Mọi cuộc trao đổi, tìm hiểu qua tọa đàm, hội thảo cũng không thể bằng đọc trực tiếp nên dù lượng tác giả, tác phẩm được giới thiệu còn ít thì các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu nước ngoài vẫn khái lược được chân dung cơ bản của nền văn học Việt Nam.

Nhóm nhà thơ quốc tế hào hứng với màn giao lưu tại Sân thơ Trẻ.

Thông qua đó, cùng với các sự kiện liên hoàn khác trong Ngày Thơ Việt Nam, họ có thể tự liên hệ với các tác giả phù hợp để giới thiệu. Rất nhiều đại biểu nước ngoài không chỉ là nghệ sĩ, họ còn là chủ biên, giám đốc các tạp chí, nhà xuất bản uy tín trên thế giới. Ngày Thơ Việt Nam năm nay, các nhà thơ quốc tế giao lưu cả ở sân khấu chính và sân thơ trẻ.

Tác phẩm, bản dịch tác phẩm của họ được lựa chọn kỹ lưỡng về nội dung và thể hiện trang trọng qua nhiều hình thức đọc, trình diễn. Đó cũng là một cách làm tốt giúp các vị khách cảm nhận được không khí truyền thống, văn hóa đậm đà bản sắc Việt và thân ái, hữu nghị thông qua thơ ca để dần đi đến những hoạt động cụ thể trong việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét. 

Sân thơ Trẻ khởi sắc, sáng tạo

Nằm trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, Sân thơ Trẻ có chủ đề “Mở đường bay phía trước” do Ban Nhà văn Trẻ thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà hát Tuổi trẻ, Câu lạc bộ Đọc sách cùng con. Đây cũng là năm đầu tiên Sân thơ Trẻ  diễn ra tại sân Thái Miếu, Quốc Tử Giám - địa điểm những năm trước đây được dành cho lễ khai mạc và các nghi lễ chính của sự kiện. Với mục đích kiến tạo thành điểm hẹn để công chúng gặp gỡ những gương mặt trẻ trung, sung sức và đầy khát vọng đổi mới trên hành trình thơ ca, Sân thơ Trẻ là sự kết hợp giữa hình thức đọc, trình diễn thơ với nghệ thuật sắp đặt, âm nhạc truyền thống, hiện đại, nghệ thuật múa...

Điểm nhấn của Sân thơ trẻ là ba tổ khúc thơ: “Định nghĩa lại ánh sáng”, “Hoa nguồn cội” và “Bài ca đá dựng” được trình bày bởi các nhà thơ trẻ đến từ lực lượng Công an, Quân đội, từ các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình, Gia Lai, như: Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Tú Anh, Nguyễn Anh Vũ, Miên Di, Lý Hữu Lương, Trần Nhật Minh, Nguyễn Minh Cường, Nguyễn Thị Kim Nhung…

Tiết mục này được kết nối trong tiếng đàn guitar và piano thành một câu chuyện thơ bùng nổ về cảm xúc. Ngoài đề tài chiến tranh cách mạng, tình yêu Tổ quốc như sự thể hiện ý thức công dân, màn trình diễn thơ của các tác giả còn có chủ đề bóng đá với những tự sự xúc động về tâm trạng người mẹ có con là tuyển thủ; khoảnh khắc “bới tuyết tìm chiến thắng” và ánh mắt thao thức của triệu triệu con người giờ khắc bóng lăn…

So với những năm trước, Ban tổ chức Sân thơ trẻ đã chú trọng hơn đến các hoạt động tổng thể, tương tác để các nhà thơ đồng hành cùng công chúng. Nhờ đó, sân thơ này có Cổng thông tin, poster thơ giới thiệu về các tác giả thơ trẻ cùng những sáng tác của họ; có hai tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ Doãn Hoàng Kiên; poster lớn khái lược hành trình 15 năm tổ chức Sân thơ Trẻ; màn tương tác giữa các nhà thơ với thiếu niên nhi đồng và các nhà thơ quốc tế. Trong đó tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của Doãn Hoàng Kiên khá độc đáo với những mảnh gương giăng mắc kết nối trong một không gian mở. Những mảnh gương trôi trong vũ trụ đó có thể là một khoảnh khắc về nhân vật nào đó, về những người bạn, về những gương mặt đời sống quanh ta, họ có thể gần gũi hoặc có thể xa lạ.

Có những mảnh gương để trắng để người đến chiêm ngưỡng tác phẩm có thể soi vào đó để nhận ra mình, tìm kiếm chính mình... Một số chi tiết nhỏ cũng được trau chuốt, chẳng hạn hai MC tiếng Việt của chương trình là nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng và Lữ Mai ngoài dẫn dắt, giới thiệu, họ còn trực tiếp đọc trình diễn, tương tác bản dịch với các nhà thơ quốc tế khiến khách mời cảm thấy thích thú và xúc động.

Nhà thơ Kim Tae Soo (Hàn Quốc) nhận xét: “Tôi rất thích Sân thơ Trẻ bởi cách làm mới mẻ, đa chiều từ tác phẩm sắp đặt hàng trăm chiếc gương như phản chiếu mọi mặt đời sống đến thiết kế phông nền sân khấu góc cạnh mà vẫn bay bổng và phần trình diễn, tương tác của các nhà thơ đều rất tuyệt vời”. Trong các nhà thơ đến từ Mỹ, Thụy Điển, Áo, Đức, Nhật Bản… giao lưu tại Sân thơ Trẻ, nhiều người dành những câu thơ sâu đậm với tinh thần ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước, con người Việt Nam vừa thiết tha nồng hậu vừa bất khuất kiên cường.

Trong bản hòa âm rộn ràng của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17, vẫn còn một số điểm cần rút kinh nghiệm như công tác tổ chức ở một số khâu còn thiếu chặt chẽ, kỹ thuật còn gặp sự cố, trục trặc, việc dự tính và ứng phó với thời tiết còn lúng túng… song với tình yêu thơ của các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước được công chúng yêu thơ hưởng ứng nhiệt thành để tạo nên sự hội tụ và lan tỏa sâu rộng.

Các sự kiện liên hoàn về văn học đã diễn ra, góp vào bầu không khí đặc biệt, thân ái, thể hiện khát vọng yêu chuộng hòa bình, nhân văn của người Việt Nam và từng bước khẳng định chúng ta đã và đang nỗ lực trong công cuộc quảng bá nền văn học nước nhà.

Đoàn Lữ

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文